Năm học mới sắp bắt đầu, những người làm công tác khuyến học ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) càng bận rộn với những chuyến đi xa, gần vận động sách vở, áo quần, xe đạp, học bổng… để động viên tinh thần hiếu học của con em các gia đình nghèo trong xã.
Năm học mới sắp bắt đầu, những người làm công tác khuyến học ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) càng bận rộn với những chuyến đi xa, gần vận động sách vở, áo quần, xe đạp, học bổng… để động viên tinh thần hiếu học của con em các gia đình nghèo trong xã.
Ông Nguyễn Thanh Phong (phải), một người cha luôn biết hy sinh vì chuyện học của các con. |
Ông Trần Đức Sơn, Phó chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mã Đà, xúc động bày tỏ: nhờ sự động viên kịp thời của xã hội, học sinh trong xã thêm vững bước vượt rừng về đô thị học THPT, đại học.
* Hy sinh vì con
Ở tuổi 58, ông Nguyễn Thanh Phong (ấp 2, xã Mã Đà) vẫn chưa được ngơi tay khi 4 người con của họ lần lượt vào đại học. Ông Phong cho biết, để nuôi các con ăn học, vợ chồng ông phải chắt chiu từng đồng tiền kiếm được qua những vụ dưa cà trong rẫy cũng như làm mướn cho người dân trong vùng. Ngày các con lần lượt vào đại học, vợ chồng ông càng khó khăn với các khoản học phí, ăn ở nội trú của con. Thương con, vợ chồng ông bấm bụng vay mượn bạn bè và ngân hàng để bù đắp vào những phần thiếu hụt. “Người ăn núi cũng lở chứ nói gì gánh nặng cơm áo, gạo tiền khi nuôi 4 đứa con ăn học. Vì vậy, năm 2012 vợ chồng tôi phải bán bớt 9 sào rẫy lấy 200 triệu đồng trả nợ. Vậy mà vợ chồng tôi hiện vẫn còn nợ trên 100 triệu đồng” - ông Phong nói.
Vì tương lai các con, ở tuổi 53, vợ chồng ông Nguyễn Văn Chỉ (ấp 3, xã Mã Đà) vẫn cần mẫn làm mướn nuôi 2 con học đại học và 1 con học THPT. Ông Chỉ tự hào kể, mỗi đứa con vào đại học là vợ chồng ông bán bớt một phần rẫy lo học phí cho con. Nay vợ chồng ông còn 5 sào đất trồng xoài, nhưng khi các con cần cho việc học thì vợ chồng ông sẽ bán không ngần ngại. “Các con chính là tài sản quý nhất của gia đình. Khi các con thành đạt thì vợ chồng tui sẽ được thảnh thơi, không còn cực khổ như lúc tụi nó còn ở tuổi ăn học nữa” - ông Chỉ tâm sự.
Ông Trần Đức Sơn, Phó chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mã Đà, cho biết những năm gần đây, năm nào cũng có 10-15 học sinh trong xã đậu đại học, cao đẳng. Đó chính là thành quả từ sự nỗ lực của phụ huynh, học sinh và toàn thể xã hội chung tay ngăn dòng bỏ học, tiếp sức các em trong quá trình học nội trú tại xã, huyện và trên giảng đường đại học. |
Trong khi đó, vợ chồng ông Tư Chích (ấp 6, xã Mã Đà) vẫn lận đận vì nuôi con học đại học, cao đẳng khi nhà không có đất sản xuất. Ông Tư Chích cho hay, ở Mã Đà người nghèo nhiều vô số kể, nhưng nhà nghèo mà vẫn cố gắng nuôi con ăn học thì vẫn còn ít. Nhiều gia đình quanh năm lam lũ vẫn không có điều kiện lo cho con học hết tiểu học, THCS chứ nói gì đến chuyện học cao đẳng, đại học. “Nếu vợ chồng tui không biết nhìn xa cho tương lai các con và chi tiêu tiện tặn, các con tui không được như bây giờ” - ông Tư Chích thỏ thẻ nói.
Còn ông Nguyễn Văn Ngoan (ấp 3, xã Mã Đà) khoe với chúng tôi về những gì vợ chồng ông đã dày công chăm chút cho 2 cô con gái cưng. Ông Ngoan tỉ tê kể, vợ chồng ông về xã Mã Đà lập nghiệp chỉ với đôi bàn tay trắng. Những năm tháng khó khăn, khi bữa cơm chưa đủ no, vợ chồng ông vẫn không để cho 2 con đứt bữa, áo quần đến lớp vẫn tươm tất. Khi các con vào đại học, vợ chồng ông dồn hết hoa lợi thu từ vườn rẫy trong năm cho con học nội trú ở xa. “Nông dân xã Mã Đà giờ biết cạnh tranh nhau cho con đi học, chứ không còn như trước, thấy ai nghèo mà chăm bẵm chuyện học cho con thì chê bai, bàn tán” - ông Ngoan nói.
* Thắp lửa khuyến học
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Sơn cho biết, những năm qua chuyện học của con em trong xã được sự quan tâm, chung tay hỗ trợ từ cơ sở, xã hội và cấp trên rất lớn. Ngoài sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của huyện và tỉnh, mỗi năm địa phương tiếp nhận được tiền, quà (sách vở, áo quần…) của các nhà tài trợ đến với học sinh Mã Đà gần 1 tỷ đồng.
Vốn là người dân kỳ cựu của ấp 4, xã Mã Đà, ông Nguyễn Văn Thu (Chi hội Khuyến học ấp 4) thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn của con em trong ấp khi vào tiểu học và khi ra xã, lên huyện, tỉnh học THCS, THPT, đại học. Ông Thu bày tỏ, từ đầu năm học mới ông cùng với những người tâm huyết với công tác khuyến học ấp 4 vận động người dân sửa đường cho học sinh đi học; đồng thời đến TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh vận động những mạnh thường quân quen biết tài trợ học bổng, sách vở, tiền xe cho học sinh…
Cán bộ khuyến học xã Mã Đà chuẩn bị băng rôn đón các mạnh thường quân về giúp đỡ học sinh của xã. |
Ông Thu kể, ông thường đón tiếp các nhóm sinh viên tình nguyện ở TP.Hồ Chí Minh về xã công tác, thực tập. Trong quá trình chăm lo nơi ăn chốn ở cho các sinh viên, ông luôn được các bạn trẻ quý mến và gọi là cha nuôi. Khi trở lại TP.Hồ Chí Minh học tập, công tác, các bạn sinh viên đem cả những trăn trở của ông Thu về các trò nhỏ Mã Đà. Từ đó, các bạn làm cầu nối cho ông với các mạnh thường quân ở TP.Hồ Chí Minh và đóng góp vật chất chăm lo cho học sinh nghèo ấp 4, xã Mã Đà. “Năm nào ấp 4 của tui cũng vận động được gần 250 triệu đồng giúp học sinh nghèo” - ông Thu bộc bạch.
Còn ông Ngô Phước Hòa (Chi hội Khuyến học ấp 2) bùi ngùi kể lại những lần ông đến từng nhà trong ấp vận động học sinh bỏ học quay lại lớp bị phụ huynh tránh né với đủ lý do, như: nhà nghèo, con gái không cần học nhiều… “Nghe họ lý sự, lòng tôi thấy buồn lắm, nhưng vì thương mấy đứa nhỏ ham học mà tôi kiên trì thuyết phục. Thuyết phục được phụ huynh cho con đi học lại vẫn chưa đủ, tôi còn phối hợp với cán bộ ấp, địa phương tìm nguồn hỗ trợ cha mẹ các cháu phát triển kinh tế, hỗ trợ học bổng cho con em họ thì mới ổn” - ông Thu cho hay.
Ông Năm Hải (Chi hội Khuyến học ấp 5) chia sẻ, làm công tác khuyến học mà hay tin học sinh trong ấp bỏ học nhiều chẳng khác nào nông dân chăm cây không phát triển, cây trồng bị sâu bệnh, mất mùa. Cho nên, ông luôn sát cánh cùng những người tâm huyết với công tác khuyến học ấp, xã vận động học bổng, sách vở trong dân và các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí học tập cho những em có hoàn cảnh khó khăn học giỏi. “Mã Đà có thoát nghèo phải nhờ vào nỗ lực học tập của con em mình. Vì đất đai chỉ làm cho nông dân đủ ăn, ấm lòng, không giúp cho con em mình nở mặt nở mày với bên ngoài nếu thất học” - ông Hải thổ lộ.
Thành Nhân