Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăng trầm Lô 9

11:06, 25/06/2014

Trải qua hơn 100 năm, những cây cao su đầu tiên do người Pháp trồng tại Việt Nam vẫn đứng sừng sững như một minh chứng lịch sử.

Trải qua hơn 100 năm, những cây cao su đầu tiên do người Pháp trồng tại Việt Nam vẫn đứng sừng sững như một minh chứng lịch sử. Hiện nay, vườn cao su Lô 9 (tên gọi của lô cao su đầu tiên do người Pháp trồng ở Đồng Nai) thuộc sự quản lý của Nông trường cao su Dầu Giây (thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai) đã trở thành khu di tích lịch sử cấp tỉnh và được quan tâm bảo tồn.

* “Cao su đi dễ khó về…”

Cách TP.Biên Hòa 40km về phía Bắc, cách TX.Long Khánh 5km về phía Nam, Khu di tích “Vườn cao su đầu tiên - sân điểm” (ấp Phan Bội Châu, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) có hơn 300 cây cao su được người Pháp trồng vào năm 1906. Gọi là “Sân điểm”, hoặc “Sân điểm Đội A” vì nơi đây có một bãi đất dùng để điểm danh, phát lương, phát gạo và phân công công việc cho công nhân cao su thuộc Đội A của đồn điền Dầu Giây ngày xưa. Hiện nay, Khu di tích “Vườn cao su đầu tiên - Sân điểm được gọi với tên đơn giản là vườn cao su Lô 9, vì toàn bộ diện tích vườn phân bố trong lô cao su số 9 của Nông trường Dầu Giây.

Ông Lê Văn Phúc bên thân cây cao su hơn 100 tuổi.
Ông Lê Văn Phúc bên thân cây cao su hơn 100 tuổi.

Năm 1901, khi tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết thi công qua khỏi địa phận huyện Trảng Bom ngày nay, một số nhà thầu và kỹ sư người châu Âu phụ trách xây tuyến đường sắt nhận thấy một ngôi làng nhỏ gần nơi đường sắt chạy qua có con suối trong xanh, cây cối xanh tươi nên quyết định xây dựng một nông trại nhỏ ở đó, lấy tên là trang trại Dầu Giây (đặt theo tên một làng dân tộc thiểu số gần đó), trồng thử nghiệm các loại cây và chăn nuôi bò.

“Đến năm 1905, thành công của cây cao su ở một số nơi đã kích thích trang trại Dầu Giây chuyển sang trồng cây cao su. Năm 1906, lô cao su đầu tiên ở khu vực Đông Nam bộ ra đời với diện tích 8 hécta, trồng theo khoảng cách 5m x 5m (các cây cách đều nhau 5m theo hàng dọc và hàng ngang). Ngay sau đó, trang trại Dầu Giây được nâng cấp lên thành Công ty nông nghiệp Suzannah (tên con gái vị chủ tịch hội đồng quản trị công ty), có trụ sở đặt tại Sài Gòn” - vừa đưa chúng tôi tham quan vườn cao su Lô 9, ông Lê Văn Phúc (54 tuổi, nhân viên quản lý của Nông trường Dầu Giây) vừa kể.

Năm 1911, những công nhân cao su đầu tiên được chiêu mộ từ huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) vào làm việc tại đồn điền với mức lương rẻ mạt và chất lượng sống tồi tệ: nhà cửa tạm bợ, dột nát; nguồn nước thiếu thốn; bệnh sốt rét hoành hành. Arnaud de Vogué, một trong những người điều hành của Công ty nông nghiệp Suzannah, đã ghi chép lại như sau: “…Những gia đình culi ở một số trại vách lán lợp tranh, loại lán trại này dài hàng chục mét hoặc hơn, trong đó lèn chật ních người sống hoàn toàn hỗn tạp…”.

Trong những năm đầu tiên trồng cao su, do công ty sử dụng các hạt giống không đồng nhất (nguồn gốc ở nhiều nơi), rồi bệnh dịch hoành hành trong công nhân, nên việc khai thác mủ cao su gặp nhiều khó khăn. Bất chấp những việc đó, từ diện tích 8 hécta ban đầu, đến năm 1914 đồn điền đã được mở rộng đến 1,5 ngàn hécta để trồng cao su.

* Lô 9 ngày nay

Sau năm 1975, Nông trường Dầu Giây thuộc biên chế của Công ty cao su miền Đông. Tỉnh Đồng Nai được thành lập, Công ty cao su miền Đông đổi tên thành Công ty cao su Đồng Nai và vườn cao su Lô 9 nằm dưới sự quản lý của Nông trường Dầu Giây đến nay.

Cổng trước khu di tích vườn cao su đầu tiên của Việt Nam.
Cổng trước khu di tích vườn cao su đầu tiên của Việt Nam.

“Năm 1980, nông trường chính thức ngừng cạo mủ ở vườn cao su Lô 9 nhằm bảo tồn cây. Tới năm 1994, vườn cao su Lô 9 đã được xây dựng hàng rào xung quanh, làm cổng bảo vệ để trở thành vườn cây lịch sử giới thiệu cho khách tham quan. Cũng vào năm đó, nông trường đã tiến hành trồng thêm các cây cao su nhỏ vào chỗ các cây chết, hoặc trồng xen giữa những hàng cây lâu năm với khoảng cách 2m x 2m. Hiện vườn cao su Lô 9 còn lại 306 cây trong tổng số 700 cây được trồng từ năm 1906. Đây là những cây thực sinh mọc trực tiếp từ hạt, chứ không qua lai ghép. Hạt giống cũng lấy từ nhiều nguồn khác nhau nên giống cây cao su ở đây không đồng nhất” - ông Nguyễn Bá Khoát (50 tuổi, nhân viên phụ trách chăm sóc cây cao su ở Lô 9) cho biết.

Nằm trong khu di tích “Vườn cao su đầu tiên - sân điểm”, sân điểm cách vườn cao su đầu tiên khoảng 100m, bao gồm: một nhà điểm (nơi xưa kia chứa dụng cụ lấy mủ, lương thực) và một sân trống dùng để điểm danh phu cạo mủ cao su. Hiện nay, tại nhà điểm còn một chiếc kẻng sắt từng được người Pháp dùng phát hiệu lệnh tập trung phu cạo mủ.

Ông Khoát kể thêm, trong vườn thỉnh thoảng có những cây bị gió thổi làm gãy mất phần ngọn, nhưng cây vẫn không chết. Trên phần gốc khô cằn đó, người ta lại thấy có những chồi xanh đâm lên. Cũng có một số cây đã già yếu nên bị gió đánh bật gốc. Năm 1998, Bảo tàng Đồng Nai đã đem 2 gốc cây bị gió đánh bật về xử lý và trưng bày trong khuôn viên bảo tàng. Sau năm 1975, do một số hộ dân lấn chiếm đất của vườn cao su Lô 9 nên diện tích vườn bị thu hẹp và không còn vuông vức như ban đầu.

Năm 2009, vườn cao su Lô 9 đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ đó, việc chăm sóc, bảo dưỡng những cây cao su được trồng từ năm 1906 đã được Tổng công ty cao su Đồng Nai chú trọng hơn. Ngoài việc dọn cỏ, kiểm tra sâu bệnh theo định kỳ của bộ phận kỹ thuật, vườn cao su Lô 9 đã được giao cho Đoàn thanh niên Nông trường Dầu Giây trực tiếp quản lý, coi sóc.

“Hiện tại, hàng rào đã có những chỗ bung sứt. Tuy trâu bò không vào phá cây được, nhưng người dân sống xung quanh thường vào phía sau lô, tận dụng những khoảnh đất trống để trồng thêm rau, hoặc trẻ con trèo vào chơi đùa. Mỗi năm, đến mùa mưa bão là chúng tôi lại tiến hành kiểm tra, loại bỏ những cành cây khô, hoặc những cành cây chìa ra đường. Tuy vậy, mỗi năm đều có một số cây do quá già bị gió quật gãy, hoặc bị sâu phá hại. Những vết cạo mủ ngày xưa, sau hơn 30 năm ngưng khai thác giờ đã liền lại, chỉ có dùng tay sờ vào mới phát hiện ra” - nói rồi, ông Phúc chỉ cho chúng tôi xem những vết cạo mủ ngày xưa trên mỗi thân cây nay đã liền “thịt”.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều