Cơn mưa lúc sáng sớm vừa đủ làm ướt đoạn đường đang thi công ở khu dân cư phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Tiếng máy cuốc, máy ủi… vang lên khiến công trường trở nên ồn ào.
Cơn mưa lúc sáng sớm vừa đủ làm ướt đoạn đường đang thi công ở khu dân cư phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Tiếng máy cuốc, máy ủi… vang lên khiến công trường trở nên ồn ào. Nhưng trái ngược với không khí lao động nhộn nhịp và vội vã trên công trường, ở phần đường đã thành hình, những chiếc xe lu lại chậm rãi “ủi” phẳng mặt đường.
Anh Dương Xuân Minh điều khiển xe lu ra công trường. Ảnh: Đ.TÙNG |
“Với nghề làm đường, những người lái được xe lu cần phải có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt phải thật kiên nhẫn” - công nhân lái xe lu Phan Văn Khiêm (31 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) cho chúng tôi biết.
* Càng chậm càng tốt
Đợi chúng tôi yên vị trên chiếc xe lu nặng hơn 8 tấn, anh Khiêm mới bắt đầu mở máy cho xe chạy. Chiếc xe lu chạy với tốc độ rất chậm, thậm chí một người đi bộ cũng có thể đi vượt qua xe lu, khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu. Thời tiết nóng bức, cộng với độ nóng từ đầu máy xe lu tỏa ra làm người điều khiển xe và chúng tôi đầm đìa mồ hôi trên mặt.
“Trong các loại xe chuyên dùng ở công trường làm đường, như: xe cuốc, máy ủi…, thì xe lu là loại xe dễ chạy nhất, nhưng cũng phiền toái nhất. So với xe cuốc, máy xúc… chạy bằng bánh xích, xe lu chạy bằng bánh lốp, hoặc bánh kim loại dễ điều khiển trên đường và không bị vướng các bộ phận cuốc, xúc như các loại khác. Lái xe lu khó ở chỗ người lái phải tư duy nhanh nhẹn, nhất là với loại xe lu rung. Trên cùng một đoạn đường nhưng không phải lúc nào cũng để chế độ rung mạnh như nhau. Ví dụ như trên con đường này, chỗ nào mặt đất hơi ướt thì để rung mạnh được, còn mặt đất ngập nước mà bật rung mạnh là nền đất nơi đó sẽ biến thành bùn ngay” - vừa nói, anh Khiêm vừa chuyển chế độ rung của xe qua các cấp độ để như minh họa cho những điều anh nói.
Anh Phạm Văn Khiêm tâm sự, dù có trải qua trường lớp chính quy tới đâu thì khi bắt đầu làm việc tại các công trình, công nhân vẫn được hướng dẫn lại việc điều khiển các xe chuyên dụng ở công trường. Do những phức tạp trong lúc điều khiển, nên xe lu luôn là phương tiện được hướng dẫn sau cùng. |
Việc đưa xe lu vào thi công một con đường nhằm để lớp đá bề mặt được lèn khít vào nhau. Chia theo tính năng sử dụng, có 2 loại là lu tĩnh và lu rung. Lu tĩnh là dựa vào trọng lượng thực tế của xe để hoạt động, còn lu rung có thể rung mạnh trong lúc hoạt động nhằm tạo thêm lực ép xuống mặt đường để lèn chặt đá hơn. Xe lu phải di chuyển với tốc độ chậm để các lớp đá lớn, nhỏ nằm khít vào nhau. Vì vậy, những người lái xe lu thường là công nhân có kinh nghiệm và không nóng tính.
“Do tốc độ chậm nên người lái xe lu cũng dễ mất tập trung, hay buồn ngủ và ngủ gục trên tay lái. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn chết người. Nhưng không vì vậy mà người lái xe lu lại tăng tốc độ một cách vô tội vạ để nhanh chóng hoàn thành công việc. Nếu tăng tốc độ cộng với lực rung mạnh từ lu rung có thể làm cho lớp đá phía dưới vỡ tan và công trình sẽ còn bị chậm tiến độ hơn do phải thay thế toàn bộ phần đá bị vỡ bằng lớp đá mới. Công việc này cứ phải làm chầm chậm, muốn nhanh cho xong việc thì phải thật chậm rãi” - thay anh Khiêm điều khiển xe lu, anh Dương Xuân Minh (28 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) giải thích.
* Nguy hiểm rình rập
Trước khi vào miền Nam làm công nhân, anh Khiêm đã học qua trường đào tạo lái xe cơ giới để hiểu rõ mức độ nguy hiểm khi sử dụng không cẩn thận các loại xe chuyên dụng trên công trường. Anh Khiêm kể, với xe cuốc, xe ủi thì điều nguy hiểm là lúc điều khiển va phải người đứng gần, nhưng chuyện đó hiếm khi xảy ra. Với xe lu, nguy hiểm đến từ chính tốc độ chậm chạp của xe và sự chủ quan của người lái.
Bánh xe lu dính đầy đất và xi măng. |
“Khi điều khiển xe lu, người lái ngồi ở vị trí cao so với mặt đường. Trên công trường làm đường, dù được tưới nước liên tục nhưng bụi vẫn mù mịt, nếu không chú ý quan sát, hay mất cảnh giác, xe lu dễ va chạm với những người chạy xe máy vượt qua hàng rào bảo hộ. Hoặc trong lúc thi công những tuyến đường đèo, người công nhân lái xe lu sơ suất để xe rung quá mạnh có thể khiến mép đường bị sạt, dẫn tới lật xe. Thậm chí, cả việc đơn giản tưởng chừng không hề nguy hiểm như việc vệ sinh xe vẫn có thể gây tai nạn khủng khiếp. Rất may là những điều đó tôi được nghe kể lại, chứ chưa gặp phải” - anh Khiêm nói.
Trong quá trình làm đường, trên phần bánh kim loại của xe lu thường bị đóng các mảng đất, đá, xi măng… Sau mỗi ngày làm việc, người công nhân lái xe lu phải cạo sạch những mảng bám này để không ảnh hưởng đến công việc của ngày hôm sau. Theo quy tắc an toàn, phải có một người điều khiển xe và một người dùng xẻng cạy lớp bám ở bánh thép; nếu không có người điều khiển thì phải cho xe tự động chạy lùi để công nhân khác làm vệ sinh. Trong quá trình vệ sinh xe lu, phải luôn chú ý đến những người ở xung quanh, thường là làm vệ sinh ngay nơi để xe hoặc tranh thủ làm trước khi xong việc của ngày hôm đó.
“Có trường hợp công nhân chủ quan cho xe chạy thẳng tới, còn bản thân thì đi lùi, trong lúc làm sơ ý vấp ngã mà bánh thép của xe lu vẫn cứ chạy. Vì không có ai ở gần lúc đó, người công nhân kia đã nhận một cái chết kinh khủng. Đó là câu chuyện được những tốp thợ cũ kể lại cho nhóm thợ mới. Việc lái xe lu chỉ có thể truyền qua kinh nghiệm, chứ trường lớp chỉ dạy cách chạy, đâu dạy cách xử lý tình huống thi công. Công nhân có ít nhất 2 năm kinh nghiệm mới được giao lái xe lu một mình mà không có người khác kèm cặp kế bên” - anh Minh cho biết.
Đăng Tùng