Báo Đồng Nai điện tử
En

"Kiểm ngư" già ở hồ Trị An

10:06, 13/06/2014

Với nhiệm vụ quản lý mặt nước và nguồn lợi thủy sản hồ Trị An, các kiểm lâm viên hồ Trị An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, gọi tắt là Khu Bảo tồn) ngày đêm lênh đênh trên mặt hồ rộng trên 32 ngàn hécta để bảo vệ ngư dân, sự đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các tác động tiêu cực làm biến dạng lòng hồ.

Với nhiệm vụ quản lý mặt nước và nguồn lợi thủy sản hồ Trị An, các kiểm lâm viên hồ Trị An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, gọi tắt là Khu Bảo tồn) ngày đêm lênh đênh trên mặt hồ rộng trên 32 ngàn hécta để bảo vệ ngư dân, sự đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các tác động tiêu cực làm biến dạng lòng hồ.

* 27 năm ở hồ

Ông Đặng A, Trạm phó Trạm Kiểm lâm thủy sản số 2 (Khu Bảo tồn), đã có mặt tại những cánh rừng Mã Đà, Hiếu Liêm từ thời kỳ thu dọn rừng để chuẩn bị cho đại công trình thủy điện Trị An tích nước. Điều khiển chiếc ca nô cao tốc qua các khu vực khai thác gỗ đã bị dòng nước nhấn chìm 30 năm qua mà vết tích chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người đánh cá, kiểm soát lòng hồ giàu kinh nghiệm, người kiểm lâm già Đặng A chỉ tay vào mặt hồ Trị An mênh mông nước rồi khẽ giới thiệu, Khu Bảo tồn có 2 trạm kiểm lâm thủy sản, mỗi trạm có 7 kiểm lâm viên và được trang bị 1 tàu gỗ 125 mã lực, 1 ca nô cao tốc.

Kiểm lâm viên Đặng A lái ca nô cao tốc đưa chúng tôi tham quan trên lòng hồ.
Kiểm lâm viên Đặng A lái ca nô cao tốc đưa chúng tôi tham quan trên lòng hồ.

Cũng theo kiểm lâm viên Đặng A, hồ Trị An có diện tích trên 32,4 ngàn hécta, phạm vi quản lý mặt nước của trạm được tính từ cốt 62 (thông số kỹ thuật) nên địa giới hành chính quản lý mặt nước trải rộng và tiếp giáp các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán. “Đường ranh định của kiểm lâm lòng hồ được tính từ cốt 62. Ngoài phạm vi này là bờ, nên chúng tôi quanh năm ở dưới tàu và chỉ được phép lên bờ hoạt động mỗi khi nước rút. Mang danh nghĩa kiểm lâm, nhưng chúng tôi quanh năm suốt tháng phơi mình dưới nắng, vì trên đầu không một bóng cây, dưới chân toàn nước với nước” - ông Đặng A hài hước nói.

Trước năm 2010, hồ Trị An do Trung tâm thủy sản Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) quản lý. Đến năm 2010, hồ Trị An mới được tỉnh bàn giao lại cho Khu bảo tồn quản lý, khai thác với mục tiêu: Bảo vệ sự đa dạng nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hoạt động xâm lấn làm biến dạng hiện trạng của hồ, đưa các hoạt động khai thác thủy sản vào quy củ, gắn với hoạt động bảo vệ rừng…

Rồi người kiểm lâm này trầm ngâm kể về nghề. Năm 1984, ông gia nhập vào Ban Thu dọn lòng hồ huyện Thống Nhất. Đến năm 1987, lòng hồ Trị An bước vào giai đoạn tích nước cũng là lúc những cánh rừng còn sót lại, những khu khai thác rừng của dân Tây Ninh, Củ Chi, Xa Mát… đã dần bị nước nhấn chìm. Cũng từ đó, ông Đặng A được chuyển sang bộ phận khai thác lòng hồ và bắt đầu lênh đênh đây đó trên mặt hồ. “Thời kỳ đó, công việc của tôi chưa được gọi là kiểm lâm, mà chỉ là cán bộ quản lý thủy sản lòng hồ thôi. Công việc quản lý thủy sản lòng hồ thời kỳ đó rất phức tạp, phương tiện tuần tra còn cũ kỹ, lạc hậu” - ông Đặng A thổ lộ.

Lái chiếc ca nô cao tốc cập mạn tàu kiểm lâm thủy sản 125 mã lực (loại to nhất hiện diện trên lòng hồ Trị An), ông Đặng A gọi nhân viên kiểm lâm trẻ tên Đại đưa chúng tôi lên tàu. Con tàu 125 mã lực của Trạm Kiểm lâm thủy sản số 2 uy nghi trên mặt hồ Trị An đang neo đậu tại Đồi Xanh (Đồi Long “Giáo Chủ”) để đưa cán bộ về làm nhiệm vụ quản lý nguồn lợi thủy sản, hướng dẫn ngư dân đánh bắt có kế hoạch, ngăn chặn những hành vi xâm lấn lòng hồ…

“Trên 27 năm làm nhiệm vụ trên lòng hồ Trị An, tôi đã một lần suýt chết đuối vì chìm tàu và không ít lần xung đột với những ngư dân đánh bắt thủy sản bằng mìn, xung điện” - ông Đặng A trầm tư nói rồi đưa chúng tôi ra sau đuôi tàu ngắm cảnh ngư dân thả lưới, ủi vồ.

* Bạn của ngư dân

Theo ông Đặng A, những năm đầu lòng hồ Trị An tích nước, cá, tôm nhiều vô số, nên Việt kiều Campuchia và dân di cư từ các tỉnh về đây làm nghề đánh bắt thủy sản rất nhiều. “Khi mới về, Việt kiều Campuchia tuân thủ rất nghiêm quy định của đơn vị quản lý lòng hồ. Sau một thời gian, họ có nhiều động thái không hợp tác, không tuân thủ quy định. Sự ương bướng của vài phần từ bất hảo gây bất bình cho các ngư dân làm ăn chân chính và công tác quản lý của đơn vị” - ông Đặng A bộc bạch.

Các kiểm lâm viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thăm hỏi ngư dân.
Các kiểm lâm viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thăm hỏi ngư dân.

Để làm bạn với ngư dân, người kiểm lâm già Đặng A cùng đồng đội bám bè, khu dân cư tuyên truyền vận động, phối hợp cùng chính quyền, lâm trường truy quét, xử lý các đối tượng chống đối. Từ đó, hồ Trị An bắt đầu yên ả trở lại. “Thời đó, khi bị truy bắt, ngư dân sẵn sàng quăng mìn vào thuyền cán bộ kiểm lâm thủy sản, hoặc kéo nhau đến giải vây, cướp lại ngư cụ bị thu giữ” - ông Đặng A nhớ lại.

Hơn 27 năm bám hồ với nhiều vất vả và hiểm nguy, ông Đặng A vẫn nhớ nhất cái ngày 27-7-1990 thoát chết nhờ cậu bé 11 tuổi. Ông Đặng A kể lại, hôm ấy ông cùng 2 cán bộ thủy sản, 3 cán bộ kiểm lâm của Lâm trường Mã Đà đi tuần trên chiếc xuồng máy. Do xuồng nhỏ, gặp sóng lớn, xuồng của ông đột ngột bị chìm. Ông lanh trí leo nhanh lên mũi thuyền để thoát nạn, trong khi các đồng đội nhảy ùm xuống nước. Nửa giờ sau, thấy một đồng đội yếu sức, ông liền nhường chỗ an toàn cho người này và cứ vậy gắng gượng thêm 2 giờ đồng hồ cùng với 4 đồng đội khác chờ người đến cứu. May mắn sao, trong lúc đuối sức, ông được một cậu bé 11 tuổi đang điều khiển ghe máy đi ngang phát hiện và kêu người lớn chạy đến cứu. “Sau lần chết hụt ấy, ngoài công tác quản lý việc khai thác thủy sản, chúng tôi luôn xem trọng công tác cứu hộ, cứu nạn” - ông Đặng A tỏ bày.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm thủy sản số 2, cho biết để ngư dân sống được với nghề, các kiểm lâm thủy sản luôn nắm bắt tâm tư, tình cảm của ngư dân để có kiến nghị, đề xuất hợp lý lên cấp trên trong việc miễn giảm thuế đánh bắt cho những hộ ngư dân nghèo, khó khăn; đồng thời ngăn chặn kịp thời các hình thức đánh bắt có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản và tác động tiêu cực làm biến dạng lòng hồ. “Mặt hồ tuy rộng, nhưng chúng tôi luôn quản lý tốt nhờ sự giúp sức của bà con ngư dân. Chính vì ngư dân hiểu được nguồn sống của họ phụ thuộc vào công tác quản lý tốt của kiểm lâm thủy sản, nên bà con sẵn sàng cung cấp thông tin cho chúng tôi khi phát hiện các kiểu đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản bằng chất nổ, cào điện, hóa chất” - ông Cường nói.

Đoàn Phú 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều