Nằm khuất sau những cánh rừng cao su bạt ngàn của huyện Cẩm Mỹ, tránh xa cái ồn ào của phố thị, nhóm nghiên cứu sản xuất phân bón vi sinh của Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (Sở Khoa học - công nghệ) âm thầm với công việc đã bắt đầu từ 2 năm qua.
Nằm khuất sau những cánh rừng cao su bạt ngàn của huyện Cẩm Mỹ, tránh xa cái ồn ào của phố thị, nhóm nghiên cứu sản xuất phân bón vi sinh của Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (Sở Khoa học - công nghệ) âm thầm với công việc đã bắt đầu từ 2 năm qua.
* Nghiên cứu phải nhẫn nại
Đưa chúng tôi chiếc khẩu trang đeo vào để át bớt cái mùi nồng nặc của phân bón đang được ủ ngoài sân, chị Phan Thị Thùy Dung (chuyên viên Sở Khoa học - công nghệ) đưa chúng tôi đi tham quan dự án nghiên cứu do nhóm chị thực hiện. Bắt đầu nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Môi trường nông nghiệp vào đầu năm 2012, chị Thùy Dung nhanh chóng bắt tay vào dự án “Xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm trồng nấm và nông nghiệp tại Đồng Nai” do chị làm chủ đề tài.
Anh Võ Mạnh Tùng nhân giống vi sinh vật trong môi trường vô trùng. |
“Nhóm 3 người chúng tôi chuyên nghiên cứu ứng dụng các chủng vi sinh vật vào phân hữu cơ có nguồn gốc từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Sở dĩ chúng tôi chọn nấm làm nguyên liệu vì ở huyện Cẩm Mỹ và vùng lân cận có nhiều nơi trồng nấm, chúng tôi muốn dùng những gì nông dân thải ra để sản xuất phân bón. Đó cũng là một cách xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất phân bón. Phần lớn đất đỏ bazan ở đây đều là đất trồng cây cao su lâu năm, nên khi chuyển qua trồng loại cây khác thì đất không còn màu mỡ. Nếu dùng phân vô cơ bón cho cây thì không làm “giàu” cho đất được. Vì vậy, dùng phân hữu cơ vi sinh sẽ phát huy hiệu quả, đồng thời còn làm “giàu” cho đất sau khi thu hoạch” - nói đoạn, chị Thùy Dung đưa chúng tôi đi tham quan những vườn cây được chị dùng loại phân bón đang trong quá trình thử nghiệm.
“Mỗi mẻ phân bón hữu cơ vi sinh phải mất từ 2-2,5 tháng để hoàn thành, từ khi nhập nguyên liệu, rồi ủ, trộn với vi sinh vật, rồi lại tiếp tục theo dõi sự hoạt động của vi sinh vật trong phân. Đến lúc đem phân bón cho cây trồng vẫn chưa yên tâm, phải đến khi thu hoạch và tổng hợp, so sánh hiệu quả của các loại phân bón thì chúng tôi mới yên tâm về chất lượng của phân bón vừa nghiên cứu” - anh Trần Văn Việt cho biết. |
Theo lời chị Thùy Dung, công việc này đòi hỏi sự nhẫn nại và tinh thần tập trung cao độ, cùng sự tỉ mỉ trong thời gian dài, mỗi lần thí nghiệm đều được ghi chép cẩn thận và chi tiết.
Còn anh Võ Mạnh Tùng (cộng sự của chị Thùy Dung) cho biết mỗi ngày anh đều đo và ghi chép nhiệt độ phân bón sau khi trộn vi sinh vật để tìm ra loài vi sinh nào đem lại hiệu quả cao nhất. Mới bắt đầu tham gia dự án nghiên cứu khoảng một tháng, nhưng anh Tùng đã nhanh chóng làm quen với công việc có phần “nặng mùi” này.
“Tôi làm việc chủ yếu ở phòng thí nghiệm, nhân giống vi sinh vật, bảo quản các hóa chất, ghi chép sự phát triển và hiệu quả của từng loại vi sinh vật với phân bón. Lúc mới làm ở đây tôi rất buồn, vì đi đến trung tâm huyện Cẩm Mỹ hơn 10km, đi về xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) cũng gần 15km. Cả ngày chỉ quanh quẩn với những ống nghiệm, bình thủy tinh đầy vi sinh vật, nếu không có đam mê thì không chịu đựng nổi” - anh Tùng tâm sự về cuộc sống và công việc của mình tại đây.
* “Mê”… vi sinh vật
Điều quan trọng để dự án xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh được thành công chính là vi sinh vật. Phải tìm ra được chủng vi sinh thích hợp với loại nguyên liệu được pha trộn với tỷ lệ phù hợp. Ngoài anh Tùng và chị Thùy Dung, nhóm nghiên cứu còn có anh Trần Văn Việt, phụ trách việc trộn, ủ và kiểm soát chất lượng phân bón.
Chị Phan Thị Thùy Dung theo dõi công nhân nghiền phân bón. |
“Phân bón thành phẩm phải tơi, không được vón cục và đảm bảo chất lượng đồng đều, nhiệt độ tốt nhất từ 45-500C vì khi đó mới đảm bảo vi sinh vật hoạt động tốt. Nếu nhiệt độ thấp hơn, chứng tỏ vi sinh vật trong phân đã chết, hoặc hoạt động của chúng bị ức chế vì một lý do nào đó. Lúc đó, chúng tôi phải mở lại sổ ghi chép xem đã bị sai từ bước nào khiến vi sinh vật chết, hoặc do quá trình ủ nguyên liệu đã trộn thành phần gì gây ức chế hoạt động của vi sinh vật” - vừa nói, anh Việt vừa đưa chúng tôi đi xem quá trình ủ và trộn phân bón bên trong khu xưởng nằm trên lưng đồi.
Vi sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ dựa vào màu sắc và những gì hiện ra trong ống nghiệm mà người nghiên cứu nhận diện được đó là loại nào. Mỗi loại có một cách nhân giống, một môi trường hoạt động và một hiệu quả khác nhau. Nhiệm vụ của người nghiên cứu là tìm ra cách tốt nhất để phối hợp giữa những phế phẩm nông nghiệp và những loại vi sinh vật thành loại phân bón vi sinh đem lại hiệu quả cao.
“Đây là công việc gắn liền với những cuộc thí nghiệm liên tục hàng tuần, những ghi chép về từng biến đổi nhỏ nhất của phân bón đã được trộn vi sinh vật…, một công việc gần như không thể đi xa quá 50m khỏi phòng thí nghiệm. Không chỉ những người nghiên cứu như chúng tôi, mà ngay cả máy móc ở đây cũng phải hoạt động liên tục nhằm đảm bảo môi trường sống của vi sinh vật không bị ảnh hưởng bởi điều kiện bên ngoài. Chiếc máy lắc dùng để tăng hiệu quả trong việc nhân giống vi sinh vật chỉ được “nghỉ” mỗi tuần một ngày, còn lại phải hoạt động liên tục để phục vụ nhu cầu nghiên cứu” - anh Tùng nói.
Anh Trần Văn Việt và phân bón thành phẩm được đóng bao. |
Tất cả những lần nhân giống vi sinh vật, hoặc những thí nghiệm đều được diễn ra trong môi trường vô trùng. Tất cả dụng cụ đều được khử trùng trước và ngay sau khi tiếp xúc với vi sinh vật nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng lẫn những loại vi sinh vật khác, làm sai số thí nghiệm. Những người ở đây vẫn miệt mài mỗi ngày với các loài sinh vật được đo bằng đơn vị micromet (một phần triệu của mét), nhằm biến những thứ mắt thường không nhìn thấy thành hiệu quả bất ngờ sau mỗi vụ thu hoạch nông sản của người nông dân.
“Chúng tôi đã thí nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh trên cây dài ngày, cây ngắn ngày, tất cả đều đem lại hiệu quả rõ rệt. Bà con nông dân xung quanh biết được hiệu quả này đã đến tìm mua phân bón thành phẩm của chúng tôi, dù dự án nghiên cứu đang được đưa đi khảo nghiệm trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Điều vui nhất chính là sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại tìm đến đặt hàng phân bón của mình, đó chính là sự thành công của những người nghiên cứu chúng tôi” - chị Thùy Dung tự hào cho biết.
Đăng Tùng