Nhìn Siliphonh Savannimith (19 tuổi, học viên Lào tại Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai) lướt những ngón tay mảnh mai trên phím đàn piano, đôi mắt như chìm vào giai điệu cổ điển của Beethoven trông giống như một nghệ sĩ thực thụ...
Lướt những ngón tay mảnh mai trên phím đàn piano, đôi mắt như chìm vào giai điệu cổ điển của Beethoven, nhìn Siliphonh Savannimith (19 tuổi, học viên Lào của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai - gọi tắt là Trường VHNT) giống như một nghệ sĩ thực thụ. Chấm dứt phần trình diễn của mình, Savannimith đứng dậy chắp 2 tay trước ngực chào chúng tôi bằng tiếng Lào: “Sa-bai-đi…”.
Một buổi học đàn của nhóm học viên Lào. |
Nằm trong số những học sinh - sinh viên Lào được gửi đến đào tạo tại Đồng Nai, 8 học viên ở Trường VHNT phải nỗ lực hơn học sinh người Việt để có thể học được kiến thức nghệ thuật dạy trong trường.
Theo TS. Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, kiêm Hiệu trưởng Trường VHNT, văn hóa - nghệ thuật đòi hỏi năng khiếu và khả năng cảm thụ nên dù là bậc trung cấp cũng cần nhiều thời gian học. Điều này khiến việc học tập ở trường trở nên khó khăn, áp lực hơn với các học viên Lào.
* “Tiếng Việt khó học quá…”
Tìm gặp nhóm học viên Lào khi không có giờ lên lớp, chúng tôi được chào đón bằng những nụ cười thân thiện và tiếng “Sa-bai-đi” vang lên đồng loạt. Nhóm học viên gồm 5 nữ, 3 nam đến từ tỉnh Champasak đã theo học ở Trường VHNT được 2 năm, và đều được sắp xếp ở tại khu ký túc xá riêng.
Cả 8 học viên đều học ngành âm nhạc, chủ yếu với các nhạc cụ, như: piano, violon, organ… và do giảng viên người Việt dạy. Chị Seng Đa La Khouanehevan (24 tuổi) cho biết, sau 10 tháng học tiếng Việt, chị mới được đào tạo những kiến thức đầu tiên về âm nhạc. Chưa từng trải qua một lớp chuyên ngành về âm nhạc nên phải rất lâu chị Khouanehevan và các bạn mới tiếp thu được.
“Dù có thể nghe hiểu, đọc, viết tiếng Việt tương đối tốt, nhưng tôi và các bạn vẫn rơi vào tình trạng bất đồng ngôn ngữ khi giảng viên nói quá nhanh, hoặc tôi không nghe được giọng địa phương của Việt Nam. Có lần tôi đã phải thốt lên rằng tiếng Việt sao mà khó quá. Một phần nữa là khả năng cảm thụ âm nhạc của mỗi người đều khác nhau nên tốc độ tiếp thu kiến thức âm nhạc không đều” - chị Khouanehevan kể.
Tuy nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt, nhưng đôi lúc những học viên Lào không hiểu được câu hỏi mà chúng tôi đặt ra, tất cả đều phải nhờ lời giải thích lại của thầy Nguyễn Đức Luân, Phụ trách phòng Công tác học sinh - sinh viên của nhà trường.
Còn với em Thị Duyên Đài (16 tuổi, học sinh người Việt được trường cử hướng dẫn thêm tiếng Việt cho nhóm sinh viên Lào), sau gần 2 năm làm “gia sư” cho những người bạn Lào, em đã có một vốn tiếng Lào khá tốt và đang trở thành “cầu nối” để các bạn Lào hiểu hơn về nền văn hóa Việt Nam. “Lúc mới được các thầy phân công em cũng thấy lo lắm vì phải ở giữa những người lớn tuổi hơn em, mà em lại không hiểu họ nói gì. Bây giờ thì em có thể giao tiếp với các anh chị người Lào và hướng dẫn thêm cho họ những gì không hiểu lúc học trên lớp” - Đài vui vẻ nói.
Ngoài giờ lên lớp, nhóm học viên Lào ở Trường VHNT có những sinh hoạt đời thường giống như bạn bè Việt Nam đồng trang lứa.
* Nuôi dưỡng ước mơ…
Những ngành học thiên về năng khiếu, tư chất như ngành âm nhạc khiến cho những người chưa học qua âm nhạc cảm thấy rất khó khăn khi tiếp thu. Và theo lời những học viên này, so với các quốc gia khác, nền âm nhạc ở Lào phát triển chậm nên nhiều người đã bộc bạch nguyện vọng muốn được tiếp tục học và làm việc ở Việt Nam và các nước khác hơn là trở về Lào.
“Mùa hè vừa qua tôi được đến Thái Lan để tham gia giảng dạy về âm nhạc cho một trường tiểu học. Vì ngôn ngữ, chữ viết của người Thái và chúng tôi khá giống nhau, nên tôi nhanh chóng làm quen với môi trường ở Thái. Tôi cũng không nghĩ mình tiến bộ nhanh như vậy, dù mới chỉ bắt đầu theo học âm nhạc được 2 năm, nhưng bây giờ tôi đã có thể tự tin biểu diễn trên một sân khấu lớn hoặc truyền đạt lại kiến thức cho người khác…” - Siliphonh Savannimith tự hào cho biết.
Tiết mục múa cổ truyền của những học viên Lào chào mừng năm học mới. |
Những học viên Lào thường xuyên liên lạc với gia đình ở quê nhà bằng điện thoại di động hay mạng xã hội. Nhưng khác với những sinh viên Lào theo học các ngành nghề khác tại Đồng Nai, nhóm học viên ngành âm nhạc này sử dụng các thiết bị điện tử để tìm kiếm và xem đi xem lại những buổi biểu diễn giao hưởng, hoặc các video dạy học đàn trên internet.
Thầy Nguyễn Đức Luân giải thích, đây là một chuyên ngành rất kén người học; nhiều người chơi piano có thể đánh được những bài hát hiện đại, những khúc nhạc đầy ngẫu hứng, nhưng khi đưa cho họ một bản nhạc cổ điển của Beethoven, Mozart… thì họ trở nên lúng túng. “Nhà trường không chỉ dẫn các em phải dùng thiết bị điện tử để rèn luyện thêm, nhưng chính bản thân các em tự thấy được những điểm yếu của mình nên tự tìm tòi học hỏi thêm. Có những thứ thuộc về năng khiếu bẩm sinh, nhưng năng khiếu không được rèn luyện thì sẽ trở nên thui chột. Khi thấy các học viên tập luyện thêm vào giờ nghỉ, chúng tôi cảm thấy rất vui và luôn khuyến khích các em” - thầy Luân cho biết.
Thầy Nguyễn Đức Luân, phụ trách phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, cho biết 8 học viên học ở trường đều nghe rõ, phát âm tốt tiếng Việt, nhưng chỉ mới có thể nói những câu ngắn, ý nghĩa đơn giản vì cả nhóm đều cho rằng tiếng Việt quá phức tạp, nhất là với mật độ sử dụng “tiếng lóng” dày đặc của những người bạn Việt Nam đồng trang lứa. |
Vào những ngày cuối tuần, nhóm học viên Lào ở Trường VHNT thường tụ họp với những người bạn đồng hương đang theo học tại các trường khác trong tỉnh Đồng Nai. Khi thì họ đi bảo tàng, lúc lại cùng nhau ngồi nói chuyện và tìm mua xôi ăn để nhớ lại hương vị quê nhà. Theo Savannimith, người Lào chủ yếu ăn cơm bằng gạo nếp, nên lúc mới qua Việt Nam chỉ riêng chuyện bữa ăn hàng ngày bằng cơm gạo tẻ đã khiến cho nhóm học viên này chật vật rồi.
“Sống ở nước ngoài dĩ nhiên không thể thoải mái bằng ở nước mình được, nhưng mà chúng tôi phải cố gắng thôi, được Nhà nước cử đi học mà, làm sao trễ biếng được. Cũng may là từ Đồng Nai về Champasak không xa lắm, đi một chuyến xe duy nhất là về tới tận TP.Paksé của chúng tôi nên tiện lắm. Mỗi năm, chúng tôi về thăm nhà 3 lần vào các dịp hè, Tết Nguyên đán người Việt và Tết Lào, nên cũng không thấy nhớ nhà lắm. Lần nào gọi điện về, gia đình cũng dặn dò kiên trì học tập để xây dựng quê hương nên chúng tôi cũng không dám lơ là việc học hành…” - chị Seng Đa La Khouanehevan tâm sự.
Đăng Tùng