Báo Đồng Nai điện tử
En

Chàng trai năng động

10:10, 17/10/2014

Sở hữu 2 tiệm bán thuốc tây nhưng Bí thư chi đoàn ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) Trần Bình Trọng vẫn thích cảnh chân lấm tay bùn của nhà nông. Chính điều đó đã thôi thúc anh về xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) hùn hạp với người anh cột chèo Trần Văn Út lập vườn mít, xoài trên 5 hécta cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Sở hữu 2 tiệm bán thuốc tây nhưng Bí thư chi đoàn ấp Xóm Hố, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) Trần Bình Trọng vẫn thích cảnh chân lấm tay bùn của nhà nông. Chính điều đó đã thôi thúc anh về xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) hùn hạp với người anh cột chèo Trần Văn Út lập vườn mít, xoài trên 5 hécta cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Anh Trần Bình Trọng tranh thủ thời gian thực hiện kỹ thuật ghép xoài. Ảnh Đ.PHÚ
Anh Trần Bình Trọng tranh thủ thời gian thực hiện kỹ thuật ghép xoài. Ảnh Đ.PHÚ

Với mô hình tưới tiêu tiết kiệm và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để mít, xoài cho trái sớm, anh Trọng vừa được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của. Anh Trọng cho hay, do cha anh tiếc đặc sản cây ăn trái Phú Hội bị thu hẹp vì nhường đất cho phát triển công nghiệp nên đã động viên anh về xã Ngọc Định lập vườn làm nông dân kiểu mới.

Dồn sức cho con

Vốn là nông dân kỳ cựu vùng đất Phú Hội, ông Trần Anh Kiệt (51 tuổi) lòng buồn rười rượi khi trên 5 hécta đất ruộng, vườn của gia đình nằm trọn trong khu quy hoạch công nghiệp Nhơn Trạch. Cầm tiền tỷ trong tay, ông Kiệt vẫn không yên lòng khi nhìn 3 đứa con: Trọng, Trinh, Tuyền đang còn tuổi ăn học. Sau khi gửi số tiền lớn vào ngân hàng và tậu một khu đất nhỏ để ở, ông Kiệt và vợ quay sang nghề buôn bán trái cây để tránh chuyện “miệng ăn núi lở”.

Do không còn đất để cày cấy, ông Kiệt thủ thỉ với con trai đầu Trần Bình Trọng rằng ông chờ anh trưởng thành để giao hết tài sản nhằm thay ông tạo lại rẫy vườn và nuôi 2 người em gái Trinh và Tuyền học đại học.

“Đất đai như máu thịt của nhà nông, nông dân không có đất như người mất tay chân. Vì vậy, vợ chồng tui quyết định giao hết tài sản cho thằng Trọng để nó phát triển sự nghiệp, thay tui làm trụ cột gia đình, tiếp tục nuôi em học tập. Nhất là nó phải tìm cho tui một khu vườn rộng để khỏi quên mình xuất thân là nông dân” - ông Kiệt tâm sự.

Chậm rãi nhấp ly trà Phú Hội quê nhà, ông Kiệt tiếp tục trải lòng, cái máu nông dân đã thấm vào người ông khi lên 10 tuổi. Hồi đó, cứ hễ được cha dẫn ra đồng cày ruộng, hay lên vườn cắt trái cây bán cho bạn hàng là ông khoái chí đi theo mà không ngại cực nhọc. Cho nên, 15 tuổi ông đã biết điều khiển đôi trâu cày ruộng, kéo lúa và vác được bao lúa nặng bằng cơ thể.

“Tui rất muốn các con học hành thành tài, thay đổi cuộc sống bằng tri thức. Nhưng khi giao tài sản cho thằng Trọng quản lý, tui vẫn mong nó giữ được một phần “máu nông dân” trong người để con cháu sau này còn nhớ gốc gác của cha ông” - ông Kiệt bộc bạch.

Vốn là cán bộ Đoàn năng động, cầm tấm bằng trung cấp dược, anh Trọng nhẫn nại làm chân nhân viên bán hàng cho một tiệm thuốc tây lớn trên địa bàn huyện Long Thành để học hỏi kinh nghiệm.

“Năm 2008 tôi lập gia đình. Do bà xã cũng học dược nên lấy nhau xong, vợ chồng tôi mở tiệm thuốc tây tại ấp Xóm Hố. Đến năm 2009, tôi rút số tiền lớn của cha từ ngân hàng rồi về quê vợ ở xã Ngọc Định hùn hạp làm vườn với người anh cột chèo” - anh Trọng kể lại.

Không có ngày nghỉ

Sau khi bỏ ra 600 triệu đồng hùn với anh Trần Văn Út mua 5 hécta đất, anh Trọng cùng với anh Út bắt tay trồng mít Thái và thiết kế hệ thống tưới tiêu tiết kiệm theo tài liệu hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, huyện. Khi cây mít Thái bắt đầu cho trái bói, anh Trọng bàn với anh Út tăng thêm vốn đầu tư bằng cách xen canh cây xoài cao sản Thái Lan, xoài Đài Loan trên vườn mít; đồng thời mua lại 5 hécta đất xoài giống cũ của nông dân gần đó để cải tạo giống mới. “Vườn xoài của nông dân đó trên 4 năm tuổi nên tôi và anh Út quyết định mỗi người bỏ ra 1 tỷ đồng để mua lại vườn và chi phí cải tạo giống, thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm. Sau một năm, tụi tôi thu được gần 200 triệu đồng/hécta tiền lãi” - anh Trọng cho hay.

Vườn xoài của anh Trần Bình Trọng luôn làm nông dân xã Ngọc Định ngưỡng mộ về tỷ lệ ra hoa, đậu trái đều, đạt năng suất.
Vườn xoài của anh Trần Bình Trọng luôn làm nông dân xã Ngọc Định ngưỡng mộ về tỷ lệ ra hoa, đậu trái đều, đạt năng suất.

Học dược nhưng anh Trọng vẫn tỏ rõ mình là một nông dân thực thụ của vùng trái cây Phú Hội nức tiếng một thời. Vườn xoài ba mùa năng suất thấp, phẩm chất không cao mua của nông dân khác được anh và anh Út giữ lại gốc, ghép với giống cao sản Thái Lan, Đài Loan để cho mỗi quả trên 1kg, làm “lóe mắt” nông dân Ngọc Định. “Cách thức chăm sóc xoài giống như nhau, nhưng tôi và anh Út áp dụng kiến thức lẫn kinh nghiệm của nông dân về phương pháp phun xịt kích thích ra hoa và dưỡng trái nên năng suất luôn đạt 5-6 tấn/hécta. Đặc biệt, vườn xoài của tụi tôi luôn có trái bán sớm hơn nông dân khác một tháng nên hút hàng, được giá” - anh Trọng nói.

Anh Châu Thành Phương, Bí thư Đoàn thanh niên xã Phú Hội, cho biết: “Anh Trần Bình Trọng là tấm gương sáng trong phong trào tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp của xã Phú Hội. Sự đa năng của anh Trọng thật sự khích lệ các đoàn viên khác lựa chọn nhiều con đường tiến thân, làm giàu chính đáng bằng con đường học tập hay nông nghiệp...”.

Thấy anh Trọng, anh Út trẻ tuổi nhưng nắm bắt kiến thức, có kinh nghiệm kích thích xoài ra hoa sớm, nông dân trong xã Ngọc Định tìm đến học tập kinh nghiệm và được các anh tận tình chia sẻ. Nhưng cũng có nông dân hoài nghi về cách làm của các anh khi cho rằng, vườn xoài của các anh đạt năng suất cao là do may mắn, nhờ mạnh vốn đầu tư.

Mặc cho những ai chưa tin tưởng, các anh vẫn cứ túc tắc làm. Thêm vài vụ xoài trúng đậm nữa thì mọi người mới “tâm phục, khẩu phục” chàng dược sĩ Trọng và “kỹ sư” chân đất Út, nhất là khi anh Trọng được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của (giải thưởng dành cho tuổi trẻ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp).

Thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Trọng lại quyết định đăng ký học lên đại học. Anh Trọng hồ hởi khoe, hiện anh là sinh viên năm thứ hai ngành dược Trường đại học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang) và vợ chồng anh mới mở thêm một tiệm thuốc tây ở xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch). Hai cô em gái của anh cũng đang là sinh viên năm nhất khoa dược Trường đại học Lạc Hồng.

“Lịch làm việc của tôi hiện rất dày, cứ như con thoi, mai chỗ này mốt chỗ khác để lo công việc. Chẳng hạn, từ thứ hai đến thứ tư, tôi trông coi tiệm thuốc tây ở xã Phú Thạnh. Sang thứ năm và thứ sáu, tôi tranh thủ chạy xe máy về Định Quán trông coi vườn tược. Đến thứ bảy và chủ nhật thì đi Hậu Giang học đại học. Tuy vậy, tôi rất vui và hài lòng với những gì đã làm và đáp ứng được sự kỳ vọng của cha” - anh Trọng tỏ bày.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều