Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện anh Nên phục thiện

11:10, 04/10/2014

"Hồi xưa tui quậy phá có tiếng ở khu vực này; đua xe, tụ tập phá phách tui là số một. Giờ tui bỏ hẳn mấy chuyện đó rồi, chỉ chuyên tâm làm ăn thôi…" - anh Nguyễn Phúc Nên bắt đầu kể về một thời quậy phá của mình như thế.

Nhanh nhẹn đẩy chiếc xe máy vừa sửa xong ra nổ máy thử, thấy máy móc đã “ngon lành”, anh Nguyễn Phúc Nên (30 tuổi, ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) giao xe cho khách rồi ngồi tiếp chuyện với chúng tôi. “Hồi xưa tui quậy phá có tiếng ở khu vực này; đua xe, tụ tập phá phách tui là số một. Giờ tui bỏ hẳn mấy chuyện đó rồi, chỉ chuyên tâm làm ăn thôi…” - anh Nên bắt đầu kể về một thời quậy phá của mình như thế.

Quơ lấy chiếc khăn để trên bàn lau đôi tay lấm lem dầu nhớt, anh Nên kể tiếp: “Hồi học THCS, tui theo bạn bè nghịch phá khắp nơi. Năm 2000 lên THPT, tui được ba mẹ mua cho chiếc Honda Dream để đi học. Ngày đó, đi đâu cũng thấy xe máy Trung Quốc hay xe Honda Cub, nên với đám bạn chung xóm chiếc Honda Dream của tui được xếp vào hàng “dữ dằn”. Từ nhỏ tui đã mê mấy thứ máy móc, nên lúc có xe tui tìm đến nhà chú ruột học cách “độ” lại máy móc để “khè” tụi bạn chung lớp…”.

“Quái xế” một thời

Khi đã “độ” được chiếc xe theo ý muốn, trong một lần đi chơi đêm, Nên đã tham gia nhóm đua xe máy trái phép trên quốc lộ 1 từ TX.Long Khánh đến tận TP.Biên Hòa. Anh nhớ lại, vì muốn chứng tỏ bản thân và cũng muốn có thêm bạn bè nên anh đã theo đám đua xe đến mấy năm. Nhiều lần bị lực lượng chức năng truy đuổi, anh cùng đám “quái xế” liều mạng chạy trốn bằng cách tăng tốc lao vào các đường nhỏ, rừng cao su, vượt mặt xe tải hòng “cắt đuôi” lực lượng chức năng.

Anh Nguyễn Phúc Nên (trái) hướng dẫn em Dương Đông Vũ sửa xe cho khách.
Anh Nguyễn Phúc Nên (trái) hướng dẫn em Dương Đông Vũ sửa xe cho khách.

“Chuyện này đã là quá khứ rồi, giờ kể lại tui thấy ngại lắm. Ngày xưa còn trẻ con nên có biết sợ gì đâu, ba mẹ la mắng cũng ngồi trơ ra đó. Cũng có mấy lần tui tính bỏ chuyện đàn đúm cùng đám bạn đua xe, nhưng khi nghe tiếng nẹt pô xe thì bản tính hiếu thắng trỗi dậy, tui lại xách xe đua tiếp. Hồi đó, xe Honda Dream tui “độ” máy chạy được 110-120km/giờ là chuyện thường. Giờ nghĩ lại mà sợ, mấy đứa bạn trong nhóm đua xe của tui 10 người thì bị tai nạn chết hết 4 cũng chỉ vì hay lạng lách, băng ngang đầu xe tải…”  - anh Nên chậm rãi kể.

Bước ngoặt khiến anh Nên từ bỏ con đường quậy phá và việc đua xe máy trái phép vào năm 2006. Nhiều lần chứng kiến những cái chết thương tâm trong lúc đua xe trái phép trên quốc lộ 1 và được sự khuyên nhủ liên tục của gia đình, anh Nên quyết tâm đi học nghề và rời bỏ hẳn đám bạn đua xe. Qua 8 tháng học nghề sửa xe máy tại Trung tâm dạy nghề sửa xe gắn máy Đồng Nai, anh Nên về nhà gom góp tiền mở một tiệm sửa xe nhỏ tại ấp Ngô Quyền.

Thay đổi nhận thức

Vừa sửa xe vừa tự học thêm những kiến thức đã bỏ lỡ suốt những năm vùi đầu vào những cuộc đua xe bạt mạng, anh Nên tâm sự: “Thỉnh thoảng đi đường lại thấy các thiếu niên 16-17 tuổi chạy xe nẹt pô ầm ầm giống tui hồi trước. Mỗi lần như vậy, tui lại chạy nép sát vào lề đường vì sợ mang họa vào thân. Lúc còn học sinh, vì thích chứng tỏ bản thân nên tui mới làm vậy, giờ có gia đình rồi nên phải nghĩ cho tương lai chứ. Gần nhà tui có em Dương Đông Vũ (17 tuổi) cũng nghịch lắm, gia cảnh khó khăn quá không đi học tiếp được. Thấy nó cũng phá phách giống như tui hồi xưa, sợ tương lai không trở thành người lương thiện, tui mới nói nó qua nhà tui học nghề, không nên “lông bông” như vậy nữa…” - anh Nên kêu Vũ lại gần rồi kể cho chúng tôi nghe trường hợp của Vũ.

Anh Hoàng Văn Nuôi (trái) hỏi thăm em Dương Đông Vũ.
Anh Hoàng Văn Nuôi (trái) hỏi thăm em Dương Đông Vũ.

Theo lời anh Hoàng Văn Nuôi, cán bộ văn hóa xã Bàu Hàm 2, Bí thư Chi đoàn ấp Ngô Quyền, cách đây vài năm Vũ cũng rất nghịch ngợm, nhưng từ ngày được anh Nên đưa về học nghề ở tiệm đã bỏ hẳn chuyện quậy phá. “Trộm cắp vặt, đánh nhau, thậm chí đánh người ta đến mức nhập viện…, Vũ đều đã tham gia. Mấy năm nay, nhờ học nghề ở chỗ anh Nên nên Vũ đã hết quậy. Chi đoàn ấp Ngô Quyền quan sát, kiểm tra kỹ lắm, thấy Vũ đi với đám nào quậy phá là tìm cách kéo cậu ấy về ngay…” - anh Nuôi chia sẻ.

Vũ bỏ học từ năm lớp 8. Lúc đi học, em cũng thường xuyên tụ tập bạn bè phá phách, rồi kéo đi đánh nhau, đua xe máy trái phép... Nhiều lần nóng giận, cha mẹ Vũ đã la mắng, đánh đập và đuổi em ra khỏi nhà. Những lúc ấy, tuy rất sợ nhưng Vũ vẫn không nghe lời khuyên dạy của gia đình mà tiếp tục quậy phá. Biết trường hợp của Vũ, Chi đoàn ấp Ngô Quyền mà trước nhất là anh Nuôi và anh Nên đã nhiều lần tìm gặp Vũ nhắc nhở và khuyên em nên đi học nghề để có tương lai. “Ban đầu Vũ có chịu nghe đâu, chúng tôi phải khuyên nhủ mãi, cộng với nhiều lần đi đánh nhau bị sứt đầu, mẻ trán Vũ mới thấy “thấm” mà sửa mình” - anh Nuôi vỗ vai Vũ rồi nhắc lại vài chuyện ngày trước.

Anh Hoàng Văn Nuôi, Bí thư Chi đoàn ấp Ngô Quyền, cho biết phần đông thanh niên có “thành tích” nghịch phá thời trẻ ở địa phương giờ đều tu chí làm ăn. Chi đoàn đã vận động và đề nghị họ chia sẻ, khuyên răn lớp đàn em sau này.

Anh Nuôi nhấn mạnh, ở độ tuổi 15-17, các em thường muốn thể hiện cái “tôi” của bản thân, nhưng do không có sự định hướng ban đầu nên nhiều em đã đi vào con đường sai trái. Anh Nên và em Vũ là những trường hợp may mắn khi mới dừng lại ở những hành động nghịch ngợm, chưa gây ra hậu quả đáng tiếc.

Đến nay, sau 2 năm học nghề với anh Nên, Vũ đã có kỹ năng sửa xe khá tốt và điều quan trọng là bỏ hẳn những trò nghịch ngợm, tụ tập bạn bè phá phách. Anh Nên bảo, những lúc rảnh rỗi anh lại lấy bản thân ra làm ví dụ để Vũ và một số em nhỏ khác lấy làm gương, tránh vướng phải những chuyện không hay.

“Tuổi trẻ ai lại không nghịch ngợm. Tui may mắn dứt ra được, chứ mấy đứa bạn bằng tuổi tui có đứa giờ này vẫn còn đi đua xe, hoặc bị tai nạn gây thương tật hay chết, tui thấy thật đáng sợ nhưng khuyên không được. Những lúc nghĩ lại, tui đều thấy tiếc cho hồi trẻ mình không chịu học hành cho đàng hoàng. Bây giờ, mỗi khi biết trong xóm có đứa nào hay đi quậy phá là tui kéo tụi nó lại rồi nhắc nhở. Thấy mấy đứa nhỏ phạm phải “vết xe đổ” của mình ngày trước, tui tiếc cho tụi nó lắm…” - anh Nên vừa nói hết câu thì có vài người khách đến sửa xe, nên cáo lỗi với chúng tôi rồi cùng em Vũ bắt tay vào kiểm tra, sửa xe cho những người khách mới đến.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều