Báo Đồng Nai điện tử
En

Cựu thủ lĩnh Đoàn thích làm giàu

10:06, 08/06/2014

Năm 1999, khi còn là cậu học trò lớp 9 trường làng, anh Đào Bình Minh (ngụ ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) được cha mẹ cho tự lập với 1 hécta đất. "Học xong lớp 12, tôi đã có số vốn 12 triệu đồng từ việc khai thác 1 hécta tràm và sau đó chuyển sang trồng cao su"- anh Minh nói.

Năm 1999, khi còn là cậu học trò lớp 9 trường làng, anh Đào Bình Minh (ngụ ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) được cha mẹ cho tự lập với 1 hécta đất. “Học xong lớp 12, tôi đã có số vốn 12 triệu đồng từ việc khai thác 1 hécta tràm và sau đó chuyển sang trồng cao su”- anh Minh nói.

* Học trò “giàu”

Là con trai thứ 10 của võ sư Đào Văn Bình, anh Đào Bình Minh lớn lên theo từng mùa rẫy và những buổi chiều theo các anh trai, chị gái ra sân luyện võ cùng với thanh niên địa phương.

Anh Đào Bình Minh luôn ghi lòng tinh thần thượng võ từ người cha, người thầy là võ sư Đào Văn Bình.
Anh Đào Bình Minh luôn ghi lòng tinh thần thượng võ từ người cha, người thầy là võ sư Đào Văn Bình.

Anh Bình Minh cho hay, cha anh là môn đệ của cố võ sư Từ Thiện ở đất Sài Gòn những năm trước giải phóng. Ngoài nhập môn Tân Khánh - Bà Trà, ông Bình còn là một tay đấm boxing có tiếng. Riêng 2 người anh trai của anh là Văn Minh và Thông Minh, hiện là huấn luyện viên võ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia. “Lúc còn đi học, tôi luôn có tên trong danh sách huấn luyện của đội tuyển boxing trẻ Quân khu 7 và nhiều lần đạt được huy chương đồng, bạc, vàng TP.Hồ Chí Minh; huy chương đồng cấp quốc gia…” - anh Bình Minh kể lại.

Tuy là vận động viên chuyên nghiệp, anh Bình Minh vẫn một buổi đi học, buổi kia theo cha dọn cây, đốt rẫy để tỉa bắp, trồng lúa. Chiều về, anh cùng cha và anh trai Thông Minh tập võ cùng trai tráng trong làng để rèn luyện thể lực, tăng cường sức dẻo dai, chống chọi với bệnh tật.

Mùa nắng năm 1996, khi đang học lớp 9, anh Bình Minh được cha dẫn ra khu đất hoang sau nhà rồi bảo anh tìm cách cải tạo khu đất có hiệu quả kinh tế. “Nếu làm hiệu quả, cha sẽ cho tôi mảnh đất làm của hồi môn sau này. Cha tôi còn nhắc nhở người luyện võ phải biết dùng sức khỏe cho lao động; sức vóc có mạnh khỏe, dẻo dai thì tinh thần mới sáng suốt” - anh Bình Minh kể.

Được cha động viên và cấp vốn, cậu học trò lớp 9 Đào Bình Minh đã thuê công dọn đất trồng mì. Lên lớp 10 trường huyện, Bình Minh đã trở thành cậu học trò “giàu” nhất lớp khi có trong tay 1 hécta đất trồng mì xen tràm của riêng mình. Tuy vậy, suốt những năm THPT, Bình Minh vẫn tà tà đạp xe đi học để chờ 1 hécta tràm của mình đến kỳ thu hoạch.

Sau ngày tốt nghiệp THPT, vườn tràm của anh Bình Minh cũng đến kỳ thu hoạch và sau đó anh chuyển sang trồng cao su. “Khát vọng của tôi là được đi bộ đội như anh Văn Minh. Khi ước mơ không đạt, tôi tham gia lực lượng công an xã, cùng cha dạy võ miễn phí cho thanh niên địa phương và chăm lo phát triển kinh tế” - anh Bình Minh tâm sự.

* “Ông chủ nhỏ”           

Năm 2006, vườn cao su của anh Bình Minh bắt đầu cho dòng mủ đầu tiên và cũng năm đó anh lập gia đình với một cô gái cùng xã. Trước phong trào chuyển đổi đất trồng cây mì, cây mía sang trồng cao su ở địa phương, vợ chồng anh Bình Minh mượn vốn của gia đình để mua đất lập thêm vườn cao su mới, đồng thời mở điểm thu mua mủ cao su tiểu điền của người dân trong vùng. “Năm 2006, tôi được đề bạt làm Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Trị An và được kết nạp Đảng. Vì vậy, tôi quyết tâm xây dựng cho mình một mô hình kinh tế ổn định khi ước mơ vào lính không thành” - anh Bình Minh bộc bạch.

Bằng sự nhạy bén của tuổi trẻ, anh Bình Minh cưỡi xe máy đi khắp xã thu gom mủ cao su rồi chở sang tỉnh Bình Dương bán lại kiếm lời. Đến khi có được một lượng khách hàng ổn định, anh sắm xe tải để vận chuyển. Anh Bình Minh thổ lộ, nhờ túc tắc làm ăn vậy mà kinh tế gia đình anh phất lên đều đều. Đến nay, vợ chồng anh đã có 6 hécta cao su, 3 hécta tràm và cơ sở thu mua mủ cao su với tổng thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

“Ông chủ nhỏ” Đào Bình Minh (phải) với mô hình cao su tiểu điền thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
“Ông chủ nhỏ” Đào Bình Minh (phải) với mô hình cao su tiểu điền thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Dù bộn bề lo xây dựng mô hình làm ăn cho riêng mình, ông “chủ nhỏ” Đào Bình Minh vẫn giữ được lửa của một thủ lĩnh Đoàn năng động với các phong trào thể dục thể thao đình đám và mô hình hũ gạo tình thương, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình… “Dứt việc Đoàn thì tôi quay sang lo việc nhà. Dù công việc tất bật suốt ngày, nhưng tối về tôi vẫn phụ cha và anh dạy võ miễn phí cho các cháu trong nhà và thanh niên trong xóm. Nhờ vậy, công tác tập hợp thanh niên lúc ấy rất thuận lợi” - anh Bình Minh nói.

Đang lúc phong trào Đoàn thanh niên xã Trị An đang lên thì thủ lĩnh Bình Minh (lúc này đã là huấn luyện viên võ cổ truyền cấp 17/18) xin từ chức. Anh Bình Minh tiếc nuối bày tỏ, do năm đó cha anh bị bệnh, các anh chị em đều lập gia đình ra ở riêng, nên anh buộc phải nhận trách nhiệm quán xuyến chuyện gia tộc. Hơn nữa, mô hình phát triển kinh tế của vợ chồng anh lúc ấy rất cần anh có mặt thường xuyên hơn để điều hành công việc. “Khi đưa ra quyết định thôi nhiệm vụ thủ lĩnh Đoàn, tôi phải trăn trở nhiều tháng liền mới can đảm xin rút lui. Và tôi cũng nhẹ lòng phần nào khi được cấp trên đồng tình, các đoàn viên thanh niên thông cảm” - anh Bình Minh thổ lộ.

Vốn là thanh niên giàu nghị lực, có tâm huyết với phong trào, anh Đào Bình Minh nhanh chóng được địa phương đề xuất làm cán bộ Đoàn. Trên cương vị thủ lĩnh Đoàn thanh niên xã Trị An từ năm 2006-2010, anh Bình Minh không phụ lòng các bạn trẻ khi Đoàn thanh niên xã Trị An liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bản thân anh được Trung ương Đoàn tặng bằng khen.

Tuy thôi nhiệm vụ thủ lĩnh thanh niên, anh Bình Minh vẫn luôn sát cánh với phong trào khi được tân Bí thư Đoàn thanh niên xã Phan Phúc Sơn mời gọi hỗ trợ, giúp đỡ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Phúc Sơn tỏ bày, với cái uy của huấn luyện viên boxing và võ cổ truyền cấp quốc gia, đồng thời là thủ lĩnh Đoàn nhạy bén trong làm ăn, anh Bình Minh luôn được các bạn trẻ địa phương ngưỡng mộ, học tập. “Thanh niên chúng tôi quý anh Bình Minh và những đàn anh đi trước ở tấm lòng và trách nhiệm với công tác Đoàn. Mỗi người một nét riêng, cũng nhờ vậy mà phong trào Đoàn ở xã Trị An được thêm sức và được đoàn viên thanh niên nhắc đến nhiều hơn” - anh Sơn nói.

Bên rẫy cao su bạt ngàn đang thời kỳ khai thác, anh Bình Minh bàn với anh Phan Phúc Sơn rằng, anh sẽ sẵn lòng hỗ trợ mỗi khi tổ chức Đoàn cần. “Tuy xa công tác Đoàn, nhưng tôi vẫn luôn nhớ những lần bê trễ công việc bị cấp trên la, hoặc cái tính lăng xăng làm từ thiện không đúng chỗ, những lúc cùng đồng đội hỗ trợ tiền cho thành viên nuôi bò dự án nhưng bị chết, đưa vợ bạn đi cấp cứu vì đẻ khó… Tất cả đều là kỷ niệm khó phai của một thời gắn bó với công tác Đoàn” - anh Bình Minh tâm sự.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều