Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm sức sống trên vùng đất đá

10:09, 10/09/2014

Vùng đất ấp Cây Điều (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) có một thời còn ngổn ngang đá, người dân nơi đây phải tích lũy nước mưa để sinh tồn. Sau thời gian dài tìm nguồn nước, ông Chềnh Vểnh Sáng và người dân địa phương từng bước làm đổi thay vùng đất, vươn tới làm giàu.

Vùng đất ấp Cây Điều (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) có một thời còn ngổn ngang đá, người dân nơi đây phải tích lũy nước mưa để sinh tồn. Sau thời gian dài tìm nguồn nước, ông Chềnh Vểnh Sáng và người dân địa phương từng bước làm đổi thay vùng đất, vươn tới làm giàu.

* Kiếm tìm cuộc sống

Năm 1954, ông Chềnh Chi Hấm (đã mất) cùng một nhóm người Hoa rời tỉnh Quảng Ninh vào miền Nam tìm vùng đất mới an cư, lạc nghiệp. Nhưng cuộc kiếm tìm vùng đất mới của ông Hấm cứ chông chênh qua năm tháng vì chưa thể an cư hay lạc nghiệp.

Trưởng ấp Cây Điều Chềnh Vểnh Sáng (trái) trao đổi với kinh nghiệm làm ăn với nông dân trong ấp.
Trưởng ấp Cây Điều Chềnh Vểnh Sáng (trái) trao đổi với kinh nghiệm làm ăn với nông dân trong ấp.

Ông Chềnh Vểnh Sáng (con trai cả ông Hấm) nhớ lại, cha ông đã tìm đến nhiều nơi tại các tỉnh: Bình Thuận, Bình Dương để tạo dựng sự nghiệp nhưng đều chưa thành. Đến năm 1971, ông Hấm đưa gia đình vào ấp Cây Điều rồi tụ họp cùng những người Hoa mới đến đây khai hoang vỡ đất.

Ngày ấy, vùng đất ấp Cây Điều vẫn ngổn ngang đá với đá, ông Sáng cùng cha ngày vỡ đất, đêm về dọn đá để tìm chỗ tỉa lúa, gieo bắp, trồng cây thuốc lá. Ông Sáng kể, đất nơi đây nhiều đá nhưng được cái tốt lạ lùng. Cây lúa, cây bắp, cây thuốc lá trồng xuống đất vài ngày là nảy chồi vươn lên xanh tốt; không cần phân bón hay nước tưới, mà chỉ cần hấp thụ sương trời, hơi đá để vươn mầm, nảy nhánh, đâm hoa, kết hạt... “Nói vậy chứ, những người lớn tuổi như cha tôi lúc ấy làm chỉ đủ ăn. Do mọi người chịu khó lao động, tích lũy lương thực cho mùa sau nên không bị đói rét, bệnh tật” - ông Sáng nói.

Thêm vài mùa rẫy tại vùng đất ấp Cây Điều, ông Sáng vạm vỡ ở tuổi trưởng thành. Nhờ vậy, gia đình ông Hấm khai hoang thêm được nhiều đất mới, rẫy vườn thì sạch đá, quy cũ hơn những hộ người Hoa khác. Tuy nhiên, vùng đất đá ấp Cây Điều không để cho gia đình ông Hấm “sai khiến”. Mùa mưa, nơi đây nước tràn ngập suối to, suối nhỏ và những khu rẫy trũng. Mùa khô đến, nước sinh hoạt không có để dùng, giếng đào thì không có nước do bị đá ngăn cản. Vì vậy, bằng tình thương của người cha, ông Hấm thường nhắc nhở con trai cả rằng: “Đất ở ấp Cây Điều tốt thật, nhưng nó vẫn chưa cho mọi người làm giàu. Bao năm nay, nó chỉ cho phép ta loay hoay với cây màu, cây chuối, cây thuốc lá. Muốn trồng cây ăn trái, cây tiêu, cây đặc sản có giá trị cao thì phải tìm ra nguồn nước tưới”.

Hiểu được khát vọng của cha, ông Sáng cùng cha đào bới khắp nơi trong rẫy để tìm nguồn nước. Nhưng với cái cuốc, cây xà beng, cha con ông không đủ sức phá vỡ những tảng đá to ẩn mình dưới lòng đất để khơi mạch nước ngầm. Bất lực, năm 1986 ông Sáng xin cha cho tách hộ và dẫn vợ con về vùng đất Xuân Tây (nay thuộc huyện Cẩm Mỹ), nơi có dòng nước suối tưới cây vào mùa khô để mua đất trồng cà phê.

Không phản đối chí lớn của con trai, ông Hấm động viên con tiếp bước chân ông trong việc chinh phục đói nghèo. “Một hécta đất cha cho riêng vợ chồng tôi ở ấp Cây Điều, tôi không bán mà nhờ ông giữ hộ để “chừa đường về” sau này. Khi đến xã Xuân Tây, tôi mua 1,2 hécta đất trồng cà phê. Đúng như cha tôi nói, làm nông nghiệp mà phụ thuộc vào nước trời thì khó mà khá lên được” - ông Sáng thổ lộ.

* Quay về

Trên vùng đất Xuân Tây, tuy còn nhiều khó khăn nhưng ông Sáng không còn vật lộn với những viên đá to, nhỏ như ở ấp Cây Điều. Con suối chảy qua rẫy nhà, nước vẫn đầy ắp khi mùa khô đến nên ông Sáng kiên trì chăm cây bắp, cây lúa để “nuôi” cây cà phê. Sau vài vụ cà phê được giá, ông mua thêm đất và mở rộng diện tích rẫy thêm 4 hécta. “Cuộc sống ở đây bắt đầu ổn định, có dư và nuôi con ăn học đàng hoàng. Nhưng đến năm 2000, tôi quyết định quay về ấp Cây Điều sinh sống khi hay tin các chủ rẫy nơi đây khoan được giếng và đang có phong trào chuyển đổi vườn tạp sang vườn tiêu, cà phê” - ông Sáng kể.

Nhờ tìm được nguồn nước giếng khoan, ông Chềnh Vểnh Sáng và cộng đồng người Hoa ở ấp Cây Điều thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/hécta/năm.
Nhờ tìm được nguồn nước giếng khoan, ông Chềnh Vểnh Sáng và cộng đồng người Hoa ở ấp Cây Điều thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/hécta/năm.

Có được số vốn kha khá tích lũy từ lúc ở xã Xuân Tây, ông Sáng về ấp Cây Điều mua thêm đất, khoan giếng sâu và bắt tay vào trồng tiêu, cà phê. Ông Sáng bồi hồi nhớ lại, lời cha ông dạy thật đúng, có nguồn nước tưới thì nông dân mới chuyển đổi được cây trồng. Từ đó, cuộc sống của gia đình ông và nhiều hộ người Hoa khác mới có cơ hội đổi thay. “Mỗi khi thăm vườn, nông dân chúng tôi nhìn cây tiêu xanh tốt, cây điều già vươn mình nhờ được tắm mát bằng dòng nước giếng khoan thấy thích lắm. Đó cũng là lý do vì sao tôi quay về vùng đất đá ấp Cây Điều khi phong trào trồng cà phê tại Xuân Tây đang tụt dốc” - ông Sáng giải thích.

Ông Dương Văn Quyền, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm, cho biết sự đổi thay ở vùng đất đá Cây Điều có sự đóng góp rất lớn từ cộng đồng người Hoa di cư về đây, nhất là việc họ quyết liệt tìm kiếm nguồn nước tưới để chuyển đổi cây trồng. “Ông Sáng cùng với những người Hoa uy tín luôn song hành cùng Hội Nông dân và chính quyền địa phương trong việc phát triển kinh tế, giáo dục con em, đoàn kết cộng đồng và xây dựng nông thôn mới” - ông Quyền tỏ bày.

Cây tiêu nhanh chóng làm thay đổi cuộc sống nông dân ấp Cây Điều. Gia đình ông Sáng cũng từ đó xây nhà to, mua sắm phương tiện, cho con vào đại học. Bản thân ông còn được chính quyền địa phương và cộng đồng tin tưởng bầu làm trưởng ấp. Ông Sáng nói: “Từ năm 2005 trở lại đây, nhờ có cây tiêu cuộc sống cộng đồng người Hoa tại ấp Cây Điều phát triển hơn trước. Hiện số hộ người Hoa khá giàu chiếm trên 70% số hộ trong ấp, chỉ có 2 hộ người Hoa nghèo. Đồng bào người Hoa đoàn kết và chịu khó làm ăn lắm”.

Để giúp cộng đồng người Hoa thắt chặt tình đoàn kết, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, ông Sáng cùng với những người Hoa uy tín vận động mọi người mở đường giao thông, xây dựng văn phòng ấp, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ vốn…

Ông Sáng cho rằng, ấp Cây Điều thật sự là quê hương của những người Hoa di cư từ các tỉnh phía Bắc về đây. Mỗi người Hoa đều ý thức trong việc đoàn kết cộng đồng, chăm lo cho con cái ăn học, nhất là luôn thi đua phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự. “Đất ấp Cây Điều tuy nhiều đá, luôn thử thách sự nhẫn nại của lòng người, nhưng nhờ tìm ra nguồn nước, cộng đồng người Hoa đã từng bước thoát khỏi nghèo khó, vươn lên làm giàu. Cộng đồng người Hoa ngày càng thêm thắt chặt tình đoàn kết để cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới” - ông Sáng khẳng khái nói.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều