Mừa mưa đến, nước tràn đồng cũng là lúc nhiều nghề phụ thuộc con nước lớn vào mùa làm ăn. Trong đó, nghề bắt cá đồng thu hút nhiều người tham gia bởi cả năm chỉ có một đợt cá xuất hiện nhiều.
Mừa mưa đến, nước tràn đồng cũng là lúc nhiều nghề phụ thuộc con nước lớn vào mùa làm ăn. Trong đó, nghề bắt cá đồng thu hút nhiều người tham gia bởi cả năm chỉ có một đợt cá xuất hiện nhiều. Ngoài những người quanh năm mưu sinh với công việc thả lưới, giăng câu thì những ai mê các món ăn thơm ngon, ngọt béo từ cá đồng cũng rủ nhau đi bắt cá.
Hai thanh niên chèo xuồng đi thả lưới bắt cá đồng dọc các con kênh nhỏ ở xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. |
Dù nghề bắt cá đồng chỉ ăn nên làm ra trong vài tháng nước lớn, nhưng nó như là một đặc ân của tự nhiên mà bao người mong chờ.
* Chờ con nước tràn đồng
Mùa mưa năm nay đến muộn nhưng những trận mưa lớn, dồn dập trong mấy ngày qua khiến mực nước tại các ao hồ, kênh rạch dâng cao. Hai bên bờ ao (hồ, kênh rạch), cỏ sậy cũng mọc um tùm rất thích hợp cho các loài cá về trú ẩn, tìm kiếm thức ăn. Nhắm chừng con nước đã tràn đồng, nhiều người háo hức chuẩn bị “đồ nghề” đi thả lưới, giăng câu, đóng đáy…
“Vùng này gần sông nên sau cơn mưa lớn nước thường dâng cao rồi rút nhanh, bọn cá sẽ chui vào cỏ để ẩn náu. Chúng tôi cũng tranh thủ chèo xuồng đi giăng câu từ 20 giờ hôm trước, đến sáng sớm hôm sau quay lại thăm lưới là được. Thu hoạch cá xong, vẫn cứ để lưới đó chờ đến 16-17 giờ thì đến thăm lưới lần nữa” - ông Hai Lợi (51 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) cho biết.
Trời đương sớm, sương còn phủ mờ khắp nơi sau cơn mưa từ tối qua, nhưng trên cánh đồng đầy cỏ sậy và kênh rạch nhỏ ở ấp 4, xã Tân Hạnh đã có vài chiếc xuồng của những người đi thăm lưới, đặt lọp... Tiếng nước khua đánh tan không khí tĩnh lặng, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng quẫy mạnh của mấy con cá lớn không may dính lưới.
Theo ông Hai Lợi, trong các loại cá đồng, khó bắt nhất là cá lóc vì chúng rất khôn, lại ít, có khi cả ngày đi thả lưới không trúng được con nào. Vì vậy, giá cá lóc đồng khá cao, từ 150-170 ngàn đồng/kg (loại lớn 3-4 con/kg), sau đó đến cá chép, cá rô, trê… Với khoảng 20 tay lưới, mỗi ngày ông Hai Lợi kiếm chừng 3-5kg cá.
Nhiều năm gắn bó với việc bắt cá đồng theo kiểu giăng câu, thả lưới, ông Hai Lợi bày tỏ nỗi lo ngại về sự suy kiệt của đặc sản vùng đồng quê: “Các loại cá đồng ngày càng bắt được ít hơn dù đã dùng lưới cỡ nhỏ. Cứ cái đà xài xung điện này riết rồi không biết sau này có còn được thưởng thức mấy món ngon từ cá đồng nữa không?”. |
Những người có thâm niên trong nghề giăng câu cho hay, cá đồng thường tập trung ở những dòng kênh, bờ ruộng nhiều cỏ sậy, gốc rạ khô. Bởi sau thời gian dài trốn hạn, nằm sâu trong các hang hốc, rãnh khô, đến khi mưa về cá sẽ ngoi lên mặt nước đang dần ngập để tìm kiếm thức ăn. Nhưng nếu người bắt không có kinh nghiệm thì rất khó phát hiện lũ cá nằm nhiều ở góc nào. Những con cá chép, trê, lóc… sau mấy ngày nước lên con nào cũng béo mập nung núc thịt.
“Cá có quanh năm, nhưng theo đúng “lý thuyết” của người vùng sông nước thì mùa này là thời điểm thích hợp nhất. Nhìn theo con nước là biết ở đoạn kênh nào nhiều cá. Nếu mặt nước cạn, hơi đục, có nhiều bóng nước nổi lên và gốc rạ nhiều chắc chắn chỗ đó cá tụ thành bầy. Ngày trước, vùng này cá đồng nhiều lắm, vào đúng thời điểm nếu chèo xuồng nhẹ để thả lưới sẽ bắt gặp cảnh những con cá rô, cá chép bị giật mình lao thẳng lên mặt nước nhìn rất sướng mắt” - anh Nguyễn Văn Lân (38 tuổi, ngụ ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) tâm sự.
Hôm ấy, thành quả anh Lân thu về chủ yếu là những con cá chép vàng, cá trê và rô phi. So với cá nuôi, thịt cá đồng sống trong môi trường tự nhiên ngọt, săn và thơm. Trọng lượng của chúng chỉ bằng một nửa cá nuôi nên mình ngắn, bầu bầu, không dài và đặc biệt con nào cũng có bụng trứng căng tròn.
“Đi thả lưới, giăng câu thích lắm. Vào vụ mưa đầu có đêm trúng, dính lưới trên chục ký, con nào con nấy bự nhìn thấy mê, nhưng càng về sau lại hẻo, không đủ mang ra chợ bán. Cá bắt về chế biến được cả chục món ăn ngon bá chấy, trở thành đặc sản mà hiếm ai cưỡng lại được” - anh Lân nói.
* Đủ kiểu “săn” cá
Sau cơn mưa lớn, sáng ra ngoài chợ sẽ có nhiều người bán cá đồng. Cá được đựng trong chậu còn tươi nguyên, chúng quẫy cựa mạnh khiến nước văng tung tóe. Người ta tranh nhau mua cá, tiếng mặc cả, trả giá đông vui cả khu chợ.
Những ngày cuối tuần ngang qua các trục tỉnh lộ, hương lộ đều thấy nhiều người ngồi ôm chiếc cần câu thư thả bên gốc cây, bờ đá để câu cá. Nhiều người thổ lộ, họ câu cá không phải để mua bán mà là giải trí sau những ngày làm việc căng thẳng, muốn tìm một nơi nào yên bình để “đổi gió”. Tuy vậy, các “câu thủ” cũng rất háo hức, thích thú khi đi câu gặp trúng ngay mùa cá đồng về.
Mẻ cá đồng anh Nguyễn Văn Lân thu về sau một ngày đi giăng câu. |
“Đi câu cho vui thôi, chứ mình không thể bằng những người chuyên giăng câu, thả lưới. Bởi họ có tay nghề “cứng”, hiểu biết từng khúc sông như thủy thần, thành quả thu về chủ yếu để mua bán, kiếm tiền mưu sinh” - anh Trần Tuấn Vũ (29 tuổi) cho biết.
Hiện nay, để bắt được các loài cá đồng, nhiều người sử dụng các biện pháp, như: dùng xung điện, dùng hóa chất thuốc cá… Trong đó, việc dùng xung điện diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi đang đe dọa tận diệt các giống cá đồng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (41 tuổi, ngụ xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) thật thà cho biết, không có việc gì làm vào mùa mưa nên ông vác xung điện đi bắt cá đồng để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Theo ông Ngọc, trước đây cá nhiều nên người ta chủ yếu bắt cá to để bán. Còn hiện nay, cá khan hiếm quá nên nhiều người đua nhau dùng xung điện bắt cá. “Của khó thì người khôn, tôi biết làm thế này là vi phạm, chỉ dám dùng lén lút, sợ người ta bắt được rồi phạt tiền. Nhưng trên đồng đầy người xài loại này, đi đâu cũng bắt gặp nên mình dùng đại để kiếm cái ăn cho gia đình thôi. Chỉ cần chích phát điện thì tất cả cá to, nhỏ, thậm chí rắn nước cũng bị “đơ” mình luôn; khó con nào sống sót trong vòng bán kính khoảng nửa mét” - ông Ngọc nói.
Thanh Hải