Báo Đồng Nai điện tử
En

"Vàng xanh" của rừng

10:05, 10/05/2014

Giữa tháng 4, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi vẫn bắt gặp 4-5 tốp người vào rừng ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) săn tìm trái ươi và bị lực lượng kiểm lâm đuổi ra. Trên những gương mặt khắc khổ ấy biểu lộ sự thất vọng. Trái ươi được ví như "vàng xanh" của rừng nên dù bị cấm, nhiều người dân vẫn liều vào rừng tìm vận may.

Giữa tháng 4, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi vẫn bắt gặp 4-5 tốp người vào rừng ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) săn tìm trái ươi và bị lực lượng kiểm lâm đuổi ra. Trên những gương mặt khắc khổ ấy biểu lộ sự thất vọng. Trái ươi được ví như “vàng xanh” của rừng nên dù bị cấm, nhiều người dân vẫn liều vào rừng tìm vận may.

Khoảng 3-4 năm lại đây, vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa, thương lái Trung Quốc thường đổ sang tìm mua trái ươi với giá 300-500 ngàn đồng/kg. Theo lời đồn thổi, trái ươi chữa được “bách bệnh” nên bỗng dưng trở thành “trái quý” được nhiều người săn lùng.

* Bất chấp nguy hiểm

Hơn 10 giờ sáng 14-4, chúng tôi tập kết tại bìa rừng xã Thanh Sơn để vào rừng “mục sở thị” về cây ươi. Mất gần 2 giờ liền vừa đi xe máy, vừa lội bộ, chúng tôi mới tìm đến được khu đồi đất đỏ do Đội 2 của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà quản lý. Tuy đang trong mùa khô nhưng rừng cây vẫn rậm rạp, mát mẻ, các dây leo đan vào nhau chằng chịt cao lút đầu người. Lẫn trong những đám cây, dây rừng cổ thụ là vài cây ươi thân thẳng đuột, cao từ 30-40m vượt hẳn lên. Thế nhưng, không ít người cả đàn ông lẫn đàn bà vẫn bất chấp nguy hiểm lẻn vào rừng để trèo hái ươi.

Chị T.B. ở ấp 2, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) vừa trèo cây hái ươi xuống.
Chị T.B. ở ấp 2, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) vừa trèo cây hái ươi xuống.

Vừa băng rừng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Định Quán Dương Văn Tài vừa thủ thỉ: “Trước đây ươi rụng đầy rừng chẳng ai quan tâm. Nhưng vài năm gần đây, trái ươi được thương lái Trung Quốc sang gom hàng để làm thuốc nên giá tăng gấp 4-5 lần. Từ đó mới sinh ra chuyện người dân sống ven rừng ùn ùn kéo vào rừng nhặt ươi”. Nhặt ươi phải đợi khi có gió to quả mới rụng, song nếu gặp mưa trái ươi sẽ nở bung, không còn tác dụng nên nhiều người đã liều trèo lên cây, chặt cành xuống để lấy trái. Cũng từ đây tai nạn do hái ươi xảy ra, chuyện trèo cây hái ươi, hoặc lội rừng tìm ươi bị té ngã gãy tay, chân là bình thường. “Mùa ươi năm 2012, 2013, đã có 2 người dân ở huyện Vĩnh Cửu chết vì vào rừng hái ươi” - ông Hà Khắc Sơn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai góp chuyện.

Khi chúng tôi đến khu vực có cây ươi cũng là lúc đồng hồ điểm 12 giờ trưa. Đang loay hoay tìm lối để đến gần một cây ươi, chúng tôi bắt gặp 2 người phụ nữ hái ươi đang thu dọn đồ nghề ra về. Đồ nghề tìm ươi chỉ là một con dao đi rừng, một bó dây thừng và bao gai nhỏ để đựng trái ươi. Thấy tốp người đến trong đó có cả kiểm lâm, công an, 2 phụ nữ tỏ ra lo sợ. Người phụ nữ ngoài 30 tuổi tên T.B. ở ấp 2, xã Thanh Sơn tay giữ chặt bịch ươi trước bụng, giọng mếu máo: “Dì cháu tui chỉ trèo lên hái chứ không dám chặt cành hay đốn cây, mong các anh tha cho dì cháu tui một lần”. Cũng với giọng nghèn nghẹn muốn khóc, chị B. kể, chị mới sinh con được gần 8 tháng, nhà nghèo không mua nổi sữa cho con nên hôm nay bà ngoại qua chơi, chị gửi con cho mẹ lén vào rừng tìm ươi với hy vọng có thể mua nổi hộp sữa cho con. Theo chị B., chỉ những người nghèo khổ mới dám liều vào rừng tìm ươi, bởi lặn lội trong rừng rất nguy hiểm, nếu tìm được cây ươi trèo lên chưa chắc đã có trái để hái. Cây cao chót vót, trơn trượt không có nhánh, cành để trụ chân, chỉ cần sơ sót một chút là rơi xuống, nhẹ thì gãy tay, gãy chân, nặng thì tàn phế cả đời hoặc mất mạng.

 Cây ươi có đặc điểm là cành, lá và quả mọc ngoài ngọn, muốn hái được trái phải leo tuốt đến gần ngọn cây. Ngước nhìn những cây ươi cổ thụ cao trên 30m thân thẳng đứng, gần ngọn đường kính còn khoảng 15 cm, chỉ một cơn gió nhẹ cả ngọn cây chao đảo. Chúng tôi nhìn nhau chợt thấy gai người khi nghĩ đến 2 người phụ nữ kia một khoảng 17-18 tuổi, một ngoài 30 tuổi đang có con nhỏ mới từ ngọn cây tuột xuống

* Tận diệt cây rừng

 Trên đường về, Đội phó Đội 2 Trần Văn Toàn - người dẫn đường trong chuyến hành trình xem ươi của chúng tôi, chia sẻ: “Hai năm nay, cứ vào mùa ươi là lực lượng bảo vệ trong đội phải trực cả ngày lẫn đêm. Ban ngày từ tờ mờ sáng đã chia nhau vào rừng canh những khu vực có cây ươi, nhưng vẫn nơm nớp lo đủ chuyện. Lớp thì lo người dân vào rừng sơ ý vứt tàn thuốc gây cháy rừng, lớp lại lo họ trèo hái ươi bị tai nạn hoặc có người liều lĩnh đốn hạ cây dẫn đến tận diệt cây rừng”. Canh phòng nghiêm ngặt như vậy nhưng vẫn khó cản được việc những cây ươi từ vài chục đến cả trăm tuổi bị đốn cành, hạ gốc.

Lực lượng kiểm lâm vào kiểm tra khu vực rừng có cây ươi.
Lực lượng kiểm lâm vào kiểm tra khu vực rừng có cây ươi.

Mùa ươi kéo dài trong vòng một tháng, từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5. Ngày trước, vào mùa ươi các chủ rừng cũng cho người dân vào rừng lượm ươi chín rụng, nhưng nhiều người dân tận thu món quà của rừng xanh bằng cách chặt cành, đốn gốc để lấy trái được nhiều và nhanh. Thấy cây ươi bị đốn cành, chặt gốc ngày một nhiều, cộng với nguy hiểm, rủi ro cao, tỉnh đã yêu cầu các chủ rừng cấm không cho người dân vào rừng nhặt, hái ươi. Lệnh cấm đã có, nhưng sự hấp dẫn của trái ươi vẫn thu hút nhiều người dân vào rừng tìm ươi. Rừng rộng mênh mông, lực lượng bảo vệ, kiểm lâm canh không xuể.

Khi quay trở ra đến bìa rừng chúng tôi gặp lão nông Nguyễn Văn Tư, ấp 4, xã Thanh Sơn. Biết chúng tôi mới vào rừng để “chiêm ngưỡng” cây ươi, ông hào hứng kể: “Người vào rừng tìm ươi đều là những người nghèo. Những năm trước, chính quyền chưa cấm tôi cũng vào rừng tìm ươi, nhưng vì nhát gan không dám trèo lên ngọn để hái nên cả vụ chỉ nhặt được hơn 1 kg. Mất cả tuần lễ băng rừng tìm ươi chỉ kiếm được 400 ngàn đồng nên năm nay tui bỏ luôn không tìm ươi nữa”. Theo ông Tư, dịp này đang vào mùa thu hoạch xoài, điều... đi làm thuê cho các hộ khác cũng kiếm được hơn 100 ngàn đồng/ngày mà không phải nơm nớp lo kiểm lâm hoặc tai nạn.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà, chia sẻ: “Mấy năm nay, cứ đến mùa ươi công ty lại phải tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tại khu vực đồi đất đỏ từ 5 người lên 11 người. Nhưng khu vực này rộng, kéo dài đến giáp Vườn quốc gia Cát Tiên nên chỉ hạn chế chứ không ngăn hết được nạn chặt cành đốn gốc hái ươi”. Để giữ cây ươi, đơn vị chủ rừng phải cắt cử bảo vệ đến ở luôn chòi canh trong rừng, thay phiên nhau canh giữ. Thế nhưng, rừng tự nhiên hàng chục ngàn hécta, việc quản lý không dễ. Bởi hạt ươi càng có giá thì “cuộc chiến” bảo vệ cây ươi càng khốc liệt. Rừng rộng, lực lượng kiểm lâm có hạn, biết các lối mòn vào rừng đều bị lực lượng kiểm lâm canh gác, nhiều toán người liều lĩnh tự mở đường mới vào rừng tìm ươi.

Theo lời kể của Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Viết Dũng, toàn tỉnh có 3 khu vực có cây ươi là: Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên và khu rừng tự nhiên do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà quản lý. Cây ươi có đặc điểm ra hoa vào đầu tháng 3 và giữa tháng 4 bắt đầu có trái chín. Ươi chín có 2 cánh ở gần cuống trông như chiếc thuyền nhỏ, gặp gió sẽ rụng xuống và thường bay xa cách gốc từ 5-10m. Cây ươi phải trên 10 tuổi mới bắt đầu cho trái. Và khi có trái rồi thường theo chu kỳ 3-4 năm mới được một vụ sai trái.

Ông Hồ Văn Lâm, nhà ngay bìa rừng ở ấp 4, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), người có nhiều kinh nghiệm trong tìm ươi, già chuyện: “Ươi hái xanh thương lái chỉ mua với giá 80 ngàn đồng/kg, còn đem về phơi khô bán được khoảng 300-400 ngàn đồng/kg. Cả vụ may mắn mới kiếm được 1 triệu đồng, nhưng nguy hiểm khó lường”. Và rồi, thấy việc tìm và tận thu trái ươi rủi ro cao, năm nay ông Lâm quyết tâm đoạn tuyệt với nghề tìm ươi.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều