Ngày 27-9-1964, lính Mỹ - ngụy đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng khiến 536 thường dân vô tội bị chết và hàng trăm người bị thương tại khu vực ngã ba Giồng Sắn (nay thuộc ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch).
Ngày 27-9-1964, lính Mỹ - ngụy đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng khiến 536 thường dân vô tội bị chết và hàng trăm người bị thương tại khu vực ngã ba Giồng Sắn (nay thuộc ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch). Trở lại Giồng Sắn sau 50 năm, dấu tích của chiến tranh không còn, thay vào đó là sự bình yên của một vùng quê sông nước. Nhưng trong tâm khảm người dân Phú Đông nói riêng, người dân Việt Nam nói chung sẽ mãi không quên ký ức đau thương đó.
Khu vực trước cổng bia - công viên tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Giồng Sắn. |
Nhiều người trực tiếp chứng kiến vụ thảm sát ở ngã ba Giồng Sắn đến nay vẫn bị ám ảnh bởi cảnh tượng xác người chết la liệt, nằm vương vãi khắp nơi. Chỉ sau một buổi chiều, cả khúc sông trở thành cảnh hoang tàn, đau thương.
* Buổi họp chợ biến thành vụ thảm sát
Theo nhiều cụ già ở xã Phú Đông, khu vực ngã ba Giồng Sắn trước đây thuộc xã Phú Hữu, nay thuộc địa bàn ấp Bến Đình, xã Phú Đông. Đây là đầu mối giao thông đường thủy nối với con sông Ông Kèo. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, bến Giồng Sắn thường xuyên có nhiều ghe xuồng neo đậu. Người địa phương, dân các vùng: Long Thành, Bình Khánh, Nhà Bè và cả ngư dân từ các tỉnh: Bến Tre, Long An thường tập trung về đây để trao đổi hàng hóa. Giồng Sắn trở thành nơi họp chợ ven sông, lúc nào cũng có đông đúc ghe thuyền. Từ ngoài sông lớn, các chủ thuyền theo con sông Ông Kèo vào khu vực ngã ba Giồng Sắn để kịp tổ chức buổi họp chợ trên sông. Chiếc ghe nào cũng chất đầy nông sản, những ngư cụ phục vụ cho đánh bắt cá, tôm để đổi lấy lúa gạo, mía đường… từ dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Kiếm (81 tuổi, ngụ ấp Bến Đình) hồi ấy làm nghề giăng lưới, thả cá trên các con kênh nhỏ, cho biết mỗi khi có buổi họp chợ người dân thường tập trung rất đông. Họ tổ chức trao đổi hàng hóa khi con nước dâng cao, thuận lợi cho các ghe lớn neo đậu, ra vào. Buổi họp chợ diễn ra nhộn nhịp, ông cũng kịp mang vài mẻ cá vừa đánh bắt được để đổi lấy mấy tấm lưới mới.
“Buổi sáng hôm ấy, tôi đi giăng lưới trên sông thấy mọi chuyện vẫn bình thường. Đến chiều khoảng 15 giờ 30, tôi chèo ghe đi thăm lưới lần nữa với hy vọng kiếm cá, tôm lên chợ bán. Vì con nước lớn nên lúc đó có khoảng 100 chiếc ghe lớn, nhỏ tụ lại. Cả khúc sông rất ồn ào, náo nhiệt; tiếng người nói chuyện, tiếng ngả giá hàng hóa, rộn ràng lắm” - ông Kiếm cho hay.
Nửa giờ sau, bất thình lình máy bay địch từ đâu lao tới, quần đảo trên cao một hồi lâu. Tiếp đó lại có 2 chiếc máy bay khác xuất hiện rồi nhào xuống thả bom và bắn súng máy điên cuồng. Hết tốp này kéo đi, đám khác kéo tới liên tục. Rồi hàng loạt tiếng nổ khủng khiếp vang lên, những cột khói cuồn cuộn phủ kín toàn bộ khu vực ngã ba sông, khiến đoàn người trên ghe không ai kịp trở tay. Các cột sóng nước dâng cao hàng chục mét rồi đổ ập xuống làm nhiều ghe thuyền mất thăng bằng lật úp, có chiếc bị vỡ ra từng mảng trôi lềnh bềnh trên sông.
Tiếng kêu của phụ nữ, trẻ em cất lên thảm thiết, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông. Trong lúc đó, máy bay địch vẫn từng tốp gầm rú, trút từng đợt bom xuống đoàn người đang cố gắng dìu dắt nhau chạy trốn trong vô vọng. “Hình ảnh bà mẹ trúng bom chết ngồi, lưng tựa vào thân cây dừa nhưng trong lòng vẫn còn ôm chặt đứa con trai khoảng 6-7 tuổi khiến tôi bị ám ảnh, chẳng thể nào quên. Điều đau lòng là cháu bé cũng chết vì mảnh bom văng trúng bụng, khuôn mặt vẫn hằn sự sợ hãi tột cùng” - ông Kiếm nghẹn ngào kể lại.
Một cảnh kinh hoàng, thương tâm diễn ra trước mắt ông Kiếm, thây người nằm la liệt trên bờ, dưới nước. Ghe thuyền hầu hết đều tan nát, chiếc chìm chiếc nổi.
“Có gia đình gần chục người từ miền Tây lên buôn bán bị trúng bom chết sạch. Rất nhiều thi thể không còn nguyên vẹn mà văng tan nát khắp nơi, trong khi những người bị thương thì rên la thảm thiết. Nhìn cảnh ấy khó mà cầm được nước mắt, tay chân tôi cũng run lẩy bẩy…” - ông Kiếm thều thào kể lại.
Nhiều người dân ở xa cả mấy cây số nghe tiếng bom đạn dội xuống, máy bay gầm rú cũng hoảng loạn di tản.
* Vùng đất đau thương
Cuộc oanh kích của địch kết thúc, Giồng Sắn chỉ còn lại cảnh hoang tàn, đau thương. Gần 50 ghe thuyền của ngư dân bị bom đạn tàn phá, 536 người dân vô tội bị chết và hàng trăm người bị thương, xác người chồng chất lên nhau.
Lúc nghe tin dữ, ông Nguyễn Văn Thành (83 tuổi, ngụ Bến Đình, xã Phú Đông) cùng người dân trong làng chèo xuồng ra ngã ba sông tìm những người bị thương để đưa vào bờ cứu chữa. Sau đó, họ tổ chức vớt xác đem lên bờ mang đi chôn cất. Phải vớt suốt mấy ngày trời mới xong vì số người chết đông, rất nhiều thi thể không còn nguyên vẹn, tung văng khắp nơi.
Ngày 25-9, tại bia - công viên tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Giồng Sắn, UBND huyện Nhơn Trạch sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 536 nạn nhân trong vụ thảm sát Giồng Sắn và đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. |
Từ chỗ cả một nghĩa địa rộng lớn chôn hàng trăm người nhưng do thiếu thốn, lại nhiều người chết nên mai táng lúc ấy khá sơ sài, chỉ đào khoảng vài tấc đất rồi chôn xuống vội. Vậy nên hàng chục năm sau, trải qua nhiều lần phù sa sông bồi đắp, người dân khai hoang lấy đất trồng trọt những ngôi mộ ấy mất dần dấu vết. Sau này, nhiều gia đình có thân nhân bị chết muốn tìm lại phần mộ để cải táng cũng không được. Có người đi tìm từ đó đến nay không kết quả vì hiếm có cái xác nào còn nguyên vẹn. Thậm chí xác chết văng ra xa, vương khắp cành cây, bụi mía nên không ai thấy, chỉ khi nào nghe mùi hôi thì đi tìm rồi đào đất chôn ngay.
Ông Phạm Đình Cương (61 tuổi, Trưởng ấp Bến Đình) cho hay, dù bị địch kiểm soát chặt chẽ nhưng người dân đã lén dựng tấm bia ghi lại chứng tích kinh hoàng và đặt ngay gần nơi xảy ra biến cố ấy. Sau này, bia được dời lên khu vực thuộc ấp Bến Đình, xã Phú Đông. Năm 2004, huyện Nhơn Trạch khởi công xây dựng công trình bia - công viên tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Giồng Sắn.
“Lúc đó tôi mới 11 tuổi, Giồng Sắn như một dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời mình vậy. Đây là một vụ thảm sát kinh hoàng mà cho đến nay người dân Phú Đông chẳng thể nào quên. Nỗi đau ấy thấm sâu vào máu thịt mà mỗi khi nhắc đến lại biến thành sự căm hờn” - ông Cương cho hay.
Thanh Hải