Sau nhiều lần thâm nhập thực tế để đo, vẽ thực địa kết hợp với các tài liệu của cơ sở nội tuyến bên trong sân bay cung cấp về cách bố phòng của địch trong sân bay Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Miền đã cử 2 đồng chí Lương Văn Nho và Nguyễn Hồng Lâm trực tiếp về Biên Hòa chỉ huy, tổ chức trận đánh.
Sau nhiều lần thâm nhập thực tế để đo, vẽ thực địa kết hợp với các tài liệu của cơ sở nội tuyến bên trong sân bay cung cấp về cách bố phòng của địch trong sân bay Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Miền đã cử 2 đồng chí Lương Văn Nho và Nguyễn Hồng Lâm trực tiếp về Biên Hòa chỉ huy, tổ chức trận đánh.
* Sẵn sàng cho trận đánh
Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, sân bay Biên Hòa có diện tích trên 40km2 với 2 đường băng dài 3,6 ngàn m và 1 ngàn m. Bên trong sân bay được chia thành 6 khu vực, mỗi khu vực chứa từ 170-190 máy bay. Lực lượng của địch thường xuyên có mặt trong sân bay với số lượng trên 2 ngàn người, gồm: giặc lái, nhân viên kỹ thuật, binh lính Mỹ - ngụy bảo vệ sân bay. Ngoài ra, trong sân bay còn có một đại đội pháo, một đại đội xe tăng, 2 tiểu đoàn lính dù và thủy quân lục chiến, một tiểu đoàn quân khuyển gồm 100 con. Từ sân bay này, không quân Mỹ đã mang bom đạn đi phục vụ các cuộc càn quét và gây nhiều tội ác với đồng bào miền Nam.
Lực lượng đánh sân bay Biên Hòa hành quân tiếp cận mục tiêu. |
“Nhận được báo cáo chi tiết về cách bố phòng của địch bên trong sân bay Biên Hòa và kiểm tra lần cuối phương án trận đánh, nhưng để đảm bảo cho trận đánh chắc thắng, đồng chí Lương Văn Nho đã hỏi đi hỏi lại anh em chúng tôi nhiều lần: “Các cậu đã tính toán phần tử bắn kỹ chưa?”. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo công tác chuẩn bị đã hoàn chỉnh, đồng chí Lương Văn Nho mới an tâm và cùng các lãnh đạo thông qua kế hoạch tác chiến” - ông Trần Hoài Nhân, nguyên cán bộ trợ lý pháo binh Miền (hiện ngụ quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) kể lại.[links(right)]
Ông Võ Văn Lượng (Tư Định), nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu giai đoạn 1964, nhớ lại: “Ngày 29-10-1964, tôi nhận được lệnh của cấp trên phải cử một bộ phận du kích dùng ghe, xuồng bí mật đưa bộ đội từ Chiến khu Đ vượt sông Đồng Nai về Biên Hòa vào tối 31-10-1964. Đây là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng nên tôi đã cử ngay một bộ phận lực lượng vũ trang của huyện thực hiện đúng theo lệnh của cấp trên”.
Nói về chuyện đưa bộ đội tiếp cận mục tiêu trước trận đánh, ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (nguyên Chính trị viên Đội biệt động TX.Biên Hòa lúc bấy giờ) chia sẻ: “Chiều 31-10-1964, tôi nhận lệnh đến Thường Lan, Tân Tịch phối hợp với lực lượng của Tân Uyên và Vĩnh Cửu đưa bộ đội vượt sông thực hiện trận đánh. Thấy anh em bộ đội súng to, súng nhỏ gấp rút hành quân theo sự dẫn đường của các trinh sát tiến về khu vực vành đai sân bay Biên Hòa, chúng tôi hồi hộp vô cùng”.
* Trận đánh “long trời, lở đất”
Được sự phối hợp tích cực của các lực lượng vũ trang cơ sở, chiều 31-10-1964, từ căn cứ Chiến khu Đ, các đơn vị tham gia trận đánh, gồm: Đoàn pháo binh Miền có sự hỗ trợ của bộ đội đặc công, bộ đội chủ lực của Miền và Quân khu 7, bộ đội địa phương của Tân Uyên, Vĩnh Cửu và đội vũ trang TX.Biên Hòa với vũ khí trang bị là 9 khẩu súng cối 81 ly, 2 khẩu ĐKZ 75 ly và nhiều cơ số đạn pháo đã bí mật vượt sông Đồng Nai hành quân đến hốc Bà Thức (nay là phường Tân Phong) đặt trận địa pháo cách sân bay Biên Hòa khoảng 1km về phía Đông Bắc.
Lúc này, mọi công tác chuẩn bị để giành hiệu suất cao cho trận đánh được các chiến sĩ thực hiện khẩn trương. Các mục tiêu quan trọng trong sân bay, như: bãi đậu máy bay, kho xăng dầu, vũ khí, trại lính... đã được đưa vào tầm ngắm chính xác của các loại pháo, cối của ta.
Đến 11 giờ 30 đêm 31-10-1964, lệnh tiến công vào sân bay Biên Hòa đã được chỉ huy trận đánh ban ra. Ngay lập tức pháo ta đồng loạt gầm lên, bắn cấp tập vào các mục tiêu trong sân bay. Các quả đạn được rót chính xác vào từng mục tiêu, từng vị trí khiến cho sân bay Biên Hòa chìm trong biển lửa, cháy sáng rực cả một góc trời. Cả TX.Biên Hòa và các vùng phụ cận rung lên vì những tiếng nổ “long trời, lở đất”. Chỉ trong vòng 15 phút tiến công với 130 quả đạn pháo, cối được bắn chính xác, quân ta đã phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57, loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ, mới được đưa từ Philippines sang để chuẩn bị đi gây tội ác ở miền Bắc; 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám U2; diệt và làm bị thương 293 tên địch gồm hầu hết là giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ; tiêu hủy và làm nổ tung 2 kho bom đạn lớn, 1 kho xăng, một đài quan sát và 18 trại lính.
Báo Thế giới của Cộng hòa liên bang Đức nhận xét về trận đánh sân bay Biên Hòa: “Trận đòn của Việt Cộng đánh vào sân bay Biên Hòa làm cho các nhà quân sự ở Hoa Thịnh Đốn rất đau đầu... Việt Cộng ở Biên Hòa đã thực hiện một điều lý tưởng về chiến thuật quân sự là dùng những phương tiện tối thiểu để thu được kết quả tối đa và gây thiệt hại hàng chục triệu USD cho không quân Mỹ”. |
Về trận đánh phủ đầu quân xâm lược Mỹ ở sân bay Biên Hòa vào đêm 31-10-1964, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (Hai Cà), nguyên Tỉnh đội trưởng U1 Biên Hòa ngày ấy, lúc còn sống đã có lần nói với chúng tôi: “Để có được những trái pháo có chất lượng tốt nhất bắn vào sân bay Biên Hòa, đơn vị của tôi đã tiếp nhận, bảo quản, gìn giữ chu đáo cả năm trời”.
Sau khi bị cú đánh bất ngờ như trời giáng, sáng 1-11-1964, đại sứ Mỹ Taylor tức tốc đến sân bay Biên Hòa thị sát tình hình. Thẫn thờ nhìn xác máy bay bốc cháy nằm ngổn ngang, ông ta ngao ngán thở dài: “Rõ ràng Việt Cộng đã làm một việc chưa hề có…, tôi không muốn nhìn thấy cảnh tượng này nữa…”.
Trận đánh vào sân bay Biên Hòa đêm 31-10-1964 được xem là trận đánh táo bạo, bất ngờ, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đây cũng là trận đánh đầu tiên của các lực lượng vũ trang miền Nam vào một sân bay chiến lược của Mỹ kể từ lúc Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Sau trận đánh, lực lượng pháo binh Miền đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất, loại huân chương cao nhất lần đầu tiên Đảng, Nhà Nước tặng thưởng cho Quân giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác Hồ cũng đã viết thơ ca ngợi chiến thắng sân bay Biên Hòa:
“Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu.
Thành đồng chiến thắng lay lầu trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”.
Đức Việt