Khi nghe lời than thở của những người rời bỏ nghề đúc gang truyền thống của làng, ông Lê Văn Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đúc gang Trọng Nghĩa (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cũng ngậm ngùi vì hàng trăm sản phẩm gang đúc của gia đình ông làm ra còn chất đống trong kho.
Khi nghe lời than thở của những người rời bỏ nghề đúc gang truyền thống của làng, ông Lê Văn Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đúc gang Trọng Nghĩa (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cũng ngậm ngùi vì hàng trăm sản phẩm gang đúc của gia đình ông làm ra còn chất đống trong kho. Bản thân ông Út cũng chưa biết đến bao giờ mới có được mặt bằng để di dời cơ sở và bắt đầu khôi phục lại sản xuất.
Ông Lê Văn Út kiểm tra sản phẩm gang của gia đình. |
Gần 10 năm trước, HTX đúc gang Trọng Nghĩa được thành lập, trở thành HTX duy nhất của huyện Vĩnh Cửu chuyên sản xuất các sản phẩm làm từ gang. Thời đó, sản phẩm của HTX làm ra chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh vì giá cả phù hợp. Tuy nhiên, sau thời gian dài thiếu mặt bằng sản xuất, chậm đổi mới công nghệ, thiết bị lạc hậu nên sản phẩm làm ra không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường, khiến lợi nhuận của HTX thu được không cao.
* Người đúc gang cuối cùng…
Khi đầu ra bấp bênh, đơn đặt hàng hạn chế, nhiều thành viên trong HTX bắt đầu rời bỏ nghề truyền thống. Nghề đúc gang chủ yếu chỉ còn vài người lớn tuổi tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm, nhưng dần dần cũng không mấy ai trụ vững. Từ chỗ hoạt động với 7 thành viên chính, thu hút hàng chục lao động có tay nghề cao, HTX buộc phải tan rã, chỉ còn duy nhất gia đình ông Lê Văn Út (ngụ ấp 2, xã Thạnh Phú) gắn bó với nghề.
“Trải qua bao thăng trầm, nhiều lần tưởng nghề đúc gang chẳng còn trụ được, nhưng cũng đành chịu vì không còn ai mặn mà. Thợ trẻ bỏ nghề tìm việc ở công ty, mấy người già chúng tôi dù cố gắng hết sức nhưng nghề đúc gang vẫn đang mai một dần. 2 năm trở lại đây, sản phẩm làm ra luôn trong tình trạng tồn kho…” - ông Út tâm sự.
Theo ông Út, HTX ra đời với ý định quy hoạch lại làng nghề đúc gang có truyền thống gần 200 năm ở xã Thạnh Phú. Ngày thành lập HTX, mọi người ai cũng háo hức, hy vọng từ đây đầu ra của sản phẩm bớt bấp bênh và quan trọng là níu được chân những người có tay nghề giỏi. Lúc ấy, hàng làm ra được tiêu thụ rộng rãi ở khu vực Hố Nai, Long Khánh, Gia Kiệm…
Vài năm đầu, các thành viên đều ăn nên làm ra, nhưng càng về sau thì có phần khó khăn hơn. Đa số cơ sở sản xuất diện tích nhỏ hẹp, nấu nguyên liệu theo kiểu truyền thống, khuôn làm thủ công nên chất lượng không cao, đành chấp nhận gia công các sản phẩm thô, hiệu quả kinh tế thấp.
“Sắp tới, chắc tôi trả cho địa phương chức Chủ nhiệm HTX đúc gang Trọng Nghĩa, vì HTX chỉ còn mình tôi thì biết hoạt động như thế nào? Làng đúc gang Thạnh Phú đã qua thời kỳ hoàng kim, cơ sở còn hoạt động giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay…” - ông Lê Văn Út buồn bã cho hay. |
“Các thành viên trong HTX đều làm kiểu truyền thống trong khi nơi khác đã chuyển sang lò nấu điện, làm ăn rất bài bản và đương nhiên mình bị họ qua mặt. Người ta chỉ cần bán giá thấp hơn mình cũng có lời, vì chi phí họ bỏ ra ít hơn. Sản phẩm mình làm ra vì thế bị ế, không biết bán cho ai. Bao nhiêu vốn liếng đổ dồn vào, không lấy lại được thì chỉ có nước dẹp tiệm thôi” - ông Út thở dài cho biết.
Khi các thành viên trong HTX lần lượt bỏ nghề đúc gang để tìm công việc mới, ông Út đã vận động, đề nghị mọi người ở lại, nhưng ai cũng lắc đầu. Nhiều người chấp nhận “rũ áo” ra đi, dù họ đã có hàng chục năm gắn bó với nghề đúc gang mà cha ông đã gầy dựng gần 200 năm trước. Nếu cứ gắn bó mà không biết tương lai, định hướng phát triển nghề thì cuộc sống của họ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Từng là thành viên của HTX đúc gang Trọng Nghĩa, ông Võ Văn Đồng (64 tuổi) cho hay: “Địa phương nói sẽ di dời địa điểm sản xuất đến Cụm công nghiệp Tân An, nhưng đợi mấy năm trời mà chẳng thấy đâu, khiến ai cũng thấp thỏm. Vài người ngán ngẩm tự đầu tư máy móc mới để kiếm đơn hàng từ các doanh nghiệp lớn, nhưng không làm được. Ở trên nói phải chờ sang cụm công nghiệp mới, vậy thì chúng tôi phải làm cách nào?”.
* Hết cơ hội giữ nghề
Hơn 45 năm làm nghề, kể từ ngày trở thành thợ chính cho đến nay chưa bao giờ ông Út thấy nghề đúc gang lại “xuống” như hiện tại. Cả làng chỉ còn vài nhà đỏ lửa lò nấu gang, hoạt động cầm chừng và đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào những mối hàng quen.
Biết nghề từ lúc 14 tuổi, ông Út là đời thứ ba trong gia đình có truyền thống đúc gang lâu nhất ở làng. Ngày đó, lò đúc gang nhà ông không khi nào ngơi nghỉ. Lúc cao điểm, có hơn chục người tới đặt hàng, rồi ngủ lại chờ hôm sau lấy hàng đi bán, khiến vợ chồng ông và người con trai (thợ chính) phải thức trắng đêm làm kịp đơn hàng cho khách. “Nghĩ lại ngày xưa mà thấy ham” - ông Út chậm rãi nói.
Anh Nguyễn Văn Đạt (40 tuổi) là người thợ trẻ hiếm hoi còn gắn bó với nghề đúc gang ở xã Thạnh Phú. |
Nghề đúc gang nhanh chóng ăn nên làm ra, giúp bao gia đình ở xã Thạnh Phú đổi đời. Cứ đến ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm, các thợ nghề trong làng tập trung về nhà thờ tổ để cúng giỗ. Hầu như gia đình nào có lò đúc gang thì tất thảy các thành viên trong nhà đều biết việc. Đàn ông con trai được người lớn truyền cho “bí kíp”, còn phụ nữ thì làm những việc lặt vặt.
Gia đình ông Út có 2 con trai cũng được ông tạo điều kiện đến với nghề đúc gang truyền thống. Một người được ông cho đi học kỹ sư cơ khí, nâng cao kiến thức chuyên sâu rồi quay về tiếp tục cùng cha tạo dựng cơ nghiệp. Sau đó, gia đình ông cải tiến, xây dựng lại lò theo kỹ thuật mới để có thể sản xuất ra các phụ tùng gang cho các cơ sở công nghiệp lớn.
“Bây giờ nghề đúc gang thất thế, cầm cự được một thời gian tôi đành để 2 đứa con đi làm công ty, vì mình muốn giữ chúng cũng chẳng được. Cái lò nấu gắn bó với tôi từ trước đến nay cũng đã bị hư hỏng. Mấy hôm nay, tôi đang làm lại cái mới, nhưng chỉ sợ hàng làm ra không biết bán cho ai. Vả lại, tôi cũng không còn cơ hội để giữ nghề của cha ông. Năm nay gần 65 tuổi, sức lực đâu nữa để đúc gang và truyền nghề cho ai khi các con đã tìm công việc mới, lại không muốn theo nghề. Thỉnh thoảng tôi mới đúc gang khi có người đặt hàng, còn không thì ngồi chơi” - ông Út chua chát nói.
Thanh Hải