Mặt trời buổi sáng rọi những tia nắng ấm áp cuối tháng 6 xuống mặt sông Lòng Tàu (huyện Nhơn Trạch). Trên bờ sông, một tốp chiến sĩ thuộc Phòng Hướng dẫn chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Đồng Nai) đang khởi động chuẩn bị cho buổi luyện tập cứu hộ dưới sông
Mặt trời buổi sáng rọi những tia nắng ấm áp cuối tháng 6 xuống mặt sông Lòng Tàu (huyện Nhơn Trạch). Trên bờ sông, một tốp chiến sĩ thuộc Phòng Hướng dẫn chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Đồng Nai) đang khởi động chuẩn bị cho buổi luyện tập cứu hộ dưới sông. “Đây là những người lính trẻ của đội cứu nạn cứu hộ, những người sẽ lặn xuống đáy sông, hồ để trục vớt người, hàng hóa hoặc cứu hộ phương tiện gặp nạn”, Đại tá Lê Đình Thám, Trưởng phòng Hướng dẫn chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cho biết.
Người nhái cứu hộ di chuyển bằng ca nô trong lần diễn tập trên sông Lòng Tàu. |
* Vượt qua sợ hãi
Khoác lên mình những trang thiết bị lặn, như: găng tay, ủng cao su, kiếng lặn, dây chì và quan trọng nhất là bình dưỡng khí, với tổng khối lượng phải mang trên người lên đến hơn 20kg, những người lính thực sự khó khăn khi luyện tập “chay” trên bờ. Dàn đội hình hàng ngang với 2 người, Trung sĩ Huỳnh Minh Tân và Trung sĩ Nguyễn Công Đạt lỉnh kỉnh thiết bị lặn trên người, khom lưng xuống vừa dùng chân và tay quơ ngang mặt và xung quanh, vừa di chuyển một cách chậm rãi. Các chiến sĩ đứng xung quanh nghiêm nét mặt theo dõi vì họ biết nếu như không chú ý kỹ đến những động tác đồng đội làm, tới lượt mình sẽ mắc sai sót và ảnh hưởng đến đội hình hoạt động.
Đại tá Chu Văn Liên, Phó giám đốc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Đồng Nai, cho biết ngày thành lập lực lượng người nhái cứu hộ, những thành viên trong đội đều rất lúng túng trước nhiệm vụ hoàn toàn mới này. Nhiều người còn chưa biết bơi, trang thiết bị lặn thì không phù hợp vì được sản xuất theo kích thước người phương Tây. Đến bây giờ, từ 4 bộ đồ lặn được cấp ban đầu, lực lượng người nhái đã có thêm 8 bộ trang bị cho 6 đội cứu nạn cứu hộ trong toàn tỉnh. Đồng thời, đã tổ chức được những lớp huấn luyện đặc biệt dành cho các tổ người nhái từ trong hồ bơi đến các vùng nước thực tế trong tỉnh, như: sông Đồng Nai, hồ Trị An, sông Lòng Tàu… |
“Đây được gọi là đội hình “lặn càn”, chúng tôi sẽ dàn hàng ngang dưới đáy sông, hồ để trục vớt người hoặc thiết bị chìm bên dưới, lúc tập “chay” thì chỉ khoác lên mình bộ quần áo thường thôi, còn khi thực hiện cứu hộ thật thì phải có thêm bộ quần áo lặn (đồ người nhái) nữa. Với đội hình này, chúng tôi phải di chuyển trong bóng tối dưới đáy sông và cảm nhận tất cả những thứ diễn ra xung quanh bằng xúc giác. Lúc tập ở hồ bơi, dù xuống độ sâu 4 - 5m nhưng nhờ nước trong nên không ảnh hưởng gì đến tầm nhìn. Còn khi xuống đáy sông, chỉ cần vừa ngập qua đầu là đã thấy tối om rồi” - Trung sĩ Huỳnh Minh Tân cởi bộ thiết bị lặn ra và giới thiệu cho chúng tôi công năng của từng trang thiết bị lặn.
Trước khi bước xuống sông, hồ, người lính phải tập làm quen với trang thiết bị bằng những bài học vô cùng khó khăn. Ngoài chuyện di chuyển với vật nặng trong môi trường nước sâu, người nhái cứu hộ phải biết cách quên đi nỗi sợ để bình tĩnh thao tác khi gặp sự cố. Với hàng chục tình huống tai nạn giả định được đặt ra trong quá trình cứu hộ, như: bung ống thở, bước hụt chân, bị vật trôi trên sông cuốn đi… chương trình huấn luyện của lực lượng người nhái đã có những bài tập chuẩn bị khi gặp các sự cố trên.
“Nguy hiểm nhất là tình huống bung ống thở do bị cành cây, khúc gỗ trôi trên sông va phải. Khi trước mắt là làn nước tối om, tai thì kín như bưng, chỉ có nguồn khí duy nhất là ống thở ngậm vào miệng, nếu bị bung ra sẽ dẫn tới hoảng loạn và làm rối đội hình. Thật ra, nếu ống thở bị bung ra, người lính chỉ cần dò theo đầu ống từ bình dưỡng khí rồi ngậm lại thở tiếp, nhưng cái chính là lúc đó phải thật bình tĩnh. Để ứng phó trong trường hợp này, chúng tôi có bài tập là 2 người lặn xuống đáy hồ sâu 4m rồi chuyền nhau cùng thở một ống, người này thở xong đến người kia. Làm liên tục như vậy thì khi gặp chuyện bất ngờ sẽ bình tĩnh hơn để xử lý” - Trung sĩ Nguyễn Công Đạt nói xong liền cùng với Trung sĩ Huỳnh Minh Tân thực hành động tác chuyền ống thở cho chúng tôi xem.
* “Cuộc chiến” dưới đáy sông
Khác với người nhái chuyên lặn ở biển, người nhái cứu hộ với chức năng dò tìm, trục vớt người, phương tiện ở đáy sông nên được trang bị khác hoàn toàn. Ngoài bộ bình dưỡng khí giống nhau, người nhái cứu hộ sử dụng giày cao su thay cho chân vịt và dùng cảm nhận của bàn tay để mò tìm chứ không dùng đèn để quan sát. Lý giải điều này, Đại tá Lê Đình Thám cho biết ở dưới đáy sông với lớp bùn dày đặc nên khi bị khuấy động thì sẽ tạo thành một lớp “sương mù” dày đặc khiến cho người bên dưới không thấy gì. Để trở thành người nhái cứu hộ, ngoài sức khỏe đạt tiêu chuẩn của lực lượng cứu nạn cứu hộ, người tham gia còn phải chế ngự nỗi sợ hãi của mình. Trung sĩ Đạt nhấn mạnh khi lặn dưới hồ bơi áp lực nước rất lớn khiến tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp xuất hiện và sẽ thở mạnh hơn, khí tiêu hao cũng nhanh hơn. Còn ở sông với cùng độ sâu, tuy áp lực nước không bằng ở hồ nhưng do tâm lý sợ bóng đêm, lo lắng không biết trước mặt mình là gì nên người lính sẽ hô hấp nhiều hơn khiến lượng khí cạn nhanh hơn, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thi hành nhiệm vụ.
Trung sĩ Huỳnh Minh Tân (phải) và Trung sĩ Nguyễn Công Đạt thực hành đội hình “lặn càn” tìm người dưới đáy sông. |
“Nhiều lúc anh em nói đùa với nhau, coi mấy chương trình truyền hình về câu cá dữ dưới sông ở nước ngoài nên mỗi lần lặn là lại thấy run run, nhưng vì nhiệm vụ mà cứ tiến lên phía trước vậy. Bước đầu tiên khi xuống sông rất quan trọng, nếu chưa biết địa hình bên dưới thế nào thì phải bước từ từ, chắc bước đầu tiên thì mới tới bước thứ hai. Hôm trước có người vì hấp tấp nhảy xuống nước quá nhanh, bị khúc gỗ trôi trên sông va vào chân bị thương. Người cứu hộ ngoài việc cứu người thì cũng phải chú trọng đến bản thân. Nếu bản thân mình không bảo vệ được thì chẳng cứu được ai cả. Quên mình khi cứu người là bất chấp nguy hiểm để cứu được tính mạng cho người khác chứ không phải liều để khi vừa xuống nước thì ngay lập tức bị thương và trở thành gánh nặng cho đồng đội” - Trung sĩ Nguyễn Công Đạt tâm sự.
“Sắp tới, do yêu cầu của công việc nên chúng tôi sẽ cử người đi tập huấn để thành lập tổ người nhái lặn biển, phục vụ ở các khu vực có vùng nước cảng biển như Nhơn Trạch. Đồng thời trang bị thêm các thiết bị lặn, cứu nạn cứu hộ để hỗ trợ lực lượng lúc làm nhiệm vụ cứu người trong thiên tai, thảm họa” - Đại tá Chu Văn Liên nhấn mạnh. |
Những rèn luyện đó đã đem lại nhiều kinh nghiệm cho những lần “vào trận” thật sự như việc tìm kiếm 2 người đuối nước ở hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc) vào cuối tháng 3-2014. Nhớ lại lần đó, Trung sĩ Tân chia sẻ, hồ Gia Ui có diện tích rất rộng, tuy vào cuối mùa khô nhưng lượng nước trên hồ vẫn rất nhiều. Hôm đó sau khi nhận được tin báo, anh cùng đồng đội gấp rút lên đường. Khoảng 13 giờ khi có mặt tại hiện trường và bắt đầu lặn, mọi người đều cố gắng tìm kiếm quanh khu vực đó nhưng không thấy gì. Bùn ở đó khá dày nên mỗi bước chân các anh nặng trịch, dù sóng không dữ và không xuất hiện luồng chảy mạnh như ở sông, nhưng cảm giác hồi hộp khi phải làm việc ở môi trường như vậy vẫn luôn đeo bám người lính. “Sau 2 lần lên thay bình khí (mỗi bình thở được khoảng 45 phút), đến 15 giờ 30 chúng tôi đưa được thi thể đầu tiên lên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi mới cảm thấy sợ. Bước vào một cuộc chiến, do bên cạnh có đồng đội và nhiệm vụ chưa hoàn thành nên mỗi người chúng tôi chỉ tập trung vào mục tiêu phía trước. Xuống dưới đáy hồ tối om, chúng tôi liên hệ với nhau và với người chỉ huy phía trên bằng một sợi dây thừng. Không ai nói ai câu nào, mỗi người giữ một phần sợi dây, khi dây căng hoặc chùng, hoặc giật thì đó là tín hiệu để hành động theo” - Trung sĩ Nguyễn Công Đạt nhớ lại.
Với mỗi người nhái cứu hộ, việc trục vớt người, phương tiện bị nạn dưới sông thật sự là một cuộc chiến, và đối thủ của họ khi đó chính là nỗi sợ hãi của bản thân. Nếu vượt qua người lính sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ đó sẽ tạo tâm lý tự tin cho những lần xuất quân tiếp theo.
Đăng Tùng