Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng đan lưới nhộn nhịp mùa nước lớn

10:09, 08/09/2014

"Vào mùa nước lớn hàng năm, nghề đan lưới ở đây lại nhộn nhịp hẳn lên, góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân" - Bà Đỗ Kim Dung, ngụ ấp Bàu Bông, xã Phước An (huyện
Nhơn Trạch) tâm sự.

“Chúng tôi đã gắn bó với công việc đan lưới hơn 15 năm. Trước đây, nếu không đan lưới thuê cho các công ty sản xuất lưới, người dân chủ yếu đan lưới để đáp ứng nhu cầu đánh bắt thủy sản ở địa phương. Vào mùa nước lớn hàng năm, nghề đan lưới ở đây lại nhộn nhịp hẳn lên, góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho mọi người” - bà Đỗ Kim Dung (ngụ ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) tâm sự.

Bà Đỗ Kim Dung đang đan lưới đánh cá.
Bà Đỗ Kim Dung đang đan lưới đánh cá.

Về Phước An vào mùa nước lớn, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân địa phương tụ họp với nhau ngồi đan lưới đánh cá. Lưới còn ở dạng thô, qua bàn tay trau chuốt của người thợ trở thành những tấm lưới hoàn chỉnh. Những chiếc lưới nhiều màu sắc sau khi đan xong được giăng hàng dài rồi mới cuộn lại thành tấm lớn như những dải lụa kéo dài vô tận, tạo nên bức tranh bắt mắt.

* “Ăn theo” con nước…

Theo người dân địa phương, Phước An lắm đầm, đìa nên nhiều người đã lựa chọn đánh bắt thủy sản làm nghề mưu sinh. Khi việc đánh bắt cá, tôm được người dân địa phương coi là nghề đem lại thu nhập chính thì nhu cầu mua lưới ngày càng nhiều, một số người đã tự đan những tấm lưới nhỏ để bán. Qua thời gian, họ đã cải tiến thành những tấm lưới có diện tích lớn và độ bền lâu hơn.

“Nhiều công ty sản xuất lưới ở TP.Hồ Chí Minh biết vùng này có nghề đan lưới nên đã về đây tìm hiểu rồi đặt vấn đề hợp tác. Họ đưa lưới thô và vài chi tiết mà máy móc không làm được để chúng tôi đan lại cho hoàn chỉnh. Từ vài chục hộ đan lưới, đến nay toàn xã có đến cả trăm nhà gắn bó với công việc này. Trong nhà có một người đan lưới thì hầu như cả nhà đều biết đan, ai rảnh lúc nào thì xắn tay vào đan lưới lúc đó” - bà Dung cho biết.

Bà Nguyễn Thị Huyền Linh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước An, cho biết: “Nghề đan lưới chủ yếu dành cho phụ nữ, những người do quá tuổi không tìm được việc làm trong các công ty. Dù thu nhập không cao, nhưng việc đan lưới góp phần cải thiện kinh tế trong gia đình. Hội Phụ nữ xã cũng có vài tổ sản xuất lưới đánh bắt cá hơn 15 năm nay”.

Ở Phước An, nghề đan lưới tập trung chủ yếu ở 2 ấp Bà Trường, Bàu Bông và ở mỗi ấp lại phân thành nhiều nhóm đan từng loại lưới khác nhau. Có những tấm lớn chiều dài đến hơn chục mét, nhưng cũng có lưới dạng nhỏ, thích hợp với nghề giăng bắt ở các kênh, rạch.

Tuy nghề đan lưới không mang lại thu nhập cao nhưng người dân ở đây vẫn duy trì nghề, bởi có thể tận dụng được thời gian rảnh rỗi và người già, trẻ em đều có thể làm được. Vào mùa nước lớn, hàng công ty đưa về rất nhiều khiến nghề này làm ăn phát hơn.

Chị Phương, đầu mối phân phối lưới thô của công ty cho các điểm đan nhỏ trong ấp Bà Trường, cho biết mấy ngày này mọi người đều bận rộn với công việc đan lưới. “Nhiều năm làm nghề này, tôi thấy dịp này trở đi cho đến tết, hàng sẽ về nhiều hơn. Đa số công ty giao hàng với số lượng lớn, nhưng tôi sợ mọi người làm không kịp. Bình thường xe của công ty lưới về 4-6 lần/tháng, còn bây giờ ngày nào cũng lên xuống 2 chuyến đều đặn” - chị Phương nói.

Theo chị Phương, hầu hết người dân nơi đây đều biết đan lưới. Ngoài thời gian đi đánh bắt thủy sản trên sông, hay gặp những ngày mưa lớn, người dân không ra đồng lại tụ họp thành nhóm để cùng đan những tấm lưới cho hoàn chỉnh. Nhiều khi làm không kịp, họ còn “vận động” cả trẻ em tham gia.

“Nghề này làm không mấy khó khăn, nhưng phải chịu khó vì ngồi một chỗ cả ngày. Người lớn làm những công đoạn phức tạp, còn trẻ em cũng có thể góp sức, như: căng dây, kéo sợi cước cho thẳng. Sau bữa cơm tối, cả nhà 3-4 người vừa chuyện trò vừa ngồi đan lưới lại có thêm tiền. Ngoài bỏ mối cho mọi người làm, nhà tôi cũng phải huy động thêm mấy người cùng đan lưới để kịp giao cho những đơn hàng lớn” - chị Phương hồ hởi cho biết.

* Việc làm quanh năm

Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng nếu người thợ khéo tay, chịu khó và khi đã quen việc thì thu nhập từ việc đan lưới mang lại ổn định hơn so với làm nông nghiệp. Điều thuận lợi nữa là công việc này làm quanh năm. Mỗi tấm lưới sau khi đan hoàn chỉnh, người thợ được trả tiền công từ 5-10 ngàn đồng, trung bình một ngày được 70-100 ngàn đồng/người.

Gắn bó với công việc đan lưới gần 15 năm, từ chỗ là thợ đan, đến nay bà Dương Ngọc Lan (ngụ ấp Bàu Bông) đã trở thành “bà chủ” chuyên nhận hàng từ công ty rồi thuê nhân công đan lại. Hiện cơ sở của bà Lan có gần 30 người làm thường xuyên.

Lưới sau khi đan hoàn chỉnh được tập kết lại một điểm để công ty sản xuất lưới thu nhận.
Lưới sau khi đan hoàn chỉnh được tập kết lại một điểm để công ty sản xuất lưới thu nhận.

Bà Lan cho biết, nghề đan lưới ở Phước An cũng đã trải qua một thời gian bấp bênh, người dân nhiều tháng không có việc để làm, nhưng khi nghề đan lưới được tổ chức lại thì quy mô hoạt động ổn định, thu hút nhiều người tham gia. Hiện đơn hàng ký kết với các công ty sản xuất lưới có thời hạn đến một năm, đảm bảo cho mọi người có việc làm quanh năm.

“Khoảng 2 năm trước, người làm ở chỗ tôi giảm xuống còn một nửa, mọi người lần lượt bỏ việc vì không có hàng. Còn bây giờ tôi đã có kinh nghiệm hơn, buộc công ty phải ký hợp đồng đàng hoàng, bên nào vi phạm thì phải đền bù nên ai nấy đều yên tâm. Phía Công ty C. còn yêu cầu tôi mở rộng mạng lưới đan lưới thuê và có cam kết rõ ràng” - bà Lan nói.

Ngoài việc đan lưới thuê cho các công ty, trong xã Phước An cũng có vài cơ sở giữ nghề đan lưới truyền thống. Họ tự mua máy về kéo lưới, không phải nhận hàng của công ty làm nên có thu nhập cao hơn so với cơ sở nhận hàng về đan lại.

“Ngồi cả ngày kéo lưới, không được di chuyển nhiều, toàn thân nhức mỏi nên đòi hỏi người làm phải dẻo dai, chịu khó. Dù chẳng ra ngoài dầm mưa dãi nắng, nhưng nghề này cũng lắm công phu. Thợ đan lưới phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết, nếu không sẽ bị lỡ nhịp, mà như thế thì chiếc lưới phải được đan lại. Ngoài ra, lưới cũng dễ bị rối, ai làm không cẩn thận thì có khi phải bỏ đi… Có những đợt hàng giao gấp, tôi phải thức cả đêm để làm mới xong. Nói chung, nghề này cho tôi thu nhập ổn định” - thợ đan lưới Võ Thị Kim Phượng (ngụ ấp Bà Trường) cho hay.

Không nằm ở biển, nhưng nói về nghề đánh bắt cá, đan lưới thì người dân ở xã Phước An lại có lợi thế với truyền thống từ bao năm nay. Những tấm lưới do bàn tay khéo léo của người dân Phước An đã được xuất bán đi khắp nơi, trở thành ngư cụ cho những người làm nghề đánh bắt thủy sản mưu sinh trên miền sông nước.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều