Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình yêu rừng

08:05, 15/05/2014

Mặc cho những lần rừng "động", ông Nguyễn Hữu Đạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) vẫn không hề hấn bởi những kẻ tàn phá rừng đã bị pháp luật nghiêm trị. 37 năm qua, bước chân ông Đạo trải khắp các cánh rừng: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An… để cùng đồng đội ngăn cho rừng không chảy máu.

Mặc cho những lần rừng “động”, ông Nguyễn Hữu Đạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) vẫn không hề hấn bởi những kẻ tàn phá rừng đã bị pháp luật nghiêm trị. 37 năm qua, bước chân ông Đạo trải khắp các cánh rừng: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An… để cùng đồng đội ngăn cho rừng không chảy máu.

* Không thẹn với rừng

Trong cái nóng oi bức của phố thị, chúng tôi rủ nhau về những cánh rừng Mã Đà, Hiếu Liêm… của huyện Vĩnh Cửu để được rừng che mát. Tiếp chúng tôi tại cửa rừng Suối Trầu (Trạm Kiểm lâm Suối Trầu, thuộc Khu bảo tồn), ông Đạo không mời chúng tôi vào văn phòng làm việc, mà dẫn chúng tôi vào rừng trò chuyện. Bởi theo ông Đạo, được chuyện trò trong khung cảnh rộn ràng tiếng chim hót, không khí thanh khiết của rừng thì máy lạnh, quạt trần không thể so sánh được. “Người giữ rừng không để cho những ngày nghỉ lễ, tết làm nao lòng trong quá trình làm nhiệm vụ, vì xung quanh họ đã có cảnh đẹp, muông thú, hoa cỏ bầu bạn” - ông Đạo nói.

Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hữu Đạo (trái) luôn mang trong mình đầy ắp kỷ niệm với những cánh rừng già: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An.
Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hữu Đạo (trái) luôn mang trong mình đầy ắp kỷ niệm với những cánh rừng già: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An.

Năm 1978, ông Đạo gia nhập lực lượng trồng rừng thuộc Lâm trường Mã Đà khi rừng còn là những công trường khai thác gỗ. Đến năm 1982, Lâm trường Mã Đà được tách thành 2 lâm phần Mã Đà và Hiếu Liêm, ông được thăng chức Đội phó Đội Trồng và ươm cây, rồi Phân trường trưởng Lâm trường Hiếu Liêm vào năm 1985. Những năm tháng cùng đơn vị trồng, khoanh nuôi để tái tạo lại màu xanh cho những cánh rừng, bầy muỗi rừng đã truyền vào cơ thể ông những cơn sốt nóng lạnh thất thường.

Mặc những cơn sốt rét vắt kiệt sức người và cám dỗ vật chất của những kẻ phá rừng, ông Đạo vẫn kiên định tình yêu với rừng. “Dù bị những cơn sốt rét rừng hành hạ, tôi và đồng đội vẫn kiên định bám rừng, từng bước tôn tạo thêm màu xanh cho rừng qua từng mùa mưa và bảo vệ cây rừng, chim thú” - ông Đạo khẳng khái bày tỏ với chúng tôi.

Năm 1995, mầm sốt rét rừng trong cơ thể được đào thải, khiến ông Đạo càng mạnh mẽ hơn với nhiệm vụ giữ màu xanh cho rừng. Tình yêu rừng mãnh liệt của ông đã được đơn vị nhìn thấy, rừng xanh bảo bọc qua những đợt rừng “động”. Năm 2004, ông được cất nhắc giữ nhiệm vụ Phân trường trưởng Phân khu Hiếu Liêm (khi các phân trường sáp nhập lại để thành lập Khu bảo tồn). Đến năm 2007, ông được thăng chức Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn. “Tôi chỉ là cậu bé mồ côi không người thân được nhà dòng nuôi dưỡng và cho ăn học. Tuy không có gì để mất, để sợ, nhưng tôi vẫn không cho phép mình hờ hững với nhiệm vụ, lòng luôn nhắc nhở mình không để hổ thẹn với rừng” - ông Đạo tự hào tỏ bày.

* Đùa với “ông” ngà lệch

Qua 37 năm gắn bó với những cánh rừng, bước chân của ông Đạo gần như in dấu đều khắp các cánh rừng nơi đây, khi thì làm nhiệm vụ trồng rừng, lúc đi tuần rừng... Giữ cương vị tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, hay phụ trách các đội cơ động, đội phản ứng nhanh bảo vệ voi rừng…, nhiệm vụ nào ông cũng làm tốt và luôn chất đầy kỷ niệm lẫn tự hào khi nói về nó. “Rừng luôn đầy rẫy hiểm nguy rình rập nếu ta bất cẩn, như: đụng độ với thú dữ, bẫy thú và sự manh động của bọn lâm tặc” - ông nói.

Rồi ông chậm rãi kể, thời kiểm lâm viên còn tuần rừng bằng dép, bôi nước thuốc lào và muối để chống vắt, muỗi rừng, ông đụng phải con heo rừng khi đang cùng đồng đội hì hục mở lối đi. “Lúc ấy, tổ công tác chúng tôi đang triển khai lực lượng tuần tra tại cánh rừng Phú Lý. Đây là cánh rừng lồ ô đã chết với 3 tầng dày đặc vây kín lối đi, được dân kiểm lâm chúng tôi gọi là rừng lồ ô khuy. Khi tôi đang dùng dao rừng mở lối đi thì lọt vào ổ heo rừng. Nghe tiếng động, một con heo rừng nặng hơn một tạ từ ổ phóng ra và nó khựng lại khi cách tôi 4m. May sao nó quay đầu bỏ chạy, chứ nó lao tới thì tôi tiêu, vì lối mòn chỉ được mở rộng hơn gang tay để lách người mà đi, nên không có đường để tránh” - ông Đạo kể lại.

Ông Nguyễn Hữu Đạo (đi đầu) cùng đồng đội tuần tra rừng.
Ông Nguyễn Hữu Đạo (đi đầu) cùng đồng đội tuần tra rừng.

Riêng chuyện ông Đạo nhiều lần chạm trán với “ông” ngà lệch cộc tính những năm gần đây và các chú voi con bị rơi xuống hố nước, giếng hoang của dân nghe như chuyện đùa. Lần đầu tiên ông Đạo chạm trán với “ông” ngà lệch ở nơi cây cầu dây treo thuộc Trạm Kiểm lâm Suối Cốp. Lúc ấy, ông còn lấy mì, mía, muối đưa cho “ông” ngà lệch ăn rồi quay phim lại. Thậm chí, ông còn táo bạo đưa tay cho “ông” ngà lệch “hôn” một cái để làm quen trước khi bỏ đi. “Những lần tiếp xúc với “ông” ngà lệch tôi đều ghi lại hình để báo cáo về cấp trên. Nay “ông” ngà lệch không còn thân thiện bằng lúc trước, nên tôi không dám tiếp xúc gần. Tất cả là do con người, vì con người thiếu thân thiện, gây hấn trước mà ra” - ông Đạo lý giải.

Cũng chính vì vậy, ông Đạo luôn xông xáo với nhiệm vụ Đội phó Đội Phản ứng nhanh bảo tồn voi huyện Vĩnh Cửu, kiêm Tổ trưởng bảo vệ voi xã Phú Lý (tổ 1). Dù đêm hôm khuya khoắt, lúc chập choạng tối, hay khi trời nhá nhem sáng, mỗi khi được người dân thông báo voi rừng xuất hiện gần khu vực dân sinh sống, ông Đạo đều có mặt để ghi lại hình ảnh, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức tránh xung đột với voi rừng, thống kê thiệt hại do voi gây ra. “Thấy voi rơi xuống giếng, hố nước, bà con đến xem rất đông và cùng chúng tôi mở lối thoát nạn cho nó. Vậy mà, khi voi vùng chạy vào rừng, bà con lại hoảng vía, tái mặt vì sợ” - ông Đạo hài hước nhớ lại.

Dứt chuyện “ông” ngà lệch, ông Đạo quay sang kể chuyện ngày lễ, tết ông triển khai lực lượng mật phục triệt phá lâm tặc một thời làm lao xao cánh rừng Mã Đà tiếp giáp với tỉnh Bình Phước. Vụ ấy, đơn vị ông bắt được một đối tượng lâm tặc và thu giữ hàng chục khối gỗ quý giao cơ quan chức năng xử lý. Hôm tòa xét xử, vị chủ tọa phiên tòa đã hỏi ông nguồn tin nào giúp đơn vị ông phát hiện ra vụ phá rừng lớn vào đúng ngày mùng 3 tết.

“Trách nhiệm với công tác, chủ động đấu tranh, bám sát địa bàn và nói không với những con người gây tổn hại rừng… là phương châm giữ rừng của tôi và tôi luôn tự hào về nhiệm vụ bảo vệ rừng của mình” - ông Đạo say sưa nói về nghề, về rừng khi mặt trời chếch về hướng Tây. Rồi ông cùng chúng tôi ăn vội ổ bánh mì mang theo để tiếp tục thưởng ngoạn cái mát của rừng khi ở TP.Biên Hòa còn đang gay gắt nắng.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều