Báo Đồng Nai điện tử
En

Biến ý chí thành hành động (Bài 1)

08:10, 28/10/2014

50 năm trước, vào đêm 31-10-1964, quân dân Biên Hòa phối hợp với lực lượng pháo binh Miền bất ngờ đánh trận tập kích vào sân bay Biên Hòa: sân bay quân sự lớn nhất miền Nam của Mỹ - ngụy...

50 năm trước, vào đêm 31-10-1964, quân dân Biên Hòa phối hợp với lực lượng pháo binh Miền (tiền thân của Lữ đoàn Pháo binh 75, Quân khu 7 ngày nay) đã bất ngờ đánh trận tập kích vào sân bay Biên Hòa, sân bay quân sự lớn nhất miền Nam của Mỹ - ngụy. Trận đánh đã giáng một đòn choáng váng vào kẻ thù, là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, thúc đẩy quân dân ta tiếp tục tiến lên làm nên những chiến thắng mới trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trinh sát mục tiêu sân bay Biên Hòa.
Trinh sát mục tiêu sân bay Biên Hòa.

Kể lại trận thắng lịch sử này, ông Huỳnh Văn Phép (thường gọi là Nguyễn Hiếu Nghĩa, nguyên Chính trị viên Đội biệt động TX.Biên Hòa lúc bấy giờ, hiện ngụ KP.3, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bày tỏ sự xúc động: “Đây là một chiến thắng quá lớn, vượt ngoài mong đợi của anh em chúng tôi lúc bấy giờ”.

* Nhiệm vụ đặc biệt

Bồi hồi nhớ lại trận thắng vang dội sân bay Biên Hòa 50 năm trước, ông Nguyễn Hiếu Nghĩa cho biết, vào mùa khô 1964-1965, giặc Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam nhằm biến đất Biên Hòa thành căn cứ quân sự lớn, trong đó có sân bay Biên Hòa. Để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược, Quân ủy Miền và Tỉnh ủy Biên Hòa lúc bấy giờ đã xác định: “Để đánh và thắng Mỹ trên chiến trường Biên Hòa, lực lượng cách mạng, nhất là lực lượng vũ trang phải áp sát vào thành phố, thị xã, kéo căng địch ra mà đánh. Toàn quân, toàn dân đánh Mỹ đều khắp bằng mọi thứ vũ khí hiện có; kết hợp 3 mũi giáp công tiến công địch trên mọi mặt trận, mọi lúc, mọi nơi”.

Ngày 3-10-1964, cố Thiếu tướng Lương Văn Nho, Đoàn phó đoàn pháo binh Miền (nguyên Phó tư lệnh Quân khu 7) tổ chức họp bàn kế hoạch nghiên cứu thực địa sân bay Biên Hòa. Tổ điều nghiên do đồng chí Huỳnh Thành Đồng phụ trách lên kế hoạch đi thực địa 12 ngày cả đi và về. Nhưng đến ngày thứ 13 mới về đến căn cứ, báo cáo là đã vào đến hàng rào cuối cùng để quan sát sân bay, nhìn thấy tận mắt mọi cách bố phòng, các khu vực để máy bay, nhà ở, kho tàng… và đếm được trong sân bay có 36 chiếc B57 tối tân nhất mà Mỹ vừa mang từ Philippines sang, còn AD6, trực thăng thì… như cá nằm trong rổ!

Thực hiện quyết tâm đó, đầu tháng 10-1964, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền đã ra chỉ đạo: “Phải đánh một đòn chí mạng vào sân bay Biên Hòa, gây cho địch nhiều thiệt hại để chúng không còn sức mang bom đi gây tội ác đối với đồng bào ta”. Từ chủ trương này, Tỉnh ủy Biên Hòa đã nhanh chóng cử lực lượng trinh sát biệt động TX.Biên Hòa do ông Nguyễn Hiếu Nghĩa phụ trách phối hợp với các trinh sát đặc công pháo binh Miền đi điều nghiên địa hình sân bay Biên Hòa chuẩn bị cho trận đánh.

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa nhớ lại, khi được giao nhiệm vụ, mọi người lúc đó hết sức lo lắng vì đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, cho dù phải hy sinh tính mạng. Tuy nhiên, trước nhiệm vụ thiêng liêng ấy, ông và đồng đội không hề nao núng mà hạ quyết tâm trước Thị ủy Biên Hòa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Trong những ngày đầu phối hợp với lực lượng đặc công, trinh sát pháo binh Miền đi điều nghiên sân bay Biên Hòa, các trinh sát biệt động TX.Biên Hòa có nhiệm vụ bám địch, dẫn đường để cho các chiến sĩ đặc công, trinh sát pháo binh Miền xâm nhập vào sân bay Biên Hòa đo, vẽ sơ đồ vị trí sân bay, vị trí máy bay đậu, các kho tàng, trại lính, vị trí bố phòng của địch… để phục vụ cho trận đánh” - ông Nghĩa chia sẻ.

* Bố phòng cẩn mật

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa nói tiếp, nhiệm vụ là như vậy, nhưng diễn biến thực tế khiến việc triển khai thực hiện không phải dễ dàng. Bởi sân bay Biên Hòa có hệ thống canh phòng rất kín kẽ, hệ thống chỉ huy, liên lạc hiện đại và hệ thống phòng thủ kiên cố bao gồm nhiều lớp rào kẽm gai bùng nhùng chồng lên nhau. Dưới lớp hàng rào, địch còn đặt nhiều loại mìn và pháo sáng khá nhạy. Chỉ cần một con vật nào bò ngang qua chạm vào là thứ vũ khí ấy sẽ phát nổ, địch sẽ phát hiện ngay. Chung quanh lớp hàng rào, cứ 100m có một lô cốt canh giữ. Ban đêm, sân bay được chiếu sáng bằng hệ thống đèn pha cực mạnh. “Muốn dẫn đường cho bộ đội xâm nhập vào sân bay Biên Hòa an toàn đòi hỏi các trinh sát biệt động phải nắm địch thật kỹ và phải chọn được hướng an toàn, nơi không có địch gài mìn, canh gác để đưa bộ đội vào. Ngày đầu tiên, tôi được phân công dẫn 3 cán bộ trinh sát đặc công Miền xâm nhập sân bay, trong đó đồng chí Lung là người to khỏe, nhanh nhẹn và rất tỉ mỉ, chi tiết khi đo, vẽ các sơ đồ để thực hiện trận đánh” - ông Nghĩa kể.

Đồng chí Lương Văn Nho thông qua phương án đánh sân bay Biên Hòa.
Đồng chí Lương Văn Nho thông qua phương án đánh sân bay Biên Hòa.

 Ròng rã gần tháng trời đột nhập ra, vào sân bay, kết hợp với việc thu thập tư liệu từ các cơ sở nội tuyến của ta bên trong sân bay cung cấp, nhiệm vụ vẽ sơ đồ của tổ đặc công, trinh sát pháo binh Miền cũng đã cơ bản hoàn thành. Lần cuối cùng, trước khi trận đánh diễn ra khoảng 5 ngày, khi ông Nghĩa dẫn lực lượng đặc công và trinh sát tiếp tục đột nhập vào sân bay thì có một sự việc bất ngờ xảy ra. Đó là vào một đêm gần cuối tháng 10-1964, khi đưa mọi người băng rừng từ hướng khu vườn chôm chôm ở Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) để vào sân bay, lúc băng qua đồng ruộng mọi người bị những người dân đặt lờ bắt cá ban đêm phát hiện. Tưởng nhóm trinh sát đi điều nghiên sân bay là dân đi trộm lờ, những người đi bắt cá chặn mọi người lại chửi bới ầm ĩ. Sợ bị lộ, mọi người không thể giải thích mà chỉ im lặng nghe chửi rồi lặng lẽ chuồn êm.

Nhắc lại những lần đi trinh sát, điều nghiên sân bay Biên Hòa, ông Trần Hoài Nhân, nguyên cán bộ trợ lý pháo binh Miền (hiện ngụ quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Nhiều lần anh em chúng tôi ép sát hàng rào thép gai của sân bay, không biết địch có chủ quan hay không mà khi chúng tôi đứng lên để quan sát, đo, vẽ cho rõ các vị trí trong sân bay mà địch không phát hiện”.

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều