Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng của bà Trầm

11:08, 10/08/2014

Những mảnh vải vụn được bà Trương Thị Trầm (ngụ KP.2, phường An Bình, TP.Biên Hòa) cần mẫn chắp nối thành những chiếc mền đủ màu sắc để ủ ấm cho những người nghèo nơi bà đến thăm. Bà Trầm tâm sự, bà hạnh phúc khi những món quà nhỏ do chính tay bà làm tỏa hơi ấm tình thương đến người cần.

Những mảnh vải vụn được bà Trương Thị Trầm (ngụ KP.2, phường An Bình, TP.Biên Hòa) cần mẫn chắp nối thành những chiếc mền đủ màu sắc để ủ ấm cho những người nghèo nơi bà đến thăm. Bà Trầm tâm sự, bà hạnh phúc khi những món quà nhỏ do chính tay bà làm tỏa hơi ấm tình thương đến người cần.

* Cuộc đời cô Trầm

Sinh ra trong một gia đình tiểu thương nghèo đông con vùng sông nước Hậu Giang, bà Trầm đã trải qua những ngày tháng khốn khó cùng gia đình khi lênh đênh đây đó mưu sinh. Năm 1963, cha bà Trầm quyết định chuyến di cư dài từ Sóc Trăng về phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) mưu sinh bằng nghề làm bún truyền thống của gia đình. “Ngoài nghề làm bún, các chị tôi còn là thợ may vá có tiếng trong vùng. Vì vậy, năm 16 tuổi tôi đã thạo nghề và mở tiệm may riêng cho mình” - bà Trầm kể.

Với đôi tay khéo léo của người thợ may, bà Trương Thị Trầm đã chắp nối những mảnh vải vụn thành chiếc mền ấm đem tặng người nghèo.
Với đôi tay khéo léo của người thợ may, bà Trương Thị Trầm đã chắp nối những mảnh vải vụn thành chiếc mền ấm đem tặng người nghèo.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Trầm tham gia tổ hợp tác may gia công phường Tam Hiệp. Làm được vài năm thì cha bà qua đời, nên bà phải ở nhà giúp mẹ, phụ chị đỡ đần các cháu. Công việc may vá khó khăn, bà lại xoay qua làm nhân viên mậu dịch, rồi buôn bán quần áo cũ. Cuộc sống cứ vậy trôi qua, mãi đến năm 30 tuổi, bà Trầm mới lập gia đình. Được hơn năm thì tình duyên đổ vỡ và cũng từ đó bà Trầm bắt đầu biết đến nhiều hơn với công việc từ thiện nhân đạo qua việc tham gia hái và bốc thuốc Nam giúp đời.

Bà Trầm nhớ lại, năm 1992, bà xin vào làm tại một phòng thuốc từ thiện chuyên khám và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Hàng ngày, bà cùng với những người thiện nguyện khác đi khắp nơi tìm thuốc và bốc thuốc miễn phí cho người nghèo. Khi có được kiến thức khá bài bản về thuốc Nam và được sự động viên từ những người bạn, bà Trầm về phường Tam Hiệp để bắt đầu công việc lặng thầm của mình với một tâm nguyện cháy bỏng: “Cha mẹ tôi có cả thảy 10 người con, nên tôi thấu hiểu được cái nghèo khó, tháng ngày lam lũ tìm chén cơm, manh áo của những bậc làm cha mẹ. Đó cũng là lý do mà tôi muốn chia sẻ bằng cả tấm lòng mình với những con người khó khăn”.

* Trọn vẹn tấm lòng

Nay ở tuổi 65, bà Trầm vẫn cần mẫn ngồi trong căn phòng trọ kết những mảnh vải vụn đủ kích cỡ thành những tấm chăn xinh xắn để chung tay cùng nhóm bạn hữu tổ chức những chuyến đi làm từ thiện.

Bà Trầm cho biết, ngoài việc tìm và bốc thuốc nhân đạo tại nhà, từ năm 1997-2007, bà cùng bạn bè tổ chức nhiều đoàn đi làm công tác cứu trợ ở nhiều nơi. Để mỗi chuyến đi được trọn vẹn, bà và nhóm bạn chuẩn bị nào là gạo, thuốc, áo quần… “Đó là tiền, quà do tôi chắt chiu trong sinh hoạt và do các cháu ủng hộ” - bà Trầm nói. Rồi bà rơm rớm nước mắt nhớ lại những chuyến đi với những tang tóc do lũ tàn phá ở miền Trung, miền Tây; những cảnh đời dặt dẹo vì bệnh tật do chất độc da cam; rất nhiều đứa trẻ vùng sâu, vùng xa thiếu sách vở, áo quần cho năm học mới...

Bà Trương Thị Trầm (hàng đầu, bìa trái) cùng nhóm bạn hữu làm từ thiện của mình.
Bà Trương Thị Trầm (hàng đầu, bìa trái) cùng nhóm bạn hữu làm từ thiện của mình.

3 năm nay, khi sức khỏe giảm sút, bà Trầm mới chịu giảm bớt những chuyến đi xa mà tập trung làm công tác từ thiện tại nhà với việc phát gạo từ thiện hàng tháng cho người tàn tật, nghèo khổ trên địa bàn phường và TP.Biên Hòa. Ban đầu chỉ có khoảng 30 người nghèo khó biết đến, nay “tiếng lành đồn xa” người nghèo khó, tàn tật tìm đến ngày một đông. Hiện tháng nào cũng vậy, từ ngày 20-25, bà lại phát 50 phần gạo (mỗi phần 10kg) cho người tàn tật nghèo tại nhà. Bà còn mở phòng chẩn trị y học cổ truyền An Bình (khu dân cư An Bình, phường An Bình) để hàng ngày xem mạch, bốc thuốc, châm cứu… miễn phí cho người nghèo.

Sau bao năm làm công tác từ thiện, việc làm ý nghĩa của bà Trương Thị Trầm đã được các cấp, ngành biết đến và khen tặng, động viên. Bà Trầm cho hay, những kỷ vật đó luôn được bà trân trọng đóng khung treo trên tường nhà. “Tôi hạnh phúc khi bắt được nhịp cầu nhân ái giữa chính quyền, các mạnh thường quân với người nghèo, khó khăn. Đó chính là tài sản quý nhất mà tôi tạo dựng được cho riêng mình trong những năm tháng qua” - bà Trầm tỏ bày.

Bà Trầm cho biết, cuộc sống độc thân không làm bà cô đơn vì xung quanh bà luôn có các cháu và những tấm lòng vàng động viên và hỗ trợ bà. Nay các cháu bà đều thành đạt và thấu hiểu được việc làm ý nghĩa của bà nên thường xuyên hỗ trợ vật chất để bà tiếp tục công việc từ thiện. Ngoài ra, bên cạnh bà luôn có những mạnh thường quân nhiệt huyết tinh thần từ thiện và sẵn sàng chung sức cùng bà. “Ngoài áo quần, gạo, cấp thuốc…, 5 năm nay tôi còn liên hệ với một trại hòm ở quận 12 (TP.Hồ Chí Minh) tặng hòm cho những trường hợp gia cảnh túng quẫn không may qua đời” - bà Trầm cho biết thêm.

 Cơn mưa chiều tháng 8 bỗng đột ngột đổ xuống căn nhà trọ, bên tiếng máy may rì rì, bà Trầm lặng lẽ một mình trong căn phòng ấm áp tình thương của mình để chắp những mảnh vải vụn thành những tấm mền ấm. Bà Trầm khẽ kể, trước đây bà có căn nhà ở phường Tam Hiệp do cha mẹ để lại cho bà, nhưng khi thấy hoàn cảnh vợ chồng người em gái khó khăn, bà đã nhường lại để ra ngoài thuê chỗ trọ làm từ thiện. “Căn nhà này tôi thuê của người ta 1,5 triệu đồng/tháng. Khi biết tôi làm công tác từ thiện thì chủ nhà không lấy tiền, thậm chí còn hỗ trợ tiền mỗi khi tôi đi cứu trợ” - bà Trầm khoe.

Diễm Quỳnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều