Báo Đồng Nai điện tử
En

Dễ sa ngã khi vào đời sớm (Bài 1)

03:07, 11/07/2014

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đề án "Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên" quốc gia, từ năm 2007 - 2013, mỗi năm trên cả nước có hơn 10 ngàn vụ với gần 15 ngàn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật hình sự (chiếm gần 20% tội phạm hình sự).

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên” quốc gia, từ năm 2007 - 2013, mỗi năm trên cả nước có hơn 10 ngàn vụ với gần 15 ngàn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật hình sự (chiếm gần 20% tội phạm hình sự). Đáng chú ý, từ những vi phạm pháp luật mang tính chất giản đơn đến nguy hiểm, tất cả đều cho thấy tội phạm đang trẻ hóa và có xu hướng gia tăng.

Do hoàn cảnh gia đình, nhiều trẻ vị thành niên đã sớm rời bỏ gia đình để “lăn” vào đời. Tìm việc, kiếm tiền khi đang ở lứa tuổi chưa trưởng thành đã khiến các em đối mặt với nhiều khó khăn, cám dỗ. Tâm lý trong giai đoạn vị thành niên lại thiếu ổn định, nên nhiều em đã có thái độ sống không đúng đắn và có những hành vi sai trái.

* Mưu sinh từ nhỏ

Gia đình nghèo, lại đông em, nên N.T.H. (15 tuổi, ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) phải nghỉ học sớm để kiếm tiền nuôi thân và phụ giúp gia đình. Hàng ngày, H. làm nhân viên phục vụ ở một quán cà phê với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. “Mức lương hơi thấp, nhưng người ta bao luôn ăn ở để thuận tiện cho công việc” - H. nói.

Trẻ vị thành niên phạm pháp tham gia sinh hoạt tập thể ở Trường giáo dưỡng số 4, huyện Long Thành (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Tổng cục VIII, Bộ Công an).
Trẻ vị thành niên phạm pháp tham gia sinh hoạt tập thể ở Trường giáo dưỡng số 4, huyện Long Thành (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Tổng cục VIII, Bộ Công an).

Nhà ở gần chỗ làm, nhưng chẳng mấy khi H. về nhà vì công việc bận rộn và vì sợ nhìn cảnh cha mẹ suốt ngày cãi nhau. H. tâm sự, em chỉ học hết lớp 1 rồi nghỉ ở nhà giúp mẹ chăm sóc 5 đứa em. Khi tròn 13 tuổi, bà N.N.T. (mẹ H.) cố gắng chạy vạy khắp nơi để xin việc cho con gái, nhưng không ai nhận vì H. không biết chữ. May là ở gần nhà có quán cà phê đang cần người phục vụ, dọn dẹp vệ sinh nên H. được vào làm.

“Nhà nghèo, lại đông con, nhưng cha em không chịu đi làm, suốt ngày chỉ uống rượu say mèm. Mẹ em bán khoai lang, bắp luộc ở chợ chỉ đủ lo cơm cháo cho cả nhà. 5 đứa em của em tội lắm, không đứa nào được đi học đến nơi đến chốn, nên em cố gắng đi làm kiếm tiền giúp mẹ. Công việc ở quán cà phê thường kết thúc sau 23 giờ, sau bữa cơm muộn, giấc ngủ thường đến với em lúc 1-2 giờ sáng” - H. chia sẻ.

Mới 15 tuổi nhưng H. đã có 2 năm biết kiếm tiền, tự mình bươn chải với cuộc sống. Ước mơ của H. là được làm thợ cắt tóc vì không đòi hỏi trình độ học vấn, chỉ cần khéo tay, chịu khó. “Em chưa suy nghĩ nhiều, đó chỉ là ước mơ giản đơn đến khi em đã đủ lớn thôi...” - H. cho biết.

Hoàn cảnh của N.L.H. (18 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cũng tương tự. Chán cảnh cha mẹ bỏ nhau, L.H. về sống với người dì ruột. Không có sự kề cạnh bảo ban, dạy dỗ của người lớn, H. thích làm gì, đi đâu chẳng ai quản được. Chàng thanh niên trẻ bỏ nhà đi “bụi” thường xuyên, thời gian sống ở bên ngoài nhiều hơn ở nhà.

Thấy L.H. ăn chơi lêu lổng, người dì kịp thời khuyên nhủ, tìm cho L.H. công việc trong một xưởng gỗ. Dù không bằng lòng với công việc này, nhưng H. chấp nhận đi làm để có tiền tiêu xài. “Thời gian tăng ca liên tục khiến em mệt mỏi… Em đã bị đuổi học vì mê game, ham chơi; về nhà lại bị dì la rầy nên đâm chán. Nếu cố gắng đi học thường xuyên, giờ em đã tốt nghiệp THPT” - đó là nỗi ân hận khiến L.H. luôn day dứt.

* Phạm tội…

Vào đời sớm, gặp những khó khăn, mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng vì kinh nghiệm sống chưa nhiều, nhiều trẻ vị thành niên đã có hành động xốc nổi, thiếu suy nghĩ. Nhiều trường hợp do không có sự giám sát, giáo dục của gia đình, các em đã bỏ nhà đi “bụi” theo đám bạn và gây ra nhiều hành vi trái pháp luật.

Khi không có sự quản lý của cha mẹ, N.T.H. bắt đầu theo đám bạn xấu, suốt ngày ăn chơi lêu lổng mà bỏ bê công việc ở quán cà phê. Trong một lần như thế, H. đã gặp họa. Ngày 18-12-2013, nghe tin bạn bị người khác đánh ở quán karaoke, H. đã đến “giúp đỡ”. Khi chị T. (người có mâu thuẫn với bạn của H.) vừa bước ra khỏi quán, H. và mấy người khác lao vào đánh túi bụi. Lúc nạn nhân làm rơi chiếc điện thoại, H. đã nhanh tay lấy bỏ vào túi rồi ra về. Mất của lại bị đánh, chị T. đã trình báo công an và H. bị bắt ngay sau đó.

Tại phiên tòa xét xử mới đây, H. bị Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội cướp tài sản. Nói lời muộn màng, H. òa khóc như đứa trẻ: “Em chỉ nghĩ giúp bạn nên ra tay... Nhưng sau đó em thấy mình đã sai, đã đi quá giới hạn và phải trả giá cho hành vi của mình”.

Trong khi đó, L.H. đã phải nhận mức án 2 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Trong lần đi chơi cùng bạn, L.H. nảy sinh mâu thuẫn với người khác. Trong lúc nóng giận, L.H. đã rủ bạn về nhà lấy dao chém “đối thủ” trọng thương.

Những ngày ở trường giáo dưỡng hay đang thụ án ở trại giam, nhiều trẻ vị thành niên cho biết đang cố gắng học lấy một nghề và cả học văn hóa để chuẩn bị hòa nhập lại cộng đồng. Các em hy vọng khi trở về cuộc sống sẽ được gia đình gần gũi động viên và xã hội không kỳ thị, xa lánh.

Tương tự N.T.H. và N.L.H., H.N.Tr. (18 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán) đã đánh đổi khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ bằng mức án 3 năm 6 tháng tù về trộm cắp tài sản.

Quen sống được cha mẹ chiều chuộng nên Tr. muốn gì được nấy. Có tiền, Tr. học đòi theo nhóm bạn tìm “cảm giác lạ” tại các quán bar để “giết” thời gian. Những viên ma túy tổng hợp đã đưa cô “bay” trong sự phấn khích. Vậy là mới 16 tuổi, Tr. đã thành con nghiện, sống cuộc đời “hoang”.

Bị rủ rê, Tr. trốn nhà bỏ đi “bụi” với nhóm bạn hư hỏng. Mỗi đêm ở vũ trường, cả nhóm đốt tiền triệu. Đến khi không còn tiền tiêu xài vì cha mẹ không cho, Tr. đã nghĩ đến chuyện trộm cắp. Từ tháng 4 đến tháng 6-2013, Tr. cùng đồng bọn tổ chức thực hiện hàng chục vụ trộm xe máy. Ngày 4-6-2013, khi đang cùng đồng bọn trộm chiếc xe máy trước một tiệm photocopy ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa), Tr. đã bị bắt quả tang.

“Sau khi bị bắt, em vẫn được mẹ vào thăm và gửi cho nhiều quà, trong đó em thích nhất là mấy cuốn tập. Em xem nó là bạn khi đêm về và luôn ghi vào đây những nỗi ân hận. Em coi đây là “vốn liếng” để mình làm lại cuộc đời, sống thật có ích sau những tháng ngày lầm lỗi” - Tr. tâm sự.

Không thẩm phán nào mong muốn tuyên bản án tù đối với những đứa trẻ vị thành niên. Nhưng phút sai lầm, nông nổi đã khiến nhiều em phí phạm thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình sau những song sắt nhà tù.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều