Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây nấm ở vùng nước phèn

11:09, 07/09/2014

Nằm giữa vùng nước thường bị nhiễm phèn ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), nhưng từ nhiều năm nay, mảnh đất của gia đình ông Bùi Văn Minh (50 tuổi) lại may mắn có được nguồn nước thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm...

Giữa vùng nước thường bị nhiễm phèn (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), từ nhiều năm nay, ông Bùi Văn Minh (50 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) lại may mắn có được nguồn nước thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng nấm. Nhờ sự may mắn đó, việc trồng nấm của ông Minh đã nhanh chóng “phất” lên.

Ông Bùi Văn Minh kiểm tra từng phôi nấm trong trại nấm của mình.
Ông Bùi Văn Minh kiểm tra từng phôi nấm trong trại nấm của mình.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa Châu Văn Hiệp cho biết, ông Minh đã trồng thành công cây nấm bào ngư ở vùng đất mà nhiều người gặp thất bại với loại nấm này.

* Hành trình “lập nghiệp”

Theo ông Hiệp, đã có nhiều người dân ở xã Hiệp Hòa thử trồng nấm, nhưng đều thất bại. “Họ thất bại chủ yếu do nguồn nước ở đây thường bị nhiễm phèn (những khu vực ven sông). Do vậy, nếu dùng nước máy thì chi phí sản xuất bị đẩy cao, còn dùng nước sông thì phải lọc vì nấm rất dễ bị nhiễm bệnh. Riêng ông Minh may mắn có được nguồn nước giếng khoan với độ pH phù hợp cho việc trồng nấm” - ông Hiệp cho biết.

Ông Hiệp nhấn mạnh, trồng nấm phải dùng nước sạch, không bị nhiễm phèn và nhiễm mặn, không dùng nước thải công nghiệp, nước ao tù bẩn để tưới nấm và xử lý nguyên liệu. Nếu tưới nấm bằng nước phèn (kể cả rơm rạ ủ ướt bằng nước nhiễm phèn trước khi đem xếp mô), thì nấm vừa nảy nở ít vừa phát triển chậm; có thể ngừng tăng trưởng và tai nấm bị dị hình. Còn tưới nước nhiễm mặn thì nấm phát triển rất ít, vừa đổi màu vừa dị hình và cuối cùng không phát triển thành nấm.

Đang làm công nhân tại một công ty sản xuất cáp quang, nhưng một quyết định tình cờ, cộng chút may mắn đã đem lại cho ông Minh sự thành công với cây nấm ở vùng đất phèn. Kể lại sự tình cờ đưa mình đến với nghề “tay trái” này, ông Minh cho biết, một lần đọc báo thấy bài viết về 2 sinh viên Bồ Bảo Giang và Cao Ngọc Hải thuộc Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh khởi nghiệp từ việc trồng nấm, ông liền suy nghĩ: “Tại sao mình không tìm một công việc nhẹ nhàng để kiếm thêm nguồn thu nhập khi về hưu?”. Để tìm lời giải đáp, ông Minh đã tìm đến trại nấm của 2 sinh viên tại TX.Thuận An (tỉnh Bình Dương) để “học nghề”.

Ông còn mày mò nghiên cứu các trang web hướng dẫn cách trồng nấm và đến các vùng trồng nấm trong tỉnh để xem tận mắt cách trồng. Sau thời gian tìm hiểu cách trồng, ông Minh đi tìm một địa điểm để “khởi nghiệp” trồng nấm và may mắn được một người bạn chỉ đến khu vực chân cầu Bửu Hòa, nơi có đất rộng và có nguồn nước phù hợp.

Về giếng nước sạch hiếm hoi ở khu vực chân cầu Bửu Hòa, ông Châu Văn Hiệp cho hay, khi thi công cầu Bửu Hòa, đơn vị thi công khoan 2 giếng với mục đích cung cấp nước sạch cho những hộ dân xung quanh sử dụng, nhưng chỉ có một giếng đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, giếng có nước sạch đang được người chủ đất cho ông Minh sử dụng trong việc trồng nấm. Theo ông Hiệp, nguồn nước sạch là sự may mắn khiến ông Minh thành công hơn những người trồng nấm trước đây ở xã Hiệp Hòa.

* Thành công nhờ may mắn

Sau khi thuê đất và dựng căn chòi rộng gần 200m2, ông Minh bắt tay vào thực hiện kế hoạch trồng nấm. Đầu năm 2014, ông đầu tư 50 triệu đồng trồng thử nghiệm 14 ngàn phôi nấm mua từ huyện Trảng Bom. Lúc ấy, ngoài giờ đi làm, mỗi ngày ông bỏ ra khoảng 4 tiếng để chăm sóc, tưới nước, kiểm tra độ ẩm và thu hoạch nấm.

Ngày mới bắt tay vào trồng nấm, ông đã gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm còn hạn chế, phải tự học hỏi cách trồng từ internet nên nhiều lúc áp dụng sai, dẫn tới các phôi nấm bị hư hàng loạt. Rồi những tháng thời tiết nóng bức, nấm bị bệnh, lên mốc…, ông lại phải tìm đến các chủ trại nấm hỏi cách phòng bệnh để về khắc phục những sai sót trong cách chăm sóc nấm.

Khi nhắc đến ông Bùi Văn Minh, ông Châu Văn Hiệp cho biết đó là người làm ăn giỏi nhưng luôn vui vẻ và hòa nhã với mọi người, sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm trồng nấm cho những người đến tìm hiểu, không vì nguồn lợi của bản thân mà tính toán thiệt hơn với những người trồng nấm khác.

Từ những lần bị hư hàng ngàn phôi nấm làm ảnh hưởng đến năng suất, ông Minh đã rút ra được kinh nghiệm và từ từ hoàn thiện kỹ thuật trồng nấm. Ông Minh nhớ lại, hồi mới bắt tay vào trồng nấm, suốt cả tháng, mỗi lần đi làm về ông lại tới ngay trại nấm kiểm tra từng hàng phôi nấm, từng kệ nấm, kiểm tra độ ẩm liên tục. Những tháng đầu tiên, chỉ có mình ông chăm sóc, thu hoạch nấm, bây giờ trại nấm đã có thêm 2 con của ông vào phụ. Đến nay, mỗi ngày các thành viên trong gia đình ông đều chia nhau ra để chăm sóc nấm.

“Nghề này giúp tôi chủ động thời gian chăm sóc, thời gian thu hoạch nấm nên không ảnh hưởng đến công việc chính. Mỗi phôi nấm tôi mua đảm bảo thu hoạch từ 4-5 tháng. Tôi có thể điều chỉnh được thời gian thu hoạch nấm, muốn mỗi ngày thu hoạch bao nhiêu kg thì mở nút bấy nhiêu phôi. Sau khi mở nút, khoảng 10 ngày sau là có thể thu hoạch được, cứ 10-12 phôi thì thu được 1kg” - ông Minh cho biết.

Nhờ nguồn nước sạch miễn phí nên ông Minh đã tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn và dùng khoản tiết kiệm đó đầu tư vào phát triển trại nấm. Ông khiêm tốn cho biết, sự thành công hiện nay của ông nhờ may mắn nên mỗi lần thu hoạch được nhiều, ông lại đem nấm đến tặng các chùa, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi… để làm từ thiện.

Có được những kinh nghiệm “để đời” do thiệt hại lúc mới trồng nấm, ông Minh luôn truyền đạt lại kinh nghiệm đó cho những người đến học hỏi mô hình trồng nấm bào ngư từ ông. “Bản thân tôi luôn coi việc trồng nấm để kiếm thêm nguồn thu nhập ngoài tiền lương, chứ không thay thế hoàn toàn tiền lương. Sau này nghỉ hưu, tôi cũng chỉ làm cho vui và để kiếm thêm chút thu nhập thôi. Nhờ vậy, tâm lý tôi không quá nặng nề, khó chịu mỗi lần bị thiệt hại. Tôi còn sức thì còn làm, hết sức rồi thì nhường lại cho các con làm tiếp. Đến khi nào ông chủ đất không cho thuê đất thì tôi tìm một vị trí khác mở trại nấm. Khi đó, tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm nên không còn lo lắng nữa” - ông Minh giải thích.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều