Trên các tuyến quốc lộ 1 và 20 đang được nâng cấp, sửa chữa, ngoài lực lượng công nhân, kỹ sư đang ngày đêm lao động, còn có những người canh xe với nhiệm vụ điều tiết giao thông
Trên các tuyến quốc lộ 1 và 20 đang được nâng cấp, sửa chữa, ngoài lực lượng công nhân, kỹ sư đang ngày đêm lao động, còn có những người canh xe với nhiệm vụ điều tiết giao thông. Mỗi ngày, họ có mặt gần như 24/24 giờ trên đường, chốt gác ở các vị trí mặt đường đang thi công để dòng xe di chuyển trên đường được thông suốt.
Làm việc âm thầm, ăn ngủ với nắng, mưa và khói bụi nhưng ai cũng bình tĩnh, kiên nhẫn điều tiết giao thông để tránh xảy ra va chạm, tai nạn.
* “Nóng” với đoạn nút thắt
Đoạn quốc lộ 1 qua các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc lúc nào cũng tấp nập xe khách, xe chở hàng hóa. Những ngày này, một số đoạn đường đang được sửa chữa, đơn vị thi công phải chia tách mặt đường làm hai để vừa nâng cấp sửa chữa đường bên này, vừa để các phương tiện lưu thông phần đường bên kia. Vậy nên, các phương tiện giao thông di chuyển qua các đoạn đường đang được nâng cấp, sửa chữa (tạm gọi là đoạn nút thắt) thường gặp nhiều khó khăn. Vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe có khi kéo dài cả giờ. Mỗi lần xe chuẩn bị đi vào đoạn đường đang thi công, những người canh đường lại cầm bộ đàm, điện thoại di động phát tín hiệu cho nhau ra hiệu lệnh để xe đi tiếp, hay dừng lại chờ xe phía bên kia đi qua rồi mới tiếp tục lăn bánh.
Chỉ với cây gậy, còi và bộ đàm, họ phải hướng dẫn xe lưu thông khi đi vào đoạn đường đang sửa chữa. |
“Mỗi kíp trực có 4-5 người, chia làm 2 ca, mỗi ca làm việc 8-10 giờ. Hầu như lúc có xe là chúng tôi phải chia nhau đứng canh. Hai đầu 2 người, cầm bộ đàm báo cho nhau xe đang tới có sang được không? Bên kia báo lại đi được mình mới ra tín hiệu cho đi, còn không thì phải đứng chờ để đoàn xe phía đó tiến lên trước” - anh Nguyễn Minh Tuấn (26 tuổi), người canh xe ở đoạn nút thắt quốc lộ 1 qua xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho biết.
Theo anh Tuấn, vào giờ cao điểm, hay khi có va chạm giao thông xảy ra, những người làm nhiệm vụ canh xe điều tiết giao thông “căng” như dây đàn. Xe cộ đông đúc, di chuyển chật vật, thậm chí nhích từng mét qua đoạn đường đang thi công chỉ dài hơn cây số, nên những người canh xe hoạt động tay chân liên tục, ai cũng mệt mỏi. Chưa kể những khi trời nắng gắt, hay trời mưa thì việc canh xe càng khó khăn gấp bội phần.
Thường xuyên lái xe qua những đoạn nút thắt kiểu cổ chai do đường đang thi công, ông Thái Ngọc Sinh (47 tuổi, tài xế xe khách Bắc - Nam) cho biết: “Sự có mặt của những người canh xe điều tiết giao thông ở những đoạn đường đang thực hiện nâng cấp, sửa chữa khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm. Nếu như khúc đường nào đang thi công cũng có người như thế thì tốt biết mấy. Việc làm của họ tuy âm thầm, nhưng hiệu quả vô cùng, bởi những lúc kẹt xe, cảnh sát giao thông đâu có mặt ngay được”. |
Khoác chiếc áo in 2 màu xanh và cam vào người, anh Tuấn tâm sự: “Những lúc phương tiện qua đoạn đường đang thi công bị ùn ứ, cả mình và những người trên xe, nhất là tài xế, đều rất mệt. Do đó, nếu mình không kiên nhẫn, kiềm chế thì có thể xảy ra mâu thuẫn. Khi họ không làm chủ được mình thì tay lái loạng choạng, đâm va vào xe khác sẽ dẫn đến tai nạn”.
Để tường tận công việc của những người canh đườngnhư anh Tuấn, chúng tôi nán lại đây đến chiều tối, thời điểm lưu lượng xe qua khu vực này đông đúc, công nhân cũng trở về nhà sau những giờ tăng ca ở công ty. Lúc này, một chiếc xe container chạy từ huyện Trảng Bom về ngã tư Dầu Giây, đến đoạn đường đang thi công phải chạy chậm lại. Anh Tuấn cầm bộ đàm báo cho ông Phạm Văn Sơn (41 tuổi) đang đứng ở đầu bên kia biết sự việc. Tiếng nói phát ra chập chờn, rè rè: “Cho xe bên đó dừng lại đi, đầu bên này xe đang đông lắm”.
Ngay lập tức, anh Tuấn đưa chiếc gậy lên cao rồi ra hiệu cho xe container dừng lại. Sau đó chừng 3 phút, hướng từ chỗ ông Sơn canh xe (ngã tư Giầu Dây về), chiếc xe ô tô khách lớn chậm rãi chạy tới, phía sau hàng chục xe máy, ô tô nối đuôi tiến tới. Phải mất hơn 15 phút, cả đoàn xe mới vượt qua được đoạn đường đang thi công. “Bên đó thông xe thì bên này kẹt. Thời gian chờ phía kia sang thì hướng của mình cũng có hàng chục chiếc xe đậu lại chờ đi” - anh Tuấn nói trong bực dọc.
Cứ như thế, trong khoảng thời gian từ 18-20 giờ, 2 người đổi “dích dắc” điều tiết giao thông để đoàn xe đi qua đoạn đường nút thắt. Giao thông tại đây “nóng” lên từng phút khi càng về tối lượng xe càng trở nên đông đúc. Hết giơ gậy, vẫy cờ xéo đến thổi còi liên tục, ông Sơn lả người vì mệt và đói. “Mình như con rối, không ngơi tay được phút nào. Chỉ sợ thời gian kẹt xe càng dài thì không chỉ mình mà ai cũng khổ” - ông Sơn tâm sự.
* Ăn ngủ với nắng, mưa và khói bụi
“Trực chiến” hàng giờ trên đường, những người canh đường ai cũng đen đúa, mồ hôi chảy ướt áo, toàn thân nhuộm đen bởi khói xe, bụi đường. Tất cả họ đều luôn cảnh giác cao độ, bởi lượng xe chạy nhanh và luôn di chuyển đông đúc, gặp những tài xế chạy ẩu thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Anh Đỗ Văn Quang (23 tuổi, người đứng canh xe ở đoạn quốc lộ 1 qua xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cho hay: “Đứng điều tiết giao thông nhưng chúng tôi không có quyền hạn như lực lượng chức năng, nên nhiều tài xế coi thường. Đôi lúc ra tín hiệu cho các xe tạm dừng lại để xe khác đi thì bị tài xế chống đối, tỏ thái độ bực dọc như kiểu mình làm mất thời gian của họ. Thực ra, chúng tôi làm việc này trước hết là có lợi cho các tài xế…”.
Dù nắng hay mưa, người canh xe vẫn có mặt trên đường để canh xe điều tiết giao thông. |
Với anh Quang, công việc của những người canh xe ở các đoạn đường đang được thi công thầm lặng như bao công nhân cầu đường khác. Các chủ thầu thi công đường cử họ ra để đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và trả lương cho họ từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Hàng ngày, những người canh đường có mặt ở các đoạn đường đang thi công từ sớm để điều tiết giao thông và kết thúc công việc khi mật độ xe qua lại trên đường thưa thớt. Công việc vất vả, thậm chí nguy hiểm, nhưng mọi người đều tự hào vì đã góp phần đảm bảo việc đi lại của mọi người được thông suốt.
“Tôi mong người lái xe có ý thức, văn minh và chấp nhận đứng chờ khi mình ra tín hiệu dừng, dù ai cũng muốn đi nhanh, về sớm. Nhiều khi đứng đây thấy xe xếp hàng dài chúng tôi cũng sốt ruột lắm, hễ thấy xe đông là có mặt ngay lập tức, trễ phút nào mệt phút ấy. Ai chả muốn sướng, muốn được ở trong bóng râm mát lúc nắng nóng…” - anh Quang nói thêm.
Những người làm nhiệm vụ canh xe trên những đoạn đường đang thi công tâm sự, khi đoạn đường này thi công xong, họ sẽ chuyển qua địa điểm mới. Ai cũng mong đường hoàn thành sớm để không phải “trực chiến” hàng giờ khi xảy ra kẹt xe. Công sức bỏ ra không nhỏ, nhưng lúc nào họ cũng chỉ hy vọng người đi đường đàng hoàng, lịch sự trong mỗi cử chỉ, lời nói nếu gặp đoạn đường đang sửa chữa, nâng cấp.
Thanh Hải