Báo Đồng Nai điện tử
En

Góc cạnh đá san hô

10:08, 22/08/2014

Được đem lên từ những vùng biển của Việt Nam, qua bàn tay khéo léo của những người thợ, đá san hô được chế tác trở thành hòn non bộ mang dáng dấp độc đáo.

Được đem lên từ những vùng biển của Việt Nam, qua bàn tay khéo léo của những người thợ, đá san hô được chế tác trở thành hòn non bộ mang dáng dấp độc đáo. Anh Nguyễn Văn Nam (37 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) - một thợ chế tác đá san hô, nhận định “Đá san hô với bề ngoài góc cạnh, khô khan, có những đường mép sắc như dao lam khi vô tình chạm tay vào là tóe máu. Vậy mà vài năm trở lại đây, đá san hô lại được nhiều người chọn làm chất liệu để dựng hòn non bộ thay cho các loại đá truyền thống. Thật sự đây là một “món ăn chơi” rất tốn kém ngay cả với những người có thu nhập cao”.

* Học 10 năm chưa chắc thạo nghề

Nheo nheo đôi mắt đã thoáng hằn vài nếp nhăn, ông Trần Thanh Phong (46 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), một người thợ chế tác hòn non bộ có hơn 10 năm kinh nghiệm với đá san hô, mở đầu câu chuyện của ông với một phương châm mà ông luôn ghi nhớ “Học đục đá khó 1 phần thì học dựng đá khó 10 phần”. Theo ông Phong, không rõ thú chơi đá san hô xuất phát từ thời điểm nào, nhưng khoảng hơn 10 năm nay có rất nhiều người tìm đến những nơi làm chậu cây cảnh, hòn non bộ để đặt hàng. So với những chất liệu truyền thống, như: đá, gỗ, đá vôi… thì đá san hồ mềm, xốp và hút nước hơn. Nhưng cũng chính vì vậy mà với những người đã quen với các chất liệu truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn khi chuyển qua chế tác loại đá san hô này.

Anh Nguyễn Văn Nam dùng búa đẽo gọt lại khối đá vừa gắn lên.
Anh Nguyễn Văn Nam dùng búa đẽo gọt lại khối đá vừa gắn lên.

“Người chơi hòn non bộ thường chú ý đến thế, dáng của ngọn núi giả chứ ít ai chú ý đến chất liệu, vì vậy tôi mới nói là học đục đá khó 1 mà học dựng thì khó 10. Hồi tôi học nghề làm hòn non bộ ở TP.Đà Lạt thì người ta còn chuộng các loại đá thông thường nên phải lựa những hòn đá tự nhiên, đẽo gọt công phu rồi mới dựng. Với đá san hô cũng thế nhưng cách đục khó hơn nhiều: mạnh tay thì bể, nhẹ tay thì các góc cạnh bị “cùn”, không đẹp. Nhưng quan trọng nhất là người thợ phải có óc thẩm mỹ cao và nắm bắt tốt yêu cầu của khách hàng” - ông Phong chậm rãi cầm trên tay một mảnh đá san hô vừa đẽo ra và một mảnh đá vôi rồi giải thích.

“Có những loại thế núi thường được khách hàng chọn, như: thế mẫu tử, phu thê, tam sơn… với người không chuyên thì nhìn vào chỉ thấy đá với đá mà thôi. Còn người trong nghề thì mới có thể phân biệt được hòn non bộ nào được chế tác khéo, chế tác ẩu, và khuyết điểm chỗ nào để chỉnh sửa. Với khách hàng thường thì nhận diện các thế núi thông qua những đặc điểm cơ bản như phần đế, độ cao giữa các ngọn núi, một số đồ gỗ, trang trí…” - ông Trần Thanh Phong giải thích.

Giá của một khối đá san hô vào khoảng 1-1,5 triệu đồng, và được chở về từ những vùng biển miền Trung nổi tiếng với những loại san hô đẹp. Với mức giá nguyên liệu như vậy nên giá thành của một hòn non bộ làm từ đá san hô thường khá cao. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà giá dao động từ vài triệu đến hàng chục có khi đến hơn trăm triệu đồng. 

Trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) có khá nhiều nơi đặt bảng nhận chăm sóc cây kiểng, chậu kiểng… nhưng riêng với những nơi nhận làm hòn non bộ thì lại không nhiều. Là một trong những người chế tác hòn non bộ bằng đá san hô trên tuyến đường này, anh Trần Thế Nguyễn Hoàng (22 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), từ nhỏ đã theo cha học nghề làm đá nay đã là thợ chính,  nhận định làm nghề này tuy thu nhập cao nhưng không ổn định, tùy thuộc vào lượng khách hàng nên nhiều người nhanh chóng bỏ nghề hoặc đi nơi khác.

“Đá san hô rất phù hợp để chế tác những hòn non bộ có hình dáng núi nhọn, thạch nhũ… và điều đặc biệt là chất liệu đá nhẹ, xốp nên sẽ tạo được nhiều hình dáng như mong muốn. Thợ đá chỉ cần có tay nghề trung bình là đục đẽo được loại đá này, cái khó là nắm bắt thị hiếu khách hàng để tạo ra được một hòn non bộ khiến họ ưng ý. Để tăng thêm sự hấp dẫn, người thợ sẽ dùng sơn xịt để phủ lớp ngoài hòn non bộ, hoặc thiết kế vòi nước để làm thành một dòng suối giả” - anh Hoàng nhận định.

* Vui, buồn với đá san hô

Để sở hữu một hòn non bộ đẹp, người chơi phải tìm đến những nơi có thợ lâu năm để đặt hàng, nếu không thì phải chịu khó đi săn tìm tại các nơi làm hòn non bộ. Anh Nguyễn Văn Hiếu (38 tuổi, ngụ TX.Long Khánh) - người đang đi “lùng” một hòn non bộ phù hợp để trưng bày trong nhà, cho biết những người đi tìm mua hòn non bộ như anh phần lớn đều có sân vườn trong khuôn viên nhà hoặc một phòng khách tương đối rộng, vì “chơi hòn non bộ như vậy mới thực sự tạo nét chấm phá cho không gian căn nhà”.

Anh Trần Thế Nguyễn Hoàng chăm sóc cây cảnh trồng trên hòn non bộ.
Anh Trần Thế Nguyễn Hoàng chăm sóc cây cảnh trồng trên hòn non bộ.

“Đá san hô đem lại cho hòn non bộ một vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ và “thật” hơn những loại đá khác. Sau khi tạo dáng xong, người thợ phủ lên bề mặt một lớp sơn màu đất hoặc màu xám của đá sẽ khiến cho hòn non bộ giống như một khối núi thu nhỏ. Còn dùng những loại đá có bề mặt bóng lưỡng hoặc khó “ăn” sơn thì sẽ tạo cảm giác “giả” cho hòn non bộ. Và hơn hết là với đá san hô, chúng tôi có thể tìm được một nét độc đáo so với những loại đá khác trước đây, cũng với thế núi đó, cũng cách trang trí đó, nhưng đá san hô đem đến một vẻ đẹp tự nhiên hơn…” - anh Hiếu bộc bạch.

Để hòn non bộ có thế núi độc và đẹp, người thợ phải phác thảo trong suy nghĩ những bước cần phải làm, cắt viên đá ra sao, ghép mảnh nào lại với nhau, làm phần đế thế nào để không bị đổ… Theo anh Nguyễn Văn Nam, đó là những gì mà không chỉ anh mà cả những người thợ lâu năm hoặc mới vào nghề cũng đều phải suy nghĩ trước khi bắt tay thực hiện.

“Hòn non bộ đẹp do sự phối hợp hài hòa giữa hồ cá, ngọn núi, cây xanh trồng trên đá, người chơi có thể tự sáng tạo bằng cách gắn thêm những tượng gốm nhỏ trên núi, như: người ngồi câu cá, ông lão chơi cờ, tiều phu… Tuy vậy nhiều người chơi cũng không thực sự biết mình cần gì nên thợ chế tác hòn non bộ đôi lúc cũng phải kiêm luôn người tư vấn cho khách hàng của mình trong việc chọn một hòn non bộ phù hợp với khuôn viên nhà” - anh Nguyễn Văn Nam tâm sự.

Hòn non bộ dù ở thế núi nào cũng đều phải tuân theo một tỷ lệ nhất định giữa hồ đá, phần đế và chiều cao của núi. Một phần là do quan niệm phong thủy về tỷ lệ các bộ phận, phần thì phải đảm bảo sự chắc chắn cho khối núi. “Thường thì khách hàng sẽ trưng bày hòn non bộ kèm với một hồ cá để vừa có “sơn” vừa có “thủy”, tạo cảm giác mát mẻ trong nhà. Nhưng vẫn có những khách hàng muốn tạo một khối núi có kích thước lớn để trưng bày trên bãi cỏ hoặc dưới gầm cầu thang trong nhà. Khi đó chúng tôi mới phải đau đầu về việc tạo dáng núi và dựng phần đế vững chắc. Một hòn non bộ hoàn thành nhanh nhất là một tuần với kích thước nhỏ và có khi lên đến vài tháng với kích thước lớn và yêu cầu khắt khe” - anh Nam nói.

Cũng theo anh Nam, loại đá san hô này nhìn bề ngoài có vẻ khô cứng, dễ gãy nhưng lại có độ bền khá cao. Hòn non bộ làm từ đá san hô thường được đặt gọn một góc sân, trong phòng khách, đem đến cho ngôi nhà một không gian xanh mát và gần gũi với thiên nhiên. Do bản thân những khối đá san hô đều có góc cạnh nhọn nên dù bị tác động của ngoại lực khiến một phần của hòn non bộ bị gãy thì cũng không làm ảnh hưởng quá nhiều đến kết cấu chung, vì vết gãy không bị lộ ra như những khối đá tròn khác.

Đăng Tùng

 

 

 

Tin xem nhiều