"Vào tù, ra tội", cái vòng luẩn quẩn ấy đã khiến nhiều người vướng vào lao lý khó tìm ra lối thoát. Để người từng lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời, bên cạnh nỗ lực của bản thân họ, cũng cần lắm sự chung sức của những người có trách nhiệm và cộng đồng xã hội.
“Vào tù, ra tội”, cái vòng luẩn quẩn ấy đã khiến nhiều người vướng vào lao lý khó tìm ra lối thoát. Để người từng lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời, bên cạnh nỗ lực của bản thân họ, cũng cần lắm sự chung sức của những người có trách nhiệm và cộng đồng xã hội. Ngày về của những bước chân lầm lỗi sẽ trọn vẹn hơn khi xã hội dang rộng vòng tay đón nhận họ bằng tình yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia.
Anh Nguyễn Trường Giang soạn lại đồ nghề sau một ngày làm việc. |
Được sự giúp đỡ của người thân, gia đình và xã hội, nhiều người sau khi ra tù, trở về địa phương đã biết vượt qua khó khăn để vươn lên sống tốt. Họ còn tích cực tham gia các tổ chức xã hội và các đoàn thể để góp phần làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Đóng góp của những người lầm lỗi tuy không lớn, nhưng điều đó cho thấy sự cố gắng vượt lên, thực sự muốn trở thành người tốt.
* Vượt qua mặc cảm
Sắp xếp lại dụng cụ sửa xe sau một ngày làm việc, anh Nguyễn Trường Giang (ngụ xã Long Đức, huyện Long Thành) chia sẻ: “6 tháng ngồi tù là bài học đắt giá đối với tôi. Ngày tôi vướng vòng lao lý, con gái chưa tròn một tuổi, vợ không có việc làm nên cuộc sống gia đình lúc đó rất bi đát. Nghĩ đến hoàn cảnh đó, tôi luôn đau đáu một điều: “Đừng bao giờ sa ngã dù chỉ một lần nữa, bởi cái giá của sự vấp ngã quá đắt”.
Trải qua thời gian khó khăn nhất của cuộc đời, anh Giang nhanh chóng lao vào công việc để bù đắp lại quãng thời gian đã mất để vừa vực dậy cuộc sống, vừa bù đắp cho vợ con. Sẵn có cơ sở sửa xe máy của gia đình, anh Giang mua thêm ít đồ nghề mở tiệm sửa xe kiếm sống. Năm 2012, được vay 20 triệu đồng từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, anh mở thêm dịch vụ loa máy phục vụ đám cưới, sự kiện ở địa phương… Có được công việc ổn định, anh Giang không chỉ đủ kiếm sống mà còn vượt qua mặc cảm một thời lầm lỗi để hòa nhập với mọi người.
Trung tá Nguyễn Thị Hải, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Công an TX.Long Khánh, cho biết chị Đinh Thị Vinh luôn biết phấn đấu để sửa chữa sai lầm mình đã gây ra. Không những thế, chị còn tham gia đóng góp rất nhiều cho các hoạt động xã hội tại địa phương. |
Cũng như anh Giang, trở về sau 3 năm chấp hành án về tội môi giới mại dâm, chị Lê Thị Hồng (ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) đã gạt bỏ mọi mặc cảm ở đời để xây dựng cuộc sống mới. Chị Hồng tâm sự: “Lúc mới ra trại tôi chỉ biết quẩn quanh trong nhà và sống nhờ vào đồng lương của chồng. Thấy tình cảnh gia đình khó khăn, tôi quyết gạt bỏ mặc cảm để tìm việc làm phụ chồng nuôi con ăn học”. Biết mình đã quá tuổi đi làm công ty, chị Hồng chăm chỉ cải tạo đất vườn để trồng cây ăn trái. Nhờ siêng năng và chịu khó học hỏi kinh nghiệm của nông dân giỏi trong ấp, không lâu sau chị đã trở thành một nông dân làm kinh tế giỏi. Với công việc ổn định của chồng và sự chăm chỉ của vợ, đến nay cuộc sống gia đình chị Hồng đã dần ổn định.
Trong đợt Công an tỉnh phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã An Phước vào đầu tháng 8-2014, chị Hồng đã được xét cho vay vốn từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. “Được xét cho vay vốn, tôi cảm thấy rất vui vì xã hội đã không bỏ rơi những người từng lầm lỡ như mình” - chị Hồng chia sẻ.
Anh Giang, chị Hồng là 2 trong số rất nhiều người lầm lỗi hoàn lương được biểu dương tại hội nghị biểu dương các cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng do Công an tỉnh tổ chức vào tháng 6-2014.
* Bù đắp lỗi lầm
Không chỉ vượt qua mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng, chị Đinh Thị Vinh (hiện là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) còn tham gia công tác xã hội có hiệu quả, là một trong những công dân tiêu biểu ở địa phương.
Trên khuôn mặt của chị Vinh thể hiện rõ niềm vui khi được thay mặt các chị em phụ nữ trong ấp tham gia hội nghị biểu dương các cá nhân điển hình tại Công an tỉnh. Chị Vinh kể: “Sau ngày ra tù, tôi quyết định đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế gia đình”. Nhờ chịu khó, chỉ sau một thời gian ngắn chị đã trở thành người phụ nữ làm kinh tế giỏi trong ấp. Chịu khó học hỏi nên chị Vinh được chị em trong ấp tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Cẩm Tân.
Không phụ lòng tin của mọi người, chị Vinh đã đảm nhận nhiệm vụ này với mong muốn giúp đỡ chị em những kinh nghiệm hay trong chăn nuôi, trồng trọt. Với những nỗ lực không ngừng và những thành tích đáng nể từ công tác xã hội, cách đây 2 năm chị đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, một dấu mốc đáng nhớ nhất của cuộc đời chị. “Sự tận tình giúp đỡ của chính quyền địa phương và sự động viên của gia đình đã giúp tôi quyết tâm gạt bỏ mọi mặc cảm, làm lại cuộc đời và đã nhanh chóng hòa nhập với xã hội” - chị Vinh kể.
Anh Trần Đình Bình đón nhận bằng khen Công an tỉnh trao tặng. |
Trong vai trò Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp, chị Vinh thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền về pháp luật, sức khỏe sinh sản… cho chị em phụ nữ trong ấp. Trong gia đình, chị luôn lấy bài học của mình để răn dạy các con. Và không phụ công nuôi dạy của mẹ, 2 người con của chị Vinh đều tham gia công tác tại địa phương và đều được kết nạp Đảng.
Ra tù năm 1998, anh Trần Đình Bình (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) trở lại địa phương với 2 bàn tay trắng, cuộc sống bấp bênh với đủ nghề: bốc vác, thợ hồ, chạy xe ba gác…, nhưng anh luôn quyết tâm đoạn tuyệt với 2 chữ “phạm pháp”. Thấm thía được cảnh tù tội, anh càng quý trọng những ngày tháng tự do. “Sau lần vấp ngã đó, tôi quyết đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm để tìm kiếm cơ hội làm lại cuộc đời mới” - anh Bình tâm sự.
Nhờ sự chăm chỉ lao động và chấp hành tốt pháp luật nên chỉ sau 2 năm trở lại địa phương, anh Bình được công an phường động viên tham gia lực lượng bảo vệ dân phố. Thấy chính quyền địa phương dang rộng vòng tay đón nhận mình, anh đã hăng hái tham gia bảo vệ dân phố để góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Anh Bình cho biết, tham gia bảo vệ dân phố anh đã gặp nhiều tình huống khó khăn và nguy hiểm, thu nhập chỉ mang tính tượng trương, nhưng anh quyết theo đuổi công việc này để chuộc lại một phần lỗi lầm của bản thân và có cơ hội giúp đỡ người khác.
Nhiều năm qua, anh Bình đã có hàng chục lần vinh dự nhận bằng khen của các cấp, ngành. Trong buổi lễ tuyên dương các cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng mới đây, anh cũng được Ban giám đốc Công an tỉnh tặng bằng khen. “Đã rất nhiều lần tôi được tuyên dương, nhưng điều khiến tôi vui nhất là một người từng phạm tội như tôi lại có ngày được góp phần cống hiến cho xã hội” - anh Bình bộc bạch.
Trần Danh