Tháng 7, trời mưa nhiều, dòng nước mang phù sa từ thượng nguồn đổ về các nhánh sông Đồng Nai đỏ quạch. Ngư dân Hai Đúng (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, hết mùa cá, tôm chạy mặn thì nay đến mùa nước "quay".
Tháng 7, trời mưa nhiều, dòng nước mang phù sa từ thượng nguồn đổ về các nhánh sông Đồng Nai đỏ quạch. Ngư dân Hai Đúng (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, hết mùa cá, tôm chạy mặn thì nay đến mùa nước “quay”. Mùa này, các hồ thủy điện xả lũ, nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về làm đục ngầu các nhánh sông và kéo theo đó nhiều tôm, cá.
* Đánh bắt mùa mưa bão
Sau khi chuẩn bị đầy đủ ngư cụ và lương thực, cha con ngư dân Hai Đúng xuống xuồng, xuôi con nước về hướng quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) thả lưới. Trên đường đi, ngư dân Hai Đúng cho biết, với người hành nghề chài lưới, cào te, mỗi tháng có 2 con nước để đánh bắt cá, tôm. Ngư dân Hai Đúng nói: “Con nước kém (ròng) và êm từ mùng 6-12, còn con nước lớn bắt đầu từ ngày 23-27. Mùa này, nước từ thượng nguồn đổ về đỏ ngầu, nên thích hợp cho nghề đặt đáy, chài, cào te. Riêng nghề thả lưới thì khó khăn, vì con nước đứng ròng ngắn ngủn”.
Ngư dân Út Long (làng bè phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho xuồng rời bến. |
Chúng tôi thắc mắc thì ông Hai Đúng lý giải, tùy theo con nước mà cha con ông đón những đàn tôm, cá chạy mặn, hoặc từ thượng nguồn lũ lượt đổ về mà thả lưới. Vì vậy, nơi cha con ông hành nghề, lúc tại các nhánh sông quận 9, huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh), khi thì xuôi về hướng chợ Biên Hòa, cầu Đồng Nai, hay ngược dòng về hướng Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) thả lưới.
Chiếc xuồng máy và những tay lưới 5, lưới 7 mà cha con ngư dân Hai Đúng vừa thả xuống nước thật nhỏ bé với sông nước rộng lớn. Tại một tắc sông ở phường Long Phước (quận 9, TP.Hồ Chí Minh), cha con ngư dân Hai Đúng thả mẻ lưới đầu tiên. Nửa giờ sau, tay lưới dài trên 150m được cu Phúc (con trai ông Hai Đúng) kéo lên, có vài con cá to mắc lưới. Cứ vậy, cha con ngư dân Hai Đúng tiếp tục mẻ lưới thứ 2, thứ 3… để bắt những con cá bị con nước “quay” làm cho mờ mắt. “Gặp lúc gió Bắc, nước sông trong xanh, thả lưới sát đáy vẫn bị tôm, cá phát hiện. Muốn đánh bắt được nhiều tôm, cá vào con nước này, phải chờ đêm xuống, trời nổi gió Đông. Còn mùa nước “quay” thì không cần phân định ngày đêm, cứ việc thả lưới sát đáy để đón đường đi của tôm, cá” - ông Hai Đúng nói.
Nhẫn nại với công việc của ngư dân giàu kinh nghiệm, ông Hai Đúng tiếp tục sai cu Phúc hướng xuồng máy về hướng đập Ngòi Ba (xã Long Phước, quận 9). Tới nơi, mặt trời cũng vừa đứng bóng, dòng nước vẫn còn chảy xiết. Vì vậy, ông Hai Đúng quyết định neo xuồng nghỉ ngơi nửa giờ để chờ con nước “quay” ngược đầu, rồi mới tung 5 tay lưới mang theo (mỗi tay dài 100-150m).
Ông Hai Đúng cho biết, đập Ngòi Ba trước kia là một nhánh chính đi ra sông Đồng Nai. Năm 1976, Nhà nước đã chặn dòng ngăn mặn và mở một tắc nhỏ thông ra sông lớn. Từ đó, nơi đây tạo thành một cái vịnh rộng trên 2 hécta và cá, tôm nước lợ thường chạy về đây trốn mặn. Mỗi lần đến đây đánh bắt, bao giờ ông cũng tung hết những tay lưới mang theo, chặn đường di chuyển của tôm, cá.
* Thành quả sau chuyến đi
17 giờ, xuồng máy của ông Hai Đúng và gần chục ngư dân khác cũng kịp quay về bến (khu nhà bè phường Long Bình Tân), chuyển lên bờ những con cá còn tươi rói, nhảy đành đạch, kịp đem bán buổi chợ chiều. Sau đó, một vài ngư dân tiếp tục hành trình về hướng khu vực cầu Đồng Nai, chợ Biên Hòa buông lưới.
Cho dù tôm, cá ngày càng cạn kiệt, các lão ngư ở làng bè Long Bình Tân như ông Hai Đúng luôn thấy khó chịu tay chân khi một ngày không đi quăng chài, thả lưới. Mùa nước “quay” là mùa mưa bão, công việc đánh bắt với họ sẽ vất vả hơn các con nước khác. Bù lại, họ thu được cá, tôm nhiều hơn nếu siêng năng và không ngại mưa gió. |
Tại bến cá xóm bè Long Bình Tân, ngư dân Bảy Hậu cho hay, từ sáng đến giờ xuồng ông đánh bắt được hơn 30kg cá. Cá ông đánh bắt được gồm: mè vinh, ngát, mè trâu, lăng. Ông Bảy Hậu nói: “Mùa nước “quay” là mùa mưa bão nên ngư dân làng bè ngại ra sông, mà chủ yếu đánh bắt gần nhà. Đánh bắt mùa này một là trúng lớn, hai là huề vốn chứ ít khi thua lỗ”.
Chúng tôi tiếp tục theo xuồng máy của ngư dân Hai Đúng xé nước về hướng cầu Đồng Nai thả lưới. Trên đường đi, ông Hai Đúng chỉ những chiếc sà lan đậu trên sông rồi nói: “Phải chờ cho mấy “ông” này đi khỏi thì mới buông lưới. Thời điểm này nước còn chảy xiết, tàu thuyền di chuyển nhiều nên không thả được, phải neo xuồng chờ cho con nước đứng êm và chỉ cần đánh một mẻ là quay về. Mùa này, nước từ thượng nguồn đổ về liên tục và chảy rất mạnh nên rất khó thả lưới”.
Cha con ông Hai Đúng chuẩn bị chuyến đánh bắt cá, tôm. |
21 giờ, mặt nước đã bớt ánh đèn tàu thuyền vận tải di chuyển. Ngư dân Hai Đúng cho xuồng máy rẽ về tắc Sông Cái và nhanh chóng rải hết những tay lưới mang theo xuống nước. 15 phút sau, ông Hai Đúng thu lưới và lôi lên bờ những chú cá mè vinh, mè trâu, cá lăng vảy sáng óng ánh. Ông khẽ nói với chúng tôi: “Mẻ lưới này thu được hơn 10kg cá. Chuyến đi hôm nay như vậy là quá hên rồi” - nói xong, ông Hai Đúng hối thúc cu Phúc nổ máy xuồng chạy hết tốc lực về bến.
Lúc này, làng bè Long Bình Tân đã chìm vào giấc ngủ, một vài bè vẫn còn sáng ánh điện của dân. Ông Hai Đúng tỉ tê với chúng tôi rằng, ông đã có trên 40 năm làm nghề cá và bằng ấy năm ông sống tại làng bè này. Cuộc sống của gia đình ông tất tần tật đều dựa vào tôm, cá tự nhiên để sinh tồn và cứ thế quần quật mưu sinh. Mãi đến năm rồi, ông mới có điều kiện lên bờ tậu ngôi nhà nhỏ để ở và thoát được cảnh bồng bềnh trên những chiếc thùng phuy nổi mà người trên bờ ví là nhà bè. Ngư dân Hai Đúng nói: “Tui quần quật làm cũng không hơn gì những ngư dân khác. Nghề này là vậy, sinh tồn dựa vào sông nước. Nay tôm, cá tự nhiên khan hiếm nên ngư dân càng cật lực làm việc, không cần nghĩ đến nước “quay” hay nước trong”.
Đoàn Phú