"Anh Bảy ơi, anh còn nhớ em không?". "Nhớ chớ sao không. Em là con nhỏ Vân, ngày nào Đoàn 10 tụi anh đào hầm bí mật, em cũng còng lưng bưng đất đi đổ. Làm sao mà Bảy Rừng Sác này quên được những ngày tình nghĩa đó hả em?". "Con nhỏ" nghe nhắc chuyện xưa, miệng cười tươi mà nước mắt rưng rưng, bàn tay cứ muốn níu lấy tay anh Bảy không rời. Hai mái đầu bạc chụm vào nhau, chuyện xưa nhắc mãi không dứt.
“Anh Bảy ơi, anh còn nhớ em không?”. “Nhớ chớ sao không. Em là con nhỏ Vân, ngày nào Đoàn 10 tụi anh đào hầm bí mật, em cũng còng lưng bưng đất đi đổ. Làm sao mà Bảy Rừng Sác này quên được những ngày tình nghĩa đó hả em?”. “Con nhỏ” nghe nhắc chuyện xưa, miệng cười tươi mà nước mắt rưng rưng, bàn tay cứ muốn níu lấy tay anh Bảy không rời. Hai mái đầu bạc chụm vào nhau, chuyện xưa nhắc mãi không dứt.
Anh Bảy, chính là Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, giờ đã bước vào tuổi 85. “Con nhỏ” là bà Đỗ Thị Thanh Vân, cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ở xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) - địa bàn diễn ra các trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ lẫy lừng năm 1972 khiến quân Mỹ khiếp vía kinh hồn, nay tuổi cũng đã 75. Chuyến trở về rừng sác Nhơn Trạch thăm lại chiến trường xưa một ngày hè năm 2014 của Đại tá Lê Bá Ước là những cuộc trùng phùng đầy nụ cười và nước mắt.
* Những ký ức không quên
Trên chiếc ghe máy xuôi dòng sông Lòng Tàu trở về căn cứ Rừng Sác năm xưa, bà Trần Thị Sang (ấp 3, xã Phú Thạnh) bồi hồi trước từng vạt đước, từng lùm dừa nước một thời quen thuộc của vùng rừng sác. Chỉ tay vào một lùm dừa nước nhìn rất đỗi bình thường, bà Sang kể: đây chính là địa điểm mà đầu năm 1972, bà đã đón các chiến sĩ đặc công Rừng Sác về “ém” ở Phú Thạnh để nghiên cứu đánh kho bom Thành Tuy Hạ.
Đại tá Lê Bá Ước gặp gỡ các cơ sở cách mạng ở xã Phú Thạnh, đã hỗ trợ các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 đánh kho bom Thành Tuy Hạ năm 1972. Ảnh: T.Thúy |
“Được Bí thư chi bộ mật xã Phú Thạnh Lê Bá Hùng giao nhiệm vụ đón chiến sĩ đặc công, khoảng 2 giờ chiều tui chèo ghe ra vàm Rạch Suối ở Tân Tường (xã Long Tân). Trên ghe, tui chất đầy lá dừa nước để ngụy trang. Đến điểm hẹn, tui cắm sào ngồi đợi, giả bộ nghỉ mệt. Từ một lùm dừa nước um tùm có mấy cục đất chọi ra, rớt xuống sông lủm bủm. Đó là ám hiệu, tui bèn chèo ghe lại gần. 3 anh đặc công từ trong bụi cây chui ra, không nói không rằng lẳng lặng vạch đám dừa nước nằm ém tuốt phía dưới ghe. Hổng ai nói với ai câu nào, tui chèo ghe trở về. Bận về, ghe ngược nước chèo nặng ì, tui phải ráng chèo nhanh để về trước giờ giới nghiêm (xã Phú Thạnh nằm trong ấp chiến lược, địch thực hiện lệnh giới nghiêm từ 6 giờ tối hàng ngày). Dọc đường, tàu tuần giang của tụi Mỹ chạy trên sông ầm ầm, tui sợ tụi nó nghi sao ghe chở lá mà lại khẳm dữ vậy nên cứ men bờ sông mà chèo. Hơn 5 giờ chiều, tui về tới Rạch Kè (xã Phú Thạnh) thì bỏ các anh xuống đó kèm theo một ít sữa hộp luộc sẵn để mấy anh ăn đỡ đói, chờ ghe khác tới đón. Hoạt động bí mật là vậy, việc ai nấy biết” - bà Sang bồi hồi nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Võ (xã Phú Thạnh, công nhân Sở cao su Thành Tuy Hạ) cũng là một trong những người phục vụ cho trận đánh với nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm. Hồi đó, một gô cơm, một lon nước mang ra khỏi ấp chiến lược cũng bị địch nghi ngờ, tra xét rất gắt gao, bà Võ phải giả vờ là nấu cơm đem cho cha đang bị bệnh nặng. Sáng sớm khi đi cạo mủ cao su, bà Võ giấu cơm, thức ăn (chủ yếu là cá hộp và nước tương), nước uống trong thùng đựng mủ, đưa đến điểm hẹn quy định, giả vờ tróc chó, kêu “Mực, Mực” rồi đi, sau đó sẽ có người chuyển tiếp đến cho đội.
Để hỗ trợ công tác điều nghiên địa hình, các cơ sở cách mạng ở Phú Thạnh đã tổ chức vào kho Thành Tuy Hạ, đếm bước chân để ước lượng khoảng cách các vị trí trọng yếu rồi vẽ sơ đồ kho bom chuyển cho các chiến sĩ đặc công. Khi các chiến sĩ chế tạo mìn hẹn giờ, cũng những cơ sở cách mạng nơi đây đã tìm cách mua pin, dây điện và các thiết bị khác chuyển đến…
* Tất cả đều là anh hùng
Phải hàng chục năm sau chiến thắng lẫy lừng ấy, những đầu mối mới ráp được với nhau để hình dung lại đường dây hỗ trợ trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ năm xưa. Đại tá Lê Bá Ước kể, nhận nhiệm vụ đánh kho bom để gây tiếng vang, hỗ trợ cho cuộc đàm phán Hội nghị Paris, các chiến sĩ đặc công được sự hỗ trợ của chi bộ, cơ sở cách mạng địa phương, như: đồng chí Lê Bá Hùng, Huỳnh Văn Quyết (Tám Quyết, lúc ấy là Huyện đội trưởng Nhơn Trạch), bà Nguyễn Thị Võ, Trần Thị Sang... đã 4 lần làm nổ tung kho bom. Không chỉ gây tổn thất về mặt khí tài quân sự, khiến bọn địch hoang mang, giảm sút ý chí chiến đấu, các trận đánh kho bom còn góp phần cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam cất tiếng mạnh mẽ tại cuộc đàm phán Hiệp định Paris năm 1972.
7 chiến sĩ quả cảm, gan dạ mang theo lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm xưa đã lần lượt ra đi. Đồng chí Đơ hy sinh trong trận đánh, bị địch kéo xác phơi giữa chợ rồi chôn vùi dập. Mấy lần Đoàn 10 tổ chức tìm kiếm hài cốt nhưng không thành. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa mới mất cách đây mấy tháng tại huyện Cần Giờ… Ông Bảy Ước buồn buồn nhắc: “Thương nhứt là Hai Quyết (Đội trưởng Đội đặc công B3), nếu không có cậu ấy hồi nhỏ đi chăn trâu, rành địa hình nên tìm ra được khe hở trong bố phòng của bọn địch thì Đội đặc công B3 không thể nào đột nhập được vào kho bom. Cậu ấy là người rất dũng cảm, mưu trí, có nhiều cách đánh sáng tạo, luôn xung phong đi đầu trong những nhiệm vụ hiểm nguy”. Đầu năm 1973, đội đặc công trên đường làm nhiệm vụ, khi lội xuôi dòng xuống khu vực Thành Tuy Hạ thì bị hải quân địch phát hiện. Hai Quyết bị địch bắn gãy tay, bắt sống sau đó lôi lên máy bay trực thăng đưa thẳng về chi khu Nhơn Trạch. Địch đã đưa đồng chí qua nhiều nhà giam khác nhau, sau đó mất tích. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng đội đã nhiều lần tìm kiếm, nhưng tung tích Hai Quyết vẫn bặt tăm…
Đoàn khảo sát tìm hiểu lại đường dây đưa đón chiến sĩ đặc công Đoàn 10 trong kháng chiến chống Mỹ trên sông Lòng Tàu. |
Sau ngày đất nước thống nhất, người đảng viên mật Nguyễn Thị Võ lại trở về làm công nhân nông trường cao su cho đến lúc nghỉ hưu, sống thanh bạch trong gian nhà nhỏ ở xã Phú Thạnh. Bà Trần Thị Sang cũng vậy, sau nhiều lần trục trặc khi làm thủ tục người có công đã lặng lẽ cất kỹ hồ sơ như kỷ niệm đẹp về một thời đóng góp cho quê hương. Không chức vụ, không huy chương, khen thưởng, những con người bình dị nhưng rất quả cảm ấy đã góp phần làm nên danh hiệu của một đơn vị anh hùng. “Những cơ sở cách mạng đã nuôi giấu, tiếp tế, bảo vệ chúng tôi trong những ngày chiến đấu gian nan ác liệt; những đồng đội của tôi lớp bị sấu gắp, bị sốt rét, bệnh tật, lớp bị bắn giết, hơn 1 ngàn người hy sinh có đến 800 người chưa tìm được hài cốt… Tất cả đều xứng đáng phong anh hùng. Tôi chưa bao giờ xem danh hiệu anh hùng là của riêng cá nhân mình, danh hiệu này là chung của tất cả đồng bào, đồng đội tôi”, Đại tá Lê Bá Ước rưng rưng.
Dòng sông Lòng Tàu giờ đây thênh thang, không còn bóng những chiếc giang thuyền ngang dọc hung hăng, sẵn sàng xả súng vào những chiếc ghe nhỏ bé của người dân. Chiếc ghe máy thanh bình chở đoàn người trở về ký ức cứ phăng phăng thẳng tiến. Gương mặt của Đại tá Lê Bá Ước, của bà Sang, bà Võ, của những người trở về chiến trường Rừng Sác năm xưa thanh thản đến lạ lùng. Chợt, Đại tá Bảy Ước rập chân, thẳng người nghiêm trang đưa tay lên chào trước dòng sông. Dường như trong tâm khảm người anh hùng, một ký ức xưa đang lặng lẽ trở về…
Thanh Thúy