Từ khi vót nan tre cho đến ráp khung, dán giấy và vẽ trang trí phải mất gần nửa ngày để hoàn thành một chiếc lồng đèn. Yếu tố quyết định làm nên nét riêng của từng chiếc lồng đèn là ở cách tạo hình dáng và vẽ những họa tiết trang trí trên đèn sao cho bắt mắt, hấp dẫn của người thợ.
Từ khi vót nan tre cho đến ráp khung, dán giấy và vẽ trang trí phải mất gần nửa ngày để hoàn thành một chiếc lồng đèn. Yếu tố quyết định làm nên nét riêng của từng chiếc lồng đèn là ở cách tạo hình dáng và vẽ những họa tiết trang trí trên đèn sao cho bắt mắt, hấp dẫn của người thợ.
Được làm hoàn toàn bằng thủ công, tùy loại mà mỗi chiếc lồng đèn truyền thống có giá từ 15-60 ngàn đồng/chiếc.
* Lồng đèn thủ công
Tuy chưa đến Tết Trung thu nhưng gia đình ông Bùi Tấn Hiệp (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) những ngày này rộn ràng khách hàng vào ra mua lồng đèn giấy. Những công đoạn, như: chẻ tre, cột khung, ráp hình đã xong cách đây một tháng; bây giờ chỉ còn dán giấy, nhấn nhá vài nét vẽ nữa là hoàn thành. Từng chiếc lồng đèn hình con bướm, con cá, giỏ hoa, xe tăng… đủ màu sắc và ngộ nghĩnh được gia chủ treo lên trước cửa tiệm đã thu hút mọi ánh nhìn của người qua đường.
Ông Bùi Tấn Hiệp đang vẽ nét cọ màu lên chiếc đèn lồng hình con bướm. |
“Tính tạm thời nghỉ làm lồng đèn một năm, chờ sang năm làm tiếp nhưng nhiều người hỏi nên chúng tôi lại làm. Vì bắt đầu làm muộn hơn mọi năm, nên mấy hôm nay tôi phải làm hối hả, gấp rút hoàn thành để bán ra thị trường đúng dịp rằm tháng 8. Nhưng tôi cũng đã chuẩn bị kịp mấy mẫu trưng bày và hàng bỏ cho các mối lớn, số hàng còn lại bán rải rác từ nay cho đến Tết Trung thu” - ông Hiệp hồ hởi mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Để làm một chiếc lồng đèn giấy hoàn toàn bằng thủ công, người thợ phải làm nhiều công đoạn chi tiết và phức tạp, từ chẻ tre, vót tre, cắt khung, làm xương đèn, lắp cán đến in hoa văn, màu sắc trên giấy kính… mới tạo thành một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh. Tre làm lồng đèn phải là tre già ngâm với nước muối nhiều ngày để chống mối mọt, sau đó phơi khô, chuốt nan tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Giấy dán lồng đèn có nhiều màu, khi căng ra dán người thợ cần phải khéo léo để giấy thẳng góc và không bị rách.
“Nếu làm từ 2 ngàn chiếc lồng đèn trở lên thì từ tháng 4 âm lịch đã bắt đầu làm khung, mua tre về chẻ, hong khô; đầu tháng 6 dán giấy và đến cuối tháng thì bắt đầu tô màu, vẽ hình. Nói chung, phải tranh thủ đến đầu tháng 7 âm lịch có đèn bỏ cho những mối lớn” - ông Hiệp nói.
“Gia đình tôi có 3 đời làm lồng đèn giấy nên chúng tôi hiện có nhiều mẫu lồng đèn độc quyền mà không nơi nào có được, chẳng hạn mẫu đèn xe tăng của chúng tôi làm ra, một thời đã khiến bao người thích thú, say mê. Đèn lồng truyền thống vẫn có chỗ đứng trên thị trường, ở TP.Biên Hòa nhiều chỗ bán đèn của chúng tôi lắm” - ông Bùi Tấn Hiệp cho biết. |
Mọi năm, khi đến Tết Trung thu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường (ngụ phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) làm đầu lân, trống con và mặt nạ ông địa bán, nhưng đây là năm đầu tiên gia đình chị thử nghiệm với chiếc đèn sao. “So với những loại lồng đèn khác, đèn sao dễ làm, ít cầu kỳ và gần gũi với sở thích của trẻ con. Chúng tôi chỉ làm vài chục chiếc cho có không khí Trung thu, giá bán từ 10-15 ngàn đồng/chiếc” - chị Hường cho hay.
Theo chị Hường, mỗi loại đồ chơi mùa Trung thu, như: lồng đèn, mặt nạ, đầu lân… đều có kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, nên đòi hỏi bàn tay người thợ phải thật khéo léo và tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành, lồng đèn được đem hong khô bằng ánh nắng tự nhiên để đảm bảo độ bền, dẻo dai mà không phải qua máy sấy, hút ẩm.
Tay thoăn thoắt nối những thanh tre nhỏ thành khung rồi dán những mảnh giấy màu lên trên, sau vài phút người thợ đã tạo nên chiếc lồng đèn bắt mắt và đầy màu sắc. Làm đèn lồng trung thu phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên tranh thủ những ngày nắng hiếm hoi giữa mùa mưa, chị Hường đem mấy món đồ chơi ra phơi ở khoảng sân chật hẹp trước nhà. Bên trong, lối đi nhỏ giữa nhà chị trở thành nơi chất đầy đầu lân, mặt nạ ông địa, cùng chiếc đèn sao lấp lánh đã được hoàn thành.
“Giá lồng đèn làm thủ công rẻ hơn nhiều so với lồng đèn làm bằng nhựa, có gắn pin và nhạc, nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe. Vì độ bền thấp nên khi dùng trong Tết Trung thu xong, người chơi sẽ bỏ đi để năm sau mua tiếp mẫu mã mới, đẹp hơn. Ngoài đầu lân, mặt nạ, đèn sao, tôi còn nhập thêm mấy mẫu đèn tàu biển Hoàng Sa, Trường Sa để thu hút khách” - chị Hường chia sẻ.
* Mang niềm vui đến cho trẻ
Hơn 50 năm gắn bó với nghề làm lồng đèn, chưa năm nào gia đình ông Hiệp bỏ lỡ dịp Tết Trung thu. Quê ở làng Báo Đáp (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), nơi có làng nghề truyền thống làm lồng đèn giấy, đến khi vào Nam lập nghiệp, mẹ ông vẫn giữ nghề rồi lần lượt truyền lại cho các con làm đến nay.
Ở TP.Biên Hòa hiện chỉ còn mỗi gia đình ông Hiệp còn làm lồng đèn, dù qua thời gian nhiều người đã bỏ nghề vì lợi nhuận thu về ít. Hơn nữa, cái thú chơi dân dã mà trẻ con yêu thích giờ không còn thịnh hành, nhưng gia đình ông vẫn cố gắng gầy dựng và giữ nghề. Làm lồng đèn chỉ kéo dài trong vài tháng nên bên cạnh nghề này, gia đình ông còn làm hoa giấy, hoa vải để kiếm thêm thu nhập.
Khách hàng chọn mua lồng đèn truyền thống. |
Thấy khách đến, bà Minh Châu (vợ ông Hiệp) phải tạm gác lại công việc vẽ màu cho chiếc lồng đèn hình lục giác. Hôm nay, tiệm của bà có khách hàng lấy gần 100 chiếc đèn sao để mang tặng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, nên vợ chồng bà tranh thủ làm thêm hàng.
“Mấy ngày này khách bán buôn tới xem rồi đặt hàng với số lượng lớn, còn khách mua lẻ chỉ mua nhiều khi cách Tết Trung thu chừng một tuần. Tuổi già nhưng vẫn gắn bó với nghề, vì công việc này làm vui cho trẻ con. Tết Trung thu mà không có đèn lồng thì buồn lắm, nên chúng tôi còn làm nghề dài dài” - bà Châu nói.
Không gắn pin, phát ra tiếng nhạc như những chiếc lồng đèn nhựa, nhưng những chiếc lồng đèn được làm thủ công vẫn có sức hút riêng với trẻ em. Với mỗi người thợ, làm lồng đèn không chỉ để giữ nghề truyền thống, mà quan trọng hơn là mang lại niềm vui cho trẻ em khi mùa trung thu đến.
Thanh Hải