Báo Đồng Nai điện tử
En

Lưu giữ quá khứ qua tiền xưa

11:09, 05/09/2014

Cầm những tờ giấy bạc được lưu hành từ năm 1930, những đồng xu thời Pháp thuộc đã mòn nhẵn 2 mặt đưa cho chúng tôi xem, anh Nho Quang Hùng (ngụ KP.2, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) không quên dặn dò chúng tôi phải cẩn thận. "Các loại tiền này giờ bán chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng với tui nó là cả một gia tài về tinh thần" - anh Hùng cho biết.

Cầm những tờ giấy bạc được lưu hành từ năm 1930, những đồng xu thời Pháp thuộc đã mòn nhẵn 2 mặt đưa cho chúng tôi xem, anh Nho Quang Hùng (ngụ KP.2, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) không quên dặn dò chúng tôi phải cẩn thận. “Các loại tiền này giờ bán chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng với tui nó là cả một gia tài về tinh thần” - anh Hùng cho biết.

* Lịch sử từ những thứ bụi mờ

4 năm trước, anh Hùng bắt đầu sưu tầm những tờ giấy bạc được lưu hành từ thời bao cấp, giấy bạc thời chế độ cũ, những đồng xu hết lưu hành của các nước khác… Anh không nhớ sở thích sưu tầm tiền xưa xuất phát từ đâu, nhưng 4 năm qua anh đã có trong tay hàng trăm đồng xu, tờ giấy bạc xưa của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Anh Nho Quang Hùng bên chiếc tủ chứa đồ sưu tầm.
Anh Nho Quang Hùng bên chiếc tủ chứa đồ sưu tầm.

“Tui cho rằng, đó chính là một phần của lịch sử cha ông. Nhìn vào những hình ảnh in trên những loại tiền xưa cũ ấy, người ta có thể hiểu được phần nào nét văn hóa, cuộc sống của những người thời đại đó. Không chỉ tiền, tui còn sưu tầm những thứ cũ kỹ nhưng gợi lại hình ảnh của các giai đoạn lịch sử. Hiện ở nhà tui có những chiếc đèn tín hiệu của lính Mỹ ngày xưa, đàn accordion (phong cầm) của Liên Xô…” - anh Hùng tự hào kể.

Theo những gì anh Hùng cho biết, ở TP.Biên Hòa không có một hội, nhóm sưu tầm tiền cổ, mà chỉ có những người chơi với tiêu chí sưu tầm bó hẹp trong giấy bạc, tiền xu. Số tiền xưa anh có được chủ yếu thông qua sự giới thiệu của bạn bè, hoặc trong những lần đi chơi xa vô tình phát hiện rồi mua lại.

“Tiếc là ở TP.Biên Hòa không có nhiều người tụ họp với nhau lập thành một hội để chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi những món đồ sưu tập được. Nếu có khả năng, tui sẽ làm một quán cà phê nhỏ để trưng bày bộ sưu tập của mình cho bạn bè lâu lâu ghé qua chiêm ngưỡng và trao đổi…” - anh Nho Quang Hùng tâm sự.

“Tui có vài ông bạn hay đi chơi xa, mỗi lần đi tới tỉnh nào thấy tiền xu từ thời Pháp, hay những tờ giấy bạc hiếm có lại báo cho tui đến mua về. Bộ sưu tập của tui mua cũng có, xin cũng có, mà chủ yếu là xin. Thấy tui đem về nhà cất giữ kỹ, những người cho cũng vui vẻ. Thường là các cụ già còn cất giữ vài món đồ từ thời xưa, thấy tui ham thích nên đem tới bán, hoặc cho. Dĩ nhiên trong số đó có những món hàng giả, nhưng tui cũng xin nhận rồi cất một tủ riêng” - vừa nói, anh Hùng vừa đưa chúng tôi đi xem bộ sưu tập được đặt gọn gàng trong tủ kiếng.

Gần như mỗi tháng, anh Hùng đều đem về nhà một món đồ cũ kỹ. Với vợ con anh, đó là những thứ bỏ đi, nhưng với anh đó lại là một phần hoài niệm. Trên các bức tường trong nhà, anh treo những khung kiếng trưng bày những đồng tiền sưu tầm được những năm qua, thậm chí là những chiếc cân tay 60 năm tuổi đã gỉ sét, những chiếc đồng hồ chạy bằng cách lên dây cót, những chiếc mũ sắt bị đem làm cối giã...

“Tui có một ước mơ là từ nay đến lúc già sẽ có được một bộ sưu tầm tiền xưa để lại cho con cháu. Tui muốn sau này khi ôm cháu trên tay, tui sẽ chỉ vào những đồng xu, tờ giấy bạc sưu tầm được rồi kể cho chúng nghe cuộc sống của cha ông ngày xưa…” - anh Hùng vui vẻ nói.

* Hành trình sưu tầm

Mỗi món đồ cũ anh Hùng đem về đều mang một câu chuyện về hành trình của người chủ, thậm chí bản thân món đồ đó xuất hiện ở Việt Nam cũng là một câu chuyện dài. Ngoài các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, chuyến đi xa nhất của anh là đến tận vùng biên giới tỉnh An Giang để đem về 6 đồng xu từ thời Pháp thuộc đã mòn nhẵn 2 mặt.

Anh Hùng kể: “Được một người bạn chỉ dẫn, tui đã chạy xe từ TP.Biên Hòa về một huyện vùng biên của tỉnh An Giang để tìm 6 đồng tiền đó. Phải vất vả lắm tui mới thuyết phục được ông cụ có 6 đồng xu bán cho tui, dù nó đã bị mòn tới mức chỉ thấy chữ lờ mờ. Ông cụ nói đó là kỷ vật cha mẹ để lại nên không muốn trao cho người lạ. Tui phải năn nỉ mãi và trả giá cao mới sở hữu được những đồng tiền đó. Về đến nhà, tui vui mừng bao nhiêu thì vợ lại cằn nhằn bấy nhiêu, vì tối ngày tui bỏ tiền mua những thứ gỉ sét mang về nhà” - anh Hùng kể lại.

Những đồng xu thời Pháp thuộc được đem về từ tỉnh An Giang.
Những đồng xu thời Pháp thuộc được đem về từ tỉnh An Giang.

Hay có lần anh mua được 3 tờ giấy bạc Trung Quốc có hình Tôn Trung Sơn, được in ở Mỹ năm 1930. Anh Hùng cho biết, với những loại tiền này cần phải chú ý kỹ chuyện thật, giả. Dĩ nhiên, chỉ bằng mắt thường khó có thể phân biệt được. Trong các hội chơi tiền xưa đều có những người am hiểu về các loại tiền, họ sẽ giúp các thành viên phân biệt thật, giả.

Lấy cho chúng tôi xem cuốn sách được giới chơi tiền xưa ở TP.Hồ Chí Minh chuyền tay nhau, anh Hùng cho biết đó chính là bí quyết giúp anh hiểu được ý nghĩa của những hình ảnh trên đồng xu, tờ giấy bạc và thời kỳ lưu hành của nó. “Trong này in những loại tiền của Việt Nam từ thời nhà Nguyễn đến bây giờ, kể cả những loại tiền Đông Dương, tiền chế độ cũ, tiền của Nhật lưu hành tại Việt Nam... Nhưng đó chỉ là tư liệu để tham khảo, vì những loại đó rất khó kiếm và giá trị không thể tính được”.

Với mỗi tờ giấy bạc đem về, dù đã rách nát hay còn lành lặn, anh Hùng đều kẹp trong những bìa nhựa để bảo quản, bởi với anh đó là báu vật không thể tính bằng tiền. Bạn bè đến nhà anh Hùng chơi thấy những món đồ anh sưu tầm đều tự đem tới cho thêm những đồ vật, hoặc những đồng tiền xưa khác để góp thêm vào bộ sưu tập.

Và những tờ giấy bạc xưa được anh Hùng đóng khung cẩn thận.
Và những tờ giấy bạc xưa được anh Hùng đóng khung cẩn thận.

Mỗi lần nghe thấy ở đâu có những món đồ xưa, những gia đình còn vài đồng xu từ thời Pháp thuộc, anh lại tìm cách liên lạc để hỏi mua. Dù bị từ chối nhiều lần, nhưng anh không nản, vì mong để lại cho con cháu một bộ sưu tập có giá trị.

“Tui khoái mấy thứ đồ xưa, nên bạn bè hay chọc tui chưa già mà đã hoài cổ. Nhưng mặc kệ, tui thấy sở thích của mình không ảnh hưởng đến công việc thì vẫn sưu tầm. Tui đang sưu tầm thêm những tờ giấy bạc mới có số seri đẹp, hoặc những đồng xu vừa ngưng sử dụng của các nước Đông Nam Á…” - anh Hùng bộc bạch kế hoạch sưu tập của mình.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều