Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông thương binh Ba Toại

03:07, 14/07/2014

Từng là cán bộ lãnh đạo các xã: Đại An, Bình Ý, Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) những năm đất nước vừa thống nhất, khi về hưu, thương binh ¾ Trần Như Toại vẫn không ngần ngại vác búa đập đá để phụ vợ nuôi đàn con đang tuổi ăn học.

Bí thư chi bộ  Đảng thời kỳ đầu các xã Đại An, Bình Ý, Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) Ba Toại ngày nào, nay đã 75 tuổi đời và 46 tuổi Đảng.
Bí thư chi bộ Đảng thời kỳ đầu các xã Đại An, Bình Ý, Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) Ba Toại ngày nào, nay đã 75 tuổi đời và 46 tuổi Đảng.

Từng là cán bộ lãnh đạo các xã: Đại An, Bình Ý, Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) những năm đất nước vừa thống nhất, khi về hưu, thương binh ¾ Trần Như Toại vẫn không ngần ngại vác búa đập đá để phụ vợ nuôi đàn con đang tuổi ăn học. Nghĩ lại quãng đời “quan trường” của mình, ông vẫn tự hào về những gì ông đã cống hiến cho quê hương Vĩnh Cửu vào những năm tháng khó khăn nhất.

Là người con xứ Nghệ, nhưng ông Toại (75 tuổi đời, 46 tuổi Đảng) vẫn được người dân ấp Bình Phước, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) quen miệng gọi tên theo kiểu Nam bộ là Ba Toại.

* Thương binh đi đập đá

Tháng 5-1975, Thượng úy Ba Toại được tổ chức phân công về phụ trách công tác Đảng xã Đại An (nay là xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu). Ông Ba Toại kể, vùng đất Đại An thời kỳ đó rất hoang sơ, tình hình an ninh - chính trị rất phức tạp. Với cương vị Bí thư Chi bộ xã Đại An, ông cùng với các đảng viên kiên trung và chính quyền, đoàn thể địa phương lúc ấy nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính trị, động viên nhân dân phát triển kinh tế khi đất nước vừa thống nhất. “Tôi được Huyện ủy Vĩnh Cửu điều động về các xã: Đại An, Bình Ý, Bình Hòa nắm giữ nhiệm vụ bí thư chi bộ từ năm 1975-1979. Sau đó, tôi được điều về giữ nhiệm vụ trưởng phòng Phòng Thủy lợi và Phòng Tổ chức Huyện ủy. Đến năm 1985, tôi xin về hưu để lo cho vợ con” - ông Ba Toại nói.

Về hưu ở tuổi 45, ông Ba Toại vẫn không có nhà riêng để ở. Thương người lính Ba Toại chính trực, kiên trung, ông Hai Trường (ngụ xã Tân Bình, đã mất) bán thiếu cho ông Ba Toại 1 sào đất để vợ chồng ông dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.

Ông Ba Toại tâm sự, chiến tranh đã lấy đi của ông một phần thân thể và hạnh phúc gia đình (người vợ ở quê không đợi được đến lúc ông về nên đã đi thêm bước nữa). Mãi đến năm 1979, ông mới xin tổ chức về thăm quê và giải quyết chuyện gia đình. Trong chuyến về thăm quê năm đó, ông được dòng họ mai mối cho cô giáo Dương Thị Vy (kém ông 17 tuổi) ở cạnh nhà. Lúc ấy, trong gia đình và cả dòng họ của ông đều bất ngờ khi biết ông làm lãnh đạo Đảng hết xã này đến xã khác, rồi cán bộ của huyện. Vậy mà khi nghỉ hưu, ông vẫn không có đất để “cắm dùi”, phải đập đá để mưu sinh.

Không phải vùng đất Vĩnh Cửu bạc đãi người lính Ba Toại, mà do cái tính liêm chính của ông làm ông khổ, bắt vợ con ông chật vật. Ông Ba Toại kể, những năm ông được tổ chức phân công về tiếp quản các xã, đất đai nơi đây bạt ngàn, ông muốn tậu bao nhiêu cũng có. Người dân địa phương quý ông, nhiều lần giới thiệu cho ông các thôn nữ đẹp người, đẹp nết để ông chọn làm vợ, nhưng ông luôn từ chối. “Đất đai, tiền tài, vợ xinh”, nếu người lính không kiên định tinh thần cách mạng khi tình hình địa phương còn bộn bề khó khăn thì rất dễ sa ngã. Vì vậy, tôi được bà con ở đây thương yêu như đứa con của vùng đất Vĩnh Cửu khi về công tác tại các xã: Đại An, Bình Ý, Bình Hòa theo sự phân công của Huyện ủy Vĩnh Cửu. Cái tên Ba Toại rất miền Nam của tôi được bà con đặt cho từ đó” - ông Ba Toại tâm sự.

* Hạnh phúc trở lại

Thấy ông Ba Toại từng làm “quan xã, quan huyện”, đến khi về hưu lò tò xe đạp đi làm nghề đập đá, lại ở nhà tập thể, ông Hai Trường đã bảo ông chuyển nhà về ấp Bình Phước và ông bán cho 1 sào đất (trên mảnh đất có một ngôi nhà nhỏ) để trú ngụ. Vốn quen với tính cách của người dân Tân Bình rộng rãi, thương người chính trực, ông Ba Toại gật đầu và dắt vợ con về đây nương tựa. “Ngày công đập đá lúc ấy trên 50 ngàn đồng, cộng với số tiền lương hưu của tôi, lương giáo viên mẫu giáo của bà nhà và nuôi mấy con heo, bò, vợ chồng tôi từng bước ổn định cuộc sống và có dư dả chút đỉnh để dành dụm lo tương lai cho 3 đứa con” - ông Ba Toại thổ lộ.

Người thương binh Ba Toại bên bà giáo Vy và các cháu.
Người thương binh Ba Toại bên bà giáo Vy và các cháu.

Hạnh phúc đang hé mở thì ông Ba Toại bị bạo bệnh, nằm liệt giường suốt 5 năm. Bao nhiêu vất vả cuộc sống dồn hết cho bà giáo Vy gánh vác. Bà như con thoi, hết lộc cộc xe đạp đến trường dạy học, lại quày quả chạy về nhà lo cơm nước cho các con, lên bệnh viện chăm chồng và xắn quần lội ruộng chăm sóc mấy sào ruộng thuê để cả nhà không bị đói, lũ trẻ không thất học và mua thêm thuốc bên ngoài cho chồng. Thấy mẹ vất vả và thương cha bệnh tật, mỗi lần đi học, Quyết (con trai đầu của ông Ba Toại) không quên giấu chiếc liềm trong cặp, chờ khi tan học dựng xe ven đường cắt bao cỏ chở về chăm đôi bò. Quyết cũng chằng néo chiếc xe đạp cho thật chặt, liên tục chở cha từ nhà đến bệnh viện để khám bệnh, tập vật lý trị liệu.

Nhờ bàn tay chăm sóc của bà giáo Vy và các con, sức khỏe ông Ba Toại dần bình phục. Ông tâm sự, sau trận bạo bệnh đó, vợ chồng ông quay lại cảnh tay trắng. Tuy vậy, bà giáo Vy vẫn yêu chồng, thương con và gánh hết phần việc nặng trong nhà. Xong giờ dạy, bà lại đèo thúng bắp đi bán dạo. Còn ông Ba Toại và các con thì phân công nhau chăm sóc mấy con bò và 2 sào ruộng thuê để khởi sự lại khi ông đã bước sang tuổi 65. “Nay thì các con tôi đã yên bề gia thất, có việc làm và vợ chồng tôi cũng tậu được ngôi nhà tươm tất từ chính đồng tiền hưu của 2 vợ chồng, tiền đẩy mạnh chăn nuôi. Số tôi lận đận tí thôi. Bù lại, tôi gặp được vợ hiền, đảm đang, con ngoan nên cũng thấy an ủi khi về già” - ông Ba Toại bộc bạch.

Ông Trần Văn Phước, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) tâm sự, người thương binh Ba Toại luôn là tấm gương mẫu mực mà thế hệ của ông học tập, rọi soi trong công tác. “Chúng tôi luôn quý ông Ba Toại ở sự chính trực, liêm chính, mẫu mực trong công tác và lối sống. Những câu chuyện về ông hiện lớp cán bộ trẻ chúng tôi luôn ghi nhớ và trân trọng, học tập” - ông Phước nói.

Một sào đất hoang sơ của vợ chồng ông Ba Toại được ông Hai Trường tốt bụng bán thiếu ngày nào, nay hiện diện 3 ngôi nhà khang trang. Bà giáo Vy cho hay, ngôi nhà bên trái của vợ chồng cô con gái út, ngôi nhà ở giữa của người con trai cả và ngôi nhà ngoài cùng vợ chồng bà sinh sống cùng vợ chồng người con trai thứ hai. “Ngày theo ông ấy vào Nam, họ hàng cứ ngỡ tôi lấy được chồng làm quan xã, nhà chắc nhiều đất, ruộng lắm. Khi hay tin ông ấy về hưu vẫn chưa tậu được nhà riêng để ở, phải đi đập đá để kiếm sống, họ hàng vẫn động viên tôi thương ông ấy nhiều hơn” - bà giáo Vy tỏ bày.

Cảm mến tấm lòng và sự hy sinh của bà giáo Vy đối với mình, trong câu chuyện với chúng tôi, ông Ba Toại không dám nói nhiều về những hôm trái gió trở trời làm vết thương ở đầu và chân trái (bị thương năm 1960) tê nhức, cũng như những năm tháng ông kiên trung bám trụ vùng rừng núi Vĩnh Cửu để kiện toàn hệ thống chính trị đầy cam go… Ông ý nhị xen vào câu chuyện về sự tảo tần của vợ...

Còn với đất và người Vĩnh Cửu, ông Ba Toại luôn khắc ghi những tình cảm quý mến trong lòng: “Ngoài cái tên Ba Toại, tôi còn được bà con ở đây gọi là ông Ba “Xứ Nghệ”. Đất Vĩnh Cửu thật hiền hòa và có nhiều người dân tốt bụng như ông Hai Trường, nên vợ chồng tôi mới được như hôm nay”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều