Những năm trở lại đây, các công việc đòi hỏi người làm phải có các kỹ năng mềm, như: giao tiếp tốt, làm việc nhóm hiệu quả và nhất là nói trước tập thể, đám đông… thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu thích cuộc sống năng động, sôi nổi.
Những năm trở lại đây, các công việc đòi hỏi người làm phải có các kỹ năng mềm, như: giao tiếp tốt, làm việc nhóm hiệu quả và nhất là nói trước tập thể, đám đông… thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu thích cuộc sống năng động, sôi nổi. Cuối tháng 3-2014, tại TP.Biên Hòa có một nhóm bạn đã thành lập Câu lạc bộ thuyết trình Biên Hòa (gọi tắt là CLB thuyết trình) và nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người.
* Thích “cãi nhau”
Chủ nhiệm CLB thuyết trình Biên Hòa Đàm Quang Nam (31 tuổi, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, CLB thuyết trình tổ chức họp mặt vào mỗi tối thứ năm hàng tuần để các thành viên trong CLB cùng nhau sinh hoạt kỹ năng giao tiếp. Làm kỹ sư cầu đường tại một đơn vị thuộc Sở Giao thông - vận tải, anh Nam rất cần kỹ năng thuyết trình hiệu quả khi trao đổi công việc với các đối tác, chủ đầu tư. Do đó, anh Nam đã đi tìm các lớp học về kỹ năng nói chuyện trước tập thể để theo học. Một thời gian sau, anh cùng một số bạn quyết định thành lập một CLB thuyết trình ở TP.Biên Hòa để mọi người giao lưu, trao đổi kỹ năng với nhau.
Anh Đàm Quang Nam điều hành một buổi sinh hoạt của CLB thuyết trình Biên Hòa. |
“Ngày mới về công tác tại cơ quan, tôi tham gia hoạt động Đoàn rất tích cực. Một lần được cơ quan cử đi tham dự cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, do không có kỹ năng nói trước đám đông nên tôi rất run và không thành công trong cuộc thi. Những lần trình bày công việc với các chủ đầu tư, tôi cũng không thể truyền đạt cho họ hiểu hết những gì tôi muốn trình bày. Sau một thời gian tham gia các lớp học thuyết trình ở TP.Hồ Chí Minh, tôi đã làm quen được vài người bạn học chung là người Đồng Nai và chúng tôi quyết định thành lập CLB thuyết trình ở TP.Biên Hòa. Đến nay, số lượng thành viên tham gia CLB thuyết trình đã lên đến 50 người” - anh Nam kể.
Vì là một nhóm sinh hoạt “mở” nên dù mới đi vào hoạt động hơn 3 tháng, CLB thuyết trình đã thu hút được nhiều người thuộc các công việc chuyên môn, trình độ học vấn, độ tuổi khác nhau… tham gia. Mỗi tuần CLB sẽ đưa ra một đề tài để các thành viên soạn bài thuyết trình. Đến khi sinh hoạt, người nào đã chuẩn bị xong đề tài thì sẽ trình bày trước tập thể, rồi tất cả thành viên cùng nhau tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình. Với các hoạt động trong mỗi buổi sinh hoạt bao gồm: tranh luận đối kháng, tranh luận cá nhân, thuyết trình sau khi xem phim và thi đấu tranh biện…, những người tham gia sinh hoạt sẽ rèn luyện được tư duy nhạy bén để đặt ra vấn đề và tranh luận bảo vệ quan điểm của mình.
“Tháng đầu tiên, Ban chủ nhiệm CLB thuyết trình đưa ra những đề tài gần gũi với cuộc sống, như: gia đình, quê hương, thành phố đang sống… Thời gian sau, sau mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên cùng đề xuất và thống nhất một đề tài để làm thuyết trình cho lần sinh hoạt sau. Theo kế hoạch, CLB sẽ sinh hoạt từ 19-21 giờ, nhưng có buổi tranh luận hăng say quá nên kết thúc lúc 22 giờ. Thường thì người thắng cuộc trong các buổi tranh luận sẽ là người có lý lẽ thuyết phục nhất, hoặc chọn những vấn đề đã được số đông trong xã hội công nhận” - anh Đàm Quang Nam cho biết.
* Rèn sự phản xạ
Với phương châm “giao lưu và học hỏi”, các thành viên của CLB thuyết trình Biên Hòa luôn được ban chủ nhiệm hướng đến việc đặt ra những đề tài có nhiều tranh cãi và phải tìm cách lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.
Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Anh (31 tuổi, ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, anh đang kinh doanh cửa hàng điện tử, công việc tuy bận rộn nhưng anh luôn cố gắng dành thời gian để tham gia các buổi sinh hoạt và chuẩn bị bài thuyết trình cho các chủ đề.
Anh Trần Văn Lợi (bên trái) tranh luận cùng anh Nguyễn Minh Giang (đứng bên phải) tại buổi sinh hoạt của CLB thuyết trình Biên Hòa. |
“Để có được một đề tài hay, một cách thể hiện hiệu quả, tôi phải đọc nhiều sách, đồng thời xem các chương trình truyền hình bàn luận về chủ đề mà mình lựa chọn, từ đó tìm ra cách lập luận hiệu quả nhất. Dĩ nhiên không loại trừ việc tôi cũng bị “đuối lý” trong lúc tranh luận, nhưng đó là kinh nghiệm để lần sau tôi chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Việc tham gia sinh hoạt trong CLB thuyết trình rèn cho tôi tư duy nhạy bén để ứng đối trước những tình huống bất ngờ khi giao tiếp, nhất là trong công việc” - anh Huỳnh Anh nói thêm.
Không chỉ có những người muốn rèn luyện kỹ năng thuyết trình của bản thân, không ít bạn trẻ tìm đến CLB thuyết trình chỉ để thỏa mãn trí tò mò, đăng ký tham gia được một thời gian rồi ngưng, nhưng không vì vậy mà hoạt động của CLB suy giảm. Theo anh Nam, Ban chủ nhiệm CLB thuyết trình Biên Hòa luôn hướng đến chất lượng hoạt động hơn là số lượng người tham gia. Mỗi người đến với CLB không quan trọng mục đích tham gia, mà quan trọng là hiệu quả thu được từ các buổi sinh hoạt có giúp gì được cho cuộc sống, công việc hay không.
Chủ nhiệm CLB thuyết trình Biên Hòa Đàm Quang Nam cho biết: “Trong lúc thuyết trình, tranh luận trước đám đông, điều khiến mọi người bị thất bại thường là phản xạ và tư duy chậm trước câu hỏi của người nghe. Vì vậy, khi sinh hoạt tại CLB, chúng tôi luôn khuyến khích mọi người đặt ra nhiều câu hỏi để cả người thuyết trình và người nghe đều rèn luyện được sự nhanh nhạy và phản xạ tốt trước câu hỏi bất ngờ”. |
Đang là sinh viên ngành Nhật Bản học của Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, đồng thời làm MC nghiệp dư cho các buổi tiệc sinh nhật, chị Ngô Thị Ngọc Bích (22 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) bộc bạch chị tham gia CLB thuyết trình ngoài việc giao lưu, học hỏi thì chị còn muốn có thêm kiến thức phục vụ công việc của mình. Chị cho biết, để hoàn thành tốt vai trò MC trong một bữa tiệc thì người làm MC cần phải có sự nhanh trí, biết cách đối thoại khéo léo, đồng thời phải luôn “thủ sẵn” vài tiết mục để tạo không khí bữa tiệc sôi nổi. Nếu chỉ ngồi nhà xem truyền hình hay đọc sách thì không thể có được những phản ứng nhanh nhạy, càng thường xuyên tranh luận bao nhiêu thì càng hình thành được phản xạ trước các tình huống bất ngờ phát sinh trong lúc giao tiếp.
Mỗi tối thứ năm, sau khi hoàn thành xong phần thi thuyết trình, các thành viên trong CLB thuyết trình Biên Hòa sẽ được ban chủ nhiệm yêu cầu chọn một đề tài để trình bày trong lần sau. Anh Nam nhấn mạnh, vì sinh hoạt theo hình thức rút kinh nghiệm từ khuyết điểm lẫn nhau nên mọi người thể hiện sự tiến bộ rất nhanh. Nhiều người nghỉ sinh hoạt vài buổi, khi quay trở lại thấy sự tiến bộ quá nhanh của người khác lại có tâm lý chán nản. Những lúc đó, Ban chủ nhiệm CLB luôn phải tìm cách động viên và điều chỉnh lại số lần lên thuyết trình của mỗi thành viên để tạo sự cân bằng, không để xuất hiện sự phân bì giữa các thành viên.
Đăng Tùng