"Ngày nào người dân còn ở trong rừng thì ngày đó họ còn gặp nhiều khó khăn và tạo ra sức ép rất lớn cho công tác bảo vệ rừng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn dự án tái định cư dân di dời ra khỏi rừng được đẩy nhanh, người dân sớm ổn định cuộc sống, giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn"- ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt Khu bảo tồn), nhấn mạnh.
“Ngày nào người dân còn ở trong rừng thì ngày đó họ còn gặp nhiều khó khăn và tạo ra sức ép rất lớn cho công tác bảo vệ rừng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn dự án tái định cư dân di dời ra khỏi rừng được đẩy nhanh, người dân sớm ổn định cuộc sống, giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn”- ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt Khu bảo tồn), nhấn mạnh.
* Thiếu thốn khi sống ở rừng
Nằm dọc các con đường đất đỏ được rừng xanh che mát, có khá nhiều căn nhà tạm liêu xiêu, sắp sụp đổ của người dân sinh sống trong rừng. Chỉ tay về căn nhà gỗ mình đang ở, bà Hai Phước (ngụ ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, căn nhà ở được Lâm trường Mã Đà cấp từ năm 1985. Hiện căn nhà của bà đã hư hỏng nặng, chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua là đổ sập. Do không có tiền sửa chữa nên bà cứ để vậy mà ở.
Nhiều nhà dân trong vùng di dời đã bị hư hỏng nặng. |
Cũng theo bà Hai Phước, nhà dân bị hư hỏng nhưng muốn sửa chữa cũng rất khó khăn. “Chúng tôi hỏi ý kiến cán bộ kiểm lâm, họ nói không có thẩm quyền giải quyết, phải xin ý kiến lãnh đạo Khu bảo tồn. Nếu người dân tự ý sửa thì lúc di dời không được bồi thường do nằm trong vùng quy hoạch” - bà Hai Phước nói.
Anh Lê Mạnh (ngụ ấp 4, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, năm 1996 gia đình anh vào đây lập nghiệp. Thời điểm đó, người dân được Lâm trường Mã Đà tạo công ăn việc làm, cấp đất để trồng trọt. Sau này, do thực hiện chủ trương siết chặt quản lý đất rừng, Khu bảo tồn thu hồi phần đất đã giao cho gia đình anh. Từ đó, gia đình anh mượn đất của Khu bảo tồn trồng cây ngắn ngày để sinh sống. Đến khi cây rừng phủ kín đất, không thể trồng trọt được nữa, cuộc sống gia đình anh trở nên khó khăn hơn.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết Khu bảo tồn rất mong dự án tái định cư được đẩy nhanh, sớm di dời dân ra khỏi rừng để ổn định cuộc sống và giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn. Thời gian qua, Khu bảo tồn nhận rất nhiều đơn của người dân xin được về vùng tái định cư, nghĩa là chủ trương đã được dân đồng thuận. Như vậy, mặt khó khăn nhất chỉ còn là quỹ đất, mà quỹ đất thì đã có rồi, nguyện vọng của người dân cũng rất muốn đi, chỉ còn phương án sắp xếp quyết định của chủ đầu tư. |
Theo phản ánh của các hộ dân ở 2 xã Mã Đà và Hiếu Liêm, nhiều hộ muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để có hiệu quả kinh tế hơn cây điều, cây xoài giống cũ kém năng suất, nhưng lại vướng chủ trương di dời dân ra khỏi rừng vốn đã kéo dài cả chục năm nay. Người vượt rào làm càn thì nơm nớp lo sợ, có người phải bỏ phế vườn để đi làm thuê mướn kiếm sống. Ngoài ra, tại những khu vực nằm trong kế hoạch di dời, người dân không có điện lưới sinh hoạt, đường giao thông lầy lội, việc học tập của con em cũng gặp nhiều trắc trở…
Ông Trần Nghĩa (ngụ ấp 6, xã Mã Đà) khẳng định với chúng tôi rằng, đa số người dân sinh sống trong Khu bảo tồn đều mong muốn rời khỏi rừng, di dời về vùng tái định cư sớm chừng nào tốt chừng đó để ổn định nhà cửa, có đất trồng trọt. Nơi ở mới sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn, như: có điện, nước, gần trạm y tế, gần trường để con cái học hành, dễ giao thương hàng hóa, đi làm công nhân…
* Di dời càng sớm càng tốt
Khu bảo tồn được thành lập vào đầu năm 2004 trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị, gồm các lâm trường: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An, Ban Quản lý di tích Chiến khu Đ và Trung tâm Thủy sản Đồng Nai. Khu bảo tồn có tổng diện tích tự nhiên hơn 100 ngàn hécta, trong đó có gần 68 ngàn hécta diện tích rừng và đất lâm nghiệp, hơn 32 ngàn hécta mặt nước hồ Trị An. Lúc mới thành lập các lâm trường, chủ trương của tỉnh là phải có nguồn lao động để tham gia trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản và thực hiện xu hướng thành lập các cụm dân cư nên đã tích cực kêu gọi dân cư từ khắp nơi về đây sinh sống.
Cán bộ Trạm kiểm lâm Rang Rang (ấp 5, xã Mã Đà) vận động người dân thuộc vùng di dời làm tốt công tác bảo vệ rừng. |
Đến năm 1997, tỉnh thực hiện chủ trương đóng cửa rừng và cấm không cho khai thác, chế biến lâm sản, khiến một số lượng lớn dân làm lâm nghiệp không còn việc làm.
Năm 2004, chủ trương của tỉnh là sáp nhập các lâm trường lại, chuyển từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng để tiến hành quản lý, bảo vệ rừng giữ gìn môi trường cho Đồng Nai nói riêng và cho cả nước nói chung. Trách nhiệm Khu bảo tồn là dần thu hồi lại đất đã giao cho dân để trồng lại rừng nhằm đảm bảo tiêu chí là rừng đặc dụng. Lãnh đạo tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn thực hiện dự án di dời dân cư ra khỏi rừng để ổn định cuộc sống cho bà con. Tuy nhiên, dự án qua nhiều năm vẫn chưa thực hiện được. Đến năm 2008, tỉnh quyết định giao dự án lại cho UBND huyện Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư và dự án vẫn tiếp tục nằm yên đợi vốn.
Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu và chính quyền 2 xã Mã Đà, Hiếu Liêm, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành các cấp liên quan rất quan tâm đến vấn đề di dân 2 xã Mã Đà và Hiếu Liêm về vùng tái định cư, bởi ý nghĩa của việc di dời nhằm ổn định cuộc sống cho bà con và giúp cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn. Chủ đầu tư dự án cho biết, sẽ sớm trình đề án lên tỉnh xem xét phê duyệt để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. |
Ông Trần Văn Mùi cho hay, việc di dời dân ra khỏi rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một chủ trương đúng đắn. Nhưng việc dự án kéo dài nhiều năm đã gây rất nhiều khó khăn cho cả người dân và Khu bảo tồn. “Khi vùng quy hoạch trở thành rừng đặc dụng, người dân ở trong rừng không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không được trồng trọt hay chăn nuôi, không còn được canh tác tự do nữa. Từ đó, họ sống rất thiếu thốn, đường đi khó khăn, điện, trường, trạm y tế… không có. Còn về phía Khu bảo tồn, đã là rừng đặc dụng mà người dân ở quá đông (khoảng 1,3 ngàn hộ), thậm chí nhiều hộ dân ở sâu trong rừng hơn cả chốt, trạm kiểm lâm thì rất khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh vật rừng” - ông Mùi nhấn mạnh.
Đoàn Phú