Mưa vừa tạnh, ông Trần Văn Trung (63 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) vội vã cùng mọi người rời khỏi chỗ trú mưa để bắt tay vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bị ngắt quãng bởi cơn mưa.
Mưa vừa tạnh, ông Trần Văn Trung (63 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) vội vã cùng mọi người rời khỏi chỗ trú mưa để bắt tay vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bị ngắt quãng bởi cơn mưa. “Chúng tôi đã đào bới liên tục 3 ngày nhưng chưa tìm thấy gì, hy vọng hôm nay sẽ tìm được hài cốt các anh. Mảnh đất này khi xưa chôn 8 người. Cách đây vài năm, chúng tôi đã quy tập được 3 bộ hài cốt, giờ cố gắng tìm 5 bộ hài cốt còn lại…” - chỉ cho chúng tôi vị trí đã tìm được hài cốt 3 liệt sĩ trước đó, ông Trung nói.
Ông Trần Văn Trung (đội nón) cùng với người của Ban Chỉ huy quân sự xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) đang tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. |
Mặt đất còn đẫm nước, giữa rẫy tiêu của một gia đình ở ấp Tân Mỹ, xã Xuân Bảo, nhóm khoảng 10 người của ông Trung hì hục đào những hố đất to để tìm 5 bộ hài cốt liệt sĩ.
* Thương binh tìm liệt sĩ
Với những bước chân khập khiễng do trúng mảnh bom trong thời chiến, ông Trung cho biết đã đi khắp Long Khánh (chưa phân chia địa giới hành chính như bây giờ) để tìm hài cốt đồng đội. Ông Trung kể lại, vùng đất này xưa kia thuộc xã Bảo Bình, nơi chúng tôi đang đứng chính là chiến hào bao quanh ấp chiến lược.
“Những năm chiến tranh, sau mỗi trận chiến, nếu chúng tôi đem được thi thể đồng đội hy sinh về thì cũng chôn tạm trong rừng rồi lại di chuyển tiếp, nếu không đem được thì đành để lại chiến trường, người dân hoặc du kích địa phương lén nhặt xác đem chôn, nên việc quy tập hài cốt liệt sĩ sau chiến tranh rất khó. Sau giải phóng, chưa kịp ngơi nghỉ chúng tôi lại lao vào cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nên không ai nghĩ đến việc đi quy tập hài cốt đồng đội. Đến những năm 1980, khi mọi thứ đã tương đối yên ắng, chúng tôi mới đi tìm lại những đồng đội đã nằm xuống năm xưa” - ông Trung tâm sự.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Trung chiến đấu ngay tại địa phương mình, phối hợp với quân chủ lực, hoặc cùng quân địa phương tổ chức những trận đánh chớp nhoáng vào đồn địch. Sau chiến tranh, từ năm 1982, ông cùng vài đồng đội bắt đầu đi quy tập mộ liệt sĩ ở huyện Long Khánh và giờ là huyện Cẩm Mỹ. Ban đầu, ông tìm những liệt sĩ từng chiến đấu chung với ông, được chính ông chôn, vì phần lớn họ đều là người địa phương, dễ huy động sức người, sức của lúc đi quy tập.
Theo lời ông Trần Văn Trung, trong một huyệt chôn nhiều người thì chỉ có hộp sọ là khác nhau, còn những phần xương khác do không thể phân biệt được, nên lúc quy tập được sẽ phân thành các phần đều nhau để xếp vào tiểu sành trước khi đem về nghĩa trang. Đó là lý do vì sao những người đến tìm mộ liệt sĩ ở nghĩa trang thường lấy một mảnh xương sọ, hoặc răng để thử ADN trước khi nhận hài cốt về. |
“Hồi chiến tranh, do trang bị thiếu thốn nên nhiều người hy sinh được chôn cất sơ sài, chỉ có bộ quần áo, vật dụng bên người… Nhiều hài cốt khi quy tập lên nếu còn có mảnh giấy ghi tên tuổi trong lọ thủy tinh, hay vật dụng có khắc tên, tuổi, quê quán thì còn dễ tìm ra thân nhân. Những người được chôn tập thể, hoặc các vật dụng đã phân hủy thì đành chịu; nếu có người đến nhận thân nhân thì đem thử ADN, không có thì đem về nghĩa trang liệt sĩ an táng. Nhiều lúc đào được các hố chôn tập thể, xương cốt lẫn hết vào nhau, chúng tôi đếm số hộp sọ và chia số xương nhỏ còn lại thành các phần đều nhau rồi đem về nghĩa trang” - ông Trung giải thích.
* Gian nan tìm mộ
Không phải lúc nào xác định được nơi chôn cất trước đây cũng đều đào được hài cốt liệt sĩ. Thường thì hài cốt liệt sĩ bị nước cuốn trôi, hoặc đã có người quy tập ngay sau cuộc chiến mà không ai biết.
Ông Phạm Hữu Phú (66 tuổi, ngụ tỉnh Hải Dương) cùng đi tìm hài cốt với ông Trung cho chúng tôi biết, lần này ông vào Đồng Nai tìm hài cốt của người chú ruột là liệt sĩ Phạm Hữu Sử, được người dân địa phương quy tập chung với đồng đội ở vị trí này.
Ông Phú kể lại, năm 1969, ông cùng người chú Phạm Hữu Sử và các đồng đội trong đơn vị (gồm một đại đội) nhận lệnh đánh vào đồn địch ở ấp 1, xã Bảo Bình (nay là ấp Tân Mỹ, xã Xuân Bảo). Trận đánh đó, ông Sử đã hy sinh và được người dân địa phương chôn ngay dưới chiến hào quanh ấp chiến lược. Phải mất hàng chục năm sau, đến năm 2013, gia đình ông Phú mới biết được vị trí chôn liệt sĩ Sử. Khi tiến hành tìm hài cốt, mọi người đào 3 ngày liên tục chỉ tìm được dây kẽm gai, vỏ đạn đủ loại và một quả pháo 155 ly còn nguyên, nhưng hài cốt thì chưa thấy. “Cách đây gần 2 năm, trong lúc quy tập hài cốt liệt sĩ ở một nơi từng là lán trại quân y, chúng tôi mất hơn một tuần tìm kiếm nhưng chỉ tìm được dấu tích của lán trại và một số vật dụng, vỏ đạn…, không tìm thấy bộ hài cốt liệt sĩ nào. Chúng tôi đành phải quay về nghiên cứu thêm trước khi bắt tay tìm kiếm khu vực đó lần nữa” - vừa kể, ông Trung vừa lấy cho chúng tôi xem những vỏ đạn, kẽm gai và cả quả pháo đã được tháo kíp nổ đào được trong mấy ngày qua.
Ông Trần Văn Trung (bên phải) và ông Phạm Hữu Phú thắp nhang trước khi đào tìm hài cốt liệt sĩ. |
Theo lời kể của ông Phú, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, giấy báo tử được gửi về gia đình liệt sĩ thường chỉ ghi hy sinh tại mặt trận phía Nam hoặc tại chiến trường B2, mà không ghi rõ địa điểm vì lý do bí mật. Vì vậy, sau chiến tranh, nhiều gia đình từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc tỏa đi khắp nơi tìm hài cốt thân nhân, có người hy sinh ở Đồng Nai mà người nhà xuống tận các tỉnh: Vĩnh Long, Bạc Liêu… để tìm, hay ngược lại.
Khó khăn không chỉ có thế, nhiều mảnh đất có mộ liệt sĩ nhưng sau hàng chục năm được chủ đất mua đi, bán lại nhiều lần, người chủ cũ qua đời…, khiến việc xác định nơi chôn liệt sĩ rất khó khăn. Rồi trong quá trình đào tìm hài cốt liệt sĩ, những người thực hiện đào bới phải tránh làm thiệt hại công trình xây dựng, cây trồng, vật nuôi của chủ mảnh đất…
“Ngay như ông đại đội trưởng chỉ huy tôi hy sinh ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) năm 1969, phải mất hơn 40 năm sau chúng tôi mới tìm được hài cốt. Việc tìm kiếm hài cốt của những người được chính tay mình chôn cất, ngay cả người địa phương mà còn khó khăn, chứ đừng nói các trường hợp liệt sĩ người địa phương khác hy sinh ở đây. Hôm nay, sau 3 ngày đào bới bằng tay, chúng tôi quyết định thuê xe xúc đất để đào tìm. Hy vọng sẽ tìm được hài cốt các anh, dù chỉ là một mẩu xương để đưa về an táng ở nghĩa trang” - ông Trung thở dài cho biết.
Nhắc đến người đại đội trưởng năm xưa, ông Trung gạt nước mắt hồi tưởng lại, phải mất hơn 40 năm sau ngày hy sinh, hài cốt của thủ trưởng ông mới được tìm thấy. May nhờ trí nhớ tốt của những đồng đội cũng như di vật an táng cùng, nên ông Trung mới nhận ra hài cốt người đại đội trưởng cùng chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi một thời với ông. “Lúc dùng rượu rửa hài cốt của anh ấy, tôi không kìm nổi tiếng khóc. Nghĩ đến cảnh người đồng đội cùng tôi ở chung một chiến hào, nay xương cốt lại bám đầy bùn đất, chịu cái lạnh lẽo đằng đẵng bao nhiêu năm mà tôi thấy nhói lòng. Không chỉ anh, trong sổ tay của tôi còn ghi tên biết bao đồng đội năm xưa chưa được tìm thấy. Giờ tôi hơn 60 tuổi rồi, nếu từ giờ đến khi nhắm mắt không tìm được hết hài cốt của những người đồng đội năm xưa, tôi áy náy lắm…” - ông Trung xúc động rồi xắn tay áo nhảy xuống hố vừa đào vừa cùng mọi người bới tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Đăng Tùng