Tại một số huyện, như: Thống Nhất, Trảng Bom…, mỗi khi thương lái tìm mua heo đều có những người đi bắt heo đi cùng, từ đó hình thành "đội quân" bắt heo thuê. Gắn bó với công việc này, nhiều người cho rằng mổ heo hay phân phối, đóng gói các sản phẩm từ thịt heo thì máy móc có thể thay thế, nhưng bắt heo buộc phải cần sức người.
Tại một số huyện, như: Thống Nhất, Trảng Bom…, mỗi khi thương lái tìm mua heo đều có những người đi bắt heo đi cùng, từ đó hình thành “đội quân” bắt heo thuê. Gắn bó với công việc này, nhiều người cho rằng mổ heo hay phân phối, đóng gói các sản phẩm từ thịt heo thì máy móc có thể thay thế, nhưng bắt heo buộc phải cần sức người. Vì vậy, những người làm nghề bắt heo thuê có việc làm lâu dài, giúp họ kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Những người bắt heo thuê phải hợp sức để đưa heo vào rọ. |
“Vào dịp trước tết hay lễ giáng sinh, nghề bắt heo thuê “hot” hơn bao giờ hết. Khi sức mua tăng mạnh, người nuôi muốn có đàn heo bán trúng đợt giá cao để kiếm lời, nên dịp này ai cũng bán và chúng tôi lại bận bịu suốt ngày. Thương lái có nhiều mối bỏ heo từ Nam ra Bắc, việc chuyên chở từ chuồng đến nơi tập kết hàng không có người bắt heo thì không thể làm được” - ông Mai Văn Sung (41 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho biết.
* Thong dong “thăm” heo
Gắn bó với công việc bắt heo thuê hơn chục năm, làm việc bất kể giờ giấc, nắng mưa nhưng ông Sung chưa có ý định bỏ nghề. Bởi ông Sung đã chọn cho mình công việc tự do, chạy khắp nơi kiếm mối heo rồi gọi thương lái đến mua. Những lúc rảnh rỗi, thợ bắt heo như ông không phải lo chủ lò mổ, thương lái quản lý chặt, mà chỉ cần “ôm” chiếc điện thoại và sẵn sàng lên đường khi có “lệnh”.
Từ đầu năm đến nay, giá heo thịt trên thị trường luôn ở mức cao, người nuôi đã đầu tư nhiều vốn, công sức chăm heo để kiếm lời bù vào những lúc giá xuống. Nguồn cung “cháy” hàng, các thương lái phải tung “quân” đi khắp nơi nên dịp này dân bắt heo thuê khá bận rộn. Công việc này chỉ phất lên khi giá heo cao, người nuôi trở nên kén chọn chỗ bán, nếu người bắt heo thuê không nhanh chân thì mối khác sẽ giành mất.
Thương lái Nguyễn Thị Quỳnh (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho biết, ngoài việc mổ heo phân phối cho các mối lẻ ở các chợ, bà còn xuất heo ra các tỉnh phía Bắc nên đội quân bắt heo của bà lên đến 12 người. Khi hàng nhiều, bà phải tăng cường thêm 3-5 người nữa. “Nhiều người coi thường nghề này vì suốt ngày đi sau đuôi heo. Nhưng với chúng tôi, họ quan trọng lắm, không có máy móc nào thay thế sức người được, ra Bắc vào Nam hay vận chuyển ở trong tỉnh đều nhờ vào họ” - bà Quỳnh nói. |
Quần xắn cao tận gối, ông Sung nhanh nhẹn cầm chiếc bao tải tiến vào đàn heo hơn 15 con đang “quậy” ở trong chuồng. Con nào cũng nặng trên 100kg, nhưng ông chụp chiếc bao vào đầu heo một cách gọn lẹ rồi dẫn heo ra chiếc rọ đã mở cửa đợi sẵn. “Heo quen ở trong chuồng, khi được dẫn ra ngoài thì chúng tỏ ra hung dữ, giãy giụa liên tục. Toát hết mồ hôi, khàn cả cổ họng mới dẫn heo ra ngoài được, bắt heo không dễ chút nào” - ông Sung nói.
Anh Đặng Thành Nhơn (24 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), hóm hỉnh nói: “Không có nghề nào thoải mái lại được đi đây đó nhiều như nghề bắt heo thuê. Nhiều người thấy thế cứ tưởng mình vô công rỗi nghề, không có việc gì làm nên thích đi lòng vòng lắm chuyện. Nhưng chính việc này giúp mình biết được gia đình nào nuôi heo nhiều hay ít, đàn heo đã lớn cỡ nào, bao giờ xuất chuồng để mình đặt vấn đề, giữ chân chủ heo. Đi “thăm” heo chứ không phải là “cò” heo, vì mình không hưởng chút tiền hoa hồng từ thương lái hay chủ nuôi. Mỗi tháng, người bắt heo thuê được các thương lái trả tiền lương từ 4-5 triệu đồng cho công việc bắt và “thăm” heo. Vào những dịp lễ tết, hay khi heo sốt giá như đợt này, tôi được hỗ trợ thêm tiền xăng xe di chuyển”.
Với anh Nhơn, ngoài chuyện không bị bó buộc trong công việc, điều khiến những người bắt heo thuê thích thú là không đi khám mà vẫn ước chừng được sức khỏe của mình. “Ngày nào bắt heo thấy kham không nổi, để chúng quật lại mình thì biết người yếu rồi. Công việc này đòi hỏi phải khỏe, dẻo dai mới chế ngự được những con heo to béo, hung dữ. Chạy theo bầy heo rồi nhấc bổng chúng lên bàn cân cũng là cách rèn luyện thể thao” - anh Nhơn nói vui.
* Không chỉ có sức khỏe tốt
Theo lời anh Lê Viết Châu (34 tuổi, ngụ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất), lúc trước nghề bắt heo thuê chỉ có vài người làm, chủ yếu là người nhà của thương lái. Đến khi có nhiều người nuôi heo với số lượng lớn thành ra “quá tải”, họ buộc phải thuê người bắt heo. Dần dần, nghề bắt heo thuê xuất hiện như một nghề mưu sinh và những người hành nghề trở thành đội quân làm ăn khá “chuyên nghiệp”: bắt, khiêng, cân heo… “Mỗi thương lái bình thường có 7-8 người bắt heo thuê, những chủ lớn có đến 10-15 người, kiêm luôn việc mổ heo, phân phối thịt, thăm heo. Nghề này xuất hiện mới hơn chục năm nay, chủ yếu ở các vùng nuôi heo lớn của tỉnh, như: Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành… Từ đây đến cuối năm, công việc này lại bận rộn hơn so với mấy dịp khác” - anh Châu cho hay.
Heo được đưa lên cân trước khi đến các lò mổ. |
Vào đợt cao điểm, xe chở heo khắp nơi rầm rập đổ về, những người trong “hội bắt heo thuê” của anh Châu vẫn hay “chi viện”, san sẻ quân cho nhau. Với những người làm việc lâu năm, từng động tác bắt heo, dẫn heo… được thực hiện nhịp nhàng, thành quen. Nhưng khi đối đầu với “ông Trư” hung dữ, người bắt phải cẩn thận để tránh bị mấy cú táp đau điếng.
Câu chuyện giữa chúng tôi với anh Châu bị ngắt quãng vì “trưởng hội bắt heo thuê” của anh gọi điện báo anh đến một gia đình trong ấp bắt heo. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Châu tâm sự: “Làm nghề này nếu không bị heo cắn thì mấy chuyện sai sót, như: làm heo chết, heo bị thương cũng là chuyện bình thường. Nếu heo đang dẫn ra cân mà mình sơ ý làm nó gãy chân thì phải chịu đền. Thế nên bí quyết duy nhất được dân trong nghề truyền miệng là phải biết điều khiển lũ heo để chúng nặng đến mấy, lỡ có vùng vẫy cũng không bị tuột, xây xát. Nghề này không dành cho phụ nữ hay người sức khỏe yếu, trong “hội” chỉ toàn những anh trai trẻ, khỏe mạnh”.
Thanh Hải