Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện của người lính già giữa rừng già

12:09, 27/09/2014

Rời hang cọp nơi công viên đá (Khu bảo tồn thiên niên - văn hóa Đồng Nai), câu chuyện về người thợ rừng Tám Thi (tên thật là Châu Văn Thi, ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bẫy được con cọp dữ cuối cùng của rừng Mã Đà - Hiếu Liêm thôi thúc chúng tôi muốn được gặp ông.

Rời hang cọp nơi công viên đá (Khu bảo tồn thiên niên - văn hóa Đồng Nai), câu chuyện về người thợ rừng Tám Thi (tên thật là Châu Văn Thi, ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bẫy được con cọp dữ cuối cùng của rừng Mã Đà - Hiếu Liêm thôi thúc chúng tôi muốn được gặp ông.

Theo lời kể của những người thợ rừng, vào năm 1985 ông Tám Thi là người đã bẫy được con cọp khá lớn. Loại bẫy được sử dụng là bẫy cáp lớn. Chúa sơn lâm khi mắc bẫy chồm lên tấn công người. Vốn là tay súng bản lĩnh, ông Tám Thi bình tĩnh bắn hạ chúa sơn lâm. Khi con thú chết, ông lại gần xem xét và rợn người khi thấy sợi dây cáp đứt gần hết chỉ còn vài sợi nhỏ.

Ông Tám Thi mô tả lại lúc ông nâng súng lên hạ con cọp.
Ông Tám Thi mô tả lại lúc ông nâng súng lên hạ con cọp.

Nhắc lại câu chuyện bẫy cọp, ông Tám Thi cười khà cho rằng, câu chuyện hạ chúa sơn lâm mà các thợ rừng kể về ông chỉ đúng một ý. Ông chính là người dùng súng bắn hạ con cọp khi nó bị mắc bẫy. Còn tình tiết ông là người phát hiện dấu vết, rồi đặt bẫy, thăm bẫy, phát hiện con cọp mắc bẫy rồi bắn hạ… chỉ là lời đồn thổi.

* Con cọp xấu số

Nhấp ngụm trà bà Thắm (vợ ông Tám Thi) vừa pha nghi ngút khói, ông bắt đầu câu chuyện trong cơn mưa rả rích. Hôm ấy, ông và thợ rừng đang ngồi nghỉ nơi lán trại. Một người thợ rừng tên Sang đứng dậy, không nói không rằng cầm cưa máy đi về hướng có cây gõ đỏ cách lán trại khoảng 500m. Trên đường đi tìm cây, bất chợt thợ rừng Sang nghe tiếng cây đổ rầm rầm. Sau đó thì nghe tiếng gầm rú rờn rợn của cọp nên tá hỏa chạy ngược về báo tin. Hay tin, ông Tám Thi chụp cây súng săn phóng về hướng thợ rừng Sang chỉ. Đi được một đoạn thì ông nghe rất rõ tiếng hổ gầm rít.

Ông Tám Thi cho biết, theo những người đi rừng và cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, có thể con hổ mà ông bắn hạ khu vực công viên đá năm 1985 là con hổ cuối cùng của vùng rừng Hiếu Liêm. Vì từ đó đến nay, không thợ rừng và người dân nào còn phát hiện dấu vết hổ nữa.

Ông Tám Thi cặp cây súng vào nách với tư thế sẵn sàng khai hỏa. Rồi ông nhẹ nhàng tiến về nơi phát ra tiếng cọp đang gầm gừ dữ dội. Cách nơi con cọp bị dính bẫy 10m, ông Tám Thi nép vào vách đá quan sát. Ngay lập tức, ông thấy con cọp co người phóng về phía ông, hai mắt long lên thật dữ dằn như muốn vồ chụp lấy ông. Bằng phản xạ của người thợ săn, ông Tám Thi ngắm vào mang tai con cọp bóp cò. Sau phát đạn thứ nhất, con cọp lồng lộn rồi khụy xuống. Thợ rừng Tám Thi bồi thêm phát thứ hai thì nó không còn giãy giụa được nữa. Lúc này, thợ rừng Sang mới cùng ông tiến về nơi con cọp bị bắn hạ thì thấy một chân của nó bị dính bẫy. Sợi dây bẫy sắp tuột ra.

Đường 768 mưa như trút nước, ông Tám Thi hồi tưởng lại cái cảnh khổ cực khi chui lủi trong rừng làm “lâm tặc” sau khi xuất ngũ về với đời thường. “Con cọp dài cỡ 2m, nặng chừng 170kg đã bất động sau hai phát đạn của tui. Nó dính bẫy vì hoảng loạn bỏ chạy ra khỏi hang khi nghe cây bị cưa ngã rần rần gần nơi ẩn nấp. Cái cây đó do một thợ rừng trong nhóm cưa. Còn cái bẫy thì không biết do ai đặt để bẫy thú chứ không phải do tui đặt. Tui hạ nó vì không biết nó dính bẫy và thấy nó dữ dằn chồm phóng về phía tui. Thật lòng mà nói trong thâm tâm tui không muốn hạ nó vì bao lâu nay tui chỉ săn mấy con cheo, chồn, heo rừng mà thôi” - ông Tám Thi đính chính lại thông tin về việc ông hạ con cọp tại khu công viên đá.

* Một thời oanh liệt

Chấm dứt câu chuyện về bắn cọp, ông Tám Thi kể tiếp cho chúng tôi nghe câu chuyện về những năm tháng ông tham gia cách mạng, bám chặt những cánh rừng đại ngàn Đại An, Mã Đà, Hiếu Liêm hoạt động. Ông Tám Thi cho hay, ông đã 3 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Những ngõ ngách của rừng già trải dài từ Đại An đến Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu xưa) ông đều thông thuộc.

Từ quê Đồng Tháp, năm 1958 cha ông đưa gia đình về xã Trị An mở tiệm mộc. Năm 16 tuổi, khi đang làm lao công cho lò đường ông Hai Đồ, ông Tám Thi đã được giác ngộ và tham gia cách mạng. “Do tui thường xuyên đi khắp vùng huyện Vĩnh Cửu chặt mía thuê cho chủ lò đường nên thông thuộc từng lối đi, ngõ ngách. Vì vậy, tui được cách mạng giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ ra vào, liên lạc thư từ” - ông Tám Thi bộc bạch.

Khu rừng nơi con cọp cuối cùng bị ông Tám Thi bắn hạ. Ảnh: Đ.PHÚ
Khu rừng nơi con cọp cuối cùng bị ông Tám Thi bắn hạ. Ảnh: Đ.PHÚ

Sau Mậu Thân 1968, ông Tám Thi bị lộ và được tổ chức đưa vào căn cứ hoạt động. Do lanh lợi, thông thuộc địa bàn, ông vừa là bộ đội của Huyện đội, vừa là cán bộ liên lạc của Huyện ủy Vĩnh Cửu. “Mùa mưa mía lên cao thì nấp trong những rẫy mía. Mùa khô thì đào hầm bí mật để ẩn nấp hoạt động. Thời đó, huyện Vĩnh Cửu có 11 xã chia làm 3 khu. Khu 1 gồm các xã: Đại An, Tân Định, Thiện Tân. Khu 2 gồm các xã: Bình Thạch, Tân Phú, Bình Long, Lợi Hòa. Khu 3 gồm các xã: Bình Ý, Bình Phước, Tân Triều, Bình Hòa. Khắp nơi đều là rừng và rẫy mía của dân, ngày bộ đội ẩn nấp trong các hầm bí mật, tối mới mò ra dân móc nối liên lạc, nhận tiếp tế, tuyên truyền” - ông Tám Thi nói.

Rồi kẻ thù rải chất độc hóa học làm cho những cánh rừng  già Mã Đà, Hiếu Liêm bị xác xơ, ông vẫn kiên trung bám rừng, bám cơ sở hoạt động. Ông Tám Thi thấp giọng kể, sau những đợt rải thảm chất khai hoang, rải bom đốt phá căn cứ cách mạng của Mỹ - ngụy, những cánh rừng già bị phá ghê gớm. Mùa mưa đến, rau tàu bay xanh rì khắp nơi nhìn như ruộng mạ. Đó là thứ để ông và đồng đội nấu chung với nắm gạo cầm cự khi chưa móc nối được với cơ sở. “Tháng 7-1969 tui được kết nạp Đảng. Tháng 9 năm đó thì hay tin anh trai là Năm Y hy sinh. Cuộc chiến cứ vậy kéo dài cho đến ngày thống nhất đất nước. Đến năm 1978 tui xin xuất ngũ” - ông Tám Thi cho biết.

Rời quân ngũ được 1 năm ông lấy bà Thắm. Ông Tám Thi ngượng ngùng bày tỏ, vì thuộc rừng như lòng bàn tay nên những năm quá khó khăn, ông mới tham gia khai thác rừng, săn bắn thú rừng để cưu mang đàn con nheo nhóc. Đến năm 1990 ông Tám Thi giải nghệ làm “lâm tặc”, lo mấy sào đất rẫy và làm thuê cho bà con trong xã. “Tui cũng có 2 hécta đất rẫy khai phá được. Sau đó tui lại hiến cho xã làm nghĩa trang nên giờ không còn bao nhiêu đất. Nay mấy chú còn nhớ đến tui về hỏi chuyện bắn cọp, kể chuyện kháng chiến là tui vui lắm rồi” - ông Tám Thi siết mạnh tay chúng tôi khi kết thúc câu chuyện một thời “oanh liệt” trong mưa chiều lất phất.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều