Vốn là dân luồn rừng tìm trầm cừ khôi, ông Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) vẫn nhẫn nại với hàng ngàn mẫu phẩm - một loại hóa chất tạo trầm cho cây dó - để tìm ra giải pháp cứu vườn dó của gia đình mình.
Trước năm 2000, nông dân huyện Tân Phú bắt đầu trồng cây dó để lấy trầm (một loại dược liệu quý, giá trị kinh tế cao). Tuy nhiên, khi vườn dó được 8-10 tuổi, nông dân vẫn chưa thu hoạch được trầm (do chưa nắm được kỹ thuật cấy trầm) nên chặt phá trồng cây khác. Vì vậy, phong trào trồng dó lấy trầm tạm lắng xuống và cây dó bị nông dân chê khi nhắc tên.
Ông Trương Thanh Khoan với những mẫu trầm được đánh giá cao về chất lượng. |
Vốn là dân luồn rừng tìm trầm cừ khôi, ông Trương Thanh Khoan (ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) vẫn nhẫn nại với hàng ngàn mẫu phẩm (một loại hóa chất tạo trầm cho cây dó) để tìm ra giải pháp cứu vườn dó của gia đình mình. Không ít lần ông lặn lội vào rừng sâu, say sưa nhìn đàn kiến tiết chất dịch làm cây dó đau đớn tạo ra kháng thể bảo vệ. “Đó chính là chất tạo trầm cho cây dó tự nhiên mà tôi phát hiện được từ lũ kiến” - ông Khoan bật mí.
* Phu trầm
Mưa tháng 9 làm cho các khu đất thấp huyện Tân Phú ngập úng, vườn dó 2 hécta nhà ông Khoan tại ấp Gia Yên, xã Phú Trung cũng trở nên ẩm thấp. Chỉ cây dó 8 năm tuổi đã được cấy trầm, được các chuyên gia Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) khảo cứu đánh giá, sau đó cấp bằng “Độc quyền sáng chế cho phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm” cho mình, ông Khoan kể, cây dó hiện đem lại cho ông rất nhiều lợi nhuận.
Năm 1980, ông Khoan cùng gia đình rời Nam Định vào huyện Tân Phú tìm cơ hội đổi đời. Không đồng vốn lận lưng, ông Khoan nhắm mắt nhập cuộc cùng các nông dân nghèo khác vào rừng tìm trầm đổi gạo nuôi gia đình. Cứ vậy, bước chân của phu trầm Khoan lội hết cánh rừng già này đến cánh rừng già khác, soi mói những cây dó rừng kiếm trầm. Sốt rét, hiểm nguy, đói kém theo thời gian vắt dần sức lực. Tuy vậy, phu trầm Khoan vẫn chưa trúng được kỳ hương (loại dược liệu cực quý) để thoát cảnh đói nghèo. Trước sự thúc bách cơm áo gạo tiền của vợ con, phu trầm Khoan đành từ giã cái nghề “một phút lên mây” lắm hiểm nguy của phu trầm quay về làm nông dân cày sâu cuốc bẫm.
Ông Trương Thanh Khoan cho rằng, bí quyết của ông được giữ kín, phát huy, đem lại lợi nhuận cho bản thân ông và lợi ích xã hội nhờ sự giúp đỡ rất lớn từ các cán bộ Sở Khoa học - công nghệ, như: giúp đỡ ông trong nghiên cứu, bảo vệ bí mật, đăng ký độc quyền bảo hộ sản phẩm, đăng ký kinh doanh… “Tôi suýt lộ bí quyết chế phẩm khi viết hết bí mật nghiên cứu được, định photocopy ra tặng cho bạn bè vì cả nể” - ông Khoan nói. |
Từ những sào đất ít ỏi khai hoang và mua lại của nông dân khác, ông Khoan nhanh chóng có được những vụ lúa, bắp bội thu. Ông dùng hết những đồng vốn tích lũy để mua thêm đất và chuyển sang trồng cây ăn trái. Chẳng bao lâu, ông Khoan nổi đình đám với tài trồng quýt, chôm chôm trong vùng. “Thời điểm 1987, cứ mỗi đợt thu hoạch quýt, chôm chôm trong vườn đem cân cho bạn hàng, tôi mua được hơn cây vàng và cứ vậy kéo dài nhiều tháng liền nên sướng lắm” - ông Khoan hả hê.
Từ phu trầm nghèo kiết xác trở thành ông chủ vườn quýt, chôm chôm gần chục hécta, ông Khoan lại “trở chứng” vào rừng tìm hạt dó về trồng khi phong trào trồng dó lấy trầm làm giàu xôn xao trong nông dân, bỏ mặc cho vườn quýt, chôm chôm tụt dốc. Đến khi cây dó được 7-8 tuổi, ông và các nông dân khác chỉ thu được cây dó mà chẳng có một mẻ trầm nào. Trong khi hàng loạt nông dân ta thán, chặt bỏ vườn dó, ông Khoan vẫn kiên định giữ vườn, cần mẫn nghiên cứu chất và cách thức cấy tạo trầm. Sau hàng trăm mẫu thí nghiệm bất thành, ông nghĩ đến đàn kiến chích phỏng da thịt đang chui ra, chui vào từ các lỗ cây dó tự nhiên trong suốt thời gian làm phu trầm.
* Vòng nguyệt quế
Ông lại âm thầm một mình vào những cánh rừng năm cũ tìm đến những cây dó tự nhiên còn sót lại nghiên cứu. Sau nhiều lần quan sát, ông Khoan đúc kết ra được một quy luật tự nhiên của loài kiến và cây dó. “Khi con kiến đốt vào thân cây dó, cơ thể nó tiết ra một loại chất dịch. Từ vết đốt của kiến, thân cây dó tiết ra một chất nhựa để chữa vết thương. Theo thời gian, những nơi vết kiến đốt thân cây dó đều có trầm. Từ quy luật này, tôi bắt kiến về nuôi, nghiên cứu, đồng thời so sánh, đối chiếu với nhiều loại thuốc mà nông dân đang áp dụng tạo trầm cho cây dó, qua hàng ngàn mẫu phẩm nghiên cứu nữa mới thành công bước đầu” - ông Khoan nhớ lại.
Khai thác cây dó lấy trầm đang thu hút khá nhiều lao động ở huyện Tân Phú. |
Năm 2010, nông dân quay lại trồng cây dó lấy trầm khi thị trường xuất hiện nhiều kỹ thuật, công thức, thuốc cấy tạo trầm cho hiệu quả. Lúc này, ông Khoan đã tạo ra một chế phẩm “kích thích cây dó để tạo trầm hương” của riêng ông và chế phẩm đó đã giúp ông nhanh chóng làm giàu. Đồng thời, ông được UBND tỉnh tặng bằng khen khi chế phẩm đạt giải ba trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2011. Ông Khoan nhấn mạnh, từ kết quả ban đầu, ông tiếp tục nghiên cứu thêm để cho ra chế phẩm ưu việt hơn, như: chế phẩm được tạo ra từ các vật liệu sinh học, vi sinh; không ảnh hưởng sức khỏe con người, môi trường; chất lượng trầm tạo được từ loại 4 đến loại 5. Theo ông Khoan, ngoài kỳ nam là loại dược liệu đặc biệt quý hiếm thì trầm hương có 7 loại (từ loại 1 đến loại 7) và giá trị kinh tế của nó tùy thuộc vào chất lượng trầm cao hay thấp.
Phong trào trồng dó lấy trầm từng bước giúp người nông dân huyện Tân Phú kiếm tìm cơ hội làm giàu và mở ra nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên nông dân vẫn lo lắng, chưa mạnh dạn phát triển cây dó diện tích lớn vì thị trường tiêu thụ sản phẩm này không ổn định. Nhất là chế phẩm tạo chất trầm trên thị trường vẫn còn mỗi người một phách, nên chất lượng trầm tạo được hoàn toàn phụ thuộc chữ tín của người cung cấp thuốc cấy. |
Năm 2012, ông Khoan lại giành giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai với đề tài chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương. Năm 2013, ông Khoan tiếp tục được Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam tặng giải khuyến khích với chế phẩm trên tại hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Năm 2014, ông Khoan tiếp tục gặt hái thêm thành công từ chế phẩm này khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền, tặng cúp vàng, giấy chứng nhận sản phẩm tin cậy, kỷ niệm chương.
Ông Khoan cho hay, ông đi khắp nơi, những vùng trồng dó khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài để bán sản phẩm, cấy tạo trầm. Chính vì vậy, ông đã vài lần bị lộ bí quyết làm ăn vì bản chất nông dân thật thà của mình. “Năm 2013, tôi bị một đại gia và vài nông dân khác sau khi quỵt tiền bán chế phẩm hàng tỷ đồng, đã quay ngược lại tố cáo tôi làm ăn bậy bạ dẫn đến bị cơ quan pháp luật mời chất vấn, điều tra. Nhờ tấm bằng sáng chế độc quyền do Cục Sở hữu trí tuệ cấp và các giải thưởng trong tỉnh, trung ương nên tôi thoát nạn. Có đại gia trong huyện đổi bí quyết của tôi chiếc xe hơi 1,5 tỷ đồng và người nước ngoài ngã giá 1 triệu USD, tôi vẫn nhất quyết không bán” - ông Khoan tự hào nói.
Đoàn Phú