Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp nào kiềm chế tội phạm vị thành niên? (Bài cuối)

11:07, 11/07/2014

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên phạm pháp. Nhiều trường hợp, sau khi vướng vào pháp luật mới nhận ra lỗi lầm của mình thì đã quá muộn.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên phạm pháp. Nhiều trường hợp, sau khi vướng vào pháp luật mới nhận ra lỗi lầm của mình thì đã quá muộn.

Trẻ vị thành niên phạm pháp tham gia biểu diễn văn nghệ tại Trường giáo dưỡng số 4.
Trẻ vị thành niên phạm pháp tham gia biểu diễn văn nghệ tại Trường giáo dưỡng số 4.

“Điểm nổi bật ở trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật là nhận thức hạn chế, thiếu suy nghĩ dẫn đến hành động sai trái. Nhiều em do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa đã phải kiếm sống bằng mọi cách. Một số khác bỏ nhà đi “hoang”, tham gia các băng nhóm cướp giật tài sản rồi nghiện ma túy, cờ bạc, nhiễm HIV/AIDS…” - Thượng tá Nguyễn Thọ Hải, Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 4 (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Tổng cục VIII - Bộ Công an, đóng tại huyện Long Thành), nhận định.

* Tội phạm đang trẻ hóa

Thượng tá Nguyễn Thọ Hải cho biết thêm, 10 năm trở lại đây, Trường giáo dưỡng số 4 đã tiếp nhận hơn 6,5 ngàn học viên từ các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ. Hiện nay, học viên vào trường có tính chất, mức độ các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Lúc vào trường, các em thường xuyên vi phạm nội quy, thể hiện thái độ chống đối, đánh nhau và muốn bỏ trốn. Ngoài ra, do quen sống buông thả, không chịu sự giám sát của người lớn, nên nhiều em thường mang theo nhiều thói xấu, như: lười lao động, ngại học tập, sống bất cần…[links(left)]

Theo Thượng tá Nguyễn Thọ Hải, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên phạm pháp là do hệ thống pháp luật của nước ta chưa đồng bộ, chưa sát với thực tế. Điều này gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật dẫn đến hiệu quả, hiệu lực phòng chống tội phạm chưa cao, chưa đủ sức răn đe.

Thượng tá Nguyễn Thái Học, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ vị thành niên ở Đồng Nai trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả được nâng cao. Tuy nhiên, số vụ gây ra vẫn còn ở mức cao, tính chất của tội phạm ngày càng táo bạo, liều lĩnh và đang trẻ hóa.

Từ năm 2009 đến nay, tổng số các loại tội danh liên quan đến trẻ vị thành niên trên địa bàn tỉnh gần 1,6 ngàn vụ với hơn 2.249 đối tượng, chiếm gần 19%  trong tổng số các vụ phạm pháp hình sự xảy ra. Nếu phân tích theo tội danh, tỷ lệ tội giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng là 318 vụ và có xu hướng tăng theo từng năm. Các vụ phạm pháp đều sử dụng hung khí, phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này cũng hết sức nguy hiểm, nhiều vụ rất dã man.

“Qua phân tích các vụ trẻ vị thành niên phạm tội đã xảy ra cho thấy, phần lớn số đối tượng vi phạm pháp luật rơi vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế; trong gia đình thường xảy ra bạo lực, mâu thuẫn; việc quản lý, giáo dục trẻ ở một số phụ huynh chưa phù hợp, thiếu sự quan tâm; môi trường xã hội có nơi chưa thật sự lành mạnh, an toàn; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội chưa chặt chẽ và thường xuyên trong việc quản lý, giáo dục, phát hiện, ngăn chặn khi các em có biểu hiện vi phạm” - Thượng tá Nguyễn Thái Học đánh giá.

* Đi tìm giải pháp

Tại cuộc hội thảo khoa học trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật “Thực trạng và giải pháp” tổ chức tại Trường giáo dưỡng số 4 vào tháng 5-2014, nhiều đại biểu cho rằng việc trang bị kỹ năng sống rất cần thiết để giúp các em điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình. Trước đây, việc giáo dục trẻ em trong gia đình và nhà trường bị coi nhẹ, dẫn đến hành vi ứng xử của các em trong cộng đồng bị xuống cấp về đạo đức.

Tại trường giáo dưỡng, nhiều trẻ vị thành niên thể hiện thái độ ăn năn, nhận ra lỗi lầm của bản thân.
Tại trường giáo dưỡng, nhiều trẻ vị thành niên thể hiện thái độ ăn năn, nhận ra lỗi lầm của bản thân.

Thạc sĩ Lê Minh Công, Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh, cho hay xuất phát từ nguyên nhân thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình, cha mẹ không làm gương tốt nên cuộc sống của các em đã thiếu một trật tự căn bản, từ đó đánh mất niềm tin vào người lớn. Khi có mâu thuẫn, các em thường ứng xử manh động, bồng bột kiểu “sợ trên, nạt dưới”.

Trung tướng, tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII, cho biết sau khi được đưa vào trường giáo dưỡng, nhiều trẻ vị thành niên phạm pháp đã nhận ra lỗi lầm, sớm hoàn thành quá trình học tập, rèn luyện để trở về với gia đình. Mô hình trường giáo dưỡng của Việt Nam được các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và nhân quyền đánh giá cao về tính pháp lý, hiệu quả và tính nhân văn, nhân đạo tốt đẹp.

“Cần giáo dục cho các em kỹ năng kiên định và từ chối để chúng mạnh mẽ hơn trong việc từ bỏ những cám dỗ và thói quen xấu. Bên cạnh đó, việc kiểm soát cảm xúc, sự tức giận cũng phần nào giúp các em thay đổi suy nghĩ tiêu cực để có những cảm xúc, thái độ cân bằng và phù hợp hơn” - thạc sĩ Lê Minh Công lý giải.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Khoa Tâm lý giáo dục Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh, lứa tuổi vị thành niên là giai đoạn “khủng hoảng”, thiếu ổn định trong tâm sinh lý, nên cần tăng cường giáo dục, trang bị kỹ năng mềm. Hơn ai hết, cha mẹ là những người luôn bên cạnh để kịp thời động viên, uốn nắn khi các em có biểu hiện sai trái.

Ngoài ra, trẻ vị thành niên cần có sự định hướng nghề nghiệp trong tương lai, ngay cả những em đang chấp pháp tại trường giáo dưỡng. “Sau khi cảm hóa thì việc quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm để sau khi học tập ở trường xong, các em có thể tự lao động, kiếm sống bằng chính năng lực, kiến thức của mình, từ đó quên đi mặc cảm, lỗi lầm trong quá khứ” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Bàn về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thọ Hải cho biết, Trường giáo dưỡng số 4 hiện đang dạy 5 lớp nghề: sửa chữa xe máy, cắt tóc, điện dân dụng, may mặc và cơ khí. Tùy theo sức khỏe, các em còn được học và làm quen với các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi gắn với thực tế để tự tổ chức cuộc sống. Năm 2010, nhà trường đã tổ chức cuộc khảo sát về số lượng học sinh sau khi ra trường, tái hòa nhập cộng đồng và kết quả cho thấy có đến 45% các em có việc làm và tỷ lệ tái phạm là 18,3%. Qua công tác tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ học viên, số em vào trường lần thứ 2 trong 10 năm qua là 199 trường hợp, chiếm hơn 3% tổng số học viên đã ra trường.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích