Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Bé tốt bụng

10:10, 26/10/2014

Nhìn bà Trương Thị Bé ngồi nhặt nhạnh những hạt nhựa màu xen lẫn trong nhựa trắng, chúng tôi không hiểu tại sao bà lại dành phần lớn lợi nhuận thu được từ vựa phế liệu của mình cho việc từ thiện xã hội...

Nhìn bà Trương Thị Bé (47 tuổi, ngụ KP.2, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) ngồi nhặt nhạnh những hạt nhựa màu xen lẫn trong nhựa trắng, chúng tôi không hiểu tại sao bà lại dành phần lớn lợi nhuận thu được từ vựa phế liệu của mình cho việc từ thiện xã hội. Bà Bé từ tốn tâm sự, sự sẻ chia đó bà học tập từ người anh trai đã mất cách đây 18 năm.

Tấm lòng của bà Trương Thị Bé không nhỏ bé chút nào.
Tấm lòng của bà Trương Thị Bé không nhỏ bé chút nào.

Sau ngày chồng mất, bà Nguyễn Thị Lễ (77 tuổi) mang 5 đứa con thơ rời quê hương Quảng Ngãi vào TP.Biên Hòa sinh sống. Lúc ấy, cô con gái út Trương Thị Bé của bà chỉ mới 6 tuổi. Ngày vào TP.Biên Hòa, bà Lễ chọn khu đất trũng ở KP.2, phường Thống Nhất để dựng túp lều nhỏ trồng rau muống nuôi con. Cuộc sống bộn bề khó khăn vì cảnh mẹ góa con thơ, nhưng bà Lễ vẫn nuôi dạy các con nên người.

* Cô út giỏi giang

Mới 16 tuổi, Trương Thị Bé đã tỏ ra giỏi giang không thua kém các anh, chị. 4 giờ sáng, Bé bắt xe lam đi Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) lấy nước ngọt về Biên Hòa bỏ mối. Lấy hàng về, Bé lại vội vã ra tiệm may của người thân học nghề. Đi học về, Bé vừa đi giao hàng, vừa mua thêm ve chai để có điều kiện giúp đỡ gia đình. “Đến năm 1990 thì người anh trai thứ ba tên Nhân giao lại điểm thu mua ve chai của anh cho tôi quản lý, còn anh đi TP.Hồ Chí Minh tìm hướng làm ăn mới. Lúc này, tôi không đi lấy nước ngọt về nữa mà tập trung vào việc thu mua ve chai và học may” - bà Bé tâm sự.

Đến khi cuộc sống gia đình ổn định, bà Bé được mẹ và các anh, chị cho phép dành dụm riêng. Được mọi người ưu ái, bà càng nỗ lực nhiều hơn để các anh, chị vui lòng. Sáng bà dậy thật sớm đi TP.Hồ Chí Minh lấy bao nhựa chở về TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bỏ mối cho những người làm nghề cá và mua lại bao nhựa rách để chở về nhà giặt bán cho các vựa ve chai. “Tôi ham việc lắm, ngoài 2 chuyến hàng đi và về, tối lại tôi còn nhận áo quần từ tiệm may về làm gia công. Cắt may xong, tôi còn đem bịch ny-lông ra ao rau muống giặt đến 11 giờ đêm mới ngủ. Nhiều người nói tôi người nhỏ xíu nhưng sao giỏi quá, người khỏe mạnh không theo kịp” - bà Bé nở nụ cười hiền hậu thổ lộ.

Mải làm, bà quên cả chuyện chồng con. 18 năm trước, Bé bủn rủn tay chân khi hay tin anh Ba Nhân bị tai nạn giao thông tử vong khi đi làm từ thiện. Từ ngày anh trai mất, bà càng lao vào công việc nhiều hơn với tâm niệm nối bước anh trai làm từ thiện bằng tất cả những đồng tiền kiếm được từ lao động để chia sẻ với người nghèo. “Đến năm 2002, tôi nghỉ công việc cắt may gia công và chở hàng 2 chiều bằng xe máy từ TP.Hồ Chí Minh về TX.Bà Rịa để tập trung vốn liếng vào việc mở vựa ve chai tại nhà. Lúc đầu, tôi đi mua dạo ve chai bằng xe ba gác đạp. Đến khi công việc làm ăn phát triển, tôi thuê nhân công làm phụ và đi thu mua ve chai bằng xe tải. Kiếm được bao nhiêu tiền, ngoài tiền vốn, tôi dành hết số tiền còn lại cho việc từ thiện xã hội” - bà Bé tỏ bày.

* Kham khổ để làm từ thiện

Vựa thu mua phế liệu của bà Bé hiện cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhưng bà vẫn tiết kiệm trong chi dùng, sinh hoạt. Bà Bé cho biết, bà có thói quen ở nhà dùng cơm nguội buổi sáng, trưa và chiều thì qua quýt cơm rau cho xong bữa; riêng công việc thì những người làm công làm gì bà làm nấy. “Mỗi năm, trung bình tôi chi cho việc từ thiện xã hội khoảng 500 triệu đồng, cũng có năm tôi chi tới 1 tỷ đồng. Gần như toàn bộ số tiền lãi từ kinh doanh tôi đều dành hết cho việc từ thiện xã hội. Cho nên, đôi lúc tôi cũng bị mọi người chê cười cố làm cho lắm chỉ khổ thân, mà lại chẳng để lại đồng nào cho mình” - bà Bé tâm sự.

Bà Trương Thị Bé vẫn góp nhặt từng đồng từ vựa ve chai để lo cho công tác từ thiện xã hội.
Bà Trương Thị Bé vẫn góp nhặt từng đồng từ vựa ve chai để lo cho công tác từ thiện xã hội.

Mặc cho người đời chưa hiểu hết tâm tư, bà Bé vẫn gắn kết với các tổ chức từ thiện xã hội trong và ngoài phường Thống Nhất xây nhà tình thương, tặng gạo, xe đạp, quà, tiền… cho những người gặp hoạn nạn, bệnh tật, nghèo khó. Bà Bé cho biết, từ năm 2002 đến nay, bà thường tổ chức đoàn đi về những vùng khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên và miền Tây để cứu trợ. “Hiện tôi đang triển khai chương trình 14-15 nhà vệ sinh cho người dân nghèo ở xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Trước đó, tôi đã về khoan giếng tặng cho người dân Suối Kiết và thấy vấn đề vệ sinh ở đây còn thiếu nên đề xuất với chính quyền xã được hỗ trợ thêm” - bà Bé nói.

Chỉ vào đống gỗ mua lẫn trong mớ phế liệu, bà Trương Thị Bé cho biết chị gom nhặt tất cả những gì có thể tái sử dụng được từ phế liệu, như: gỗ, máy may, bàn ghế… để sửa chữa lại và mang cho những người cần. Hiện bà đang có ý tưởng mở một điểm đào tạo nghề may cho những phụ nữ nghèo có nhu cầu học việc để đi làm công ty. “Tôi muốn động viên người nghèo cùng ý chí vượt khó như bản thân tôi. Đó cũng là điều mà người anh trai trước khi mất hay động viên tôi ráng làm” - bà Bé thổ lộ.

Cũng theo bà Bé, do chị sống độc thân, không vướng bận chuyện gia đình nên bà mới có điều kiện làm việc xã hội, từ thiện theo ý nguyện của anh trai đã mất. Bà Bé rơm rớm nước mắt thổ lộ, sau ngày anh trai bị tai nạn giao thông qua đời bà mới biết tài sản của anh suốt bao năm bươn chải ở TP.Hồ Chí Minh đều đem ra làm từ thiện. Khi anh trai bị tai nạn, trong túi anh ấy vẫn còn vài tờ giấy cảm tạ của các tổ chức từ thiện. Nhờ đó mà người qua đường mới biết địa chỉ của gia đình bà Bé để báo tin.

“Từ ngày anh Ba Nhân mất, tôi nghĩ nhiều về thân phận con người và từ đó bắt đầu làm quen với việc từ thiện xã hội tại các chùa, hội chữ thập đỏ, trại mồ côi, những hoàn cảnh éo le… để chia sẻ, giúp đỡ” - bà Bé tỏ bày.

Là người gắn bó với bà Bé nhiều năm qua trong công tác từ thiện xã hội của phường, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thống Nhất, kể bà Bé có hoàn cảnh khá giả nhưng vẫn chọn cuộc sống giản dị, chi tiêu kham khổ để dành tiền cho việc từ thiện của phường và xã hội. “Chỉ cần Hội Chữ thập đỏ ngỏ lời, chị Bé sẵn sàng mở lòng giúp đỡ người hoạn nạn theo địa chỉ. Những ngày tết, lễ, chị thường thông qua Hội gửi tặng quà cho người nghèo, hoặc tổ chức những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa để làm từ thiện. Chính sự nhiệt tâm đó, chúng tôi đã đề nghị Trung ương Hội Chữ thập đỏ biểu dương tấm lòng của chị Bé” - bà Dung nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều