Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nẻo đường bưu tá

09:10, 01/10/2014

Trên mọi nẻo đường của Đồng Nai, không nơi nào không có dấu chân các bưu tá của hệ thống Bưu điện tỉnh. Không quản ngại đường sá xa xôi, họ âm thầm chuyển những chuyến hàng, trao những lá thư, gắn kết tình cảm của biết bao người trên khắp mọi miền đất nước.

Trên mọi nẻo đường của Đồng Nai, không nơi nào không có dấu chân các bưu tá của hệ thống Bưu điện tỉnh. Không quản ngại đường sá xa xôi, họ âm thầm chuyển những chuyến hàng, trao những lá thư, gắn kết tình cảm của biết bao người trên khắp mọi miền đất nước.

“Cẩn thận chó dữ…”

Đó là câu cửa miệng của ông Huỳnh Nghiệp Hải (53 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) dặn dò các đồng nghiệp trẻ mới bước vào nghề bưu tá. Với kinh nghiệm hơn 30 năm rong ruổi các nẻo đường của TP.Biên Hòa để giao thư, ông Hải bảo chuyện chó giữ nhà với mọi người có vẻ bình thường nhưng lại là nỗi ám ảnh của người làm nghề bưu tá.

Ông Huỳnh Văn Đường sắp xếp thư vào túi trước giờ làm việc.
Ông Huỳnh Văn Đường sắp xếp thư vào túi trước giờ làm việc.

“Tôi làm tại Bưu điện tỉnh đến nay được 33 năm. Nghề này cực nhưng vui lắm, đi nhiều, biết nhiều, không phải ngồi một chỗ. Vì đi nhiều nên tôi vẫn luôn dặn dò những người trong nhóm, anh em mới vào nghề phải cẩn thận khi phát thư tại nhà dân; tránh trường hợp bị chó nuôi của chủ nhà tấn công, nhẹ rách đồ, nặng thì đi chích ngừa, hoặc tệ hơn là nằm bệnh viện. Thậm chí khi đi học nghiệp vụ, những giảng viên cũng yêu cầu bưu tá lưu ý chuyện nhà có nuôi chó. Nói không quá, chứ bị chó cắn là nỗi ám ảnh của mỗi bưu tá đấy” - ông Hải nói vui.

Hiện tại, tổng số bưu tá thuộc Bưu điện tỉnh quản lý có hơn 200 người. Chỉ riêng tại TP.Biên Hòa đã có hơn 50 người, do đặc thù thành phố có nhiều thư, bưu phẩm cần chuyển mỗi ngày. “Tại Khu công nghiệp Amata mỗi ngày tôi phải chuyển từ 350-400 lá thư, công văn, giấy tờ; đó là chưa tính đến bưu phẩm” - anh Nguyễn Tuấn Hải (33 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết.

Hàng ngày, công việc của mỗi bưu tá bắt đầu từ khoảng 5 giờ bằng việc đến Bưu điện tỉnh nhận thư được giao. Mỗi bưu tá phụ trách một tuyến, bao gồm một phường hoặc nhiều khu phố tại các phường khác nhau. Sau khi giao hết thư, bưu phẩm buổi sáng, đến 13 giờ bưu tá lại quay về bưu điện để nhận thư, bưu phẩm buổi chiều. Công việc này không tính theo giờ hành chính, đến khi nào chuyển hết thư được giao thì mới coi như kết thúc công việc của một ngày.

“Đến thập niên 80-90, tất cả bưu tá chúng tôi còn đi chuyển thư bằng xe đạp. Đến năm 1996, người nào khá lắm mới sắm được chiếc Honda Cub đời 78, 79, 81, mà phải lựa toàn xe cũ vì sợ bị trộm. Cách đây 20 năm, khi internet chưa phát triển, điện thoại di động là thứ xa xỉ, điện thoại bàn cũng còn hạn chế, khi ấy là thời hoàng kim của những lá thư viết. Nhận lá thư của người thân từ các tỉnh xa, nhất là từ nước ngoài gửi về, chủ nhà rất cảm động và cảm ơn chúng tôi rối rít. Lúc ấy, đi xe đạp chuyển thư cực nhọc mà vẫn rất vui” - ông Huỳnh Văn Đường (56 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa), người có hơn 30 năm trong nghề bưu tá, hồi tưởng lại.

Nghe địa chỉ, biết tên chủ nhà   

Trung bình mỗi bưu tá đem theo hơn 20kg thư, bưu phẩm và di chuyển quãng đường từ 40-90km trong một ngày để chuyển hết số thư được giao theo tuyến. Ngoài ra, còn có những bưu tá phụ trách giao hàng mua qua mạng. Để thực hiện tốt công việc này, đòi hỏi bưu tá phải là những người có tuổi nghề, tuổi đời cao vì phải biết kiên nhẫn, chiều lòng khách.

“Khác với thư thường, loại hàng hóa này cần phải được ký nhận và giao tận tay khách hàng, đồng thời thu tiền giúp phía bán hàng rồi mới có thể yên tâm ra về. Và khách hàng thì không phải lúc nào cũng có sẵn ở nhà để nhận hàng, cần phải biết khéo léo gọi điện thoại, hẹn giờ để giao hàng và đặc biệt là không được làm mích lòng khách mua hàng. Vì vậy, đôi lúc chúng tôi chỉ chuyển vài món hàng trong nội ô TP.Biên Hòa là đã mất hết một ngày rồi” - ông Huỳnh Nghiệp Hải tâm sự.

Theo những bưu tá lâu năm, điều khó khăn nhất của bưu tá mới vào nghề chính là thuộc lòng từng địa chỉ nhà tại tuyến được giao. Mỗi khách hàng lại có một kiểu ghi địa chỉ khác nhau, có người thậm chí ghi sai cả tên đường, hoặc chỉ ghi tên đường, không rõ phường, xã nào. Khi đó, bưu tá phải biết xử lý khéo léo để thư, bưu phẩm chuyển đến đúng chỗ.

Ông Huỳnh Nghiệp Hải chuẩn bị bắt đầu ngày làm việc.
Ông Huỳnh Nghiệp Hải chuẩn bị bắt đầu ngày làm việc.

“Như chúng tôi làm lâu năm mới có thể nhớ rõ địa chỉ đó thuộc phường xã nào, đường đi như thế nào cho nhanh. Còn anh em mới vào nghề phải tự tìm cách riêng để thuộc đường, hoặc đi nhiều lần cho quen. Nghề nào không biết, chứ nghề này phải lạc đường vài lần mới nhớ đường chuyển thư lần sau. Như vậy cũng chưa là gì, nếu chuyển thư đến các cơ quan lớn mà người gửi không ghi rõ người nhận ở phòng, ban nào thì sẽ khó khăn cho chúng tôi chuyển thư tới đúng người” - ông Đường bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh, phần lớn bưu tá làm việc tại Bưu điện tỉnh có tuổi đời từ 24 đến trên 50, được chia thành 6 nhóm từ 5-12 người, làm nhiệm vụ trên 29 phường, xã thuộc TP.Biên Hòa (riêng xã Tam Phước do Bưu điện huyện Long Thành quản lý). Do trải qua nhiều bước từ tỉnh đến các huyện, xã, nên một bưu phẩm (hoặc lá thư) được gửi từ TP.Biên Hòa về đến các huyện ở xa, như: Tân Phú, Xuân Lộc thường mất từ 24-48 giờ, tùy theo địa chỉ nhận.

Khoảng 10 năm trở lại đây, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin nên không còn nhiều thư viết tay cần chuyển như trước. Cộng với việc bưu điện hợp đồng với một số trường đại học, siêu thị nên bưu tá được giao thêm nhiệm vụ chuyển thông báo chiêu sinh, tờ rơi quảng cáo của các siêu thị đến từng gia đình. Đã không ít lần, những bưu tá bị chủ nhà phản ứng vì cho rằng tờ rơi quảng cáo, thông báo từ bưu điện chuyển đến là xả rác vào nhà họ.

“Nhiều lúc khách hàng mua hàng qua mạng ngày hôm trước, hôm sau chúng tôi chuyển hàng đến thì bị chủ nhà “bật” lại vì lý do chuyển hàng đến sớm quá, họ chưa chuẩn bị tiền, thế là chúng tôi lại phải đem hàng ngược về. Đưa trễ cũng phiền phức, giao sớm cũng không yên, nghề của chúng tôi là thế đấy, “làm dâu trăm họ” mà. Thế nên, trong lĩnh vực chuyển hàng này đôi lúc những người lớn tuổi lại có lợi thế hơn vì khéo léo thuyết phục khách hàng” - ông Đường trầm giọng nói.

Sau một lúc trầm ngâm như suy tư về nghề, ông Huỳnh Văn Đường và ông Huỳnh Nghiệp Hải đứng dậy khoác chiếc túi thư nặng trĩu lên vai. Hai ông cho biết, dù công việc khó khăn đến mức nào nhưng đã theo nghề đến nay thì không thể bỏ được. “Sinh nghề tử nghiệp mà, chúng tôi phải cố gắng thôi” - ông Huỳnh Nghiệp Hải nói rồi lên xe nổ máy, nhanh chóng hòa vào dòng người đông đúc đang đi trên đường phố.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều