Dùng mí mắt nhấc bổng 2 thùng nước nặng trên 10kg, lấy thân mình uốn cong thanh sắt, dùng đầu đập vỡ gạch, để đá tảng lên người rồi dùng búa đánh vỡ đá mà người không hề hấn gì…
Dùng mí mắt nhấc bổng 2 thùng nước nặng trên 10kg, lấy thân mình uốn cong thanh sắt, dùng đầu đập vỡ gạch, để đá tảng lên người rồi dùng búa đánh vỡ đá mà người không hề hấn gì… Những màn trình diễn tuyệt kỹ khí công của chàng võ sư, nha sĩ Phi Ngọc Long (tên thật Nguyễn Bá Ngọc, 32 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) luôn làm các võ sinh ngưỡng mộ.
* Đến với võ thuật
Võ sư Phi Ngọc Long sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lâm Đồng. Năm lên 8 tuổi, cậu bé được cha dẫn đến thọ giáo võ sư Nguyễn Minh Tuấn (thuộc môn phái Thiếu Lâm bắc phái ở tỉnh Lâm Đồng). Quá trình học võ, cậu bé được võ sư Tuấn đánh giá có năng khiếu cùng niềm đam mê võ thuật. Được võ sư Tuấn dìu dắt tận tình, cậu đã tiến bộ rất nhanh trên con đường võ học.
Võ sư Phi Ngọc Long biểu diễn một thế võ. |
Nhận thấy Long có tiềm năng và đam mê với võ thuật, võ sư Tuấn hết lòng truyền dạy những tuyệt kỹ của môn phái cho cậu học trò nhỏ. Năm 14 tuổi, sau khi nắm bắt thuần thục về ngoại công, Long được võ sư Tuấn dạy về khí công và nội công. Do tuổi còn nhỏ, mặc dù kiên trì tập luyện nhưng Long chưa thể lĩnh hội hết sự huyền ảo của khí công. Năm 17 tuổi, Long được người cậu ruột dẫn qua Trung Quốc tầm sư học võ. Hai cậu cháu đến một võ quán do võ sư Zin Zang (cách Thiếu Lâm Tự khoảng 80km) để thọ giáo. Ở đó, Long được võ sư Zang truyền dạy “thiết đầu công”. Sau 3 tháng học, Long về lại Việt Nam và tiếp tục được võ sư Tuấn truyền thụ thêm những bí kíp võ học của bản thân.
“Tôi may mắn gặp được nhiều danh sư trong nghề võ, trong đó công lao lớn nhất là võ sư Nguyễn Minh Tuấn, người thầy đầu tiên khai tâm võ thuật cho tôi. Ngoài ra, còn có những vị danh sư khác vun đắp võ nghệ cho tôi, mà nhờ đó tôi mới có được thành công trong võ học như hôm nay. Tôi muốn truyền thụ những kỹ thuật, tuyệt kỹ võ công của mình cho thế hệ trẻ để giữ gìn, phát huy nền võ học của dân tộc, cũng là để đền ơn những người thầy từng dìu dắt tôi” - võ sư Phi Ngọc Long bày tỏ. |
Đến tuổi 18, Long tạm biệt thầy Tuấn và gia đình đến TP.Hồ Chí Minh theo học ngành răng hàm mặt ở Trường đại học y dược. Bắt đầu từ đây, con đường võ học của anh được tiếp thêm sức khi anh tìm đến nhiều danh sư trong làng võ TP.Hồ Chí Minh xin thọ giáo thêm các kỹ năng của các môn phái khác để bổ sung cho nền tảng võ học của mình. Anh từng theo học võ công phái Nga Mi với võ sư Ngô Xuân Hiển (ở quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), học quyền Anh với võ sư Nguyễn Tiến Minh (cựu vô địch quyền Anh), học với các võ sư: Nguyễn Văn Du, Nguyễn Võ Tấn Hùng...
Võ sư Phi Ngọc Long tâm sự, nghe ở đâu có thầy giỏi là anh tìm đến học. Anh tiếp tục tìm học kick-boxing, tham gia vào đội tuyển thi đấu võ cổ truyền của võ sư Hà Trọng Ngự. Càng học, Long càng nhận thức được võ học là vô bờ. Niềm đam mê với khí công, nội công từ năm 14 tuổi luôn thôi thúc anh Long phải khám phá, khổ luyện, bởi anh nghĩ học võ mà không luyện công thì chưa thể gọi là có thành tựu. “Dù thọ giáo nhiều võ sư danh tiếng, nhưng tôi luôn nhớ lời võ sư Tuấn dạy “luyện võ không luyện công, luyện cả đời cũng như không” - anh Long tâm sự.
* Phát huy tinh thần võ học
Những kiến thức về y lý, sinh học, phẫu thuật... học trong trường đại học đã giúp anh Long hiểu thêm về võ học, khí công, bởi võ học phương Đông luôn gắn kết với y lý và triết học âm dương. Nhờ vậy, anh hiểu được lý do vì sao khổ luyện khí công chưa thành. “Một lần đang chạy xe máy về nhà thì bánh xe bị thủng, tôi phải dắt bộ một đoạn khá xa. Vừa đi, tôi vừa suy nghĩ miên man và bỗng nhiên hiểu ra rằng: chiếc xe chạy được là nhờ có xăng và động cơ, cái đó ví như máu và tim của con người. Nhưng nếu không có không khí trong bánh xe, chiếc xe thành vô dụng. Do vậy, cần biết cách thu khí và dẫn khí vào cơ thể. Đó là bí quyết trong việc luyện khí công mà tôi ngộ ra lúc đó” - anh Long nói.
Võ sư Phi Ngọc Long (người cầm huy chương) trong một lần đi thi đấu giải võ cổ truyền cùng các học trò. |
Từ đó, vận dụng kiến thức y học, anh Long bắt đầu tập khí công. Khí công phải luyện vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối, vì lúc đó không khí trong lành, thuận lợi luyện tập. Để luyện khí công, anh phải thức khuya dậy sớm, miệt mài hàng năm trời bất kể nắng mưa và dần dần có tiến bộ. Anh cho hay, ngoài môn “thiết đầu công”, anh có thể biểu diễn các tuyệt kỹ võ công khác như “nhãn cốt công”, tức là dùng mí mắt nâng vật nặng lên.
Võ sư Lê Văn Ngói, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền kiêm huấn luyện viên trưởng đội tuyển võ cổ truyền Đồng Nai, nhận xét: “Võ sư Phi Ngọc Long rất năng động, có tâm huyết và đóng góp nhiều cho võ thuật cổ truyền địa phương. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng võ sư Long có nền tảng võ thuật tốt, ham học hỏi và tham gia đào tạo võ thuật cho võ sinh rất tốt”. |
Để quảng bá võ thuật và cũng để thử nghiệm, rèn luyện thêm những tuyệt kỹ võ học của mình, anh Long cùng một đoàn tạp kỹ đi biểu diễn ở nhiều nơi, như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Gia Lai... Ngoài biểu diễn võ công, anh còn là một vận động viên thi đấu tự do ở môn phái võ cổ truyền, quyền Anh, Kick-boxing... Anh đã đoạt trên 10 huy chương vàng ở các giải đấu của tỉnh Đồng Nai. Năm 2006, anh đoạt huy chương bạc quốc gia ở mục đấu đối kháng. Năm 2007, anh Long đoạt huy chương vàng tại giải đấu quyền Anh toàn quốc tổ chức ở Phú Yên... Nhưng niềm đam mê lớn nhất của anh là khổ luyện thêm những tuyệt kỹ võ thuật và truyền thụ võ thuật cho mọi người.
Năm 2008, anh Long đã mở võ đường mang tên mình ở chùa Bửu Pháp (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa). Học trò anh đến nay đã có hàng ngàn người. Hàng ngày, có gần 100 võ sinh tập luyện ở võ đường. Anh từng nhiều lần dẫn học trò đi thi đấu ở các giải võ thuật cổ truyền. Trong đó, có nhiều người đã đoạt thành tích cao ở các giải đấu võ cổ truyền, như: Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Thế Hợp, Lê Tuấn Anh, Tô Bảo Lâm, Phùng Kim Ngân, Thái Nguyễn Thành Đô... Anh cũng mở lớp kỹ năng tự vệ võ thuật miễn phí cho mọi người. Vì thế, kiến thức về võ học và uy tín của chàng nha sĩ trẻ Phi Ngọc Long ngày được nhiều người biết đến.
Thành Nhân