"Hạn kéo dài, đến giờ ông trời chỉ cho vài cơn mưa nên nhiều nơi thiếu nước, người dân rất vất vả để có nước sinh hoạt. Hàng ngày, chúng tôi phải dậy sớm chạy xe bồn đi mua nước rồi chở đi bán cho người dân. Chúng tôi có mặt ở nhiều nơi trong huyện, chỗ nào thiếu nước là ở đó có mặt chúng tôi" - ông Nguyễn Minh Khánh (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), một người hành nghề cung cấp nước sinh hoạt, tâm sự.
“Hạn kéo dài, đến giờ ông trời chỉ cho vài cơn mưa nên nhiều nơi thiếu nước, người dân rất vất vả để có nước sinh hoạt. Hàng ngày, chúng tôi phải dậy sớm chạy xe bồn đi mua nước rồi chở đi bán cho người dân. Chúng tôi có mặt ở nhiều nơi trong huyện, chỗ nào thiếu nước là ở đó có mặt chúng tôi” - ông Nguyễn Minh Khánh (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), một người hành nghề cung cấp nước sinh hoạt, tâm sự.
Xe bồn chở nước đi bán cho các hộ có nhu cầu ở vùng khô hạn. |
Năm nay mùa mưa đến muộn, ở một số vùng khô hạn của huyện Định Quán, người dân “khát” nước trầm trọng. Dù đã khoan sâu đến hơn 50m, nhưng các giếng khoan cũng chẳng có đủ nước để dùng.
* Dịch vụ đặc biệt
Đã nhiều năm nay, ông Nguyễn Minh Khánh lái xe bồn chở nước đi nhiều nơi trong huyện Định Quán phục vụ các hộ thiếu nước. Ngày ít khách, ông chở khoảng 5-7 xe, ngày nhiều có khi chở hơn chục chuyến. Tùy theo quãng đường xa, gần mà giá nước sinh hoạt ông bán với giá từ 25-30 ngàn đồng/m3. “Mùa khô bà con gọi mua nước rất nhiều, nhưng tôi không đủ sức để chạy. Ở đây có rất nhiều xe bồn, từ 20-25 chiếc lận, nhưng vẫn không đủ phục vụ cho bà con” - ông Khánh nói.
Ngoài đường trời vẫn nắng nóng, ông Khánh treo võng tranh thủ ngủ trưa ở hàng cây ven đường. Chợp mắt chừng 10 phút, ông nhận được điện thoại yêu cầu chở gấp 2 khối nước đến khu vực ấp 3, xã Ngọc Định. Nghe xong yêu cầu của khách, ông Khánh đáp qua điện thoại: “30 ngàn đồng/m3. Nửa giờ nữa sẽ có vì đường vào đó hơi xa”.
Dù ở ngay cạnh sông La Ngà, nhưng năm nay mùa khô kéo dài nên các xã: La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định (huyện Định Quán) lại xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hàng tháng, mỗi hộ gia đình ở đây phải mất vài trăm ngàn đồng mua nước sinh hoạt từ các xe bồn lưu động. |
Khởi động xe máy cày “cõng” chiếc bồn sắt bên trên, ông Khánh chạy đi mua nước rồi nhanh chóng đến xã Ngọc Định. “Tụi tôi mua đi bán lại, lấy công làm lời sau khi trừ chi phí xăng dầu, sửa chữa xe, thu nhập từ việc cung cấp nước sinh hoạt mỗi ngày cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình” - ông Khánh nói.
Cứ đến mùa khô hạn, dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt lại có cơ hội làm ăn ngon lành. Hàng chục chiếc máy cày chở bồn nước ngọt chạy len lỏi khắp các ngả đường của các xã: Phú Ngọc, La Ngà, Ngọc Định (huyện Định Quán) để cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ thiếu nước. Từ khoảng tháng 4-2014 đến nay, nhu cầu nước sinh hoạt tăng vì trời nắng hạn kéo dài.
Ông chủ xe bồn chở nước Nguyễn Văn Phong cho biết, mỗi ngày ông chạy được chục chuyến. Ông mua nước của các chủ giếng ngầm trong vùng đem đi bán lại, nên tiền lời ít hơn so với mấy xe khác. Những người chạy xe như ông đều có số điện thoại riêng, khúc đường nào cũng thuộc nằm lòng.
Thông thường, chủ xe nào sẽ có mối khách quen đó và cứ đến ngày họ lại chở nước đến. Chỉ khi nào xe ông Phong hết nước, hoặc không thể cung cấp kịp, khách hàng mới điện thoại gọi xe khác chở giùm. “Nhiều trường hợp khách hàng hối thúc nhưng xe tôi đang ở xa, tôi phải điện thoại nhờ xe khác đang ở gần đó chở nước đến để giữ mối làm ăn lâu dài. Các chủ xe bồn tuyệt đối không được tranh giành khách của nhau” - ông Phong chia sẻ.
* Ở vùng khô hạn
Đang vào thời gian đỉnh điểm thiếu nước ngọt dùng trong sinh hoạt nên mỗi ngày ông Hoàng Văn Xuân (ngụ ấp 1, xã La Ngà) bán được gần 15 xe nước. Chiếc xe bồn chở nước cùng ông rong ruổi hàng ngày trên các tuyến đường, nếu ai có nhu cầu gọi điện là vài tiếng sau có nước mang tới tận nhà.
Cuộn đoạn ống nước dài hơn 30m, ông Xuân nhẩm tính: “Giá nước cao do phải trả tiền cho chủ giếng khoan, khấu hao máy móc, dầu nhớt vận chuyển... Giá cả chủ yếu tính theo đoạn đường vận chuyển từ địa điểm lấy nước đến các hộ dân có nhu cầu. Với 15 xe nước, tôi kiếm chừng 200 ngàn đồng/ngày, đủ để trang trải cuộc sống gia đình”.
Ông Nguyễn Minh Khánh cuộn lại các ống nước sau một ngày dài chở nước đi bán. |
Theo ông Xuân, dịch vụ đặc biệt này chỉ sống khỏe với 6 tháng mùa khô, mùa mưa đến phải gác lại và chuyển sang làm việc khác. Hơn 3 năm làm nghề chở xe bồn cung cấp nước sinh hoạt cho các gia đình ở vùng khô hạn, ông Xuân đã nhiều lần dở khóc dở cười vì chuyện bán nước ngọt.
“Những gia đình thiếu nước rất khổ nên nhiều lúc nửa đêm họ gọi mình đi chở nước cho bằng được. Mà đêm khuya không biết lấy nước đâu ra, tôi phải bơm tạm nửa khối nước ở nhà chở sang cho họ dùng đỡ. Từ hôm đó, tôi rút ra kinh nghiệm, trước khi trời tối phải dự trữ trong bồn đầy nước để ai có nhu cầu còn chở đến bán cho họ” - ông Xuân nói vui.
Gia đình ông Nguyễn Văn Ánh là một trong số ít hộ hiếm hoi ở ấp 2, xã Phú Ngọc có nguồn nước giếng khoan dồi dào. Vì vậy, ngoài việc dùng để sinh hoạt và tưới cây, cái giếng khoan với độ sâu 60m đã giúp gia đình ông Ánh có thêm nguồn thu nhập từ việc cung cấp nước cho các xe bồn.
Theo ông Ánh, xung quanh chỗ ông ở mạch nước ngầm chỗ có chỗ không. Cùng ở một tổ với nhau, nhưng chỉ vài nhà có nước để dùng, còn đa số phải mua từ xe bồn. Mấy năm trước, khi mùa khô đến gia đình ông luôn trong tình trạng “khát” nước. Ông Ánh phải thuê máy về khoan đến 3 cái giếng sâu trên 50m, nhưng vẫn không đem lại kết quả như ý. Đến lần khoan thứ tư mới gặp mạch nước lớn, mọi người ai cũng mừng.
“Nhờ khoan sâu, lại trúng mạch lớn nên ngoài tưới tiêu, tôi còn làm bể lọc nước để dành bán lại cho mọi người sử dụng. Nhưng cũng có hôm phải treo bảng “hết nước” vì giếng cạn do quá tải, phải sau một đêm nước mới có trở lại. Dịch vụ đặc biệt này đã giúp cho người dân ở đây có nước sử dụng trong mùa khô hạn dù giá cả khá đắt đỏ” - ông Ánh nói.
Cách không xa nhà ông Ánh, nhưng gia đình bà Phan Thị Thơm phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt do mùa khô năm nay kéo dài. Dù đã sử dụng hết sức tiết kiệm nguồn nước, nhưng cứ vài ngày gia đình bà lại phải mua trên 2 khối nước với giá 60 ngàn đồng.
“Hai năm trở lại đây, năm nào giếng nhà tôi cũng cạn nước và phải mua nước để sử dụng. Phải dùng nước tiết kiệm lắm mới đủ nhu cầu vì không phải lúc nào cũng có xe bồn đến ngay được. Mỗi tháng trung bình phải tốn từ 400-600 ngàn đồng trả tiền nước, nhưng chất lượng có vệ sinh hay không cũng không biết được?” - bà Thơm tâm sự.
Hải Tuấn