Bình "râu" - cái tên nhiều kỷ niệm mà dân sinh sống trong khu vực xung quanh rừng đặt cho người sĩ quan đặc công Đặng Thanh Bình, Trạm phó Trạm Kiểm lâm cơ động (Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai).
Bình “râu” - cái tên nhiều kỷ niệm mà dân sinh sống trong khu vực xung quanh rừng đặt cho người sĩ quan đặc công Đặng Thanh Bình, Trạm phó Trạm Kiểm lâm cơ động (Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Ông là khắc tinh của lâm tặc tại những khu rừng già: Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý. Lâm tặc thời đó ngại giáp mặt với ông mỗi khi lén lút vào rừng như ngại gặp phải cọp, voi. Chính vì vậy, lâm tặc treo giá: 5 chỉ vàng y đổi lấy một vành tai của Bình “râu”. Bình “râu” vẫn không vì vậy mà chùn chân.
Ông Đặng Thanh Bình “râu” (trái) đang huấn luyện cho học trò cưng của mình. |
Với kẻ phá cây rừng, tàn sát thú rừng là vậy, nhưng trước mắt chúng tôi, Bình “râu” chẳng đáng sợ như lời đồn, nhất là ông chẳng còn chút râu nào trên khuôn mặt hiền như cục đất, khẩu khí điềm đạm, khiêm nhường, rất đáng yêu. “Bác ấy vừa là người anh, vừa là người thầy dạy võ cho anh em kiểm lâm chúng tôi đó” - kiểm lâm viên Hồ Viết Tâm lên tiếng.
* Đặc công rừng
Tháng 3-1975, theo lời hiệu triệu của Tổ quốc, cậu học trò giỏi võ lớp 10 (hệ 10/10 thời đó) Đặng Thanh Bình tình nguyện nhập ngũ. Đúng như khát vọng tuổi trẻ, Bình được tuyển chọn vào binh chủng đặc công của Sư đoàn 305 (nay là Bộ Tư lệnh Đặc công) và hãnh diện với những năm tháng trui rèn trong gian khổ. Năm 1981, ông tốt nghiệp sĩ quan đặc công với cấp bậc trung úy và được giữ lại đơn vị làm công tác huấn luyện.
Năm 1982, Trung úy đặc công Bình lập gia đình với cô thôn nữ nghèo cùng quê Hà Tĩnh là Bùi Thị Lan. Năm 1985, Thượng úy Bình được đơn vị điều vào Nam giữ nhiệm vụ trợ lý tham mưu chỉ đạo của Trung đoàn đặc công 117 tại tỉnh Sông Bé (cũ). Bà Lan cũng lủi thủi dắt con đầu lòng theo chồng vào Nam và xin làm công nhân lâm nghiệp tại Lâm trường Hiếu Liêm (tỉnh Đồng Nai). Trước cảnh vợ chồng mỗi người một nơi, Thượng úy Bình xin đơn vị cho chuyển công tác về Lâm trường Hiếu Liêm để vợ chồng được đoàn tụ. “Do vợ đau bệnh triền miên nên tôi phải xin chuyển ngành. Để đi đến quyết định đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Đây không phải để một bước lên cao hay tìm sự khá giả cho cá nhân, mà là mong ước của người vợ luôn muốn chồng kề bên mỗi khi cơn sốt rét rừng hành hạ mà chỉ có một mình nơi đất khách” - ông Bình phân trần.
Thầy trò Bình “râu” với tình yêu rừng và tinh thần thượng võ để bảo vệ rừng. |
Năm 1987, dù Hiếu Liêm đã đóng cửa rừng từ lâu nhưng cây rừng, thú rừng vẫn luôn là miếng mồi ngon, là địa bàn hoạt động của lâm tặc. Chính vì vậy, người sĩ quan đặc công Bình khi xin về đầu quân cho Lâm trường Hiếu Liêm đã được lãnh đạo lâm trường tiếp nhận, bổ nhiệm ngay nhiệm vụ Đội phó Đội cơ động - quản lý bảo vệ rừng. Ông Bình tâm sự, rừng Hiếu Liêm tuy khắt nghiệt, công việc bảo vệ rừng luôn xung đột với lợi ích những người muốn tàn phá rừng, tuy vậy với ông, thời tiết dù khắc nghiệt nhưng là lính đặc công vốn dĩ được huấn luyện nhằm tạo sự chịu đựng gian khổ để phục vụ chiến trường nên sốt rét rừng, lâm tặc không thể quật ngã được ông. Cũng vì sự kiên cường đối mặt của ông với lâm tặc trong công tác bảo vệ rừng và những lần so tài (chúng thách đấu võ thuật xem ông có phải là đặc công chính hiệu hay không) nên biệt hiệu Bình “râu” bắt nguồn từ đó. “Ngoài những thế võ đặc thù của lính đặc công, tôi còn tầm sư học đạo thêm các thế võ bí truyền từ võ sư Sáu Na, Hồ Tấn Ba và anh trai Đặng Thanh Tịnh” - ông Bình cho biết.
* Truyền lửa cho đồng đội
Trước sự manh động của những kẻ phá rừng, tàn sát thú rừng ngày càng chuyên nghiệp và có tổ chức, ông Bình được tổ chức giao thêm nhiệm vụ huấn luyện võ thuật cho lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị. Ông Bình cho biết, do lực lượng bảo vệ rừng những năm trước đều là bộ đội phục viên nên công tác huấn luyện võ thuật rất thuận lợi. “Những thế, đòn cận chiến của lính đặc công được tôi chọn lọc, tuyển lựa cho phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của người lính bảo vệ rừng. Chỉ cần 3 tháng huấn luyện theo giáo án riêng, anh em bảo vệ rừng đủ tự tin và sự dũng cảm khi đối mặt với lâm tặc manh động, liều lĩnh. Tôi tự hào là trong suốt thời gian chỉ huy anh em truy quét, mật phục lâm tặc khai thác gỗ, săn bẫy thú rừng trái phép, chưa một lần để bọn lâm tặc ỷ đông tấn công để thoát thân” - ông Bình nói.
Những thế võ đặc công được ứng dụng vào công tác bảo vệ rừng do Bình “râu” biên soạn và huấn luyện. |
Trầm ngâm, ông Bình chỉ tay về hướng những cánh rừng Phú Lý, Hiếu Liêm xanh tốt tỏ bày, rừng Hiếu Liêm thời ấy chứa đầy những tay anh chị, và nhiều đối tượng phức tạp vì cuộc sống khó khăn mà nhắm mắt phá hoại rừng. Khi đụng độ với những đối tượng này, người cán bộ bảo vệ rừng phải đủ tự tin, bản lĩnh khi đối đầu. Đồng thời, khôn khéo kêu gọi họ đầu hàng, tránh đổ máu. “Nếu trên sàn đấu chưa hẳn mình hoàn toàn thắng họ. Tuy vậy, vì chính nghĩa mà người lính làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chúng tôi không e ngại bất cứ đối tượng nào. Nhờ thế, mà lâm tặc treo giải thưởng 5 chỉ vàng y nếu ai đó hạ gục hay cắt một vành tai của Bình “râu” - ông Bình bồi hồi tâm sự.
Trong số 24 kiểm lâm viên theo Bình “râu” luyện võ, nay đã có 8 người được ông chọn làm đồ đệ ruột huấn luyện riêng khi thầy trò bên nhau trong nhiệm vụ giữ rừng. “Tôi cố gắng truyền hết kiến thức võ thuật cho anh em những gì có thể, để anh em làm tốt nhiệm vụ được phân công” - ông Bình tỏ bày. |
Đến khi biết Bình “râu” là lính đặc công thứ thiệt (sau những lần đụng độ và thách đấu cao thấp), lâm tặc chuyển sang mua chuộc nhưng bất thành. Nhờ vậy, rừng Hiếu Liêm dần yên ổn, cán bộ rừng không còn bị lâm tặc đe dọa khi đi một mình ra đường. “Đến năm 2004, Lâm trường Hiếu Liêm sát nhập vào Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai), tôi tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện võ thuật cho các kiểm lâm mới vào nghề theo sự chỉ đạo của ban lãnh đạo khu. Được sự quan tâm của lãnh đạo nên công tác huấn luyện võ thuật cho các kiểm lâm viên rất bài bản. Hiện đã có 24 kiểm lâm viên được huấn luyện xong giai đoạn 1 với các bài thể lực, động tác bổ trợ, tháo gỡ đòn và đối kháng. Sau khi hoàn thành tốt giai đoạn 1, các kiểm lâm sẽ được huấn luyện giai đoạn 2 với các thế đòn hiểm hóc và đối kháng, quyền thuật nâng cao. Từ đó, anh em đủ kiến thức và chuyên môn tập huấn lại cho các thế hệ sau này khi tôi về hưu” - ông Bình tự hào bày tỏ.
Đoàn Phú