Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui, buồn nhà báo nữ

11:06, 20/06/2014

Nghề báo đòi hỏi người làm phải có sự đam mê và khả năng chịu áp lực cao, nhất là với các nữ phóng viên.

Nghề báo đòi hỏi người làm phải có sự đam mê và khả năng chịu áp lực cao, nhất là với các nữ phóng viên. Không chỉ làm tròn nhiệm vụ xã hội, nhà báo nữ còn phải cố gắng vun vén cho hạnh phúc gia đình, nên họ phải hy sinh rất nhiều để có thể gắn bó với nghề.

Để thành công trong nghề báo, nhà báo nữ không ngừng học hỏi và phấn đấu, đôi lúc phải gác lại việc nhà, lặn lội nơi xa xôi tìm đề tài để cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội.

* Khởi nghiệp tình cờ

Được nhiều đồng nghiệp biết đến với những phóng sự về Trạm cân Dầu Giây, xe buýt giả, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A…, nhưng nhà báo Nguyễn Thị Hoàng Anh (Phòng Thời sự Đài PT-TH Đồng Nai) có con đường vào nghề rất tình cờ. Chị cho biết, từ khi còn học ngành ngữ văn ở Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm báo hay một công việc gì liên quan đến báo chí. Năm 2004, chị Hoàng Anh về làm việc tại Nhà xuất bản Đồng Nai. Đến năm 2006, nhận được một lời gợi ý về Đài PT-TH Đồng Nai làm việc, chị liền đồng ý và theo đuổi con đường làm báo từ đó đến nay.

Nhà báo Hoàng Anh (Đài PT-TH Đồng Nai) tác nghiệp tại đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
Nhà báo Hoàng Anh (Đài PT-TH Đồng Nai) tác nghiệp tại đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đây là chuyến thử sức mình ở lĩnh vực mới, nhưng không ngờ tôi lại đam mê và gắn bó với nghề báo. Đến giờ, sau 8 năm làm báo, tôi nghĩ sự lựa chọn của mình lúc đó là hoàn toàn chính xác. Nghề báo hợp với tính cách xông xáo, thích tìm tòi cái mới như tôi. Nếu một ngày nào đó phải làm công việc văn phòng, cả ngày chỉ ở cơ quan, chắc tôi sẽ cảm thấy khó chịu vô cùng” - chị Hoàng Anh bộc bạch.

Làm báo nhưng chưa trải qua bất kỳ trường lớp báo chí nào, nhà báo Hoàng Anh phải học nghề từ sự hướng dẫn của đồng nghiệp và đọc các tài liệu mà chị góp nhặt được. Chị nói thêm, những kiến thức học được trong trường chỉ là cái nền căn bản hỗ trợ công việc làm báo, còn lại do chị tự học hỏi qua sách vở và những trải nghiệm thực tế.

Còn với nhà báo Nguyễn Thị Hương Giang của Báo Đồng Nai, con đường vào nghề của chị không kém phần trắc trở. Sau 2 năm công tác trong ngành thủy lợi ở tỉnh Thái Bình, chị vào TP.Hồ Chí Minh tìm công việc mới. Trong thời gian đi làm ở TP.Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng chị viết bài cộng tác cho các báo. Năm 1997, chị Hương Giang tham gia lớp báo chí tại chức rồi về cộng tác ở trang thông tin của quận 9 (TP.Hồ Chí Minh).

Năm 2007, chị Hương Giang về công tác tại Báo Đồng Nai trong vai trò phóng viên phụ trách mảng nông nghiệp. Là phóng viên mới, khởi đầu công việc tại một tỉnh xa lạ, chị Hương Giang đã gặp không ít khó khăn trong những lần đi cơ sở. Có lần đi xe gắn máy về huyện Xuân Lộc, chị đã bị té gãy tay. Nhưng không vì thế mà chị nản chí, mỗi lần đi đến các xã vùng sâu, vùng xa, chị đều tìm cách ghi nhớ một ấn tượng trên đường đi để lần sau quay lại không bị lạc đường. Tuy có 2 con nhỏ nhưng chị chưa một lần né tránh sự phân công đi công tác, luôn bám sát lĩnh vực mình phụ trách và là một trong những cây bút có số lượng tin, bài nhiều nhất của Báo Đồng Nai hiện nay.

“May mắn của tôi là được gia đình ủng hộ và đồng nghiệp hỗ trợ, nhất là những đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm. Công việc thủy lợi trước đây cũng hỗ trợ rất nhiều cho lĩnh vực nông nghiệp mà tôi phụ trách” - nhà báo Hương Giang cho biết.

* Trắc trở đường nghề

Không như 2 nhà báo Hoàng Anh và Hương Giang, nhà báo Trần Đình Tường Lam của Phòng Phát thanh Đài PT-TH Đồng Nai đã có bước khởi đầu thuận lợi hơn.

Tốt nghiệp trung cấp báo chí Trường cao đẳng phát thanh - truyền hình II (TP.Hồ Chí Minh), chị Tường Lam về công tác tại Phòng Phát thanh Đài PT-TH Đồng Nai từ năm 2003 đến nay. Đam mê nghề báo từ nhỏ nên khi được làm công việc yêu thích, chị rất xông xáo trong lĩnh vực mình phụ trách. Chị cũng là một trong những cây bút giỏi của Đài PT-TH Đồng Nai, khi đoạt 2 huy chương đồng trong liên hoan phát thanh - truyền hình toàn quốc gần đây.

Nhà báo Hương Giang (Báo Đồng Nai) trao đổi tình hình sản xuất với nông dân.
Nhà báo Hương Giang (Báo Đồng Nai) trao đổi tình hình sản xuất với nông dân.

Nhà báo Tường Lam tâm sự, chị rất thích được viết những bài về biển, đảo và những nhân vật làm nên lịch sử, vì thế nên tháng 1-2013 chị đã tình nguyện cùng lực lượng hải quân Vùng 5 đi thăm các chiến sĩ hải quân đóng trên các đảo ở khu vực biển Tây Nam.

“Chuyến đi biển kéo dài hơn 10 ngày, khá vất vả. Hành trình trên tàu rất mệt, nhưng lúc vừa đặt chân đến đảo tôi lại phải lội bộ lên trạm ra đa trên đỉnh núi khoảng 2km để nắm thông tin. Những chuyến đi như vậy đòi hỏi người làm báo phải có sức khỏe và sự nhanh nhẹn để chịu đựng những khắc nghiệt của thời tiết, đồng thời còn áp lực phải sớm gửi bài về cơ quan cho kịp lịch phát sóng. Ở ngoài biển, sóng 3G chập chờn nên tranh thủ khi đặt chân đến đảo là phải hoàn thành bài viết và gửi về cơ quan ngay. Tôi nghĩ, nếu đã bắt tay vào công việc thì phải hoàn thành nhiệm vụ trước, chuyện nghỉ ngơi tính sau, bài chưa xong thì không có tâm trí nghỉ ngơi” - chị Tường Lam tâm sự về chuyến công tác đầy kỷ niệm của mình.

Yêu nghề, sống hết mình với nghề, nhưng nhà báo nữ cũng không quên việc gia đình. Do đó, hầu hết nhà báo nữ đều phải thức rất khuya để hoàn thành bài viết cho kịp ngày ra báo. Với chị Tường Lam, những chuyến đi công tác dài ngày chị phải gửi con ở nhà bạn để tiện việc đưa đón, chăm sóc. Nhà báo Tường Lam chia sẻ, đã yêu nghề thì khó khăn mấy cũng cố gắng sống với nghề. Suốt 10 năm công tác, chưa bao giờ chị có suy nghĩ sẽ bỏ nghề để làm một công việc khác an nhàn hơn.

Nghề báo không chỉ đòi hòi phụ nữ sức khỏe và sự nhiệt tình, đôi lúc còn có những nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp. Nhớ lại lần thực hiện loạt bài về xe buýt giả năm 2011, nhà báo Hoàng Anh cho biết chị từng bị các chủ xe buýt giả hùng hổ giật máy quay và đe dọa hành hung. Khi đó, chị và đồng nghiệp phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng.

“Có một lần, sau khi làm xong bài về những chiếc xe buýt giả hoạt động ở Đồng Nai, tôi cùng một phóng viên khác đi thực hiện lại chủ đề này. Khi lên một chiếc xe buýt chạy tuyến TP.Biên Hòa - Xuân Lộc, tôi đến ngồi gần tài xế để dễ quan sát phía trước, còn phóng viên kia ngồi phía đuôi xe. Xe chạy được một lúc, tôi nhận ra người tài xế xe buýt mình đang ngồi gần chính là một trong những người đã bao vây và dọa đánh tôi trong lần làm loạt bài xe buýt giả trước đó. Lúc đó, người tài xế chưa phát hiện ra tôi (do đang đeo khẩu trang), nhưng tôi nghĩ họ sẽ nhận ra nếu mình lên tiếng, nên đành xuống xe để đảm bảo an toàn. Lúc đó, nếu người lái xe phát hiện ra mình thì không biết sẽ gặp phải chuyện gì. Đó là một trong những kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi” - nhà báo Hoàng Anh kể lại.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều