Đã nhiều năm nay, hiếm khi nào người dân ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) thấy ông Năm Thu (tên đầy đủ Nguyễn Văn Thu, 57 tuổi, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 4) ngơi tay với những chuyện "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".
Đã nhiều năm nay, hiếm khi nào người dân ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) thấy ông Năm Thu (tên đầy đủ Nguyễn Văn Thu, 57 tuổi, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 4) ngơi tay với những chuyện “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Quanh năm suốt tháng đi vận động, hỏi thăm tình hình làm ăn, sinh sống của bà con trong ấp nên ông được mọi người quý mến.
Ông Năm Thu đến từng nhà mời đi họp ấp. |
Ở địa bàn có đến 90% Việt kiều Campuchia, người làm công tác Mặt trận như ông Năm Thu càng vất vả bội phần. Mỗi tháng đôi ba lần, ông lại lặn lội xuống từng hộ gia đình trong ấp để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
* Chọn nơi hẻo lánh lập nghiệp
Rời quân ngũ năm 1981, xếp loại thương binh ¼, nhưng ông Năm Thu vẫn lao động bình thường như bao thanh niên trai tráng khác khi trở về gia đình. Các vết thương luôn hành hạ, nhất là khi thời tiết thay đổi, nhưng sau mỗi cơn đau, ông lại quyết chí vươn lên. Tìm nhiều nơi lập nghiệp, cuối cùng ông chọn ấp 4, xã Mã Đà để gắn bó.
“Thời điểm tôi về đây, Mã Đà còn là KP.9 của thị trấn Vĩnh An, chưa tách xã riêng. Lúc ấy, ở đây còn hoang vu lắm, cả ấp 4 (bây giờ) chỉ có vài nóc nhà, muốn ra bên ngoài phải đi xuồng từ lòng hồ Trị An đến xã Ngọc Định (huyện Định Quán). Nhiều người nói tôi bị khùng mới bỏ vùng đất màu mỡ với cây ăn trái sum suê, ruộng lúa mênh mông ở Tiền Giang để lên đây. Nhưng dường như, cái duyên đã níu kéo tôi ở lại vùng đất này…” - ông Năm Thu tâm sự.
Lúc bấy giờ, ông Năm Thu phải xoay xở nhiều cách để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, từ giăng câu, đánh cá giữa lòng hồ đến tận dụng mặt nước lòng hồ Trị An để nuôi cá, nhưng kết quả không mấy khả quan. Mọi người khuyên ông nên về quê, nhưng với ông được sống và làm việc giữa thiên nhiên trong lành là ước mơ từ ngày ông còn trong quân ngũ.
“Nuôi cá lồng bè từ năm 1993-1996, tôi bị lỗ vốn hơn 100 triệu đồng nên cuối cùng phải chọn giải pháp lên đất liền làm ăn. Cứ tưởng mình sinh ra ở vùng sông nước, nuôi cá là thế mạnh, vậy mà vẫn thua. Sau đó, tôi bắt đầu thử sức trồng tràm, xoài để thay đổi cuộc sống. Chỉ sau thời gian ngắn thì có kết quả, tôi bắt đầu mở rộng diện tích xoài lên hơn 2 hécta, còn diện tích tràm thì rộng vô kể” - ông Năm Thu kể.
* Điểm tựa của làng bè
Không chỉ trăn trở tìm kế mưu sinh, sắp xếp chuyện gia đình yên ấm, ông Năm Thu còn bận rộn với công việc của một người làm công tác Mặt trận. Gần 10 năm gắn bó với công tác Mặt trận nên cả ấp 4, hỏi ai ông cũng biết. “Ở đây toàn Việt kiều từ Campuchia về, nên trình độ học vấn và nhận thức pháp luật của họ còn hạn chế. Nhiều gia đình không một ai biết chữ, hơn nữa, họ sống chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên sông, kiếm ăn tạm bợ qua ngày, kinh tế khó khăn vô cùng” - ông Năm tâm sự.
Mấy năm trước, Việt kiều Campuchia về đây sống rất nhiều và do không có giấy tờ lận lưng nên họ chẳng được nhập hộ khẩu, nhập tịch. Chính ông Năm Thu là người chạy vạy khắp nơi, tìm cách giúp đám trẻ Việt kiều Campuchia có giấy khai sinh để được đi học. Từ chỗ cả ấp sống “lưu vong” ngay trên quê hương mình khi mới về đây, hiện đã có rất nhiều người trở thành những công dân bình thường, được pháp luật công nhận.
Hàng ngày, ông Năm Thu vẫn tự mình chèo xuồng đến hỏi thăm các gia đình sống trên lồng bè cá. |
Cuối buổi chiều, thời điểm hầu hết ngư dân vừa trở về sau những chuyến đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An, ông Năm Thu lại chèo chiếc xuồng nhỏ đến từng gia đình để thăm hỏi, động viên. Vừa gặp ông, anh Huỳnh Văn (28 tuổi, ngư dân ở tổ 9) tếu táo hỏi chuyện: “Tối rồi, ông Năm chèo thuyền đi chi cho cực vậy, có gì để mai tui đến cũng được mà”.
“Mới vận động được các mạnh thường quân xây cho 2 căn phòng học mới, năm học này anh cho 3 cháu đến lớp chứ? Phòng học, bàn ghế, sách vở đều mới, gia đình cố gắng động viên con đi học nha. Chẳng lẽ để chúng phải vất vả như cha mẹ…” - ông Năm mềm mỏng nói với anh Văn.
Sau khi làm “công tác tư tưởng” cho gia đình anh Văn, ông Năm Thu quay sang tiếp chuyện với chúng tôi: “Làm công tác Mặt trận thì phải xung phong, đi đầu như vậy người dân mới biết mà làm theo. Nói vậy chứ, ở vùng này cũng phức tạp, nhiều người không chịu làm ăn, rồi sinh tật xấu. Tôi nghe các hộ nuôi cá phàn nàn gần đây xuất hiện một số kẻ chuyên trộm bình ắc-quy. Ai cũng nghèo, lấy đi cái bình ắc-quy rồi thì họ biết lấy gì sắm lại”.
Vào kỳ chuẩn bị năm học mới, hay trước mùa mưa gió, người ta lại thấy ông Năm Thu lặn lội vượt rừng đến xem tình hình bà con chuẩn bị cho việc con em ăn học đến đâu để còn động viên, tìm cách giúp đỡ. Người thương binh này liên tục làm công việc “vác tù và” như thế từ năm 2006 đến nay. Do không kiêm nhiệm các chức danh khác nên gần như ông không có khoản bồi dưỡng gì đáng kể. Thế nhưng, tấm lòng của ông đối với công việc và bà con nơi đây thì vẫn tràn đầy.
Ông Nguyễn Văn Triệu (70 tuổi, sống ở ấp 4, xã Mã Đà gần 5 năm) cho hay: “Anh Năm Thu vui tính lắm, đi đến đâu anh ấy đều làm cho mọi người cười đến đó. Sắp nhỏ nếu không được anh Năm Thu giúp đỡ thì chẳng biết bao giờ chúng được đến lớp và biết đọc, biết viết”. |
Ngồi lẩm nhẩm lại số tiền vừa được một hội từ thiện ở TP.Hồ Chí Minh trao tặng, ông Năm chia sẻ: “Năm 2013, vận động được 1,2 tỷ đồng thì đã dùng xây 2 phòng học mới và sắm mấy bộ bàn ghế cho các cháu học sinh phân hiệu ấp 4, Trường THCS xã Mã Đà. Năm nay, lại vận động được 535 triệu đồng, tôi tính ủng hộ ấp 3, nơi các cháu chưa có phòng học kiên cố”.
Từ việc đi vận động tiền từ thiện về khoan giếng cho người dân ở khu vực không có nước sạch, xây phòng học mới, mở thư viện sách, hay trích tiền túi mua quà mỗi khi tết đến…, ông Năm Thu đều làm trọn vẹn với mong muốn giúp được gì cho ai thì cứ tận tâm mà làm, sức bao nhiêu làm bấy nhiêu. Lúc nào mọi người cũng đều thấy ông “bù đầu” vào những việc thiên hạ, mà nhiều khi quên cả chuyện gia đình.
Ông Năm Thu lý giải: “Tôi là cầu nối giữa người dân, học sinh nghèo khó nơi đây với các nhà từ thiện ở TP.Hồ Chí Minh. Năm 2012, có một sinh viên về xã Mã Đà thực tập, tham quan thiên nhiên thấy nơi đây còn khó khăn, nên đã lập hội từ thiện, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ. Từ đó, hễ có ai muốn hỗ trợ thì họ liên lạc trực tiếp với tôi để biết thêm thông tin”.
Sắp đến tuổi về hưu, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng điều ông Năm Thu lo lắng là chẳng có ai ở đây tâm huyết thay ông đi lo những việc không tên. Ông luôn tâm niệm, còn làm được gì có ích thì cứ làm, miễn bản thân mình thấy vui và có ích cho mọi người.
Thanh Hải