Vùng đất Võ Dõng 3 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) ngổn ngang đá, thế nhưng cây trồng vẫn mãnh liệt ấp ủ nhựa sống để phủ xanh những quả đồi. Những người Khmer nghèo đến từ các tỉnh miền Tây vẫn tìm về để dừng chân.
Vùng đất Võ Dõng 3 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) ngổn ngang đá, thế nhưng cây trồng vẫn mãnh liệt ấp ủ nhựa sống để phủ xanh những quả đồi. Những người Khmer nghèo đến từ các tỉnh miền Tây vẫn tìm về để dừng chân. Trước tình cảnh đó, ông Nguyễn Văn Nghi (50 tuổi) và những chủ đất tốt bụng nơi đây đã mở lòng che cho họ mái nhà, dựng mái trường dạy chữ cho con em họ.
Những học sinh Khmer nghèo của điểm trường Võ Dõng 3 (Trường tiểu học Lê Quý Đôn). Ảnh: Đ.Phú |
Sinh ra trong gia đình nghèo, 12 tuổi ông Nghi đã biết vác rựa đi rừng kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Chính vì vậy, khi nhìn những đứa trẻ Khmer thất học, nghèo khó, ông không khỏi chạnh lòng. “Bao năm qua tôi luôn cố gắng làm những gì mà bản thân có thể để giúp đỡ họ. Một ngôi nhà tạm, tấm tôn, cây cột hay sách vở, áo quần… Tất cả đều rất cần đối với những người Khmer nghèo di cư về đây” - ông Nghi nói.
* Đồng cảm
Sau nhiều năm chắt bóp, năm 1994 vợ chồng ông Nghi mới tậu được 4 hécta rẫy đá tại tổ dân cư số 5, ấp Võ Dõng 3 để trồng cà phê xen chuối. Thời điểm đó, người dân Khmer từ các tỉnh miền Tây di cư về đây khá đông để tìm việc làm. Ông Nghi cho hay, ngoài những cặp gia đình đến tìm việc làm, họ còn dắt theo con cái lít nhít. Khi đi làm, họ đều bồng bế con cái theo bên mình, trông chúng rất đáng thương. “Không có người trông coi, trẻ con lem luốc với đất đá suốt ngày. Áo quần không lành, chữ nghĩa không biết, nhìn thấy thương lắm” - ông Nghi nói.
Thương những đứa trẻ Khmer nghèo, các nữ tu ở xã Gia Kiệm đã đặt vấn đề với ông Nghi mở lớp tình thương trông coi trẻ tại rẫy của gia đình ông. Trước đề xuất nhân ái này, ông Nghi hỉ hả nhượng cái chòi nhỏ của mình để các nữ tu làm nơi chăm sóc bọn trẻ. “Trời nắng thì các nữ tu đem bọn trẻ ra gốc mít ê a đọc chữ. Mưa đến thì vào trong chòi hát ca. Ngoài nhận giữ trẻ, dạy chữ, các nữ tu còn tổ chức thêm bữa ăn trưa miễn phí cho bọn trẻ” - ông Nghi chỉ tay vào gốc mít, nơi lớp học tình thương năm xưa ông dựng lên cho các nữ tu giữ trẻ, tâm sự.
Những đứa trẻ Khmer tìm chữ nơi đồi chuối thuộc tổ dân cư số 5, ấp Võ Dõng 3. |
Lũ trẻ cứ vậy lớn lên, nhu cầu học tập từ đó cũng đòi hỏi bài bản hơn. Thấy vậy, ông Nghi tiếp tục cùng các nữ tu và những người dân tốt bụng trong vùng chuyển lớp học ra đầu rẫy cho khang trang hơn. “Đến năm 2011 thì Phòng GD-ĐT huyện Thống Nhất tiếp nhận lớp học này, giao cho Trường tiểu học Lê Quý Đôn tiếp quản và cử giáo viên có chuyên môn về phụ trách lớp. Lớp học tình thương sau đó được nâng cấp thành phân hiệu Võ Dõng 3, học sinh được học tập chương trình chính thức của Bộ GD-ĐT từ lớp 1 đến lớp 5” - ông Nghi cho hay.
Ngoài hiến đất, góp công sức xây điểm trường, ông Nghi cùng với chính quyền, Ban điều hành ấp Võ Dõng 3, thầy cô giáo Trường tiểu học Lê Quý Đôn vận động sách vở, áo quần, bàn ghế, quạt… để con em đồng bào Khmer nghèo bớt thiệt thòi. “Ngày mùa các em thường hay bỏ học theo cha mẹ đi làm hoặc về lại quê, đến nơi khác sinh sống. Lúc ấy, chúng tôi cùng ông Nghi phải tìm hiểu vận động các em cố gắng quay lại lớp hoặc tạo điều kiện cho các em chuyển trường. Theo thời gian, lớp học được nhiều người biết đến và chung tay giúp đỡ nên khang trang hơn trước nhiều lắm” - thầy Thịnh (nguyên giáo viên phụ trách điểm trường) tâm sự.
* Hạnh phúc
17 năm qua, khu đất của ông Nghi luôn ê a tiếng các trò nhỏ. Không dừng lại đó, ông còn bao đồng lo luôn chỗ ở cho cha mẹ chúng tại rẫy nhà mình. Ông Nghi bày tỏ, phần lớn bà con Khmer về đây làm thuê mướn hoặc thuê đất trồng thuốc lá, trồng hoa màu. Họ không có tiền mua đất cất nhà mà dựng chòi ngay trên khu đất thuê hoặc làm công cho các chủ đất. Để tạo điều kiện cho người dân bám trụ, các em nhỏ bám trường, ông Nghi xin tấm lợp, cây, ván về dựng nhà cho họ ở ngay tại rẫy mình. Đồng thời, ông vận động các chủ rẫy tốt bụng khác cất chòi cho họ ở.
Có ân nhân nơi xứ lạ, những người Khmer nghèo có thêm động lực bám trụ tìm kế sinh nhai. Hết mùa bắp, đậu họ xoay qua trồng thuốc lá, chăm sóc cà phê. Mỗi khi gia đình khi hữu sự thì tìm đến ông Nghi nhờ giúp đỡ. Ông Sơn Việt, một người Khmer trong vùng tâm sự, ông Nghi rất tốt bụng, chuyện lớn chuyện nhỏ gì xảy ra trong cuộc sống bà con Khmer cũng tìm đến ông nhờ giúp đỡ, chỉ bảo cách làm. “Có người đến đây thân cô thế cô, hoặc nghèo túng lỡ may qua đời thì ông vận động tất cả bà con Khmer trong tổ dân cư số 5 và người dân địa phương mà ông Nghi quen biết góp tiền lo mai táng cho người xấu số theo đúng phong tục tập quán. Ông ấy thật tốt bụng, chúng tôi quý ông ấy lắm” - ông Sơn Việt nói.
12 tuổi ông Nghi đã đi ở thuê cho người ta. Lớn lên một tí thì ông theo chân các thợ rừng làm công. Đến khi có gia đình, ông là thợ đào giếng, tay thồ chuối xốc vác, làm việc không biết mệt. “Việc gì bà con trong vùng thuê tôi cũng làm, làm quên nghỉ ngơi miễn sao kiếm được nhiều tiền để phụ vợ chăn nuôi. Khu đất này là tiền vợ chồng tôi xuất những lứa heo và bán những khu đất nhỏ khác mới mua được. Nay đủ ăn đủ mặc, tôi dành nhiều thời gian cho công việc giúp đỡ những người khó khăn tại khu vực đồi chuối này” - ông Nghi nói. |
Chỉ tay về những ngôi nhà lúp xúp, ẩn mình trong những bóng cây, ông Thạch Đơ tỏ bày, tại ấp Võ Dõng 3 có gần 50 hộ gia đình Khmer di cư từ các tỉnh miền Tây về đây kiếm việc làm. Người có ít vốn thì thuê đất trồng trọt, dựng chòi ở. Người nghèo khó thì xin đất các chủ rẫy, đất ông Nghi cất chòi để đi làm thuê. Những người dân Khmer như ông Thạch Đơ luôn được các chủ đất, ông Nghi giúp đỡ về công ăn việc làm, giấy tờ tạm trú, khai sinh cho con em họ. “Chúng tôi thường nghe ông Nghi kể, trước kia ông ấy cũng nghèo khó như chúng tôi vậy. Nhờ ông ấy chịu khó làm ăn, tích cóp nên mới tậu được rẫy, nuôi con ăn học” - ông Thạch Đơ bộc bạch.
Ông Nghi (bìa trái) bên những người Khmer nghèo được ông nâng đỡ. |
Gió nóng tháng Tám xác xơ tàu lá chuối, những đứa trẻ Khmer tóc tai, áo quần vẫn như ở nhà trật tự kéo nhau đến rẫy ông Nghi để được cô giáo Xuân, thầy giáo Dũng dạy lại cái chữ, phép toán đã học của thầy Bằng, thầy Thịnh năm rồi cho khỏi quên trước khi năm học mới bắt đầu. Trao đổi với chúng tôi, thầy Dũng cho hay năm học 2014-2015, Trường tiểu học Lê Quý Đôn đã vận động những em từ lớp 1 đến lớp 3 có điều kiện ra điểm trường chính để học. Đồng thời, trường đưa những em đủ điều kiện lên lớp 4 ra ngoài học. “Chúng tôi và ông Nghi luôn vận động bà con Khmer tạo điều kiện cho các em ra lớp. Điểm trường luôn đón nhận những tấm lòng hảo tâm tìm đến chia sẻ cho các em” - thầy Dũng thổ lộ.
Khệ nệ xách chồng vở vừa được một mạnh thường quân tài trợ đem trao cho lớp học, ông Nghi xúc động tỏ bày, hiện giờ ông vẫn còn khỏe để biến 4 hécta đất đá vườn nhà thành vườn tiêu, cà phê, chuối xanh tốt, thu nhập cao. Tuy vậy, vợ chồng ông không nhẫn tâm bứng những nóc nhà mới dựng, điểm trường thân thuộc khỏi rẫy. “Những ngôi nhà, lớp học ấy là hạnh phúc của tôi. Hạnh phúc của tôi là được chia sẻ cho những người nghèo cần giúp đỡ mà tôi đã theo đuổi khi mua được khu đất này” - ông Nghi nói.
Đoàn Phú