Những ngày về quê chữa bệnh, bà Trần Thị Hòa (vợ ông Bùi Nhật Lệ) da diết nhớ con, thương chồng ở lại ấp 4, xã Gia Canh (huyện Định Quán) lao động vất vả kiếm tiền nuôi vợ, chăm sóc cha mẹ già và các con thơ.
Những ngày về quê chữa bệnh, bà Trần Thị Hòa (vợ ông Bùi Nhật Lệ) da diết nhớ con, thương chồng ở lại ấp 4, xã Gia Canh (huyện Định Quán) lao động vất vả kiếm tiền nuôi vợ, chăm sóc cha mẹ già và các con thơ. Đến khi hay tin vợ khỏi bệnh, ông Lệ đòi giết dê ăn mừng, nhưng bị bà Hòa cản ngăn: “Trời cho tôi tiếp tục sống để làm vợ ông như vậy tôi mãn nguyện rồi. Vì vậy, tôi phải cùng ông chia ngọt, sẻ bùi trong cuộc sống và nuôi dạy các con khôn lớn, chứ mình đừng ăn xài phung phí”.
* Đồng cảnh
Năm 1977, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về nhà, ông Bùi Nhật Lệ đã thay cha gánh vác chuyện gia đình.
Dù kinh tế ổn định, vợ chồng ông Bùi Nhật Lệ vẫn giữ công việc thu mua ve chai dạo. |
Ông Lệ tỏ bày, vùng quê Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) những năm đầu đất nước thống nhất đời sống vô cùng khó khăn, đất đai khô cằn, lúa làm vụ được, vụ mất. Gia đình ông Lệ thuộc diện khó khăn trong xã, bản thân ông phải nghỉ học sớm để phụ cha chăm sóc 5 sào ruộng, nuôi mẹ bệnh tâm thần và 4 em gái đang tuổi ăn học. “Năm nào gia đình tôi cũng thiếu ăn, phần do mùa màng thất bát, phần vì ruộng ít lại cằn cỗi. Vì vậy, xong việc đồng áng tôi phải cùng đứa em gái chạy chợ mới có bữa cơm độn khoai nhiều hơn gạo cho cả nhà ăn” - ông Lệ kể.
Năm 1982, ông Lệ và bà Hòa nên duyên chồng vợ. Cuộc nhân duyên ấy được cha ông sắp đặt với mong muốn gia đình ông có thêm nàng dâu phụ gánh vác chuyện nhà.
Với cương vị Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp 4, xã Gia Canh, ông Bùi Nhật Lệ đã giúp đỡ các hội viên được 6 con dê giống, trên 30 triệu đồng tiền vay không lãi. Ngoài ra, ông còn đóng góp cho các phong trào địa phương hàng triệu đồng trong việc chăm lo gia đình nghèo, học sinh khó khăn… “Gia đình bác Lệ là điển hình của địa phương trong các phong trào, như: gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới…” - ông Nguyễn Đình Thảo, Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối vận xã Gia Canh, nhận xét. |
Lấy nhau không đồng tiền riêng tư, bà Hòa cứ vậy cùng ông Lệ lo toan gia đình không một lời ca thán. “Sáng vợ chồng lên núi mua hàng để chiều mang xuống vùng biển bán. Hôm sau thì mua cá, mắm từ vùng biển chuyển lên miền núi đổi hàng để kiếm đồng tiền lời đong gạo ăn từng bữa cho cả nhà. Nhiều khi thấy tôi làm khổ cực, ông Lệ bảo ở nhà ông lo, nhưng tôi không đành lòng” - bà Hòa tâm sự.
Trước sự khó khăn chung của làng quê, năm 1990 ông Lệ đánh liều một chuyến vào Nam thăm người thân và cũng để tìm hướng làm ăn. Sau vài ngày ở xã Gia Canh, ông được người bà con bên vợ cho mượn 6 chỉ vàng mua 400m2 đất tại ấp 2 và 1 hécta đất rẫy tại ấp 5. Mua được đất, ông liền gửi thư về quê báo tin sẽ nán lại đây để tỉa bắp, lúa, đậu và tìm cây cất xong cái chòi nhỏ để đón đại gia đình vào Nam đoàn tụ.
Nói là làm, suốt nhiều tháng liền, ông cứ lầm lũi một mình dọn rẫy, tỉa hạt, vào rừng tìm cây tốt vác vai mang về để dành. Khi cây lúa, đậu xanh, bắp ngậm sữa, trổ bông, bắt đầu cho thu hoạch và căn chòi nhỏ đã thành hình, ông Lệ liền bắt xe về quê rước cả gia đình vào Nam chung sống.
* Gánh ve chai hạnh phúc
Đặt chân lên đất Gia Canh hôm trước thì hôm sau cả gia đình ông Lệ đã cùng nhau ra rẫy thu hoạch bắp, lúa, đậu xanh. Ông Lệ bồi hồi nhớ lại, mọi người trong nhà ai cũng sửng sốt khi ông dẫn ra rẫy thu hoạch vụ mùa. Bởi đã lâu lắm rồi, mọi người trong nhà ông mới được nhìn thấy một vụ mùa no đủ để chấm dứt cảnh ăn đong từng bữa. “Cha tôi bán nhà cửa, vườn tược, đồ đạc ở quê được 1 cây vàng và cho hết vợ chồng tôi làm vốn. Số tiền đó, tôi dùng trả nợ tiền mua đất, trang trải tiền tàu xe vào Nam cho cả nhà thì hết sạch” - ông Lệ nói.
Yên ổn cuộc sống trên vùng đất mới được vài năm thì bà Hòa phát bệnh bướu. Bao nhiêu tiền của tích cóp được, ông Lệ đều đổ dồn hết cho vợ điều trị bệnh. Kinh tế gia đình suy kiệt, bệnh tình của bà Hòa ngày một xấu hơn, nên ông quyết định đưa vợ trở về quê điều trị đông y. Vợ chồng thêm 2 năm ròng xa cách, chỉ tâm sự với nhau bằng những dòng thư.
Cựu chiến binh Bùi Nhật Lệ luôn tự hào về sự ham học của các con và sự động viên của địa phương đối với gia đình ông. |
Vắng vợ, ông Lệ phải lao động vất vả kiếm tiền lo cho 3 con ăn học, chăm sóc mẹ bệnh tâm thần, người cha già và không quên đều đặn gửi tiền ra quê cho vợ chữa trị. Ngày hay tin bà Hòa hết bệnh, chuẩn bị trở vào Nam, ông Lệ sung sướng khoe tin khắp xóm làng và đòi giết dê ăn mừng.
Thương chồng vất vả vì chữ hiếu, chữ tình, bà Hòa khuyên can ông đừng giết dê mừng bà hết bệnh vì bà đã làm ông khổ nhiều rồi. Về đến nhà chẳng bao lâu, dù bước chân chưa đủ vững, tay chưa đủ mạnh, bà vẫn ngày ra đồng phụ chồng trồng màu, trưa tạt ra suối cắt thêm lá chuối và chiều cùng chồng chở thêm mớ củi ra chợ bán.
Khi 3 con đã lần lượt lên bậc THPT, vào đại học, vợ chồng ông Lệ làm thêm nghề mua bán ve chai. Xong chuyện rẫy vườn, 2 ông bà lại cọc cạch xe đạp đi khắp xóm gần, khu dân cư xa mua ve chai. Tối về, cả nhà lại xúm nhau phân mớ hổ lốn nhôm, nhựa theo từng món hàng riêng cốt để kiếm thêm đồng lời tiếp sức cho con ăn học.
Đến nay, 3 người con của ông Lệ lần lượt tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Tuy vậy, vợ chồng ông vẫn kiên trì gánh ve chai, chăm sóc bầy dê trong vườn, hoa trái ngoài rẫy với thu nhập kiếm mỗi năm trên 150 triệu đồng khi bước vào tuổi 60. “Ngoài thời gian sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc và Hội Cựu chiến binh, vợ chồng tôi ít khi có mặt ở nhà mà ở ngoài rẫy làm vườn, chăn nuôi hoặc thu gom ve chai từ những mối quen đến bán kiếm lời. Dù có của ăn của để, vợ chồng tôi vẫn không quên những năm tháng khốn khó. Chúng tôi dành dụm để phòng lúc khó khăn, cố làm để có điều kiện giúp đỡ đồng đội, người khó khăn hơn mình” - bà Hòa chia sẻ rồi đạp xe đi mua ve chai.
Ông Lệ dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình hội viên cựu chiến binh được ông giúp đỡ đang ăn nên làm ra với nụ cười rất lính. Ông nói: “Vợ chồng đồng thuận thì khó khăn nào cũng vượt qua được. Sống biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và không ngại khó khổ, sớm muộn gì cũng thành công. Quê hương và phẩm chất người lính Cụ Hồ đã truyền cho tôi khát vọng, niềm tin để vượt qua khó khăn”.
Thành Nhân