Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặc sản từ hoa

11:09, 19/09/2014

Thời điểm này miền Tây đang vào mùa nước nổi, những cánh đồng, bưng trắng nước nở rộ sắc vàng điên điển, sắc tím của bông súng, bông kèo nèo xanh mướt; mùa của cá linh, tép bạc… quyến rũ khách thập phương tìm về. Biên Hòa không có mùa nước nổi nhưng vẫn có những món đặc sản từ hoa, vốn là thương hiệu riêng của đất miền Tây.

Thời điểm này miền Tây đang vào mùa nước nổi, những cánh đồng, bưng trắng nước nở rộ sắc vàng điên điển, sắc tím của bông súng, bông kèo nèo xanh mướt; mùa của cá linh, tép bạc… quyến rũ khách thập phương tìm về. Biên Hòa không có mùa nước nổi nhưng vẫn có những món đặc sản từ hoa, vốn là thương hiệu riêng của đất miền Tây.

Chị Trần Thị Thu Huệ bán các loại rau đặc sản tại bến đò An Hảo (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên
Chị Trần Thị Thu Huệ bán các loại rau đặc sản tại bến đò An Hảo (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên

Có lần ghé chợ Hóa An, tình cờ thấy ở đây có bán bông điên điển, tôi hỏi thăm mới biết ngay tại TP. Biên Hòa cũng trồng được loài hoa chỉ mọc ở vùng nước mùa lũ giàu phù sa. Tôi đã tìm đến ấp Tam Hòa (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) để thăm vườn bông điên điển của ông Nguyễn Thanh Tân, người trồng được bông điên điển trên đất cù lao nhiễm phèn. Nhà của ông Tân tuy nằm gần bên tuyến đường nhựa dẫn xuống bến phà An Hảo, nhưng ở đây “rặt” không khí nhà quê khi phải len lỏi qua lối mòn chen chúc cỏ dại mới thấy căn nhà lá ẩn khuất giữa màu xanh cây cỏ, bên hông nhà là vạt bông thọ nở bung sắc vàng.       

* Góc miền Tây nơi phố thị

Thấy có khách, ông Tân tất tả từ sau vườn ra sân đón khách, trên tay còn cầm rổ bông điên điển vàng tươi vừa mới hái. Khác với hình dung của tôi về một vùng bông điên điển rạng rỡ sắc vàng đung đưa trên mặt nước, ông Tân trồng điên điển trên đất rải rác khắp vườn, ngay cả khu trồng tập trung dọc bờ rạch cũng chỉ thấy một khoảng lá xanh với lác đác hoa vàng. Ông Tân giới thiệu: “Ở đây người ta thích ăn búp nên tôi thường hái ngay từ sáng sớm khi bông chưa kịp nở. Cụm điên điển cao ngồng này do mọc từ mùa nắng, mưa xuống mới vươn cao nên nhìn cằn cỗi, cho bông cũng ít hơn đám điên điển tơ vừa mọc. Sáng nào tui không hái, đầu giờ chiều bông điên điển nở rộ, cả vạt đất rực rỡ đầy những chuỗi hoa vàng treo đầy các ngọn cây”. 

Ông Tân vốn là thợ sửa ti vi, đầu máy… ở chợ Biên Hòa, đến tuổi hưu ông mới về làm vườn. “Tui đã đi khắp vùng cù lao, thấy ở đây cũng có cây điên điển mọc hoang, bông có màu tím nhưng chỉ to bằng đầu nhang là kết trái nên không ăn được. Tui đã về quê ở tận Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) để mang hạt giống điên điển lên trồng. Hai năm đầu, cây mọc rồi lụi dần vì chưa thích nghi được với chất đất nhiễm phèn nặng. Nhưng 4 năm trở lại đây, mùa mưa nào vườn điên điển tui trồng cũng trổ bông rực rỡ. Có năm bông điên điển nở tràn dọc mé ao, tui chống bè đi hái, có nhóm khách quê miền Tây đi ngang bồi hồi ghé thăm vì thấy cảnh nhớ quê. Tui muốn tạo một góc miền Tây thu nhỏ trên đất thị thành cho riêng mình” - ông Tân chia sẻ.

Ông Tân khoe rổ bông điên điển vừa mới hái.
Ông Tân khoe rổ bông điên điển vừa mới hái.

Vừa dùng cây tre móc từng ngọn điên điển trên cao xuống hái những chuỗi bông vàng, ông Tân vừa kể, giống cây này chỉ cần gieo hạt là nó tự mọc rồi chờ mùa bông để thu hoạch. Chỉ vào khu vườn có ao cá, giàn đậu rồng lúc lỉu trái, giàn bông thiên lý chớm ra bông, bên cạnh là vài luống bạc hà mơn mởn trong nắng sớm, ông tự hào khoe: “Thời gian đầu, tui chỉ cần phơi nắng một chút là mệt nhưng giờ sức làm việc không thua gì nông dân thực thụ. Tui tự đào kênh, vét ao, làm chuồng nuôi gà, nuôi thỏ… Sáng sớm dậy hái bông điên điển nên ngày nào cũng có đồng ra đồng vào. Cuộc sống lúc nào cũng thảnh thơi, vui vẻ”.

Chị Thu kể, nhà có 6 anh chị em, gia cảnh khó khăn nên gia đình chị lưu lạc đến đất Đồng Nai sinh sống. Mấy năm đầu, dì Năm làm công nhân ở lò gốm, sức khỏe yếu mới chuyển sang bán vé số cho đến bây giờ. Hơn chục năm trời họ đều ở trọ, 7 năm trước gia đình dì mới dành dụm được ít vốn cất căn nhà gạch ở tạm nằm cạnh khu nghĩa địa cũ thuộc khu quy hoạch chờ giải tỏa. Tận dụng đất quanh nhà, mấy mẹ con dì Năm quây chuồng nuôi vài chục con vịt đẻ, trồng được trên chục cây bông so đũa, ít bụi sả, vài cụm lá giang… để kiếm thêm tiền chợ. Mỗi sáng, chị Thu lấy cá ở chợ về làm sẵn, hái rau vườn ngồi trước cổng nhà bán cho công nhân và người dân trong xóm. Chiều chị tranh thủ đi thu gom rau, thức ăn thừa ở các quán ăn về nuôi vịt. Theo chị Thu: “Miễn mình chịu làm thì ở đâu cũng sống được”

Có lẽ không phải là sự tình cờ khi dì Năm, người trồng và bán hoa so đũa ở chợ Hóa An cũng là người miền Tây - vùng đất màu mỡ phù sa cho các loài hoa cỏ đua chen khoe sắc. Họ đều có chung nét hồn hậu, nhiệt tình và dù cuộc sống có khó khăn cũng vẫn giữ tính cách đáng quý của con người miền Tây hào sảng. Khi tôi hỏi tên, dì chỉ cười móm mém: “Cứ gọi là bà Năm bán vé số, vì đây là nghề chính của tui”. Dù tập vé số còn khá dày khi chỉ còn vài tiếng là đến giờ xổ số, dì Năm vẫn vui vẻ đứng giới thiệu với tôi về vườn bông so đũa của mình: “Cây này rất dễ sống, trồng khoảng 45 ngày là trổ bông. Cây trổ bông quanh năm, trung bình mỗi ngày gia đình tui thu được từ 2-3kg, đem bỏ mối cho tiểu thương ngoài chợ với giá 15 ngàn đồng/kg. Nhà cách chợ Hóa An chỉ hơn cây số, nhiều khi tui xách bịch chưa đến chợ đã có người mua hết, bán lẻ thì giá cao hơn 5 ngàn đồng/kg”. Nói rồi dì Năm gọi chị Thu - cô con gái thứ 2 dẫn tôi về nhà để chụp hình cây bông so đũa rồi lại tất tả lội bộ đi bán vé số. 

* Ký ức món ăn quê nhà

Mùa này, các chợ rau cũng thêm nhiều màu sắc: bông so đũa trắng muốt, sắc vàng bông điên điển, bông súng tím, bó rau chạy, bông kèo nèo xanh mướt… Đây cũng là mùa cá, tôm sông dồi dào, người đi chợ thường mua các nguyên liệu về nấu lẩu mắm hoặc nồi canh chua cá linh cho cả nhà thưởng thức. Ngoài ra, có rất nhiều món ngon được chế biến từ những loài hoa đồng nội này, như: làm gỏi, đổ bánh xèo, muối dưa, xào tép, nấu bún cá, bún riêu cua… tuy dân dã nhưng khiến thực khách nhớ hoài sau một lần thưởng thức. Nhiều món rau dại đã trở thành nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt, thành món đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao.

Chị Thu hái bông so đũa trong vườn nhà.
Chị Thu hái bông so đũa trong vườn nhà.

Vun lại khay bông điên điển vàng rực, chị Bùi Thị Phòng, tiểu thương bán rau tại chợ Hóa An, cho biết: “Đây là mùa để thưởng thức nhiều món ngon nấu từ hoa cỏ. Đầu mùa, bông điên điển có giá đến 70 ngàn đồng/kg, nhưng nhiều công nhân miền Tây vẫn bỏ tiền mua ăn cho đỡ ghiền vì đây là món ăn quê nhà, mỗi năm chỉ có một lần. Trước đây, tôi thường lên chợ đầu mối đặt hàng, giờ ưu tiên mua hoa trồng tại chỗ vì vừa hái ra bán ngay nên luôn tươi mướt”. Các loại rau từ hoa khác, như: so đũa, bông súng, kèo nèo… bây giờ có bán quanh năm nhưng thời điểm thưởng thức tuyệt vời nhất là khi mưa tràn đồng, hoa nở non tươi. Tuy những món ngon này rất nhiều nơi trồng được nhưng nó mặc nhiên gắn với những đồng bưng trắng nước, là miền ký ức riêng của người dân nghèo vùng nước lũ như lời bài hát về bông điên điển từng nhắc đến:

“Quê ta đó có mùa lũ lụt

Luộc chùm bông điên điển thay cơm

Vậy mà không ai muốn ly hương”.

Ông Tân nhớ lại những mùa nước nổi tuổi thơ thường chèo ghe đi hái bông điên điển. Theo ông đây là cây cứu đói của người nghèo, nhờ nó nhiều gia đình ở miền Tây chèo chống qua giai đoạn khó khăn. “Tui kiên trì thử nghiệm để trồng thành công điên điển trên đất nhiễm phèn vì thấy món ăn dân dã này đã thành đặc sản được nhiều nơi ưa chuộng. Nhờ chủ động gieo sớm hơn, điên điển do tui trồng thường trổ bông sớm hơn ở miền Tây gần cả tháng nên luôn bán được với giá cao. Một số người dân cùng xóm cũng đến xin giống về trồng vừa làm rau vừa tạo cảnh” - ông Tân nói.

Bình Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích