Dưới mái nhà tạm lánh dành cho những cô gái trót lầm lỡ và từng có ý định phá thai, nhiều câu chuyện buồn được kể lại với những giọt nước mắt hối hận. Sau này, khi đã sinh con xong, họ sẽ rũ bỏ quá khứ bất hạnh để vươn lên làm lại cuộc đời.
Dưới mái nhà tạm lánh dành cho những cô gái trót lầm lỡ và từng có ý định phá thai, nhiều câu chuyện buồn được kể lại với những giọt nước mắt hối hận. Sau này, khi đã sinh con xong, họ sẽ rũ bỏ quá khứ bất hạnh để vươn lên làm lại cuộc đời.
Những cô gái mang thai ngoài ý muốn đã may mắn được trú thân trong nhà tạm lánh Mai Tiến (KP.4, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa). Nơi đây trở thành mái ấm yên bình giúp họ vượt qua những tháng ngày dông bão.
* Những cuộc gọi cầu cứu
Nhà tạm lánh Mai Tiến do linh mục Nguyễn Văn Tịch khởi xướng xây dựng từ năm 2011. Ban đầu, mái ấm chỉ là ngôi nhà cấp 4 có 7 phòng; sau đó được xây mới khang trang, rộng rãi với 12 phòng, mỗi phòng 3-4 người ở. Từ chỗ có vài cô gái đến tạm lánh chờ ngày “vượt cạn”, bây giờ số người tá túc đã tăng lên gần 150. Mọi người đến đây với nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có điểm chung là bị bỏ rơi, lầm lỡ trong đời.
Bà Nguyễn Thị Căn (ngồi giữa), quản lý nhà tạm lánh Mai Tiến, đến động viên các bà mẹ trẻ. |
Đầu năm 2014, T.H. (21 tuổi) phải “tự bơi” một mình từ TP.Đà Nẵng vào nhà tạm lánh Mai Tiến xin được cưu mang. Dù luôn khẳng định mình còn chừng một tháng nữa mới sinh nhưng chỉ 30 phút sau khi đến đây, H. bỗng lên cơn chuyển dạ. Mọi người chưa kịp sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho thành viên mới đã khẩn trương gọi xe đưa H. đi bệnh viện sinh. Tình huống dở khóc dở cười của H. khiến ai nấy đều thương cảm.
Sớm lăn lộn vào đời, làm công nhân xa nhà nên H. dễ dàng chấp nhận sống thử với một thanh niên làm cùng công ty. Đến khi biết H. có thai, người yêu lẳng lặng bỏ đi biệt tăm, H. phải lãnh hậu quả do sự dại dột của bản thân. Những tháng đầu thời kỳ mang thai cho đến lúc sắp sinh, H. luôn tìm cách giấu giếm sự để ý của mọi người. Khi cảm thấy cơ thể quá nặng nề, H. nhẩm tính sắp đến ngày “lâm bồn” mới làm đơn xin nghỉ việc.
Sau những phút trải lòng đẫm nước mắt, ánh mắt của những cô gái tá túc ở nhà tạm lánh Mai Tiến vẫn ánh lên niềm hy vọng. Họ bảo vẫn còn may mắn khi được tạm trú trong căn nhà này. Dù phía trước gặp nhiều chông gai, thử thách nhưng ai cũng mong sẽ có một bến đỗ bình yên. |
“Sắp sinh con nhưng tôi vẫn không để cho ai biết mình có thai, mà nói dối với đồng nghiệp xin nghỉ việc để về nhà lấy chồng và lặng lẽ vào đây khi tình cờ đọc được thông tin qua một tờ báo. Do không khám thai trong suốt thai kỳ nên tôi cũng không biết bao giờ sẽ sinh. Lúc ngồi trên xe khách đến đây, cảm giác lo sợ không tìm được nhà tạm lánh lấn át, che lấp hết cả dấu hiệu chuẩn bị vượt cạn” - H. thật thà kể lại.
Hụt hẫng, tuyệt vọng khi chẳng biết nương nhờ vào đâu, N.L. (24 tuổi) quyết định tìm đến nhà tạm lánh Mai Tiến để chuẩn bị cho thời gian làm mẹ sắp tới. Vừa ra trường, L. may mắn tìm được việc làm đúng ngành đã học. Khoản tiền kiếm được, L. còn gửi về cho mẹ nuôi cha bị bệnh tâm thần. Thế rồi, tình yêu 7 năm giữa L. với người yêu tan vỡ, hệ quả là có một bào thai ngoài ý muốn.
“Tiếc vì phải bỏ dở công việc ổn định mà bao bạn bè mong ước, tiếc hơn nữa là bản thân tôi quá khờ dại. Ngày trước, đều đặn hàng tháng tôi gửi tiền về nhà, còn hiện tại không đi làm được nên phải xén bớt khoản tiền dành dụm để nuôi con lúc sinh xong, lúc nào cũng lo lắng sợ thiếu hụt” - L. cho biết.
Hàng ngày, L. phải gồng mình ngồi nhiều giờ liền để gấp giấy hình các con vật nhằm kiếm thêm tiền gửi về cho mẹ. Khó khăn về vật chất, thiếu thốn tình cảm sẻ chia, sự động viên của người lớn khi chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối thai kỳ hằn sâu trên khuôn mặt cô gái trẻ. L. tâm sự: “Phải đấu tranh tâm lý nhiều lắm tôi mới quyết định không phá thai. Tôi như một cổ vướng phải nhiều tròng, chẳng biết bấu víu vào đâu. Nhớ lúc gọi điện thoại cho chị quản lý mái ấm và được chấp nhận cho ở lại đây, tôi cảm thấy như được cứu sống trong cơn thập tử. Dù cuộc sống trước mắt sẽ lắm chông gai nhưng tôi vẫn tự tin vì đã có nơi nương tựa để chuẩn bị vượt cạn”.
* Lỡ lầm nhưng may mắn
Tại nhà tạm lánh Mai Tiến, những người có thời gian “gắn bó” lâu nhất là mẹ con chị B.N. (30 tuổi), đến đây từ năm 2011.
Suốt thời kỳ mang thai cũng như khi con ra đời, chỉ có mẹ con chị N. tự chăm sóc nhau. Những lúc yếu mềm, chị tự an ủi bản thân và cố gắng vượt qua, chỉ cần nghĩ đến tương lai của con là bao nhiêu buồn phiền tan biến. Chờ khi con trai được 3 tuổi, đủ cứng cáp, chị N. sẽ dọn ra ở riêng rồi tìm việc làm tại TP.Biên Hòa.
Một cô gái chuẩn bị đồ cho em bé chờ “vượt cạn” tại nhà tạm lánh. |
“Tôi đủ chín chắn để làm mẹ nên sẽ quyết tâm nuôi bé khôn lớn. Lúc sinh cháu, may mà có mấy chị em cùng hoàn cảnh giúp đỡ nên khó khăn trước mắt đã vượt qua. May mắn vì có chỗ để nuôi con khi chẳng có người thân nào bên cạnh” - chị N. chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Căn, quản lý nhà tạm lánh Mai Tiến, nhiều người đến đây không chỉ có chỗ ăn, nơi nghỉ ngơi, mà họ còn được tiếp đón, yêu thương như những người thân trong một đại gia đình. Ai cũng được miễn phí ăn ở, thậm chí còn được lo chu tất chuyện sinh nở nếu như không có thân nhân bên cạnh.
Mái ấm ra đời nhờ linh mục Nguyễn Văn Tịch vận động các nhà hảo tâm xây dựng để những người mẹ mang thai có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa có chỗ ở ổn định, không phải từ bỏ con mình.
Mới đây, một mái ấm khác gần Khu công nghiệp Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) đã hoàn thành với diện tích lớn hơn nhiều so với hiện tại. Nơi đây sẽ dành cho các cô gái có con trên 6 tháng tuổi đến sinh sống và làm việc. “Chúng tôi đã liên kết với một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, họ sẽ nhận tất cả chị em vào làm nếu ai có nhu cầu. Hiện mái ấm này đã tiếp nhận 5 trường hợp… Số chị em tìm đến đây ngày càng đông, cho thấy mô hình này đã thành công và mang lại được hiệu quả tốt” - bà Căn hồ hởi cho hay.
Thanh Hải