Báo Đồng Nai điện tử
En

"Điệp vụ" CM12 ngoài... Hòn Đá Bạc!

11:09, 26/09/2014

Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 (9-9-1984 - 9-9- 2014) tại Hòn Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Đại tá Lý Quang Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Công an tỉnh tham dự.

Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 (9-9-1984 - 9-9- 2014) tại Hòn Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Đại tá Lý Quang Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Công an tỉnh tham dự.

Du khách tham quan đoạn cầu nối từ Vàm Đá Bạc ra Hòn Đá Bạc bị gãy sau cơn bão số 5 năm 1999.
Du khách tham quan đoạn cầu nối từ Vàm Đá Bạc ra Hòn Đá Bạc bị gãy sau cơn bão số 5 năm 1999.

Trước đó, tại một hội thảo khoa học do Bộ Công an tổ chức đã xác định: “Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là một trong những trận đánh hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo tuyệt vời của lực lượng công an nhân dân”.

* “Điệp vụ” hoàn hảo

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, đất nước ta đứng trước tình hình vô cùng phức tạp do hàng ngàn đối tượng trong và ngoài nước tập trung chống phá khắp các tỉnh phía Nam, vươn ra các nước trong khu vực và trải dọc biển Đông đến vùng đảo cực Bắc Tổ quốc. Trong đó, nổi cộm nhất là tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Ngày 12-5-1981, lực lượng dân quân bắt được một toán 9 tên biệt kích xâm nhập bằng đường biển vào Cà Mau. Qua đấu tranh khai thác, ta nhanh chóng xác định được âm mưu và thực lực của tổ chức phản động này nên đã lập kế hoạch đối phó. Ban chỉ đạo Kế hoạch CM12 ra đời và bước ngay vào cuộc chiến đấu.

Triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch phản gián liên hoàn, trong 3 năm (từ tháng 9-1981 đến tháng 9-1984), lực lượng an ninh của ta đã câu nhử và “đón” tại Hòn Đá Bạc được 18 chuyến xâm nhập với 143 lượt tàu chở theo 189 tên gián điệp, biệt kích cùng với 3.679 khẩu súng các loại, 90 tấn đạn, khoảng 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả và rất nhiều phương tiện phá hoại.

Ngày 9-9-1984, 2 con tàu xâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam đã bị giữ cùng 2 “thủ lĩnh” Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, riêng Lê Quốc Túy do bệnh nặng đã không đi trong chuyến này.

Qua thực hiện Kế hoạch CM12, lực lượng an ninh của ta còn phát hiện, đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức phản động do địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam bộ…

Bị thất bại nặng nề, nhưng bọn phản động lưu vong vẫn chưa dừng lại mưu đồ gây bạo loạn toàn miền Nam. Trong 3 năm tiếp sau đó, Kế hoạch ĐN10 được triển khai thực hiện. Trong đó, Công an Đồng Nai được giao nhiệm vụ: “Chủ động điều khiển mọi hoạt động của địch, qua đó hiểu sâu về âm mưu địch, đấu tranh có hiệu quả với bọn đã được địch tổ chức ở trong nước...”.

* Từ rừng lồ ô đến Hòn Đá Bạc

Dù sau đó có sự thay đổi phương án tác chiến, chủ động điều khiển địch đổi hướng đổ quân và vũ khí từ Đồng Nai về Cà Mau, nhưng thành tích đóng góp thiết thực và có hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Công an Đồng Nai đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng III.

Vùng biển Hòn Đá Bạc rất phong phú, đa dạng các loài thủy hải sản, trong đó hàu là một sản vật ngon được Nghê Văn Lương và Huỳnh Minh đưa vào trong cuốn sưu khảo Cà Mau xưa.

Qua tham gia chuyên án CM12, Công an Đồng Nai đã phá vỡ tổ chức phản động “Mặt trận liên quân Việt Nam” do Lê Quốc Quân cầm đầu, được Lê Quốc Túy hà hơi tiếp sức.

Từ Đồng Nai (nơi lực lượng an ninh Đồng Nai phát hiện, khống chế và điều khiển tên liên lạc điện đài của bọn phản động) ra đến Hòn Đá Bạc của bờ biển Cà Mau (địa điểm ban chuyên án đã chủ động dọn cho địch đổ quân và vũ khí) khá xa về mặt địa lý, không ngờ lại gần nhau qua việc đồng tâm hiệp lực, sánh vai thực hiện Kế hoạch ĐN10. Đặc biệt, qua phối hợp có hiệu quả với lực lượng an ninh Campuchia, Lê Quốc Túy buộc phải đưa hết quân đã huấn luyện ở Thái Lan về Việt Nam theo đường Campuchia. Và cuối năm 1987, mấy toán gián điệp xâm nhập cuối cùng đều lần lượt rơi vào tay Công an Việt Nam.

Ngày 30-1-1988, đại diện Lê Quốc Túy tại Pháp đã gửi điện cho các toán thâm nhập trong kế hoạch ĐN10 báo tin: “Lê Quốc Túy đã chết ngày 25-1-1988”. Đến ngày 4-3-1988, bức điện cuối cùng gửi về cho các toán trong nước thông báo giải tán toàn bộ tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.

* Cách bờ 42km, nay chỉ còn… 2km

Có lẽ, Hòn Đá Bạc hiện nay là một đảo biển duy nhất ở Việt Nam người ta có thể đi bộ ra bằng cách tà tà bước lên chiếc cầu xi măng có 2 làn đường thẳng tắp dài hơn 1km.

Trước đây, Hòn Đá Bạc nằm cách xa bờ xã Khánh Bình Tây đến hơn 42km, mỗi lần muốn ra Hòn Đá Bạc phải có tàu, ghe. Những năm gần đây, Vàm Đá Bạc của xã Khánh Bình Tây được bồi tụ lấn dần ra biển, hình thành một ấp làng chài mới.

Tượng đài chiến thắng Chuyên án CM12.
Tượng đài chiến thắng Chuyên án CM12.

Cạnh đó, Hòn Đá Bạc với diện tích 6,34 hécta, gồm: Hòn Ông Ngộ, Sân Tiên, Đá Bạc với đỉnh cao nhất lên đến 22,7m được bao phủ bởi thảm thực vật xanh tươi quanh năm và chung quanh được che chở bởi những tảng đá san sát nhau với các khe nước trong xanh tạo môi trường cho nhiều loài rong rêu, cá, hàu… sinh sống, tạo nên sinh cảnh du lịch vô cùng hấp dẫn.

Ngành thương mại du lịch tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng trên Hòn Đá Bạc một khách sạn - nhà hàng rất bề thế, thiết kế cặp rồng bằng xi măng cốt sắt rất uy nghi, hoành tráng đang “trườn” mình qua dãy Yên Ngựa nối liền Hòn Sân Tiên với Hòn Đá Bạc.

Để việc đi vào Khu du lịch Hòn Đá Bạc được thuận tiện, một chiếc cầu xi măng dài gần 2km được xây nối từ vàm ra tới hòn tạo thành con đường trên biển lồng lộng gió đón khách bốn phương đến với điểm văn hóa - du lịch khá độc đáo này của miền cực Nam Tổ quốc.

Theo quy hoạch tổng thể Hòn Đá Bạc, trên hòn gồm: khu dịch vụ du lịch, khu tưởng niệm (tưởng nhớ những người chết trong cơn bão lịch sử số 5 năm 1999), khu vực bia chiến thắng với tượng đài “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” và địa điểm bố trí 2 khẩu pháo 105 ly nhằm khống chế toàn bộ vùng biển Tây Cà Mau, nhà trưng bày hiện vật tự nhiên, giới thiệu lịch sử hình thành và các truyền thuyết về dấu Chân Tiên, Hang Hòn; đồng thời cũng nhằm bảo tồn sinh thái, đặc điểm tự nhiên vốn có của cụm đảo, tạo thành tuyến du lịch xanh liên kết Vồ Dơi - đầm Thị Trường - mũi Cà Mau.

Từ TP.Cà Mau về đến Hòn Đá Bạc dài 80km, nhưng cảnh quan 2 bên đường luôn bất ngờ, thú vị. Khách phương xa dễ bị cuốn hút tầm mắt trước những cánh rừng  tràm bạt ngàn U Minh Hạ, thảng thốt với nhiều loại động - thực vật mà lâu nay nhiều người chỉ biết được qua đọc Hương rừng Cà Mau hoặc Đất rừng Phương Nam; choáng ngợp trước  khu khí - điện - đạm Cà Mau hiện đại trải rộng đến hàng trăm hécta ở vùng đất cuối trời Việt Nam.

Bùi Thuận

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều