Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn lên từ bất hạnh (Bài 1)

09:08, 06/08/2014

Giữa hơi thở gấp gáp của cuộc sống, vẫn còn nhiều người đang lặng lẽ gồng mình chống chọi với những nỗi đau thể xác và tinh thần mà nguyên nhân bắt nguồn từ thứ hóa chất diệt cỏ khủng khiếp do Mỹ rải trong thời chiến. Đã có không ít cá nhân, tập thể không quản khó khăn, gian khổ tìm cách sẻ chia, đồng cảm với những con người bất hạnh ấy.

Giữa hơi thở gấp gáp của cuộc sống, vẫn còn nhiều người đang lặng lẽ gồng mình chống chọi với những nỗi đau thể xác và tinh thần mà nguyên nhân bắt nguồn từ thứ hóa chất diệt cỏ khủng khiếp do Mỹ rải trong thời chiến. Đã có không ít cá nhân, tập thể không quản khó khăn, gian khổ tìm cách sẻ chia, đồng cảm với những con người bất hạnh ấy.

Vật lộn với những căn bệnh, những khiếm khuyết đang hành hạ cơ thể từng ngày từng giờ, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn luôn mạnh mẽ đối mặt với cuộc sống.

* Những “đứa trẻ” không tuổi

Cẩn thận ẵm đứa con nằm lăn lóc dưới nền gạch đặt lên xe lăn, ông Võ Thành Sơn (52 tuổi, ngụ KP.1, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) dùng một sợi dây lưng tự chế ràng chặt đứa con vào chiếc xe. Ngồi trên xe lăn, Võ Vũ Hồng Hải (19 tuổi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin) liên tục giãy giụa rồi kêu cha nới lỏng dây bằng giọng nói ngọng nghịu. Khi chỉnh cho Hải ngồi vừa vặn trên xe, ông Sơn đẩy xe ra ngoài hiên nhà để con được sưởi nắng vào buổi sáng.

Ông Võ Thành Sơn đang chăm sóc cho anh Võ Vũ Hồng Hải.
Ông Võ Thành Sơn đang chăm sóc cho anh Võ Vũ Hồng Hải.

Nén tiếng thở dài khi nhìn đứa con ngây ngây dại dại của mình, ông Sơn tâm sự: “Vợ chồng tui có 2 đứa con, chị thằng Hải cũng bị nhiễm chất độc da cam, nhưng nhẹ hơn, chỉ có vấn đề về trí nhớ chứ tay chân vẫn lành lặn, giao tiếp bình thường. Còn thằng Hải, như các anh thấy đó, ngồi không ngồi được, thả nó xuống đất cũng không lết được, chỉ nằm lăn qua lăn lại thôi…”.

Ông Sơn kể, lúc mới sinh 2 chị em Hải, ông không hề biết các con bị nhiễm chất độc da cam vì họ hàng nội, ngoại trước giờ không thấy ai bị. Đến năm Hải được 1 tuổi, chị gái Hải vào lớp 1 thì gia đình ông cảm thấy cả 2 chị em Hải đều có những cư xử khác với những đứa trẻ đồng trang lứa, nên ông đưa con đi khám. Sau nhiều xét nghiệm ở các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh, gia đình ông phải chấp nhận sự thật rằng cả hai chị em Hải đều là nạn nhân của chất diệt cỏ quái ác.

Đến nay, đã gần 20 năm vợ chồng ông Sơn không mấy khi dám rời xa Hải, vì hễ thời tiết thay đổi Hải lại lên cơn co giật, la hét khắp xóm. Vợ chồng ông Sơn, người phải xin làm bảo vệ ca đêm, người buôn bán vào buổi sáng để luôn duy trì một người ở nhà canh chừng Hải.

Trường hợp 2 anh em Lê Huy Phong (33 tuổi) và Lê Huy Phú (30 tuổi) ở KP.2, phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cũng khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Gia đình Phong có đến 6 người là nạn nhân chất độc da cam. Theo lời dì ruột của anh Phong, trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, mẹ của Phong đã có nhiều năm hoạt động ở vùng bị địch rải hóa chất diệt cỏ. Đến khi lập gia đình, bà sinh ra 6 người con thì cả 6 đều bị nhiễm chất độc khủng khiếp này.

Trong số 6 anh chị em của anh Phong, người may mắn chỉ bị vấn đề về trí nhớ, vẫn lập gia đình và sinh con bình thường; người bị nặng nhất thì nằm liệt một chỗ. Riêng 2 anh Phong và Phú tuy đi lại như người bình thường, nhưng đầu óc, suy nghĩ thì chỉ như những đứa trẻ.

Bà ngoại của anh Phong cho biết, do mẹ Phong mất đã lâu nên bà nhận chăm sóc 2 cháu của mình. Cả 2 anh đều cư xử như những đứa trẻ, mỗi lần lên cơn co giật lại la hét nên đôi lúc khiến mọi người khó chịu, nhưng thương hoàn cảnh nên mọi người cũng góp gạo, góp rau để lo cho cuộc sống của 2 anh.

“Tui và dì tụi nó còn sống thì còn nuôi tụi nó, khi mẹ con tui chết thì tới lượt con của dì tụi nó nuôi. Người một nhà cũng là máu mủ với nhau, tui còn cấm mấy đứa nhỏ chọc ghẹo anh em thằng Phong nữa mà…” - bà ngoại anh Phong cho biết.

* Vươn lên từ bất hạnh

Theo lời bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, phần lớn những nạn nhân da cam đều bị ảnh hưởng đến tư duy, thể chất. Cũng có một số trường hợp bị nhẹ, chỉ ảnh hướng đến một phần thân thể và có thể hoạt động tốt trong một số lĩnh vực.

Ở KP.4, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa), nhiều người biết đến anh Nguyễn Minh Tiền (35 tuổi), nạn nhân chất độc da cam, bị liệt nửa thân dưới nhưng vẫn đều đặn mỗi tuần dùng xe lắc tay đến chợ Biên Hòa mua bánh kẹo mang về nhà bán lại kiếm lời.

Anh Nguyễn Minh Tiền dùng xe lắc tay đi lấy bánh kẹo về nhà bán.
Anh Nguyễn Minh Tiền dùng xe lắc tay đi lấy bánh kẹo về nhà bán.

Anh Tiền cho biết: “Cả đời tui chỉ biết đánh vần đúng tên mình. Nghe người nhà kể, từ lúc 3 tuổi tôi đã bị như bây giờ. Mà tui cũng không quan tâm lắm đến chuyện bệnh tật, bị từ nhỏ rồi nên cũng không còn thấy mặc cảm, hay buồn tủi gì. Hồi trước còn khỏe tui đi bán vé số, giờ hay bệnh nên chuyển qua bán bánh kẹo ở nhà thôi” - anh Tiền nói, rồi cười rất tươi với chúng tôi.

Vóc người nhỏ bé, tay chân mảnh khảnh, ít ai nghĩ anh Tiền có thể điều khiển xe lắc tay đi trên những con đường dốc cao như: cầu Hóa An, cầu Bửu Hòa… để buôn bán. Khi được hỏi lý do không mua bánh kẹo từ chợ Bửu Hòa cho gần, anh trả lời muốn được đi xa để vừa mua hàng, vừa như đi chơi. Anh nói thêm, dù có bị tàn tật nhưng anh vẫn cảm thấy mình may mắn hơn những nạn nhân da cam khác. Anh khoe, tuy không biết chữ nhưng anh vẫn thích xem truyện tranh, xem phim hoạt hình, vì nó như một phương cách giúp anh có thêm niềm tin, tình yêu trong cuộc sống.

Theo ghi nhận từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, hiện số nạn nhân chất độc màu da cam ở Đồng Nai lên đến gần 10 ngàn người, trong đó TP.Biên Hòa chiếm hơn 30%. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng cho biết, trường hợp của em Nguyễn Văn Trung và anh Nguyễn Minh Tiền rất hiếm, cả tỉnh chỉ có vài trường hợp, nên Hội thường xuyên đến thăm và động viên.

Bị mất đôi mắt từ lúc mới 7 tháng tuổi, nhưng Nguyễn Văn Trung (14 tuổi, ngụ KP.1, phường Bửu Hòa) lại khiến nhiều người bất ngờ khi tiếp xúc. Khi Trung vừa được 3 tuổi thì mẹ em bỏ nhà đi, để em lại cho ông bà nội nuôi dưỡng. Với tiệm tạp hóa nhỏ của gia đình, ông bà nội Trung nuôi dưỡng và giúp cháu tập giao tiếp, tập quen với việc sống trong bóng tối. Năm Trung 8 tuổi, ông nội đưa em vào học tại trường dành cho học sinh khuyết tật ở gần nhà. 6 năm học tập, em đều đạt được danh hiệu học sinh giỏi.

Bằng chất giọng khỏe và cái siết tay chúng tôi thật chặt, Trung nói: “Em không cho rằng việc mất đi đôi mắt là điều không may, có người phát triển cái này thì mất cái kia. Hiện tại, đôi tai và đôi tay của em rất linh hoạt, có thể sử dụng được máy vi tính như người bình thường. Bây giờ, em chỉ mơ ước học xong lớp 9 để tiếp tục được học ở trường dành cho người khiếm thị TP.Hồ Chí Minh. Nếu không được như vậy, em mong muốn mình trở thành một nhạc công, hay nhạc sĩ, vì em chơi đàn khá tốt. Thầy dạy đàn ở trường luôn động viên và khuyên em cố gắng…”.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều